NGỌN NÚI CỦA SỰ TRÌ TRUỆ
Trích: Hiểu Biết Chính Mình – Thiền Và Tây Phương; Chuyển ngữ: Hội Nguyên Yên Bình; NXB Thiện Tri Thức.
<><><><>
Chúa Giê-su đã nói, “Nếu hai người trong cùng một ngôi nhà làm hòa với nhau, Họ sẽ nói với ngọn núi, Hãy di chuyển!’ và nó sẽ di chuyển.”
<><><><>
Phúc âm của Thomas
Kẻ thù lớn nhất của việc thực hành Thiền là sự trì trệ, căn bệnh “ngày mai.” “Ngày mai tôi sẽ cảm thấy thích hơn, “Ngày mai tôi sẽ có nhiều thời gian hơn,” “Ngày mai tôi sẽ không quá mệt mỏi, không quá vội vã, không có cái này, sẽ có cái kia.” Ngày mai. A! ngày mai, công cụ tiết kiệm sức lao động tuyệt vời. Ngày mai là tự do; đó là tiềm năng thuần khiết, khả năng thuần khiết. Ngày mai giống như bầu trời xanh trong. Vấn đề duy nhất là nó luôn luôn là ngày mai. Như chú chuột sóc đã nói với Alice, “Kẹt vào ngày mai, tại sao nó luôn kẹt vào ngày mai và không bao giờ kẹt vào hôm nay?”
Bởi vì, tất nhiên, hôm nay chúng ta phải làm việc đó chứ không chỉ hy vọng về nó.
Lý do duy nhất để thực hành Thiền là… không có lý do gì cả. Đây chính là vấn đề. Thúc đẩy mọi người là để cho họ thấy rằng họ – hoặc những người khác, hoặc tương lai, hoặc ít nhất là một cái gì đó – sẽ được hưởng lợi theo một cách nào đó từ những gì họ đang làm. Hãy cho tôi một lý do và tôi sẽ di chuyển trái đất. Nếu “Không có lý do nào” thì sao?
Sự thực hành của chúng ta không có gì dành cho cái tôi; làm sao điều đó là có thể khi chính sự bám víu vào một thứ gì đó là chướng ngại của chúng ta, chính sự bám víu này, sau cùng, tạo thành nền tảng của bản ngã? Mọi giá trị của chúng ta đều liên quan đến sự bám víu này, chúng ta đưa ra những lý do và biện minh cho nó. Mọi hy vọng của chúng ta đều nằm trong sự hỗ trợ của nó; mọi nỗi sợ hãi của chúng ta đều nằm trong sự diệt vong của nó. “Tôi là hay không là?” Cuộc tranh luận lớn nghiêng về phía “Tôi không là” với sự tiến triển đều đặn, không ngừng nghỉ của thời gian. Trở thành một thứ gì đó, bất cứ thứ gì, miễn là tôi có thể là nó mãi mãi; trở thành một điều gì đó tuyệt đối, để không có nghi ngờ, không có sự bất an, không có mối đe dọa nào đến từ bên ngoài hay bên trong. Sự an toàn tối thượng. Sự an toàn tối thượng là sự trơ lì tối thượng. Nó sẽ không nhúc nhích. Một pháo đài hùng mạnh là Thượng Đế của chúng ta, nhưng một ngọn núi hùng vĩ là sự trơ lì của chúng ta. Bất tử, bất khả chiến bại, một tảng đá của thời đại, thấu suốt, toàn năng, tối thượng, tuyệt đối, động lực chính không lay chuyển: vì vậy chúng ta đã tạo ra Thượng Đế của mình theo hình ảnh của chính mình hoặc theo hình ảnh mà chúng ta muốn trở thành. Và vì thế chúng ta kẹt ở đó.
Vậy tại sao phải làm việc? Tại sao phải vật lộn với một sự thực hành không đem lại phần thưởng? Bạn có nhớ khi Hoàng đế Lương Vũ Đế hỏi Bồ Đề Đạt Ma, “Công đức cho tất cả những việc làm phước của ta là gì?” không? Bồ Đề Đạt Ma trả lời, “Không có công đức, thưa Đức vua.” Một người đàn ông trẻ tuổi gọi điện cho tôi và nói, “Tôi đã thực hành trong ba tuần và không có điều gì xảy ra!” Tôi nói, “Xin chúc mừng!” Anh ta nói “Hả? Tôi không hiểu. Tại sao lại chúc mừng?” Tôi nói, “Mọi người đã làm việc vì điều này trong nhiều năm, và anh đã đạt được nó chỉ trong ba tuần.” Hãy tưởng tượng xem, không có gì xảy ra. Sự tĩnh lặng thuần túy bất biến, sự bình yên thuần khiết. Sự bình yên vượt trên mọi sự hiểu biết, mọi sự nắm bắt. Sự bình yên là bản chất thực sự của bạn mà chúng ta đã quay lưng lại và vì vậy phải đối mặt với nó như là thực tại “ở ngoài kia.” Hơn nữa, bản chất đích thực có thể có vẻ rất đáng sợ, rất khủng khiếp khi khuôn mặt của nó không bị che phủ bởi sự bận rộn, hành động, sự đạt được, sự sử dụng, tiêu thụ, phấn đấu… sự tĩnh lặng thuần khiết bất biến, sự bình yên vượt trên mọi sự hiểu biết.
Nhưng ngồi thì khó khăn lắm, khô khan lắm, đau đớn lắm, nên… hãy nhìn nhận đi, nó thật chán, thật buồn tẻ. Tôi chỉ nên đi ngủ thôi; hoặc nếu không ngủ, tôi chỉ ngồi đó bực bội, tự trói mình vào những nút thắt, tự hỏi mình phải làm cái quái gì đây. Nếu không có gì để đạt được, thì không có gì cần phải làm để đạt được. Sự bực bội, nỗi đau đớn, sự buồn chán đó, tất cả đều là biểu hiện của bản chất đích thực. Có một câu chuyện kể về một thiền sư nằm trên giường bệnh kêu gào trong đau đớn. Các nhà sư khá xấu hổ và hỏi ông, một thiền sư, làm sao ông có thể hành xử như vậy. Ông nói, “Tiếng kêu đau đớn của tôi chẳng khác gì tiếng kêu vui mừng của tôi.”
Một công án trong Vô môn quan kể về một nhà sư, Seizei, người đến gặp thiền sư Sozan và nói, “Con nghèo và túng quẫn, con cầu xin ngài, hãy cho con no.” Vị thiền sư gọi, “Seizei!” và Seizei nói, “Vâng, thưa thầy.” Sozan nói, “Đấy, ông đã uống ba ly rượu ngon nhất Trung Hoa mà vẫn nói là chưa hề thấy ướt môi.”
Khi chúng ta vật lộn, khi chúng ta tự hỏi, “Tôi phải làm gì?” khi chúng ta bị sự trì trệ và buồn chán chế ngự, chúng ta đang nói, “Tôi nghèo và túng quẫn.”
Mumon hỏi, “Seizei đã uống rượu vào lúc nào.?”
<><><><>
Một nhà sư hỏi, “Làm sao có thể biết được điều gì là đúng trước khi sự thức tỉnh bừng nở?”
“Bây giờ nó đang bừng nở,” vị thầy trả lời.