MẶT TRỜI KHÔNG LẶN

NGUYỄN TƯỜNG BÁCH

Trích: Đường Xa Nắng Mới; NXB. Hội Nhà Văn, 2012

TS. Nguyễn Tường Bách

Khoảng đầu những năm 50 của thế kỷ trước, lúc chỉ là một đứa trẻ, tôi được dịp may đi thăm cầu Hiền Lương, lúc đó là ranh giới giữa hai miền Nam-Bắc. Đó là một vùng địa lý đã đi vào tâm thức người Việt với từ “vĩ tuyến 17”. Trong thời kỳ đó, tôi không hiểu “vĩ tuyến” là gì và tại sao nó mang con số 17.

Mãi về sau tôi mới rõ “vĩ tuyến” là trục nằm ngang vô hình chỉ vị trí trong hướng Nam Bắc của địa cầu và độ vĩ tuyến 17 là vết dao chém ngang một nước Việt Nam, vốn có hình thể dọc theo đường Bắc Nam. Độ vĩ tuyến của Thành phố Hồ Chí Minh nằm khoảng thứ 11, của Hà Nội ở con số 21. Một nước cũng có số phận không may bị chia cắt là Triều Tiên, biên giới của hai miền Nam Bắc nằm ở độ vĩ tuyến 38.

Hình như mọi quốc gia đều phát triển theo trục Bắc xuống Nam theo dòng lịch sử. Một giải thích đáng chú ý là do con người theo khí hậu ấm áp mà tập hợp, mọi cuộc di dân đều đi từ Bắc xuống Nam hơn là theo trục Đông Tây. Việt Nam chúng ta là một nước đặc trưng của lối giải thích đó, hình thể của nó kéo dài từ Bắc xuống Nam. Và đó cũng là lý do mà khi cần chia đôi đất nước, các cường quốc thời đó dùng vĩ tuyến 17 làm biên giới. Vĩ tuyến 38 của Triều Tiên có thể xuất phát từ một lý do gần giống Việt Nam, nó nói lên vị trí của cường quốc nào đang chiếm ảnh hưởng trong thời kỳ chiến tranh.

Nước Đức bị chia đôi một thời kỳ nhưng vĩ tuyến không phải là tiêu chuẩn để xác định biên giới. Biên giới nước Đức của một thời đáng quên đó lại nằm theo đường Đông Tây. Lý do giản đơn là do vị trí của các cường quốc nằm áp phía bên Đông và bên Tây của một nước Đức bại trận. Thủ đô Berlin, vốn nằm trên độ vĩ tuyến 52, cũng bị chia đôi thành Đông Berlin và Tây Berlin.

Lịch sử các nước, sự thành bại của các đế chế, những cuộc chiến tranh và nhất là các thời kỳ phân ly dân tộc thường là điều làm tôi chú ý và xúc động. Thế mà không mấy khi tôi quan tâm đến những con số của vĩ tuyến, phải chăng chúng chỉ dành cho những nhà nghiên cứu bản đồ và định vị toàn cầu? Tôi chỉ biết càng lên cao phía Bắc thì số vĩ tuyến càng tăng, nhiệt độ càng lạnh.

Thế nhưng cũng có một ngày, tôi tìm đến một nơi rất xa tận miền Bắc của địa cầu mà dân thường còn có thể đến được. Đó là điểm cực Bắc của nước Na Uy, cũng là cực Bắc của châu Âu, tên của nó là Mũi Bắc (North Cape).

Từ các nước miền Trung châu Âu như Pháp, Đức, Hà Lan đi lên miền Bắc, một lúc nào đó, khách sẽ gặp một trong ba nước Bắc Âu, đó là Phần Lan, Thụy Điển và Na Uy. Ba nước này là một khuôn mặt riêng của châu Âu, một khuôn mặt khác thường. Vì tại các nước này tất cả đều khác lạ với những gì ta từng biết về châu Âu.

Đất mênh mông, vô số hồ, bờ biển kỳ lạ, thưa thớt người. Đó là những đặc tính chung của ba nước Bắc Âu, dù cho giữa ba nước đó cũng có rất nhiều khác biệt, thậm chí đã từng có chiến tranh với nhau trong quá khứ. Cứ đi từ Nam lên Bắc, trong bất kỳ nước nào của ba nước đó, cách Berlin chừng hơn 1.500km, khách sẽ đến một giới tuyến vô hình. Đó là biên giới của một vùng đất kỳ lạ của địa cầu. Trong vùng đất này mặt trời có khi sẽ không lặn, hay có khi sẽ không mọc, trong một thời gian nhất định trong năm.

Vùng mà mặt trời không lặn hay không mọc trong một thời gian nhất định đó được gọi là “Vùng Bắc cực” (Polar region) và biên giới phía Nam của nó là một vòng tròn vô hình mang tên “Vòng Bắc cực” (Arctic circular). Trục trái đất vốn nghiêng chếch so với quỹ đạo của nó quanh mặt trời nên trong mùa hè, vùng Bắc cực hướng thẳng vào mặt trời, tạo ra một vùng đất đặc biệt, trong đó mặt trời không lặn xuống chân trời. Ban tối mặt trời có hạ thấp, nhưng chưa kịp đến chân trời nó đã vội vươn lên, như con chim sợ nước. Vì trái đất hình cầu nên vùng Bắc cực là một hình tròn mà biên giới của nó là một vòng tròn. Vòng tròn đó chính là Vòng Bắc cực, một vòng tròn kỳ lạ mà nhiều người trên thế gian này muốn chạm đến và vượt qua để vào Vùng Bắc cực, để tắm mình trong một vùng đầy nắng hay luôn luôn tối om, tùy mùa.

Vùng Bắc cực là một diện tích hình tròn rộng chừng 26 triệu ki-lô-mét vuông. Nó chứa Bắc cực ngay trung tâm, một nơi mà chỉ có các nhà khoa học hay nhà thám hiểm mới bước chân đến. Còn vòng Bắc cực có chu vi khoảng 1.500km, chạy qua các nước nằm ở phía Bắc địa cầu như Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan, Nga, Canada… Độ vĩ tuyến chính xác của nó là 66°33’44’’.

Máy bay chúng tôi hạ cánh tại thành phố Rovaniemi của Phần Lan, cách vòng Bắc cực vỏn vẹn 2km. Muốn thấy cảnh mặt trời không lặn, người ta phải lựa những tháng hè gần với ngày dài nhất trong năm, đó là ngày 21.6 của mỗi năm.

Rovaniemi là nơi đón tiếp rất nhiều du khách đến thăm vùng Bắc cực. Tại đúng vòng Bắc cực, khách sẽ thấy hiện ra một khu vực du lịch vô cùng to lớn. Đường biên giới vô hình của vòng Bắc cực giờ đây được sơn trắng mà khi khách bước qua sẽ được uống một ly rượu chào mừng. Khách sẽ thấy mình đang lên chóp đỉnh của địa cầu với một mặt trời vận động hoàn toàn khác trước.

Thực vậy, trong vùng Bắc cực, dù là ở nước nào trong ba nước Bắc Âu hay ở Nga, Canada, khách sẽ quan sát thấy một điều, nơi đây con người sống rất thưa thớt. Một lý do quan trọng là tại đây thường rất lạnh, nhiều gió bão. Trong mùa hè tuy nơi đây mặt trời chiếu liên tục nhưng nhiệt độ thường không quá 15°C. Mùa đông mới là trở ngại lớn nhất cho đời sống của con người, vì ngược lại, mặt trời không mọc suốt vài tháng và nhiệt độ xuống -45°C là bình thường. Vùng cực Bắc hay cực Nam của trái đất là nơi thời tiết thay đổi nhanh hơn chong chóng và gió thường cực mạnh.

Tôi phải còn nếm mùi gió mạnh, điều mà lúc đi qua vòng Bắc cực tại Rovaniemi, khi uống chút rượu mừng, khi nhiệt độ mùa hè tại đó còn dễ chịu, tôi chưa hề biết. Những ai đã vượt qua đường tròn màu trắng này còn phải đi năm độ vĩ tuyến nữa, ngược lên phía Bắc cực để đến chóp đỉnh cuối cùng của lục địa, để có cái cảm giác cùng tột của “cùng trời cuối đất”.

Chóp đỉnh đó chính là Mũi Bắc, một đỉnh đá cheo leo cao chừng 300m so với mặt biển, nằm trên lãnh thổ Na Uy. Tại Mũi Bắc mặt trời sẽ không lặn từ ngày 14.5 đến ngày 31.7 mỗi năm. Nửa đêm, mặt trời hạ xuống gần chân trời sau đó “mọc” lên lại. Vị trí thấp nhất đó của mặt trời được gọi là “mặt trời nửa đêm” (midnight sun) và là một trong những cảnh tượng thiên nhiên được ghi hình nhiều nhất trên thế giới.

Từ Rovaniemi xe còn phải chạy xuyên qua Phần Lan, Thụy Điển. Từ đó khách còn phải men theo bờ biển Na Uy, băng qua vô số những eo biển tuyệt đẹp mà người Bắc Âu gọi là Fjord. Nhưng đường đi gần cả ngàn cây số này không hề chán vì phong cảnh nơi đây tuyệt đẹp, với núi, với hồ, với biển và rất ít dấu chân người.

Cuối cùng, đến gần Mũi Bắc, tại làng Skarsvag, chỉ cách hơn chục cây số, khách dừng lại để thăm một nghệ nhân. Làng Skarsvag chỉ có vỏn vẹn 78 con người nhưng lại có một khách sạn khá tươm tất cho những ai sẽ đến viếng Mũi Bắc.

Chúng tôi đến làng buổi chiều, bầu trời không mấy xanh mà bắt đầu có sương mù. Nơi chân mây cuối trời này có một nữ nghệ nhân, Eva Schmutterer, người Đức, bà sống ở đây từ 15 năm qua. Bà vừa là nhà văn vừa là họa sĩ. Gặp chúng tôi, Eva cầm trong tay sáu, bảy bức tranh do chính mình vẽ, bà miêu tả lòng mình và cảnh vật trong những mùa xuân hạ thu đông.

“Mùa xuân, sau mấy tháng hoàn toàn vắng bóng, mặt trời chớm hiện giữa những ngọn núi. Nó hiện ra đỏ rực, ở lại một hai tiếng đồng hồ rồi lặn mất. Nhà tôi bị núi che, tôi không giữ nổi lòng kiên nhẫn, phải lấy xe ra đồng vắng để ngắm. Mặt trời khi đó thật là thần thánh”. Bà chỉ một bức tranh với mặt trời đỏ rực. “Mùa hè chúng tôi say sưa trong ánh nắng và hơi ấm. Hoa lá mọc nhanh không thể tưởng tượng, hầu như chúng cũng biết thời gian của chúng có hạn. Biển xanh biếc và mây trong veo”.

“Mới qua tháng Tám đã là mùa thu, nhiều nơi đã có tuyết. Lá úa rất nhanh, mang sắc vàng sắc đỏ. Lúc đó cảnh vật là một bữa tiệc của sắc màu. Lá vàng nổi bật trên màu biển xanh. Hồ trên núi lộng lẫy trong một chiếc áo sặc sỡ của sắc màu”. Khách trầm trồ về các bức tranh của bà. “Mùa đông, vâng, các bạn sẽ ngạc nhiên. Đầu đông, tuy mặt trời biến mất nhưng cảnh vật không tối hẳn. Vũ trụ được phủ trong một sắc xanh đậm, trong suốt, một màu xanh kỳ lạ chỉ có trong vùng Bắc cực vào đầu mùa đông”. Thì ra đầu đông trời không tối hẳn mà có một màu xanh đậm huyền bí, khách nghe vô cùng ngạc nhiên.

“Và đến những ngày mà mặt trời không hề xuất hiện, suốt hai tháng rưỡi bóng đêm bao phủ. Lúc đó chỉ có ánh sáng của trăng, của sao, và… của Bắc cực quang”.

“Bắc cực quang?”, “Vâng, Bắc cực quang! Nó có màu lục sáng, có khi màu vàng, rào rạt bay nhanh trong không gian như những luồng gió mang ánh sáng”.

Đúng, nó chính là “gió mặt trời”, tức là khi những hạt điện tử mang nhiều ion thổi đến trái đất, bị hút bởi từ trường ở hai đầu Nam Bắc của địa cầu. Trong bóng tối nó hiện lên thành ánh sáng. Bắc cực quang chỉ xuất hiện trong mùa đông, trong mùa mà mặt trời không hề mọc.

Trong vũ trụ thì ánh sáng và âm thanh là cơ bản, các hạt vật chất chỉ là dấu vết của chúng trên mặt vật chất. Như bàn chân để dấu chân trên cát. Đừng lầm lẫn và cho rằng dấu chân sinh ra bàn chân.

Hay chúng là áo của các nàng Không hành nữ Dakini, tôi lẩm bẩm và nhớ đến chuyến đi sắp tới của mình. “Mùa đông cũng là mùa gió mạnh và tuyết rơi dày, có khi hai mét tuyết. Khi xe dọn tuyết chạy qua, chúng tôi lại lấy xe riêng chạy theo nó để ra phố mua đồ, vì không bao lâu sau đó, tuyết lại dày. Cả làng mấy chục chiếc xe kéo nhau theo xe dọn tuyết một đoàn, người trước coi chừng người sau”.

Khách toàn là dân châu Âu nhưng ai nghe qua cũng sững sờ cho đời sống lạ lùng. “Khi tuyết đổ cũng là lúc gió lớn, nhưng nhà chúng tôi có niền sắt siết nóc với nền. Và khi đó cũng là lúc hay cúp điện, nhà nào cũng dự trữ thức ăn và đèn sáp”.

Niền sắt siết chặt nóc với nền nhà là kiến trúc đặc biệt của vùng có nhiều bão, miền Trung châu Âu không hề có. Nhưng Eva cười vui, tiếng cười của bà cho thấy dân làng này quen một đời sống thảnh thơi, buông mình trong thiên nhiên và không có cái vội vã của người đô thị.

Chỉ trong mùa đông thôi ư, chỉ mùa đông tôi mới ngắm được Bắc cực quang. Tiếc thay tôi đang ở giữa mùa hè, vào một ngày 27.7, chỉ còn hai ngày để kịp ngắm mặt trời nửa đêm. Tôi lại lên miền Bắc cực này vào mùa đông hay sao?

Bây giờ tôi mới rõ, ngược với điều tôi tiên liệu, du khách đến Bắc cực trong mùa đông nhiều hơn mùa hè. Giá khách sạn mùa đông cao hơn mùa hè, điều mà bây giờ tôi mới giải thích được. Đặc biệt du khách châu Á rất thích đến đây mùa đông. Vì sao vậy? Có lẽ vì Bắc cực quang chăng? Nhưng cũng có thể vì châu Á có quá nhiều mặt trời, dân châu Á chưa ai tưởng tượng một thế giới toàn ban đêm cả thì sẽ như thế nào. Nhưng lên đây mùa đông thì làm sao ngắm thiên nhiên cảnh vật, chỉ ngắm Bắc cực quang thôi sao?

Chúng tôi lên xe đi Mũi Bắc, đúng ngay giờ ban khuya này để ngắm mặt trời nửa đêm. Từ làng Skarsvag đến Mũi Bắc chỉ là một đoạn ngắn mươi cây số, nhưng càng đi sương mù càng dày đặc. Nhìn cảnh vật bên ngoài, ngồi trong xe tôi biết gió đang mạnh. Gió sẽ thổi tan sương mù cho tôi ngắm mặt trời nửa đêm?

Chóp đỉnh Mũi Bắc, từ xa đèn chiếu le lói. Chúng tôi không phải là người duy nhất trong một buổi tối nhiều sương. Kim đồng hồ chỉ 22 giờ và người thì đông như hội. Các ngôn ngữ khác nhau vang quanh tôi, thanh niên thiếu nữ vai mang ba lô ngồi chật trong sảnh. Tất cả đợi nửa đêm và đợi sương tan.

Ngoài kia, hướng biển, xa xa là mô hình địa cầu dựng trên chóp đỉnh. Đó là Mũi Bắc, điểm cùng trời cuối đất của lục địa, nơi chân mây cuối trời của xã hội. Mũi Bắc tuy đã được khai phá từ năm 1555, nhưng du khách bình thường chỉ đến đây được một cách dễ dàng từ 1995. Na Uy phải đào cả một đường hầm dài 6km, nằm dưới mặt nước biển với độ sâu 212m mới đưa khách đến đây được, để họ biết thế nào là mặt trời nửa đêm tại chỗ gần Bắc cực nhất của địa cầu.

Mũi Bắc (North Cape)

Tại chóp đỉnh này gió thổi mạnh làm chúng tôi suýt ngã. Trên trời màn sương vẫn dày. Có một chỗ sáng hơn hẳn, đó chính là mặt trời. Mặt trời không lặn nhưng đang ẩn sau màn sương. Gió mạnh và thời tiết lạnh chừng 7°C trong một ngày mùa hè làm nhiều người rút lui ngồi bên cửa kính nhìn ra, họ trông mong mặt trời rực rỡ sẽ hiện. Chỗ đứng này của tôi có độ vĩ tuyến chính xác là 71°10’21”, cách Bắc cực chừng 2.100km, cách vòng Bắc cực 520km.

Trong sảnh một phiến đá đặc biệt được trình bày cho khách tham quan. Đó là phiến đá do nhà vua Thái Lan và tùy tùng khắc để ghi nhớ chuyến đi thăm Bắc cực của ông vào năm 1907. Một nhà vua châu Á đã từng đến Mũi Bắc cách đây hơn 100 năm ư? Cũng có những nhà vua châu Á khác không bao giờ rời ngai vàng đi đâu cả và tưởng mình biết mọi chuyện trên đời.

Trong thời gian một trăm năm qua, biết bao biến động đã diễn ra trên thế giới, nhiều cuộc chiến cũng đã xảy ra mọi nơi trên địa cầu. Ngay tại miền Bắc cực với Mũi Bắc vắng vẻ này cũng không hề có ngoại lệ. Trong thế chiến thứ hai, năm 1943 một chiến hạm của Đức bị đánh đắm ngay tại nơi này. Tôi cố nhìn qua màn sương dày đặc và tưởng tượng cuộc hải chiến.

Đồng hồ điểm nửa đêm. Sương vẫn còn. Khuôn mặt của du khách trong sảnh có chút thất vọng. Nếu sương tan có lẽ khách sẽ thấy mặt trời đã xuống cách mặt nước biển chừng vài “cây sào” và sẽ vươn lên lại.

Không thể chờ sương mù lâu hơn chúng tôi ra xe về khách sạn. Cũng như lần đi núi lửa Etna tại Sicilia, có thể khi mình xuống núi sương sẽ tan, tôi tự nhủ. Quả nhiên khi gần đến làng Skarsvag, sương bắt đầu tan. Trên cao xuất hiện một khoảng trời xanh, xung quanh có mây viền vàng. Mặt trời le lói tỏa tia sáng. Đồng hồ chỉ một giờ. Vui thay cho những ai còn ở lại trong sảnh trên Mũi Bắc.

Trở lại làng Skarsvag, xe đi qua nhà Eva, chắc bây giờ bà đang ngủ say mặc dù ánh sáng đang chiếu khắp nơi và càng lúc càng mạnh. Bây giờ là cuối hè, không rõ bà đang mơ hè sẽ dài thêm hay mùa đông nên sớm đến. Cả hè hay đông, Bắc cực đều có cái mê hoặc của nó.

Vì mi lấy trái đất làm chuẩn nên mới thấy mặt trời có lặn có mọc. Thực ra mặt trời không bao giờ mọc hay lặn, nó luôn luôn có. Cũng thế, vì mi lấy thân vật chất làm tiêu chuẩn nên thấy có sống có chết. Cái Biết không bao giờ sống hay chết, nó luôn luôn có. Mi chưa từng có cái Không Biết.

Tôi đi ngủ khi trời sắp sáng hẳn.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. THEO BƯỚC LIÊN HOA SINH
  2. ĐIỆU VŨ PHI THƯỜNG

Bài viết mới

  1. CHINH PHỤC MỤC TIÊU
  2. CHÁNH NIỆM
  3. BỚT SỢ HÃI