BỒ TÁT HẠNH PHẬT HÓA THẾ GIAN

NGUYỄN THẾ ĐĂNG

Trích: Thư Viện Hoa Sen.


Một người đã phát tâm Bồ đề được gọi là một Bồ tát. Đời sống Bồ tát là chiến đấu chống lại sự xấu ác trong lòng người để giải thoát họ khỏi khổ đau.

Tôi sẽ trừ diệt phiền não cho tất cả chúng sanh. Tôi phải đóng cửa các nẻo đường xấu ác cho tất cả chúng sanh, mở cửa các nẻo đường tốt thiện cho tất cả chúng sanh… Dũng mãnh phấn chấn tiến lên, vì có thể ở trong trận chiến lớn sanh tử, diệt tan tất cả phiền não oán thù”. (những câu kinh trích trong bài này đều lấy từ Phẩm Ly Thế Gian thứ 38, Kinh Hoa Nghiêm).

Để tiến hành trận chiến lớn lâu dài như vậy, ngoài những đức tính, những nguyện hạnh, từ bi… được nói đến rất nhiều trong kinh, người tu hạnh Bồ tát cần phải có quan niệm đúng, cái nhìn đúng (chánh kiến) về sanh tử và tất cả chúng sanh. Không có cái thấy đúng về những đối tượng cần giúp đỡ, cứu độ, thì không thể chịu đựng nổi, mệt mỏi, chán ngán, và phải bỏ môi trường và cũng là chiến trường sanh tử.

1/Cái thấy đối tượng chúng sanh cần cứu giúp

Bồ tát làm việc vì chúng sanh, vì thấy chúng sanh khổ đau, nghèo nàn, mê ngủ… nên phát tâm đại bi:

Các Phật tử! Đại Bồ tát dùng mười pháp quán sát chúng sanh mà khởi đại bi:

Quán sát chúng sanh tánh khí chẳng điều thuận mà khởi đại bi.

Quán sát chúng sanh nghèo cùng không có thiện căn mà khởi đại bi.

Quán sát chúng sanh mãi mãi ngủ mê mà khởi đại bi.

Quán sát chúng sanh làm pháp chẳng thiện mà khởi đại bi.

Quán sát chúng sanh bị dục trói buộc mà khởi đại bi.

Quán sát chúng sanh chìm trong biển sanh tử mà khởi đại bi.

Quán sát chúng sanh mãi mang bịnh khổ mà khởi đại bi.

Quán sát chúng sanh không muốn pháp thiện mà khởi đại bi.

Quán sát chúng sanh mất những Phật pháp mà khởi đại bi.

Bồ tát hằng dùng tâm này quán sát chúng sanh”.

Đại bi là động lực làm việc của Bồ tát. Nhưng sự làm việc ấy không làm cho Bồ tát mệt mỏi, nản chí, vì Bồ tát hành động với cái thấy thật tướng của chính mình và của chúng sanh. Không những với chúng sanh, mà với những phiền não vô tận của chúng sanh, Bồ tát vẫn “chẳng kinh sợ”, vì biết chúng “vốn không có tạo tác”:

Đại Bồ tát thấu rõ tự thân và chúng sanh vốn xưa nay tịch diệt, chẳng kinh sợ, mà siêng tu phước trí không nhàm đủ. Tuy biết tất cả pháp vốn không có tạo tác mà cũng chẳng bỏ tự tướng các pháp. Tuy nơi các cảnh giới lìa hẳn tham dục, mà thường thích chiêm ngưỡng ca ngợi sắc thân chư Phật. Tuy biết ngộ nhập các pháp chẳng do nơi người khác, mà dùng nhiều phương tiện cầu nhất thiết trí. Tuy biết các quốc độ đều như hư không mà thường thích trang nghiêm tất cả cõi Phật. Tuy hằng quán sát không có người, không có ta, mà giáo hóa chúng sanh không nhàm mỏi. Tuy nơi pháp giới xưa nay bất động, mà dùng thần thông trí lực hiện các biến hóa. Tuy nhất thiết chủng trí vốn đã thành tựu, mà không ngừng nghỉ tu Bồ tát hạnh. Tuy biết các pháp không thể nói năng mà chuyển pháp luân thanh tịnh làm cho đại chúng hoan hỷ”.

Ta và người vốn xưa nay tịch diệt, vốn là tánh Không, không có người không có ta nhưng vẫn làm Bồ tát hạnh thuyết pháp độ sanh, trang nghiêm cõi Phật. Như thế Bồ tát hạnh khiến hành giả đi sâu và rộng vào pháp giới Chân Không – Diệu Hữu.

Cách hành văn “Tuy… mà” hợp nhất hai sự mâu thuẫn đối nghịch tưởng chừng như không thể dung hòa được lại là Trung đạo của Bồ tát.

Trí minh của Bồ tát thấy thật tướng của tất cả chúng sanh, từ đó với tâm đại bi gánh vác tất cả chúng sanh:

Trí minh duyên khởi thiện xảo biết tất cả chúng sanh, sanh vốn không sanh vì thấu đạt sự thọ sanh bất khả đắc… Thế nên Bồ tát thường giáo hóa chúng sanh thân không mỏi nhọc, chẳng trái việc làm của tất cả thế gian.

Trí minh thiện xảo nơi Phật vô trước, chẳng sanh tâm nhiễm trước. Nơi pháp vô trước chẳng sanh tâm nhiễm trước. Nơi cõi vô trước chẳng sanh tâm nhiễm trước. Nơi chúng sanh vô trước, chẳng sanh tâm nhiễm trước. Chẳng thấy có chúng sanh mà thật hành giáo hóa điều phục thuyết pháp, nhưng cũng chẳng bỏ đại bi đại nguyện, thấy Phật nghe pháp tùy thuận tu hành, y chỉ nơi những thiện căn của Như Lai cung kính cúng dường không ngừng nghỉ”.

Thấy chúng sanh như vậy, làm việc như vậy, phiền não khổ đau của chúng sanh như vậy, nên hành động mà vẫn giải thoát, đi dần vào pháp giới Hoa Nghiêm của chư Phật.

2/ Cái thấy thế gian, môi trường của sự cứu độ

Bồ tát thấy thế gian, mọi sự vật và mọi chúng sanh, tất cả các pháp, đều như sự huyễn, như mộng, có xuất hiện nhưng thực chất là tánh Không:

Quyết định biết rõ tự tánh của tâm. Đây là công cụ trợ đạo thứ sáu, vì có thể làm cho tâm mình và người được thanh tịnh.

Quán sát năm uẩn đều như sự huyễn, mười tám giới như rắn độc, mười hai xứ như rỗng không. Tất cả pháp như huyễn, như sóng nắng, như trăng trong nước, như mộng, như bóng, như tiếng vang, như hình (trong gương), như vẽ giữa hư không, như vòng lửa quay, như màu cầu vồng, như ánh sáng mặt trời mặt trăng, không tướng không hình, chẳng phải thường chẳng phải đoạn, chẳng đến chẳng đi, cũng không chỗ trụ. Quán sát như vậy thì biết tất cả các pháp vô sanh vô diệt. Đây là công cụ trợ đạo trí huệ thứ bảy, vì biết tánh tất cả pháp là không tịch”.

Quyết định biết rõ tự tánh của tâm: tự tánh hay bản tánh của tâm vốn là tánh Không, sáng tỏ và không thể ô nhiễm nên có thể làm cho tâm mình và người được thanh tịnh.

Tất cả các pháp như huyễn, như mộng, như sóng nắng, như trăng trong nước… nghĩa là có xuất hiện, nhưng không thật. Quán sát như vậy thì biết tất cả các pháp vô sanh vô diệt, tức là vô sanh pháp nhẫn.

Thấy tất cả các pháp đều duyên khởi, tức là thấy trực tiếp các pháp là tánh Không, và tánh Không chính là sự thanh tịnh không cái gì có thể làm ô nhiễm:

Đại Bồ tát thấy pháp duyên khởi nên thấy pháp thanh tịnh. Vì thấy pháp thanh tịnh nên thấy cõi nước thanh tịnh. Vì thấy cõi nước thanh tịnh nên thấy hư không thanh tịnh. Vì thấy hư không thanh tịnh nên thấy pháp giới thanh tịnh. Vì thấy pháp giới thanh tịnh nên thấy trí huệ thanh tịnh. Đây là công cụ trợ đạo trí huệ thứ mười của Bồ tát, vì tu hành tích tập nhất thiết trí”.

Khi trí huệ khai mở, Bồ tát thấy môi trường làm việc cứu độ của mình là cõi nước thanh tịnh cho đến pháp giới đều thanh tịnh.

Đại Bồ tát biết tất cả pháp bản tánh thanh tịnh, không nhiễm trước không nhiệt não, vì do khách trần phiền não mà thọ các khổ. Biết như vậy rồi, đối với các chúng sanh mà khởi đại bi, tên là Bản tánh thanh tịnh, vì họ mà thuyết pháp vô cấu quang minh thanh tịnh.

Đại Bồ tát biết tất cả pháp như dấu chim trong hư không, chúng sanh si mù, chẳng thể quán sát chiếu rõ các pháp, với họ khởi tâm đại bi, tên là Chân thật trí, vì họ mà khai thị pháp Niết bàn”.

Qua hoạt động Bồ tát hạnh, Bồ tát thấy biết môi trường thế gian là sự biểu lộ của tánh Không thanh tịnh và đại bi thanh tịnh.

Qua Bồ tát hạnh, Bồ tát thấy rõ tánh và tướng của thế gian, tất cả pháp đều là Phật pháp, từ đó thế gian này chuyển hóa thành cõi nước Phật:

Lại nghĩ rằng: tôi sẽ khắp vì tất cả thế gian mà thực hành Bồ tát hạnh, khiến quang minh thanh tịnh của tất cả pháp chiếu sáng tất cả Phật pháp. Khi phát tâm này quyết định không nghi.

Lại nghĩ rằng tôi sẽ biết tất cả pháp đều là Phật pháp, tùy tâm chúng sanh, vì họ mà diễn nói đều khiến khai ngộ. Lúc phát tâm này quyết định không nghi”.

Biết tất cả pháp đều là Phật pháp, Bồ tát có tất cả phương tiện thiện xảo để khai ngộ cho chúng sanh. Về phần Bồ tát, việc biết tất cả pháp đều là Phật pháp khiến tất cả thế gian chuyển hóa thành cõi nước Phật.

3/ Cái thấy bản chất của hành động cứu giúp

Thể nhập tánh Không và đại bi thanh tịnh, Bồ tát làm việc mà không có người làm, không có ngã, nhân, chúng sanh, thọ mạng. Thế nên, ngay khi đang cứu độ, Bồ tát tiến vào giải thoát, giác ngộ:

Đại Bồ tát quán sát như vầy: Không có một pháp nào tu Bồ tát hạnh, không có một pháp nào viên mãn Bồ tát hạnh, không có một pháp nào giáo hóa điều phục tất cả chúng sanh, không có một pháp nào cung kính cúng dường tất cả chư Phật. Không có một pháp nào đối với Vô thượng Giác ngộ đã thành, đang thành, sẽ thành. Không có một pháp nào đã nói, đang nói, sẽ nói. Người nói và pháp đều bất khả đắc, mà cũng không bỏ nguyện Vô thượng Giác ngộ, vì Bồ tát cầu tất cả pháp đều vô sở đắc, như thế mới sanh ra Vô thượng Giác ngộ. Thế nên nơi pháp tuy vô sở đắc mà siêng tu tập tăng trưởng nghiệp lành, thanh tịnh đối trị, trí huệ viên mãn niệm niệm tăng trưởng, đầy đủ tất cả. Tâm Bồ tát chẳng kinh sợ, chẳng nghĩ rằng: nếu tất cả pháp đều vốn tịch diệt thì tôi cầu đạo vô thượng đâu có ý nghĩa gì? Đây là tâm tăng trưởng như núi thứ mười”.

Bồ tát làm tất cả mọi việc để giúp đỡ, cứu độ chúng sanh, công việc này do tâm đại bi, nhưng mọi hành động đều ở trong trí huệ tánh Không, Vô tướng, Vô nguyện. Trí huệ tánh Không là trí huệ thanh tịnh, và đại bi không vướng mắc bởi chúng sanh và bởi đủ thứ phiền não của họ là đại bi thanh tịnh.

Không đến không đi là hạnh tu của Bồ tát, vì ba nghiệp thân, ngữ, ý không động tác.

Chẳng tăng chẳng giảm là hạnh tu của Bồ tát, vì như bản tánh.

Chẳng có chẳng không là hạnh tu của Bồ tát, vì không có tự tánh.

Như huyễn, như mộng, như bóng, như vang, như hình trong gương, như sóng nắng khi trời nóng, như mặt trăng trong nước là hạnh tu của Bồ tát, vì lìa tất cả sự bám nắm.

Không, Vô tướng, Vô nguyện, Vô tác là hạnh tu của Bồ tát, vì thấy rõ ba cõi mà tích tập phước đức không ngừng nghỉ”.

Tóm lại, đối tượng chúng sanh, thế giới chúng sanh, hành động cứu giúp của Bồ tát đều trở nên thanh tịnh nhờ vào tánh Không thanh tịnh và đại bi thanh tịnh. Đó là con đường Bồ tát, Bồ tát hạnh, khiến cho thế giới chúng sanh chuyển hóa thành cõi nước thanh tịnh, một cõi Phật.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. CỐNG HIẾN HẾT MÌNH TRONG CÔNG VIỆC CHÍNH LÀ TINH THẦN BỒ TÁT
  2. 37 PHẨM BỒ TÁT HẠNH
  3. BỒ TÁT HẠNH

Bài viết khác của tác giả

  1. TU QUÁN
  2. ĐỜI SỐNG XÃ HỘI: CƠ HỘI TẠO DỰNG HẠNH PHÚC
  3. KHOA HỌC VÀ PHẬT GIÁO

Bài viết mới

  1. HÀO PHÓNG – VẼ LẠI NHỮNG LẰN RANH
  2. NHỮNG KẺ ĐỊCH THÂN CẬN
  3. KHẢ NĂNG TRUYỀN CẢM HỨNG