NGUYỄN THẾ ĐĂNG
Trích: Đạo Phật Và Đời Sống; NXB: Thiện Tri Thức-2017
---???---
Chúng ta đang sống những năm cuối của thế kỷ 20. Có lẽ đã đủ cho những kinh nghiệm, những khổ đau, những sai lầm của lịch sử nhân loại để chúng ta có thể rút ra những bài học hầu bước vào thế kỷ tới. Mặc dầu ở đây, chỉ nói thoáng qua một vài khía cạnh trong dòng sông vĩ đại của lịch sử mà hướng tiến luôn luôn hướng về hạnh phúc, hướng về Chân-Thiện-Mỹ, thì cũng nên nhận thấy rằng đây đó vẫn bật lên những chân lý muôn đời của đạo Phật. Trong cuộc truy tìm hạnh phúc, sự thật, cái thiện và cái đẹp, phải chăng con người luôn luôn chạm mặt với đạo Phật, và phải chăng sự đau khổ, tai ương đã xảy ra chỉ vì đã thấy sai lầm (không có chánh kiến), đã hành động sai lầm (không chánh nghiệp) và đã sống sai lầm (không chánh mạng)?
1. Thế giới gần nhau hơn trong tinh thần và vật chất.
Sau những điêu tàn chết chóc thế chiến thứ 2, Liên Hiệp Quốc được thành lập. Các nước không còn riêng rẽ hay từng khối cô lập, mà cùng có một diễn đàn chung, ngồi chung với nhau trong một nguyện vọng đẹp đẽ là hợp tác vì hòa bình, hạnh phúc thế giới. Đó là một bước tiến lớn của con người, nhìn nhau như anh em, không phân biệt màu da, chủng tộc, vị trí địa lý… Với LHQ và các tổ chức của nó như UNESCO, để điều hòa thế giới về chính trị, kinh tế, văn hóa, một tinh thần mới đã xuất hiện. Có thể nói rằng tinh thần mới này ẩn chứa điều mà đức Phật nói: “Con người dù ở nơi đâu, trong thời gian nào, thì máu cũng đều đỏ và nước mắt đều mặn”. Tinh thần mới đó đã xác chứng niềm tin và sự chứng ngộ của đức Phật là “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh”. Đó không chỉ là sự hy vọng cho nhân loại, mà phải tất yếu như thế.
Ngày nay với những phương tiện thông tin, giao thông, thế giới đã trở nên gần nhau thêm, hiểu biết nhau thêm. Một nạn đói ở châu Phi cũng làm cho các ca sĩ nhạc trẻ triệu phú phương Tây làm ra bài hát nổi tiếng “We are the world” (Chúng ta là thế giới). Điều này quả thật đã mang âm hưởng của một cái gì rất nhân bản, rất con người, nghĩa là rất đạo Phật. Chúng ta là tất cả thế giới, đó là điều mà tất cả tông phái Phật giáo đều nói đến, và nó biểu hiện rõ rệt ra nơi bốn chữ mà ai cũng biết là Từ, Bi, Hỷ, Xả.
Thế giới đã xích lại với nhau nhiều lắm. Trong chính trị, khoảng giữa thế kỷ người ta nói đến sự liên lập (interdependence) bên cạnh danh từ độc lập. Trong bài diễn văn của Ngoại trưởng nước ta khi Việt Nam gia nhập khối Asean cũng có từ liên lập. Liên lập, lạ thay, cũng là một từ xuất hiện từ đầu thế kỷ do các học giả dùng để dịch những khái niệm Phật giáo như duyên sanh (interdependence), tương tức tương nhập (interpenetration)…
Không chỉ trong chính trị, mà trong cái nhìn chung về thế giới và cái nhìn của khoa học, ý niệm tương tức tương nhập, “Một là tất cả, tất cả là một” của Hoa Nghiêm lại được các nhà khoa học cổ vũ: “Khi một con bướm đập cánh ở Cấm thành Bắc Kinh, thì nó đã thật sự gây ra những ảnh hưởng tương tác trên mô hình khí tượng tận xứ Brasil” (Theory of chaos của Lorentz).
Vâng, trong tất cả các lãnh vực xã hội, chính trị, kinh tế, khoa học, người ta đang tiến gần lại thế giới quan Phật giáo: Thế giới là một thể hữu cơ thống nhất liên lập, tất cả
mọi cái tương tức tương nhập và ảnh hưởng lẫn nhau. Không còn ngăn ngại giữa các phần tử, các phần tử là một với toàn thể, và tất cả toàn thể nằm trong một phần tử. Nói
một cách cụ thể, khi có một người bị ai đó bắn giết, thì nhân loại không chỉ mất đi một con người, mà nhân loại còn mất đi chính bản tính của mình.
Chúng ta là tất cả thế giới. Chắc đó sẽ là lời ca được vang lên trong nhiều bài hát, nhiều cuốn sách, nhiều điệu múa… của thế kỷ tới. Đó cũng là lời ca mầu nhiệm mà Bồ tát Thường Bất Khinh đã thốt lên trong vô số kiếp dầu gian khổ, bị mắng nhiếc, hành hạ trong quá trình tự giác – giác tha để biến cõi ngũ trược ác thế này thành Tịnh độ vĩnh viễn: “Tôi không dám khinh thường các người, vì các người sẽ thành Phật”.
2. Chiến tranh và hòa bình.
Chúng ta nhận thấy lịch sử của nhân loại, lịch sử của từng quốc gia hầu như là lịch sử của các cuộc chiến tranh. Trong sử sách, những người nổi bật là những người anh hùng chiến trận hơn là những nhà văn hóa, những nhà khoa học, những bậc Thánh. Hình như tâm thức con người vẫn nghiêng về chiến tranh hơn là hòa bình, về đánh nhau hơn là tự thắng mình để hòa giải, bởi thế cho đến cuối thế kỷ văn minh rực rỡ này, máu vẫn đổ trên khắp các châu lục.
Trước kia, các cường quốc quan niệm phải có nhiều bom nguyên tử để canh giữ hòa bình, vì không ai dám mở đầu cuộc chiến tranh nguyên tử. Thế chiến đã không xảy ra, nhưng số người chết vì các cuộc chiến tranh cổ điển còn nhiều hơn cả trong thế chiến. Các cường quốc vẫn chiến đấu với nhau, làm tiêu hao lực lượng nhau và để bán vũ khí, bằng các cuộc chiến ở một nước thứ ba nào đó. Bom nguyên tử đã không canh giữ được cho hòa bình. Rồi hết thời chiến tranh lạnh, bom nguyên tử được giải trừ bớt, người ta nghĩ rằng, từ đây không còn chiến tranh vì không còn hai khối đối địch, thế mà trái lại, chiến tranh lại xảy ra nhiều hơn như ở Phi châu, Bosnia, Irak, Chesnia…
Hết chiến tranh lạnh, người ta nói đến một trật tự thế giới mới, một thời đại hòa bình, thế nhưng các nước mạnh vẫn ăn hiếp các nước yếu và các cuộc chiến tranh chủng tộc, tôn giáo vẫn xảy ra, các vụ ám sát các lãnh tụ xảy ra nhiều hơn, khủng bố nhiều hơn, hóa ra thế giới rối ren hơn. Trật tự thế giới nào có phải là cái gì mới đối với cuối thế kỷ -361- này. Trật tự thế giới đã từng được Alexander đại đế, Thành Cát Tư Hãn (con người được báo chí Mỹ bầu chọn là nhân vật số một của thiên niên kỷ thứ 2) hay Hitler… rắp tâm thực hiện, tất cả đều đã không thành công và đến bây giờ nó vẫn là ảo tưởng.
Phải chăng trật tự thế giới mới không thể thiết lập bằng sức mạnh quân sự, kinh tế, ngoại giao, bằng phân biệt chủng tộc, tôn giáo mà chỉ có thể bằng một tâm hồn mới.
Trật tự thế giới mới phải là Từ Bi Hỷ Xả, cái bản chất đích thực của con người. Đó là cái nảy sinh và chung cuộc của trật tự thế giới mới. Ngoài Từ Bi Hỷ Xả, đã không có và sẽ không có một trật tự thế giới mới nào cả.
Cũng qua chiến tranh mà người ta mới khám phá ra một điều: thì ra ở bề ngoài, con người đẹp đẽ hơn, lịch sự hơn, sạch sẽ hơn xưa, nhưng bên trong thì con người chưa tiến hóa được bao nhiêu so với tổ tiên xa xưa ăn lông ở lỗ của mình. Chúng ta thấy trên tivi, đất nước Nam Tư cũ, đẹp như Đà Lạt, những người ăn mặc đẹp đẽ trên những chiếc xe buýt bóng lộn tinh tươm, chúng ta nghĩ rằng họ thấy máu là sợ, thấy bùn là ghê. Thế mà, trong chiến tranh, những con người đó đã tàn sát tập thể, hiếp dâm phụ nữ và trẻ em, chôn xác mỗi lần hàng ngàn người. Những con người đó đã bắn đại bác vào những đồi cỏ, xới tung những đồi thông, phá hủy những ngôi nhà đẹp như trong cổ tích. Thì ra, nền văn minh hiện đại đã tạo cho con người cái vẻ lịch sự sạch sẽ bề ngoài, nhưng bên trong, cuộc cách mạng cơ khí kỹ thuật chẳng thay đổi được gì cả. Phải chăng con người cần một cuộc cách mạng của trí huệ và tình thương để biến đổi từ nơi sâu thẳm của tâm hồn mình, hơn là chỉ thay đổi bên ngoài, trong khi tâm thức vẫn man rợ như thời Trung cổ?
Cũng bằng kinh nghiệm của chính chúng ta, mà chúng ta thấy nguyên lý “Hận thù càng tăng thêm hận thù, chỉ có từ bi hỷ xả mới xóa được hận thù” mới thật sự là nguyên lý của đời sống. Và cũng đã đến lúc, sau 20 thế kỷ chiến tranh, để thực sự có hòa bình, chúng ta phải nhận ra rằng chiến tranh với người khác không thể đem lại hòa bình, mà chỉ có một cuộc chiến tranh đem lại hòa bình đích thực, một cuộc chiến tranh đáng được tiến hành bởi một người thực sự văn minh là cuộc chiến tranh chinh phục chính mình:
Đức Phật dạy:
“Dầu tại bãi chiến trường
Thắng hàng trăm quân địch
Không bằng tự thắng mình
Thật chiến thắng tối thượng
-Kinh Pháp Cú
Hơn bao giờ hết, một sự thật được nói đến nhiều trong đạo Phật lại được tỏ rạng: Tâm bình thì thế giới bình. Phải chăng thế kỷ tới là môi trường và thời gian cho con người thực hiện được cái ‘tâm bình” này?
3. Sự giàu có và chủ nghĩa cá nhân đã không đem lại hạnh phúc.
Đó là điều nổi bật từ bài học của nước Mỹ. Đa số dân chúng Mỹ nói rằng họ sống không an ninh và hạnh phúc bằng những năm 50, mặc dù bây giờ giàu có hơn, tự do cá nhân nhiều hơn. Khi đức Đạt Lai Lạt Ma dự một hội thảo với một nhóm khoa học gia Hoa Kỳ, họ cho biết rằng tỷ lệ tâm thần ở xứ này đang tăng cao, chiếm khoảng 12% dân số. Các nhà phân tâm học nói rằng danh từ nằm sâu trong tâm thức gây sợ hãi cho người dân là từ thất nghiệp và phá sản. Ngay sự giàu có kiến thức cũng bị nghi ngờ: nhà hải dương học nổi tiếng thế giới J.Cousteau khi đến Việt Nam để bắt đầu chuyến ngược dòng Mê Kông trả lời trong một cuộc phỏng vấn nói rằng các xa lộ thông tin cũng chẳng đem lại hạnh phúc gì hơn cho lớp con cháu của ông cả.
Ở đây chúng ta chỉ nhìn chủ nghĩa cá nhân biểu lộ ở một vài khía cạnh xã hội, chứ chưa nói cái chủ nghĩa cá nhân nằm sâu trong tâm thức con người, mà theo Phật giáo là nguyên nhân của sanh, già, bệnh, chết, của sanh tử luân hồi. Chủ nghĩa cá nhân mà một phần của nó là cuộc cách mạng tình dục những năm 50 đã bị phá sản: bệnh Sida và số trẻ con ngoài giá thú đã làm khủng hoảng nước Mỹ. Hãy tưởng tượng một thế hệ thanh niên sẽ lên lãnh đạo nước Mỹ mà đa số là những con người không cha hoặc không mẹ chính thức. Vì Sida, vì nạn trẻ em phạm pháp phần nhiều là các trẻ em ngoài giá thú, mà người ta lại trở về với chánh mạng của đạo Phật: không tà dâm. Nhưng ý nghĩa, giá trị của gia đình từ lâu bị phá vỡ ở một bộ phận lớn xã hội không dễ gì hàn gắn lại trong vòng vài mươi năm.
Cũng vì sự giàu có không chánh nghiệp cho một số tư bản chế tạo buôn bán vũ khí kết hợp với tự do cá nhân không chánh mạng, đem lại điều mà một thành viên ban tổ chức cuộc tuần hành im lặng ở Washington nói: “Cuộc chiến tranh ở Việt Nam đã giết chết 58.000 người Mỹ trong 10 năm. Súng đạn đang lưu hành tự do trong dân chúng Mỹ đang giết chết 40.000 người Mỹ mỗi năm mà chẳng có ai nói lên một lời. Chúng tôi muốn Quốc hội hạn chế súng đạn”.
Đến cuối thế kỷ này nước đại diện rõ nét nhất cho nền văn minh thế kỷ 20 là Hoa Kỳ mới sực tỉnh: Các cuốn sách về luân lý, đạo đức, sách dạy sự trở lại đời sống giản dị, sự thư giãn, buông xả là các sách bán chạy hơn hết. Những người Mỹ giàu có bắt đầu trở lại đời sống giản dị, ít nhu cầu hơn, ít việc làm hơn. Nhưng sự dừng lại, (một tư tưởng rất quan trọng của đạo Phật ở cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, cả mặt vật chất lẫn tinh thần) hiện còn có kịp không?
Chúng ta đã thấy từ lâu ý kiến của đạo Phật về sự dư thừa vật chất và chủ nghĩa cá nhân như thế nào, và quan niệm về hạnh phúc thật sự là như thế nào. Nói đơn giản là tất cả mọi thu góp về tiện nghi, kiến thức, tiến bộ… đều không thoát khỏi khổ đế, chân lý về sự bất toại nguyện của tất cả thế gian. Đã đến lúc chúng ta phải nói lên tiếng nói của chúng ta, quan niệm của đạo Phật về sự hữu hạn của phát triển vật chất, về sự phát triển và tiến hóa đích thực của con người là như thế nào. Và không chỉ nói lên mà phải sống cho được cái đời sống đích thực toàn diện được diễn tả là con đường sống chân chính có tám ngành (Bát chánh đạo), bởi vì qua đời sống đó mà đạo Phật có mặt và ảnh hưởng lên vận mệnh nhân loại.
Lướt qua vài điểm của cuộc sống hiện đại, chúng ta cũng thấy những sai lầm, tai họa đều do sự lệch hướng với chánh kiến, chánh nghiệp và chánh mạng. Đặc biệt với những sự khủng hoảng lớn và trầm trọng – vì đó là hậu quả của sự phát triển đã 2000 năm – ở cuối thế kỷ 20, chúng ta ắt phải đồng ý với một trong mười điều dự đoán dựa trên thống kê khoa học của John Naisbitt và P. Aburdene trong cuốn Các xu thế lớn của thế kỷ 20 là sẽ thành hiện thực (như chín điều kia đã và đang thực hiện): “Đó là sự phục hưng của tôn giáo vào thiên niên kỷ thứ 3”. Đó không còn là một dự đoán, mà đó là điều nhân loại phải tạo thành, nếu không cái sa mạc tinh thần còn lan rộng đến đâu và đưa tới những hậu quả nào nữa, trái đất căn nhà chung của chúng ta sẽ còn bị tàn phá đến mức nào nữa? Tôn giáo như là cách sống đúng cho con người sẽ được phục hồi, vì như chúng ta đã thấy, những vấn đề rất xã hội như sự phá hủy cân bằng sinh thái, bệnh sida, sự phá vỡ tế bào gia đình… đều liên quan và được giải quyết bởi tôn giáo. Chúng ta cũng thấy chính trong sự khủng hoảng toàn cầu, những chân lý của đạo Phật đã rạng rỡ như thế nào, bằng cớ cụ thể là đạo Phật đang phát triển mạnh mẽ ở Âu Mỹ.
Trở lại với đất nước chúng ta. Những gì đang là lối sống trên thế giới vẫn xảy ra trong tivi nơi mỗi căn nhà chúng ta, những lối ăn mặc, ứng xử, cách nghĩ của thế giới cũng đang có mặt trong đời sống chúng ta. Những sự khủng hoảng của thế giới cũng là sự khủng hoảng, dầu nhỏ, ít đậm nét hơn, của chúng ta. Và hơn ai hết, có những cuộc chiến tranh kéo dài hàng nhiều thập kỷ trong thế kỷ này, tất cả đều từ những cơn khủng hoảng kinh tế xã hội và ý thức hệ của Tây phương.
Điều trước tiên có thể nhìn thấy, một điều giản dị mà lạ lùng, là những thời kỳ hưng vượng của đất nước đều đi đôi với những thời kỳ hưng vượng của đạo Phật, là cái tinh thần và lối sống đã có ở nước ta từ trước ngày lập quốc. Trong bài viết “Đạo Phật và con người Việt Nam hiện đại” (tuần báo GN5/95), tác giả có nói rằng “sự hiện đại hóa phải là sự tiến hóa thăng bằng giữa vật chất và tâm linh, vật chất tiến đến đâu, tâm linh phải tiến đến đó, nếu không sẽ sa vào khủng hoảng như Tây phương, hay như các nước chậm tiến ham giàu nhanh và tự đánh mất chính mình”. Cái trách nhiệm về phần tâm linh đó, không phải chỉ riêng vào thời điểm bước vào thế kỷ tới này, mà suốt trong lịch sử dân tộc, đạo Phật Việt Nam luôn luôn chịu một phần không nhỏ. Trước những thách thức và cơ hội của thời đại đặc biệt này, chúng ta nguyện cho những người đang sống trong đạo Phật và thấy đạo Phật là đời sống đích thực của mình hoàn thành trách nhiệm tâm linh đó.
—???—