NGHỊ LỰC VÀ CAN ĐẢM

SAMUEL SMILES

Trích: Tinh Thần Tự Lực Những Tấm Gương Về Phẩm Hạnh Và Lòng Kiên Trì; Việt dịch: Phạm Viêm Phương và Thư Trung; NXB. Hồng Đức; 2016

 

Cuộc đời của Granville Sharp lại là một ví dụ điển hình khác cho sức mạnh của năng lực cá nhân – một sức mạnh mà sau này lan truyền vào hàng ngũ những người đấu tranh bãi nô, nổi bật trong đó là Thomas Clarkson, William Wilberforce, Thomas Forwell Buxton, và Henry Brougham. Nhưng dù họ là các nhân vật vĩ đại trong công cuộc này, Granville Sharp vẫn là người đầu tiên, và có lẽ là người vĩ đại nhất trong nhóm, xét về lòng kiên trì, nghị lực và dũng cảm. Ông vào đời trong vai cậu học việc với một thương gia vải sợi ở khu Tower Hill; nhưng học việc xong ông lại không theo nghề đó và xin làm thư ký trong Sở quân nhu; và chính trong khi làm công việc khiêm tốn ấy mà ông có giờ rảnh để tiến hành công cuộc giải phóng nô lệ da đen. Ngay từ hồi còn học việc, ông luôn sẵn sàng đảm nhận mọi khối lượng công việc tình nguyện khi thấy nó phục vụ cho một mục đích hữu ích. Khi học nghề buôn bán vải, một bạn học việc ở cùng chổ trọ và theo phái Nhất thể, thường lôi ông vào những cuộc thảo luận về tôn giáo. Anh chàng Nhất thể cứ nhấn mạnh rằng nhận thức sai theo phái Tam vị nhất thể về một số đoạn trong Kinh thánh xuất phát từ việc trong rành tiếng Hy Lạp; thế là ông dành những giờ buổi tối để đi học thứ tiếng này và ít lâu sau đã khá thông thạo. Một tranh cãi tương tự với một bạn học việc khác, theo Do Thái giáo, về cách luận giải những lời tiên tri, cũng dẫn ông tới việc học và vượt được những khó khăn của tiếng Hebrew.

Nhưng tình huống tạo ra thiên hướng cho những nỗ lực chính yếu trong đời ông xuất phát từ tính hào phóng và nhân ái của ông. Ông anh William của ông, một bác sĩ phẫu thuật ở phố Mincing Lane, thường khám bệnh miễn phí cho người nghèo, và trong số rất nhiều người tới nhờ ông ta cứu giúp có một người Phi châu nghèo tên là Jonathan Strong. Có vẻ như ông chủ của anh da đen này, một luật sư gốc Barbados hiện đang ở London, đã đối xử với anh rất tàn bạo, và anh trở nên què quặt, gần như mù và không thể lao động; Ông chủ xem anh như một vật sở hữu không còn giá trị nữa, đã đuổi anh ra đường mặc cho anh chết đói. Người này, một khối bệnh tật, ăn xin sống lây lất một thời gian rồi tìm được đường đến với William Sharp, ông cho anh một ít thuốc và sau đó xin cho anh được nhận vào bệnh viện St. Bartholomew và anh ta được chữa trị ở đó.

Khi anh ta xuất viện, hai anh em cùng giúp đỡ để anh ta khỏi phải đi ăn xin, nhưng họ không ngờ rằng lúc đó còn có người làm chủ thân xác của anh ta. Thậm chí họ còn xin cho anh ta một chỗ làm trong một nhà bào chế thuốc, và anh ta làm việc ở đó được hai năm. Trong một lần phục vụ một khách hàng ngồi sau cỗ xe ngựa, anh ta bị người chủ cũ, một luật sư gốc Barbados, nhận ra và quyết định thu hồi tài sản của mình, hiện đã có giá trị trở lại vì sức khỏe đã phục hồi.

Ông luật sư thuê hai sĩ quan trong văn phòng thị trưởng bắt lại Strong, và anh ta bị đưa vào trại tạm giam chờ đến khi lên tàu trả về vùng Tây Ấn. Anh da đen trong cảnh giam cầm nhớ lại sự giúp đỡ tử tế của Granville Sharp mấy năm trước, nên gởi một bức thư cầu xin ông cứu giúp. Sharp đã quên tên Strong, nhưng ông cũng phái người tới điều tra, và phái viên phủ nhận việc giam giữ một người như thế. Ông lập tức sinh nghi và tới thẳng trại giam, nhất định đòi gặp Jonathan Strong. Ông được chấp thuận và nhận ra anh da đen tội nghiệp, hiện bị giữ như một nô lệ mới bắt lại được. Sharp đánh liều buộc giám đốc trại giam không được giao Strong cho bất kỳ ai cho đến khi vụ này được trình cho Thị trưởng, và Sharp lập tức tới gặp ông ấy, và xin được trát tòa triệu tập người đã bắt và giam giữ người mà không có lệnh câu lưu. Thế là hai bên trình diện trước Thị trưởng, và qua khai báo, có vẻ như người chủ cũ của Strong đã bán anh cho người khác, và người này xuất trình biên nhận mua bán và tuyên bố anh da đen là tài sản của mình. Vì không có cáo trạng nào với anh da đen, và vì Thị trưởng không có khả năng xử lý vấn đề pháp lý về quyền tự do của Strong hay ngược lại, nên ông ta cho thả anh da đen, và người nô lệ cùng ân nhân ra khỏi tòa và không ai dám đụng tới anh. Người chủ mới liền thông báo với Sharp rằng ông ta sẽ kiện để giành quyền sở hữu anh nô lệ mà ông ta cho rằng mình đã bị cướp mất.

Granville Sharp (1735-1813) đã dấn thân vào công cuộc thúc đẩy xóa bỏ chế độ nô lệ ở Anh và các nước thuộc Anh, bắt đầu từ nguồn cảm hứng câu chuyện của người nô lệ da đen Jonathan Strong. Ảnh từ myhero.com

Vào thời điểm đó (1767) tự do của dân Anh, tuy được ấp ủ như một lý thuyết, vẫn bị xâm phạm nghiêm trọng, hầu như hằng ngày. Việc cưỡng bách người dân phục vụ hải quân vẫn liên tục diễn ra, và, bên cạnh những nhóm bắt lính, còn có những băng nhóm chuyên bắt cóc ở London và những thành phố lớn khác, được thuê để bắt người cho Công ty Đông Ấn. Và khi Ấn Độ không cần người nữa, họ bị chở sang cho các chủ đồn điền tại các thuộc địa Bắc Mỹ. Nô lệ da đen được rao bán công khai trên báo chí London và Liverpool. Các giải thưởng được treo cho việc tìm bắt lại những nô lệ bỏ trốn, và chuyển họ tới những con tàu cụ thể nào đó trên sông.

Vị trí của người được xem là nô lệ tại Anh thì không được định nghĩa và không rõ rệt. Những phán đoán do tòa án đưa ra thì dao động và đa dạng, không dựa trên nguyên lý ổn định nào cả. Tuy mọi người thường tin rằng không có nô lệ trên đất Anh, nhưng vẫn có những nhân vật quan trọng trong ngành luật phát biểu ý kiến hoàn toàn trái ngược lại. Các luật sư mà Sharp tới hỏi ý kiến để biện hộ cho mình khi bị kiện trong vụ Jonathan Strong thường đồng tình với nhận định trên, và người chủ của Jonathan Strong còn nói thêm với ông rằng, chánh án tòa tối cao Mansfield, và mọi luật sư hàng đầu, đều dứt khoát đồng ý rằng người nô lệ không thể tự động được tự do khi đặt chân đến Anh, mà có thể bị pháp luật buộc trở lại đồn điền nơi anh ta xuất phát. Thông tin như thế có thể gây tuyệt vọng cho một con người kém nhiệt tình và can đảm hơn Granville Sharp; nhưng với ông, nó chỉ làm tăng thêm quyết tâm chiến đấu vì tự do cho người nô lệ này, ít nhất là trên đất Anh. Ông nói, “Bị các luật sư bào chữa bỏ rơi, và thông qua tình trạng thiếu trợ giúp pháp lý thường lệ, tôi buộc lòng phải nỗ lực, một cách vô vọng, để tự biện hộ, tuy rằng tôi hoàn toàn xa lạ với nghề luật hoặc những nền tảng của nó vì cả đời chưa hề mở một cuốn sách luật nào (ngoại trừ Kinh thánh) cho đến lúc đó, khi tôi bắt tay một cách rất miễn cưỡng, lục tìm danh mục của một quầy sách luật mà người bán sách ở khu của tôi vừa mua về.”

Toàn bộ thời gian ban ngày của ông được dành cho công việc ở Sở quân nhu, nơi ông giữ vị trí công việc vất vả nhất; nên ông nhất thiết phải nghiên cứu lãnh vực mới này vào giấc khuya hoặc sáng sớm. Ông thừa nhận bản thân mình đang biến thành một kiểu nô lệ. Viết thư cho một người bạn tu sĩ để xin lỗi vì chậm trả lời thư, ông kể, “Tôi thú thật là mình hoàn toàn không có khả năng viết thư từ văn chương dài dòng. Chút thì giờ mà tôi có thể trích ra được vào ban đêm, hoặc sáng sớm, nhất thiết phải dùng để nghiên cứu những vấn đề pháp lý nào đó, mà việc đó không thể trì hoãn, lại còn đòi hỏi nghiên cứu và khảo sát chuyên cần nữa.”

Sharp từ bỏ mọi giờ phút nhàn hạ mà ông có thể kiểm soát trong suốt hai năm kế đó để nghiên cứu cặn kẽ những điều luật của nước Anh chi phối tự do thân thể – lần mò qua khối lượng đồ sộ những tài liệu khô khan và dễ chán, và chép những đoạn trích dẫn  từ mọi đạo luật quan trọng, các phán quyết của tòa án, và các ý kiến của các luật sư xuất sắc trong khi tìm hiểu. Trong công việc chán ngắt và kéo dài này, ông chẳng có ai chỉ dẫn, trợ giúp hay cố vấn gì cả. Ông không tìm ra một luật sư nào có ý kiến thuận lợi cho nỗ lực của ông. Tuy nhiên, thành quả nghiên cứu của ông vừa khiến ông hài lòng vừa gây ngạc nhiên cho các giới luật học. “Tạ ơn Chúa,” ông nói, “khi trong mọi luật hay quy chế của Anh – ít nhất trong chừng mực tôi nghiên cứu được – không hề có điều khoản nào biện minh cho việc bắt người khác làm nô lệ.”

Ông đã có cơ sở vững vàng, và lúc này không còn nghi ngại gì nữa. Ông viết lại kết quả nghiên cứu của mình thành một dạng tổng kết; nó là một tuyên bố đơn giản, rõ ràng, và mạnh mẽ, có tựa là “On the Injustice of Tolerating Slavery in England” (Về sự bất công trong việc dung dưỡng nạn nô lệ ở Anh); và nhiều bản sao, do chính ông thực hiện, được ông gởi đến những luật sư lừng lẫy nhất thời đó. Người chủ của Strong, biết ra mình đang phải đối phó với ai, bèn nghĩ ra nhiều cớ để trì hoãn vụ kiện tụng, và sau cùng đề nghị một giải pháp thỏa hiệp, nhưng bị ông từ chối. Granville tiếp tục phát tán bản thảo tiểu luận trong giới luật sư, đến khi những người được thuê để kiện ông và Strong cũng thấy nản không muốn tiến hành vụ kiện, và kết quả là, bên nguyên đơn phải trả chi phí gấp ba vì không tiến hành vụ kiện. Tiểu luận của ông được in năm 1769.

Trong thời gian đó đã xảy ra những trường hợp bắt cóc người da đen ở London và chở họ sang Tây Ấn để bán. Mỗi khi Sharp nắm được thông tin về một vụ nào như vậy, ông liền tiến hành tố tụng để cứu người da đen đó. Lúc đó có bà vợ của một người Phi châu tên Hylas bị bắt, và bị chở qua Barbados; Sharp liền nhân danh Hylas tiến hành thủ tục tố tụng kẻ chủ mưu, giành được một phán quyết kèm bồi thường, và bà vợ của Hylas được chở về Anh miễn phí.

Một vụ cưỡng giam một người da đen, được thực hiện một cách tàn bạo, đã xảy ra năm 1770, ông lập tức lần theo dấu những kẻ thủ ác. Một người Phi châu, tên Lewis, một đêm nọ bị bắt giữ bởi hai tay chèo thuyền làm thuê cho một người tuyên bố anh da đen kia thuộc sử hữu của mình. Anh ta bị kéo xuống nước, đẩy lên một cái xuồng, trói chân tay, nhét giẻ vào miệng, rôi chúng bơi xuồng dọc con sông, tống anh lên một con tàu sắp đi Jamaica, nơi anh sẽ bị bán làm nô lệ ngay khi đặt chân lên hòn đảo đó. Tuy nhiên, tiếng kêu khóc của anh da đen đã thu hút chú ý của một số láng giềng; một người trong đó đi thẳng tới chỗ Granville Sharp, lúc này đã nổi tiếng là người bạn của dân da đen, và cho ông biết vụ phạm pháp ấy. Sharp lập tức xin được lệnh tòa yêu cầu mang Lewis trở lại, và ông chạy tới thị trấn Gravwswnd, nhưng khi ông tới đó con tàu đã khởi hành đi vùng Downs. Một trát đình chỉ giam giữ được gởi xuống Spithead, và trước khi con tàu rời nước Anh, trát này được thi hành kịp thời. Người ta tìm thấy anh nô lệ bị xích vào cột buồm, ràn rụa nước mắt, u buồn nhìn.miền đất mà anh săp bị cưỡng bách rời đi. Anh lập tức được giải phóng đem trở lại London, và một trát tòa khác yêu cầu câu lưu kẻ chủ mưu vụ này. Sự nhanh nhạy của trí óc, con tim, và bàn tay của Sharp trong vụ này hiếm có ai vượt qua nổi, thế nhưng ông vẫn trách mình là chậm chạp.

Vụ này được xét xử bởi chánh án Mansfield – ý kiến của ông này, về sau ai cũng nhớ, đã được mô tả là hoàn toàn trái với ý kiến của Granville Sharp. Tuy nhiên, quan tòa tránh biến nó thành vấn đề, cũng không đưa ra ý kiến gì về yếu tố pháp lý đối với tự do thân thể của anh nô lệ hay điều gì khác, mà chỉ cho anh da đen tự do vì bên bị cáo không đem ra được bằng chứng cho thấy Lewis là tài sản của ông ta.

Vấn đề tự do thân thể của người da đen ở Anh như thế vẫn chưa được quyết định; nhưng trong thời gian đó Sharp tiếp tục vững vàng trên con đường nhân ái của mình. Và bằng nỗ lực không mệt mỏi và hành động nhanh nhạy, nhiều họ tên đã được ghi tên vào danh sách những người được cứu vớt. Sau cùng, vụ án quan trọng quanh James Somerset xảy ra; một vụ án mà người ta cho rằng đã được lựa chọn, theo ước muốn của cả chánh án Mansfield và Sharp, để đưa câu hỏi lớn này thành một vấn nạn pháp lý rõ rệt. Somerset được chủ đem đến Anh và bỏ lại ở đó. Sau đó, người chủ tỉm cách bắt anh ta lại và gởi sang Jamaica để bán. Sharp, như thường lệ, lập tức nhận vụ này và thuê luật sư để biện hộ cho anh ta.. Chánh án Mansfield tỏ ý rằng vì vụ này được công chúng quan tâm nên ông ta phải thu thập ý kiến của mọi thẩm phán. Lúc này Sharp thấy rằng ông sẽ phải đương cự với mọi áp lực có thể nhắm vào ông, nhưng quyết tâm của ông không hề lay chuyển. May thay cho ông, trong cuộc đấu tranh gay go này, những nỗ lực của ông bắt đầu có tác động; sự quan tâm đối với vấn đề này ngày càng tăng, và nhiều  nhân vật lớn trong ngành luật công khai tuyên bố đứng về phía ông.

Chính nghĩa tự do thân thể, tuy đang bị đe dọa, được phán xử công bằng với chánh án Mansfield, với ba thẩm phán phụ tá khác – và được xử dựa trên nguyên tắc rộng rãi về quyền thiết yếu và hiến định của mọi con người trên đất Anh rằng họ phải được hưởng tự do thân thể trừ khi bị luật pháp tước bỏ. Ở đây ta không cần đi sâu phân tích mô tả vụ xử lớn này; những luận điểm được kéo rất dài, vụ kiện được dời tới phiên khác – khi nó bị hoãn đi hoãn lại – nhưng sau cùng chánh án Mansfield cũng đưa ra phán quyết, trong trí tuệ mạnh mẽ của ông ta một thay đổi đã dần dần diễn ra với những luận cứ của luật sư, chủ yếu dựa trên tiểu luận của Granville, đến độ lúc này ông ta tuyên bố tòa đã có một ý kiến rõ rệt, rằng không cón cần thiết phải chuyển vụ xử này tới 12 thẩm phán nữa. Rồi ông tuyên bố rằng quyền sở hữu nô lệ không bao giờ có thể được hậu thuẫn; rằng cái quyền được nêu ra đó không bao giờ được áp dụng ở Anh, và cũng không được luật pháp thừa nhận; do đó đương sự Somerset phải được tự do.

Qua việc giành được phán quyết này, Granville Sharp đã thực sự thủ tiêu nạn buôn bán nô lệ mà đến lúc đó vẫn diễn ra công khai trên đường phố London và Liverpool. Nhưng ông cũng xác lập chắc chắn một chân lý rằng bất kỳ nô lệ nào, ngay khi đặt chân lên đất Anh, đều trở thành tự do ngay phút đó; và rõ ràng phán quyết vĩ đại của chánh án Mansfield có được chủ yếu là nhờ vào việc Sharp tiến hành vụ kiện từ đầu tới cuối một cách kiên quyết, vững chắc và can đảm.

Đến đây ta cũng không cần theo dõi xa hơn sự nghiệp của Granville Sharp. Ông tiếp tục lao động không mệt mỏi trong một công cuộc tốt đẹp. Ông đóng vai trò lớn trong việc biến thuộc địa Siera Leone thành nơi an toàn cho dân da đen được cứu giúp. Ông lao động để cải thiện điều kiện sống của người da đỏ bản địa tại các thuộc địa Anh ở Bắc Mỹ. Ông vận động việc mở rộng và tăng thêm những quyền chính trị của người Anh; và ông thúc đẩy hủy bỏ việc cưỡng bách phục vụ hải quân. Granville lập luận rằng thủy thủ Anh, cũng như người da đen Phi châu, được hưởng sự bảo vệ của luật pháp; và việc anh ta chọn đời đi biển không hề xóa bỏ các quyền và ưu đãi dành cho người Anh – trong đó ông xếp tự do thân thể là quyền hàng đầu. Sharp cũng hoạt động, nhưng không thành công, để phục hồi quan hệ thân thiện giữa nước Anh và các thuộc địa Bắc Mỹ; và khi hai bên rơi vào cuộc chiến huynh đệ tương tàn của cuộc Cách Mạng Mỹ, ý thức về tính công chính của ông chân thành đến độ, quyết định không dính líu đến một công việc trái tự nhiên như vậy, ông xin thôi việc ở Sơ quân nhu.

Đến cuối đời ông vẫn gắn bó với mục tiêu lớn của đời mình – xóa bỏ chế độ nô lệ. Để tiếp tục công việc này, và tổ chức các nỗ lực của số bạn hữu ngày càng đông ủng hộ sự nghiệp ấy, Hiệp hội đấu tranh thủ tiêu buôn bán nô lệ được thành lập và những nhân sự mới, được nhiệt tình và tấm gương của Sharp truyền cảm hứng, đã bước ra giúp ông. Nghị lực của ông trở thành nghị lực của họ, và nhiệt tình hy sinh bản thân mà với nó ông đã một mình hoạt động lâu nay đã lan tỏa khắp đất nước. Vai trò của ông được truyền sang cho Clarkson, Wilberforce, Brougham, và Buxton, những người hoạt động giống như ông, với nghị lực và chí kiên định theo đuổi mục tiêu giống như ông, cho đến khi chế độ nô lệ bị xóa bỏ hoàn toàn trên mọi lãnh thổ thuộc Anh.

Tuy các tên tuổi vừa nêu có thể thường được đồng nhất hơn với thắng lợi của sự nghiệp này, nhưng công lao lớn rõ ràng vẫn là của Sharp. Ông không nhận được tiếng cổ vũ và khích lệ nào của mọi người khi ông bắt tay vào công cuộc trên. Ông đứng một mình, đối đầu với ý kiến của những luật sư giỏi giang nhất và những thành kiến ăn sâu nhất của thời đại; và ông một mình tiến hành tới cùng, bằng những nỗ lực lẻ loi của mình, và tự chịu mọi phí tổn, trân đánh đáng nhớ nhất vì hiến pháp của đất nước Anh và các quyền tự do của thần dân Anh, mà thời hiện đại phải ghi nhận. Những diễn biến sau đó chủ yếu là kết quả của sự kiên định không mệt mỏi của ông. Ông đã thắp lên ngọn đuốc khơi động tâm trí người khác, và nó được truyền đi cho đến khi ánh sáng ngự trị hoàn toàn.

Bình luận


Bài viết mới

  1. SỬ DỤNG HIỆU QUẢ SIÊU NĂNG LỰC QUYỀN LỰC & TÁC ĐỘNG
  2. CÂU TRẢ LỜI ĐÃ CÓ SẮN TRONG CÂU HỎI – PHẬT GIÁO TRONG THẾ GIỚI TÂN TIẾN NGÀY NAY
  3. THẦY VÀ ĐỆ TỬ