SHIN DOHYEON & YUN NARU
Trích: Sức Mạnh Của Ngôn Từ; V-BTS Vietnamese Fanpage dịch; NXB. Thanh Niên
Muốn có được cảm tình của đối phương, trước tiên phải mở lòng mình ra.
Muốn nhận lại, hãy cho đi.
Đó gọi là trí tuệ bí mật: Lấy nhu thắng cương.
– Lão Tử
Hội thoại là sự kết hợp giữa nói và nghe. Thông thường, tôi nghĩ rằng phải nói chuyện thật tốt nhưng lắng nghe tốt còn quan trọng hơn. Trừ trường hợp đặc biệt như phỏng vấn, “hoa khôi” của hội thoại chính là lắng nghe. Chủ yếu, những người lắng nghe tốt nằm giữ trọng tâm của mối quan hệ.
Hình tượng tôi muốn trở thành là người giỏi nói chuyện, nhưng nghĩ kỹ thì đối tượng mà tôi muốn gặp là người biết lắng nghe tôi.
Vì ai cũng thích nói hơn là nghe nên trong lĩnh vực marketing, muốn thành công phải nắm bắt được nhu cầu của người tiêu dùng. Khi trò chuyện cũng vậy, người nắm bắt được nhu cầu nói của đối phương sẽ thu hút được sự chú ý.
Những gì Lão Tử nói không phải chân lý mà là chiến lược. Nếu bạn muốn có được trái tim của đối phương bạn nên mở lòng mình ra trước. Bạn nên bày tỏ sự quan tâm và khiến đối phương cảm thấy thoải mái, ấm áp để họ có thể thổ lộ tâm tình. Điều đó nghĩa là bạn đã bắt đầu bước vào trái tim của đối phương.
Muốn nhận lại, trước tiên phải cho đi. Biết lắng nghe thì mới có được lời nói và trái tim của đối phương. Họ sẽ nói nhiều như bạn lắng nghe. Bạn chuyên tâm, họ sẽ thực lòng trò chuyện với bạn. Bạn chân thành lắng nghe, đối phương sẽ chân thành trò chuyện.
Lắng nghe chiến thắng nói năng và người nghe có được cảm tình chứ không phải người nói. Giỏi nói năng để chiếm được cảm tình của đối phương là “cương” biết lắng nghe để đối phương mở lòng là “nhu” Lựa chọn chiến thuật “nhu” trong một thế giới cạnh tranh của chiến thuật “cương” chính là “tấn công vào khe hở” Nói như Lão Tử thì đó là “trí tuệ bí mật”.