NẾU BẠN SỐNG MÀ KHÔNG TỈNH THỨC THÌ CŨNG NHƯ BẠN CHẾT RỒI VẬY

HT. THÍCH NHẤT HẠNH

Trích: Không Sinh Không Diệt Đừng Sợ Hãi; Người dịch: Chân Huyền; NXB Hội Nhà Văn, cty sách Saigon Book

Tái biểu hiện

Trong bản môn (bình diện tuyệt đối), chúng ta chưa bao giờ sinh ra và cũng chưa từng bị diệt đi. Trong tích môn (bình diện tương đối), chúng ta sống trong thất niệm và hiếm khi chúng ta biết sống thật sự. Chúng ta sống như người chết.

Trong cuốn tiểu thuyết Kẻ Lạ (Stranger) của Albert Camus, nhân vật chính trong cơn tuyệt vọng và giận dữ đã bắn chết một người. Anh ta bị kết án tử hình vì tội đó. Một ngày nằm trên giường trong phòng giam, anh nhìn lên ô vuông có lắp kính trên trần. Bỗng nhiên anh ta có sự tỉnh thức và tiếp xúc được một cách sâu xa với bầu trời xanh phía trên. Anh chưa bao giờ nhìn trời như thế cả. Albert Camus gọi đó là giây phút lương tri, tức là giây phút tỉnh thức, có chánh niệm. Đối với người tử tù, đó là lần đầu tiên anh ta tiếp xúc được với bầu trời và thấy rõ sự mầu nhiệm.

Từ lúc đó, anh muốn duy trì tình trạng tỉnh thức sáng láng ấy. Anh ta tin rằng đó là loại năng lượng duy nhất có thể giúp anh sống còn.

Anh chỉ còn ba ngày trước khi bị hành hình. Anh ta thực tập một mình trong tù để duy trì sự tỉnh thức, giữ cho chánh niệm sinh động. Anh mong ước sẽ sống từng giây phút còn lại một cách tròn đầy và tỉnh thức. Ngày cuối cùng, một linh mục tới thăm anh để làm nghi lễ lần chót cho anh. Người tù không muốn mất thì giờ và chánh niệm vì lễ lạc. Anh từ chối nhưng sau lại mở cửa mời vị linh mục vô. Khi ông Cha đi khỏi, người tù nhận ra là ông đã sống như người chết. Ông đó không có phẩm chất chánh niệm, tỉnh thức gì cả.

Nếu bạn sống mà không tỉnh thức thì cũng như bạn chết rồi vậy. Bạn không thể gọi đó là đời sống. Nhiều người trong chúng ta sống như người chết vì thiếu tỉnh thức. Chúng ta mang cái thây chết của mình đi tới đi lui khắp nơi. Chúng ta bị lôi về quá khứ hay kéo tới tương lai, và chúng ta bị kẹt trong các dự án hay các sân hận, tuyệt vọng. Chúng ta không thực sự sống, chúng ta không tỉnh thức để được hưởng sự mầu nhiệm của sự sống. Albert Camus chưa từng học Phật pháp, nhưng trong tiểu thuyết đó, ông đã nói về trái tim của sự thực tập trong đạo Bụt, giây phút có lương tri, có tỉnh thức sâu xa, nghĩa là có chánh niệm.

Sự thực tập phục sinh hay tái biểu hiện là chuyện khả dĩ có thể xảy ra cho tất cả chúng ta. Chúng ta thực tập thì có thể được phục sinh, trở về được với thân tâm nhờ những hơi thở và bước chân chánh niệm. Nó sẽ tạo ra sự hiện diện thật sự của chúng ta ngay giờ phút này và ở đây. Và chúng ta được sống lại. Giống như người chết được tái sinh. Chúng ta không còn bị quá khứ và tương lai ràng buộc, chúng ta tự do thiết lập liên hệ với hiện tại và ngay ở đây. Chúng ta hiện diện toàn phần lúc này và tại nơi này, và chúng ta sống thật sự. Đó là phép thực tập căn bản của đạo Bụt. Khi bạn ăn, uống, thở, đi hay ngồi bạn đều có thể thực tập sự phục sinh. Luôn luôn làm cho bạn được ở trong hiện tại và ngay tại đây, thiết lập sự có mặt hoàn toàn và sống động. Đó là phép thực tập phục sinh đích thật.

Thời khắc duy nhất để sống

Đã về, đã tới
Bây giờ, ở đây
Vững chãi, thảnh thơi
Quay về nương tựa.

Tôi không thể thưởng thức được đời sống nếu tôi dùng nhiều thì giờ để lo âu về những gì đã xảy ra hôm qua hoặc sẽ xảy ra ngày mai. Chúng ta lo lắng về tương lai vì chúng ta sợ hãi. Nếu chúng ta sợ hãi hoài thì chúng ta không thể biết giá trị của sự sống và hạnh phúc của hiện tại.

Trong đời sống hàng ngày, chúng ta có khuynh hướng cho rằng hạnh phúc chỉ có mặt trong tương lai. Chúng ta luôn luôn mong đợi những điều tốt đẹp hơn, những điều kiện tốt để làm cho ta hạnh phúc. Chúng ta bỏ qua những gì đang xảy ra trước mắt. Chúng ta cố gắng đi tìm những gì làm cho ta cảm thấy vững vàng hơn, an toàn hơn. Nhưng chúng ta cũng thường xuyên lo sợ về những gì tương lai sẽ đem tới. Chúng ta lo mất việc làm, mất của cải, và những người ta thương. Vậy nên chúng ta cứ chờ đợi cái giây phút huyền diệu kia, vào một thời điểm nào đó sau này, khi mà mọi chuyện xảy ra đúng như ý ta mong muốn. Nhưng đời sống chỉ có trong giây phút hiện tại. Bụt dạy: “Chúng ta có thể sống hạnh phúc ngay trong hiện tại, đó là những giây phút duy nhất mà ta có.”

Khi bạn trở về với lúc này và ở đây, bạn sẽ nhận diện được rằng nhiều điều kiện của hạnh phúc đã có mặt. Thực tập chánh niệm là thực tập trở về với hiện tại, lúc này và ở đây, để có thể tiếp xúc sâu sắc với chúng ta, với đời sống. Chúng ta phải tập để có thể làm được chuyện này. Dù cho ta thông minh và hiểu biết ngay, chúng ta cũng cần được huấn luyện mới sống được như thế. Chúng ta phải luyện tập để thấy được rằng các điều kiện của hạnh phúc đã có mặt tại đây rồi.

Nhà của ta

Căn nhà thật sự của ta là bây giờ và ở đây. Quá khứ đã không còn và tương lai thì chưa tới. “Đã về nhà, đã tới nhà, bây giờ và ở đây.” Chúng ta thực tập như thế.

Bạn có thể đọc bài kệ đó trong khi thiền hành hay thiền tọa. Bạn có thể thực tập bài kệ khi lái xe tới sở làm. Bạn chưa tới sở nhưng trên đường đi, bạn đã tới căn nhà của bạn, chính là giờ phút hiện tại. Và khi tới sở, đó cũng là nhà, vì khi vô đó, bạn cũng đang sống với bây giờ và ở đây.

Hãy cứ thực tập câu đầu tiên: “Tôi đã tới, tôi đã về nhà” là bạn đã có thể rất hạnh phúc rồi. Khi ngồi, khi đi hay khi tưới vườn rau, hay cho con ăn, lúc nào bạn cũng thực tập được “đã về, đã tới.” Tôi không còn chạy nữa. Tôi đã chạy suốt đời rồi và nay tôi quyết định dừng lại để thực sự sống cuộc đời mình.

Bạn chờ đợi gì nữa?

Người Pháp có bài hát “Người ta chờ điều gì để có hạnh phúc?” Khi tôi thực tập thở vào tôi đọc “đã về,” đó là một sự thành công. Bây giờ tôi hoàn toàn có mặt, tôi sống 100%. Giờ phút bây giờ trở thành ngôi nhà thật sự của tôi.
Khi thở ra tôi nói “đã tới nhà.” Nếu bạn không cảm thấy về tới, bạn sẽ tiếp tục chạy. Và bạn tiếp tục sợ hãi. Nhưng nếu bạn cảm thấy đã tới nhà, thì bạn sẽ cảm thấy không cần phải chạy nữa. Đó là chìa khóa bí mật của sự thực tập. Khi sống với hiện tại, ta có thể sống với hạnh phúc thật sự.

Thưởng thức mặt đất

Tôi kể chuyện này đã nhiều năm. Giả thử có hai phi hành gia lên mặt trăng. Khi tới nơi, họ bị tai nạn và họ biết chỉ còn đủ dưỡng khí cho hai ngày. Không hy vọng gì việc có người từ trái đất tới tiếp cứu. Họ chỉ còn hai ngày để sống. Nếu bạn hỏi họ lúc đó: “Bạn mong ước điều gì nhất?” Họ có thể trả lời: “Trở về nhà và được đi trên hành tinh trái đất.” Thế là đủ, họ sẽ không cần gì khác. Họ không cần là chủ nhân một công ty lớn, một người có tiếng tăm hoặc làm tổng thống Hoa Kỳ. Họ sẽ không muốn gì khác hơn là được trở về mặt đất, bước trên đó và thưởng thức từng bước chân, nghe các âm thanh của thiên nhiên và cầm tay người thương, nhìn ngắm mặt trăng.

Chúng ta nên sống mỗi ngày như những người được cứu thoát từ mặt trăng về. Chúng ta hiện đang sống trên mặt đất, nên ta cần biết thưởng thức từng bước chân trên mặt địa cầu quý giá, đẹp đẽ này. Thiền sư Lâm Tế đã dạy: “Phép lạ không phải là đi trên mặt nước mà là đi trên mặt đất.” Tôi rất quý lời dạy đó. Bước đi là hạnh phúc của tôi, dù đi tại những nơi đông người như phi trường hay ga xe lửa. Đi như thế, mỗi bước chân hôn lên mặt đất mẹ, chúng ta có thể gây hứng khởi cho người khác làm theo. Chúng ta vui sống từng giây phút của cuộc đời.

 

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. CÁI CHẾT MINH MẪN
  2. CỘI NGUỒN YÊU THƯƠNG – SỰ SỐNG BẤT TỬ

Bài viết khác của tác giả

  1. QUÁN CHIẾU VỀ SỰ SI MÊ
  2. ÁP DỤNG GIÁO LÝ TƯƠNG TỨC TRONG CÔNG VIỆC KINH DOANH
  3. TRỊ LIỆU CÁC MỐI QUAN HỆ TRONG GIA ĐÌNH

Bài viết mới

  1. HẠNH PHÚC VÌ BIẾT ĐỦ
  2. AI CŨNG CÓ THỂ HẠNH PHÚC NGAY TỪ GIÂY PHÚT NÀY
  3. QUAN SÁT NGÔN NGỮ CƠ THỂ