NGHIỆP – NGUYÊN NHÂN CỦA SỰ CHÊNH LỆCH

NARADA MAHA THERA

Trích: Đức Phật và Phật pháp; Phạm Kim Khánh dịch; NXB. Tôn Giáo, 2014

 

 

Thuở Đức Phật còn tại tiền, có chàng thanh niên tên Sudha, thắc mắc trước trạng huống bất đồng giữa loài người, muốn tìm chân lý, đến gần Ngài và bạch rằng:

“Bạch Đức Thế Tôn, vì lý do nào và nguyên nhân nào trong đời có người yểu (appayuka) và có người thọ (dighayuka), người bệnh hoạn (bavhaba-dha) và người khoẻ mạnh (appabadha), người xấu xa (dubbanna) và người đẹp đẽ (vannavanta), có hạng người làm gì cũng không ai làm theo, nói chi cũng không ai nghe (appesakka) và hạng người có thế lực, làm gì cũng có người theo, nói chi cũng có người nghe (mahesakka), có người nghèo khổ (appabhopga) và người giàu sang (mahabhoga), có người sanh trưởng trong gia đình bần tiện (nicakulina) và có người dòng dõi cao sang (uncakulina), có người dốt (duppanna) và có người trí tuệ (pannavanta)?

Đức Phật trả lời vắn tắt như thế nầy:

“Tất cả chúng sanh đều mang theo cái Nghiệp (Karma) của chính mình như một di sản, như vật di truyền, như người chí thân, như chỗ nương tựa. Chính vì cái nghiệp riêng của mỗi người mỗi khác nên mới có cảnh dị đồng giữa chúng sanh.”

Rồi Đức Phật giải thích cho Sudha nghe từng trường hợp:

“Nếu người kia trọn đời chỉ biết sát sanh, người thợ săn chẳng hạn, bàn tay luôn luôn đẫm máu, hằng ngày sống trong sự giết chóc và gây thương tích không chút xót thương. Do tính hiếu sát ấy, nếu tái sanh trong cảnh người, người ấy sẽ là một người có mạng “yểu”.

“Nếu người kia luôn luôn thận trọng, không hề sát phạm đến tính mạng của ai, sống xa gươm đao, giáo mác và các loại khí giới, lấy lòng từ ái đối với tất cả chúng sanh. Do sự không sát sanh (tâm Từ) ấy, nếu tái sanh trong cảnh người, người ấy sẽ trường “thọ”.

“Nếu người kia độc ác, luôn luôn tìm cách hại người, luôn luôn dùng đấm đá và gươm đao đối xử với mọi người. Do nết hung dữ, nếu tái sanh trong cảnh người, người ấy sẽ ương yếu bệnh hoạn.

“Nếu người kia không bao giờ làm tổn thương ai khác. Do đức tánh hiền lương nhu hòa, nếu tái sanh trong cảnh người, người ấy sẽ được mạnh khỏe.

“Nếu người kia thô lỗ, cộc cằn, luôn luôn giận dữ, chưởi mắng, nguyền rủa kẻ khác. Do hậu quả của sự thô lỗ, cộc cằn ấy, nếu tái sanh trong cảnh người, người ấy sẽ xấu xí.

“Nếu người kia thanh tao nhã nhặn, dầu ai có chưởi mắng thậm tệ cũng không hề oán giận và tìm cách trả thù. Do hậu quả của phong thái thanh nhã ấy, nếu tái sanh trong cảnh người, người ấy sẽ đẹp đẽ.

“Nếu người kia có tánh đố kỵ, thèm thuồng, ham muốn lợi danh của kẻ khác, không biết tôn kính người đáng kính, luôn luôn chứa chấp lòng ganh tỵ. Do hậu quả của tính tật đố ganh tỵ ấy, nếu tái sanh trong cảnh người, sẽ là người không có ảnh hưởng, nói gì không ai nghe, làm gì không ai theo.

“Nếu người kia không có tánh đố kỵ, không thèm ham muốn lợi danh của người khác, biết tôn trọng người đáng kính, không chứa chấp lòng ganh tỵ. Do ảnh hưởng của tâm không ganh tỵ ấy, nếu tái sanh trong cảnh người, sẽ là người có thế lực, nói gì cũng có người nghe, làm gì cũng có người theo.

“Nếu người kia không bao giờ biết bố thí vật gì. Do tánh keo kiết, bám níu vào tài sản sự nghiệp của mình, nếu tái sanh trong cảnh người, sẽ là người nghèo nàn thiếu thốn.

“Nếu người kia giàu lòng quảng đại, tánh ưa bố thí. Do lòng quảng đại rộng rãi ấy, nếu tái sanh trong cảnh người, sẽ là người giàu có dư dã.

“Nếu người kia không biết phục thiện, tánh ưa kiêu hãnh, không tôn trọng người đáng kính. Do tánh ngạo mạn và vô lễ ấy, nếu tái sanh trong cảnh người, sẽ là người đê tiện thấp hèn.

“Nếu người kia biết phục thiện, tánh không kiêu hãnh, biết tôn trọng người đáng kính. Do đức tính biết phục thiện và có lễ độ ấy, nếu tái sanh trong cảnh người, sẽ là người sang trọng quyền quý.

“Nếu người kia không chịu gần người có tài đức để học hỏi điều hay lẽ phải và phân biệt chánh tà. Do sự kém học ấy, nếu tái sanh trong cảnh người, sẽ là người dốt.

“Nếu người kia cố công tìm đến người có tài đức để học hỏi. Do sự học hỏi chánh đáng ấy, nếu tái sanh trong cảnh người, sẽ là người thông minh trí tuệ.”

Trên đường tái sanh luân hồi, con người chịu ảnh hưởng của nghiệp quá khứ nhiều hơn truyền thống.

Như trường hợp của Đức Phật. Ngài đã thọ sanh nhờ tinh trùng, minh châu và bẩm thụ “gene” của cha mẹ cũng như mọi chúng sanh. Nhưng về mặt thể chất cũng như về phương diện tinh thần, trong quý tộc, từ tổ tiên mấy đời xuống đến Ngài, không ai có thể sánh với Ngài. Đức Phật đã có lần dạy rằng Ngài không thuộc dòng dõi vua chúa mà thuộc dòng của chư Phật, chắc chắn Đức Phật là bậc siêu nhiên. Ngài sanh ra với cái nghiệp phi thường mà chính Ngài đã tạo nên từ vô lượng kiếp.

Theo kinh Lakkhana Sutta, Đức Phật sanh ra với tướng mạo khác thường – 32 đặc điểm phi thường – là do bao nhiêu công đức cao dày mà Ngài đã tạo ra trong vô lượng kiếp quá khứ. Kinh Lakkhana Sutta cũng giải thích rành mạch mỗi tướng tốt của Đức Phật, tướng nào phát sanh do nhân nào.

Trường hợp hy hữu của Đức Phật chứng tỏ rằng năng lực của Nghiệp chẳng những chi phối cơ thể mà còn vượt lên, làm mất phần hiệu năng của tinh trùng, minh châu và bẩm thụ “gene” của cha mẹ. Vì thế Ngài dạy rằng :

“Ta là kẻ thừa hưởng những hành vi tạo tác của ta như một di sản từ quá khứ truyền lại.”

Đề cập đến sự khác biệt giữa chúng sanh, sách Atthasalini ghi rằng:

“Do sự khác biệt giữa cái nghiệp mỗi chúng sanh nên có trạng thái chênh lệch trong sự tái sanh. Người sanh ra sang cả, kẻ thì đê hèn. Người sanh ra trong sự khinh khi nguyền rủa, kẻ thì được tôn trọng kính vì. Người được hạnh phúc an vui từ lúc lọt lòng mẹ, kẻ lại khổ sở khốn cùng.

“Do sự khác biệt giữa cái nghiệp mỗi chúng sanh nên có sự khác nhau về hình dung, sắc diện: người thì đẹp đẽ, kẻ lại xấu xa, người cao, người thấp, kẻ thì tuấn tú phương phi, người thì kỳ hình dị tướng .

“Do sự khác biệt giữa cái nghiệp mỗi chúng sanh nên có trạng thái chênh lệch trong xã hội như được, thua, danh thơm, tiếng xấu, được ca tụng hay bị khiển trách, hạnh phúc hay đau khổ.”

“Do nghiệp, thế gian luân chuyển.
Do nghiệp, chúng sanh tồn tại.
Và cũng do nghiệp, mà chúng sanh vướng víu.
Liên kết với nhau như bánh xe,
cấu hợp, dính liền và quây tròn quanh cái trục.
Do nghiệp, chúng sanh được vinh hạnh tôn sùng.
Do nghiệp, chúng sanh chịu cảnh nô lệ tôi đòi, bị nạn độc tài đàn áp và đi đến chỗ bại vong. Đã biết rằng nghiệp sanh quả. Tại sao vẫn tin rằng: “Trong đời nầy không có nghiệp báo?

Tóm tắt, theo Phật giáo, những sự chênh lệch về tinh thần, đạo đức, trí tuệ và bẩm tánh, một phần lớn đều tùy thuộc hành động và khuynh hướng của chúng ta trong quá khứ và trong hiện tại, tức là nghiệp.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. ĐỨC PHẬT LÀ AI ?
  2. NGHIỆP CHUYỂN LÊN VÀ NGHIỆP CHUYỂN XUỐNG
  3. TÌM CHÂN LÝ

Bài viết mới

  1. BIỂU LỘ CHÍNH MÌNH MỘT CÁCH TRỌN VẸN
  2. CHÂN LÝ CÓ THỂ CÓ ĐƯỢC BẰNG LAO ĐỘNG QUÊN MÌNH
  3. CẢM GIÁC TỰ DO, ĐƯỢC GIẢI PHÓNG BẢN THÂN