NỀN TẢNG (PHẬT TÁNH – BẢN TÁNH CỦA TÂM) KHÔNG DO NHÂN DUYÊN

HE. GARCHEN RINPOCHE VIII

Trích từ “LỜI NGUYỆN CỦA TÁNH GIÁC PHỔ HIỀN NHƯ LAI" HE. GARCHEN RINPOCHE VIII bình giảng Từ Hoá Hoàng Lan dịch Việt NXB. Thiện Tri Thức, 2021. Photo: NatGeo

—o0o—

Bản văn chính: “Ta, Phật Phổ Hiền, đã thấy biết sự thật của Nền Tảng này, không có nhân và duyên, đó chính là Tánh Giác tự sanh khởi không gì khác này.”

Garchen Rinpoche bình giảng: Sự thật của Nền tảng này là không có nguyên nhân và điều kiện (duyên). Phật Phổ Hiền, Nền tảng, căn bản của tâm không bao giờ được tạo ra từ các nguyên nhân nên nó không sanh khởi từ nguyên nhân, do đó, không thể bị phá hủy bởi bất kỳ điều kiện nào, giống như không gian. Không gian không bao giờ sanh khởi từ bất kỳ nguyên nhân nào và nó không thể bị phá hủy bởi bất kỳ điều kiện nào. Ở đây, cái không sanh khởi và không thể bị huỷ diệt được gọi là “tánh giác tự sanh khởi”. Tánh giác tự sanh khởi này, tự nó hiện hữu một cách tự nhiên mà không cần dựa vào các nguyên nhân và điều kiện. Vì vậy, bản tánh của tánh giác tự sanh khởi này là trống không như không gian bởi vì nó không sanh khởi từ các nguyên nhân và không thể bị huỷ diệt bởi các điều kiện. Tuy nhiên, nó không chỉ là trống không, không có gì, mà còn có một yếu tố hiểu biết trong nó. Đó là, tánh giác tự sanh khởi này – với việc tự sinh ở đây đề cập đến bản tánh trống không giống như không gian, và tánh giác ở đây đề cập đến phương diện biết của bản tánh này. Nó là không hai (bất nhị) trong không gian rộng lớn, tự nhiên hiện hữu nhưng đồng thời cũng rõ biết. Khoảnh khắc bạn nhìn vào bản tánh này, có một năng lực rõ biết mọi thứ. Mọi thứ mà chúng ta nói đến ở đây là về tâm. Vì vậy, khi bạn nghe các hướng dẫn, bạn cần áp dụng chúng vào tâm của bạn, hãy hướng vào trong và quan sát tâm của chính bạn. Chúng ta không thể hiểu nó bằng cách phóng chiếu ra bên ngoài và nghiên cứu các điều kiện bên ngoài, thế giới bên ngoài. Bởi vì nếu như vậy, bạn sẽ không thể hiểu bất cứ điều gì.

Đây thực sự là về bản tánh của tâm của chính mình. Khi bạn nhìn vào tâm của chính mình, nó không sanh khởi từ các nguyên nhân, vì vậy, nó không bao giờ được sanh ra hoặc tạo dựng. Nhưng, như thế thì nó ở đâu? Bạn có thể nghĩ rằng nó không ở đâu cả, nó không hiện hữu, nó không có ở đó. Nhưng, bấy giờ, có cái thức này rõ biết, cái nghĩ rằng tôi không thể tìm thấy nó, nó không có ở đó. Có một tâm tỉnh táo sáng tỏ biết rằng nó không thể được tìm thấy. Vì vậy, chúng ta không thể nói rằng không có gì cả. Cái nghĩ rằng mình không thể tìm thấy nó, nó hiện hữu hay không hiện hữu, nó không có ở đó và vân vân … là cái mà chúng ta cần nhìn vào. Có cái tâm hiểu biết sáng tỏ này, cái thức sáng tỏ biết rằng không có gì ở đó. Đây là phẩm tính của tánh giác. Nó biết rằng nó tự sanh khởi giống như không gian. Đó là cái mà chúng ta cần nhìn vào. Tâm có thức sáng tỏ này luôn luôn ở đó. Đúng là bình thường chúng ta không nhìn vào nó. Chúng ta không nhận thấy sự hiện diện của nó, nhưng nó thực sự luôn ở đó. Thông thường nó được phóng chiếu ra bên ngoài. Tánh giác này, tâm này là tâm của tất cả chúng sanh trong ba cõi (dục giới, sắc giới và vô sắc giới) trong sanh tử. Không có chúng sanh nào không có tánh giác rigpa này. Họ có tâm này và do đó, họ có tánh giác này và họ biết mọi thứ. Tuy nhiên, mặc dù tất cả chúng sanh đều có tánh giác, tánh giác này biến thành nhận thức về “cái “Tôi”” và mọi thứ đều xoay quanh cái “Tôi”. Mọi thứ, theo cách nào đó đều liên quan đến tôi, đây là những thứ của tôi, con của tôi, vợ/chồng của tôi, vân vân …, tất cả những thứ mà chúng ta sở hữu và làm chủ. Tánh giác này thấm đẫm trong tất cả những thứ xung quanh chúng ta, những thứ mà chúng ta sở hữu hoặc đồng nhất với. Đó là những gì chúng ta nhận biết được. Chúng ta biết những thứ mà chúng ta tự cho là của mình. Nhưng rồi chúng ta không bao giờ thực sự thấy biết tánh giác rigpa này, cái người biết rằng nó là của tôi; cái người nắm quyền sở hữu những thứ đó hoặc đồng nhất với những thứ đó. Chúng ta thực sự không bao giờ nhìn vào cái đó. Không nhìn vào cái đó là không tỉnh biết hoặc vô minh. Trong bối cảnh vô minh đó, chúng ta gọi tâm này là thức lý trí phân biệt. Milarepa nói: “Trong bối cảnh là một chúng sanh, chúng ta nói nó là thức lý trí phân biệt hướng ra bên ngoài. Nếu chúng ta biết bản tánh của thức này, thì nó chính là trí huệ. “Khi chúng ta phóng chiếu ra bên ngoài, thức này phân biệt các đối tượng, được gọi là thức lý trí phân biệt. Nhưng khi nó hướng vào trong, nó nhìn vào chính nó; thì nó được gọi là trí huệ. Khi tánh giác nhìn thấy khuôn mặt của chính nó (giống như nhìn thấy khuôn mặt của chính bạn), tức là khi bạn nhìn thấy chính mình, đó là cái mà chúng ta gọi là trí huệ vốn sẵn. Vì vậy, Milarepa, người đã chứng ngộ cái thấy này, đã nói: “Tôi không thấy thức bình thường hay duy lý, tôi chỉ thấy trí huệ vốn sẵn. Không thực sự có thức lý trí phân biệt, chỉ có trí huệ.” Có nói rằng: “Trong không gian của trí huệ vốn sẵn, tất cả các vị Phật đều là một.” Đó là phẩm tính của trí huệ vốn sẵn ở cấp độ tối thượng, phẩm tính của “tánh giác tự sanh khởi” này. Bất cứ khi nào bạn nhìn thấy chân tâm tánh giác bên trong mình, bạn có thể gọi đó là tánh giác rigpa. Bản tánh của nó là sáng tỏ và trống không. Bất cứ ai nhìn thấy nó, đó được gọi là trí huệ vốn sẵn hay tánh giác rigpa. Ai không biết về nó, ai không nhìn thấy nó, một người như vậy được gọi là vô minh, sau đó, chúng ta xem tâm ấy như thức lý trí phân biệt. Nhưng nó chính là phẩm tánh ấy của tâm, bản tâm mà từ nơi đó, Đức Phật sanh khởi. Khi bạn nghe những lời này, bạn thực sự cần nhìn vào bên trong tâm của chính mình và áp dụng điều này vào tâm của chính mình. Vì bạn đã đến đây và chịu đựng nhiều khó khăn để nhận được những chỉ dẫn này, bạn phải thực sự hướng vào trong và xem điều đó thực sự là như thế nào trong tâm của bạn. Từ phương diện của lý luận logic và kinh điển, đó được gọi là cái thấy của Madhyamaka hoặc Trung đạo. Tuy nhiên, điều được giải thích ở đây thực sự đã hoàn hảo, trọn vẹn trong vô số kinh điển và luận của Trung Đạo – Madhyamaka và qua nhiều năm nghiên cứu và nhiều giải thích. Nhưng nó cũng được giải thích trong dòng thực hành của những ban phước – trong hệ thống Cựu Mật, nó được gọi là Đại Toàn Thiện – Dzogchen hoặc trong hệ thống Tân Mật là Đại Ấn – Mahamudra. Nhưng tất cả đều cùng là một thứ. Jigten Sumgön nói rằng nó giống như việc đặt ba cái tên khác nhau cho một người. Thực ra nó không thể được đặt một cái tên, nó không thể được gọi là gì cả. Nó không có tên. Do đó, Jigten Sumgön nói: “Không bị ảnh hưởng bởi ba thứ vĩ đại (ba cái thấy của Trung Đạo – Madhyamaka, Đại Toàn Thiện – Dzogchen và Đại Ấn – Mahamudra) là sự chứng ngộ tối thượng.” Không bị ảnh hưởng có nghĩa là nó không thể được gọi tên.

Trong phần mở đầu Lời Nguyện của Tánh Giác Phổ Hiền Như Lai này có nói rằng có một Nền tảng duy nhất, một căn bản duy nhất; không có phân biệt và nền tảng duy nhất ấy là trí huệ vốn sẵn. Một khi có tri giác nhị nguyên phân biệt, nó trở thành sanh tử. Nền tảng duy nhất này được gọi là Trung Đạo – Madhyamaka hoặc Đại Toàn Thiện – Dzogchen hoặc Đại Ấn – Mahamudra. Nhưng tất cả đều quy về cùng một nền tảng duy nhất. Để nhận biết tánh giác hay rigpa, trước hết, chúng ta cần nhận biết thức lý trí phân biệt của mình. Chúng ta cần quan sát cái người, ví dụ như đang ăn thức ăn này và sau đó, gọi nó là ngon hoặc không ngon hoặc người luôn dán nhãn mọi thứ là tốt hay xấu. Như vậy, đó là cái người đang tham gia vào tất cả các hoạt động này, bao gồm cả việc dán nhãn, ngay cả những việc nhỏ nhất hoặc ngay cả khi bạn không làm gì cả. Bạn đang suy nghĩ, người có tất cả những tư tưởng đó, lập kế hoạch như “tôi sẽ làm điều này”, “tôi sẽ không làm điều đó” và vân vân… Như vậy, đó là cái người đang làm tất cả những điều này. Đó là cái người đang làm mọi thứ trong sanh tử và niết bàn. Người đó là tánh giác rigpa. Đầu tiên, chúng ta cần nhận ra cái người đang tham gia vào tất cả các hoạt động đó. Để nhận biết rigpa, trước tiên, chúng ta cần nhận ra cái “Tôi”. Trong quá khứ, có một đệ tử mới bắt đầu thực hành thỉnh cầu vị đạo sư của mình ban cho các hướng dẫn chỉ thẳng bản tánh của tâm. Vị lạt ma đó đã nói với anh ta: “Đầu tiên, con cần phải tìm thấy cái “Tôi”, chỉ khi con có thể tìm thấy cái “Tôi”, ta mới có thể chỉ dẫn cho con.” Người đệ tử này đã nghiên tầm cả ngày lẫn đêm và cố gắng tìm kiếm cái “Tôi” nhưng không thể tìm thấy. Buổi sáng, người ấy trở lại gặp đạo sư. Vị đạo sư hỏi: “cái “Tôi” ở đâu? Con đã tìm thấy nó chưa?” Người đệ tử trả lời: “Con đã tìm kiếm khắp nơi nhưng con không thể tìm thấy cái “Tôi”.” Vị đạo sư nói, “Vậy con đang làm gì ở đây? Tại sao con lại đến đây?” Người đệ tử trả lời: “Con đến đây để nhận các giáo lý Phật Pháp.” Vị đạo sư nói: “Đấy, nó ở đấy. “Tôi ở đây để nghe giảng Pháp”, như vậy, cái “Tôi” ấy không thể được thấy, nhưng nó đang làm mọi việc. Cái người nghĩ rằng “tôi là”, cái người nghĩ rằng có một cái “Tôi” đang lắng nghe các giáo lý Phật pháp, đó là cái “Tôi” đang tham gia vào tất cả các hoạt động trong sanh tử và niết bàn. Nó đang làm tất cả những thứ khác nhau. Tôi đến đây để thọ nhận giáo lý. Chúng ta nghĩ rằng có một cái “Tôi” đến để nhận giáo lý, một cái “Tôi” thực hành Pháp và vân vân… Đây là cách đầu tiên chúng ta nhận ra cái “Tôi”. Cái “Tôi” mà chúng ta cần thấy là cái đang nghĩ “Tôi đang làm tất cả những điều này. Tôi đang đi đến đây, đến kia”, như vậy, cái người đang nghĩ đó là cái người mà chúng ta cần nhận biết, cái người đang làm đủ mọi thứ. Do đó, hãy nhìn vào cái người đang tham gia vào các hoạt động khác nhau, điều đó cũng giống như nhìn thấy khuôn mặt của chính mình, nhìn thấy chính mình. Như vậy, đó là một trong những phương pháp để nhận biết tánh giác theo giáo huấn dẫn nhập mà người đệ tử mới bắt đầu này nhận được từ đạo sư của mình.

—o0o—

 

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. KHAI THỊ SỐ 13: CHUẨN BỊ CHO CÁI CHẾT
  2. SÂN GIẬN
  3. NHỮNG HÌNH THỨC BIỂU HIỆN CỦA TÌNH YÊU

Bài viết mới

  1. ÁP DỤNG QUY LUẬT NỖ LỰC TỐI THIỂU
  2. ĐẠT ĐƯỢC NHIỀU HƠN CHỈ VỚI NỖ LỰC TỐI THIỂU
  3. THỰC HÀNH BỒ ĐỀ TÂM