CHI NGUYỄN
Trích: bài đăng trên Vietcetera - 20/10/2023
Về tác giả: Chi Nguyễn sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, Việt Nam nhưng lập nghiệp và định cư tại Mỹ. Chi Nguyễn là Tiến sĩ Giáo dục, chuyên về chính sách, lãnh đạo, và giáo dục so sánh. Các nghiên cứu của tôi xoay quanh vấn đề bình đẳng xã hội và cơ hội học tập cho thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn (xem thêm trên trang chinguyen.education). Hiện tác giả giảng dạy và nghiên cứu tại một trường đại học công lớn ở Mỹ với vị trí Assistant Professor. (nguồn: thepresentwriter.com)
—
Nếu cầm trên tay “Một cuốn sách về chủ nghĩa tối giản”, bạn có thể thấy ở trang trước cả lời Mở đầu của sách là lời đề tặng:
“Cuốn sách này dành cho ông ngoại tôi. Cố nhà báo Nguyễn Hải, người đã dạy cho tôi bài học đầu tiên về sống trong hiện tại.”
Và nếu theo dõi blog The Present Writer thì có lẽ bạn cũng thấy rằng “Be present” là dòng chữ luôn xuất hiện ở cuối mỗi bài viết của tôi.
Điều gì đã tiếp cho tôi nguồn cảm hứng để theo đuổi triết lý sống cho hiện tại đến như vậy? Sống cho hiện tại thì liên quan gì đến sống tối giản? Trong bài viết này tôi sẽ kể lại câu chuyện đằng sau đó – một câu chuyện có ý nghĩa rất lớn đối với tôi.
Mùa hè tôi nhận được bài học lớn
Mùa hè năm tôi lên lớp bảy, ông bà ngoại tôi quyết định sửa sang lại căn hộ tập thể được nhà nước cấp hàng chục năm trước cho sáng sủa và tiện nghi hơn. Trong khi đợi căn hộ sửa xong, ông bà tôi ở nhờ căn phòng trống của nhà người hàng xóm sát vách. Tôi vẫn được bố mẹ đưa qua căn phòng đó thăm ông bà hàng tuần.
Trong một buổi tối, cả gia đình quây quần hết sức bình thường. Ông tôi chợt nói: “Tôi đã đi xem thầy ở nhiều nơi, ai cũng nói tôi khó có thể sống hết năm sau. Tôi cố gắng sửa nhà sớm cho yên tâm.”
Cả nhà ngơ ngác nhìn ông bởi vì ông tôi lúc đó còn khỏe mạnh, minh mẫn, hàng tuần còn đọc sách, đạp ra Bờ Hồ để uống cafe với bạn bè và viết bài đăng báo thường xuyên (ông tôi là nhà báo lão thành). Kỳ lạ nhất là ông tôi không phải người mê tín, chưa ai từng nghe ông đi xem bói bao giờ.
Lúc đó, mọi người đều gạt đi, coi như ông chưa từng nói gì. Chỉ có trên đường về, mẹ tôi mới hỏi ba tôi: “Này, bố tự nhiên hôm nay nói cái gì sợ thế nhỉ!” Sau đó, dường như không có ai nhắc lại câu chuyện này. Nhưng không hiểu sao, tôi lại nhớ như in trong đầu và gần như ám ảnh với câu nói của ông.
Trong trí óc con bé 13 tuổi lúc bấy giờ, tôi nghĩ: “Dù cho lời nói của ông có thành sự thật hay không, hãy cứ coi như năm nay là năm cuối cùng có thời gian ở bên ông để ghi nhớ mọi ký ức về ông.” Trong năm đó, âm thầm tôi chủ đích dùng tất cả mọi sự tập trung của mình để ghi nhớ từng chi tiết về ông. Mỗi lần phải thăm ông bà, tôi thường xán ngay vào lòng ông, để bàn tay cầm bút tài hoa gầy guộc, nhăn nheo của ông sát vào mắt mình. Đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ từng đường gân, từng vết đồi mồi trên đôi bàn tay của ông.
Tôi còn tâm sự với ông rất nhiều trong năm đó, tôi chia sẻ cùng ông từng bản nháp bài văn tôi viết, từng bức tranh tôi vẽ và từng chiếc bút máy tôi thích. Kỷ niệm trong năm đó là có lần ông đạp xe từ nhà ở Thành Công đến tiệm văn phòng phẩm cạnh trường cấp hai của tôi ở Hàm Long, chỉ để mua một chiếc bút chì kim mà tôi một lần từng khoe với ông. Khi nghe ông kể lại, tôi tiếc lắm, tôi nói ước gì ông đợi một chút đến khi tôi tan học, tôi sẽ dẫn ông đi ăn chè và giới thiệu ông với bọn bạn của tôi.
Một thời gian ngắn sau đó, ông mất. Ông tôi bị ung thư từ khi phát hiện bệnh đến khi mất chỉ khoảng vài ba tuần. Không có ai có thể đoán được là ông đi nhanh như thế (có lẽ trừ ông và tôi).
Mặc dù ông ngoại mất đi, để lại khoảng trống lớn trong tôi, tôi cảm thấy nhẹ nhõm hơn khi nghĩ đến toàn bộ thời gian một năm trước đó tôi đã dành để ghi nhớ mọi ký ức tốt đẹp nhất về ông. Tôi thực sự sống với hiện tại mỗi khi ở bên ông; tôi không nghĩ về quá khứ, không nghĩ về tương lai, không phí hoài thời gian, không chùi mũi vào tivi, điện thoại.
Mỗi lần nghĩ đến ông ngoại, tôi lại khát khao được sống một cuộc sống có ý nghĩa. Bạn có thể tìm đọc bài viết “Ông ngoại tôi, nhà báo Nguyễn Hải” trên blog The Present Writer để hiểu hơn tại sao tôi lại dành cảm xúc đặc biệt dành cho ông như vậy.
Nhìn lại, tôi nghĩ có lẽ tất cả mọi việc xảy ra trong năm đó đều có lý do của nó, từ việc ông đột nhiên thông báo về sự ra đi của mình, đến việc tôi trở nên ám ảnh với câu nói từ như bâng quơ đó. Lần đầu tiên tôi học được cách đưa bản thân quay trở lại với hiện tại, tập trung toàn bộ năng lượng và sự chú ý của mình đến những người thân yêu khi còn thời gian ở bên họ.
Có lẽ bằng một cách kỳ lạ nào đó, vũ trụ dường như đã thấy trước được tương lai của tôi, một người bên ngoài năng động – sống hết mình trong ước mơ, luôn phấn đấu về tương lai phía trước, nhưng ẩn bên trong là một “hành khách trên chuyến tàu cuộc đời” – sống một cách nhạt nhòa, thiếu ý nghĩa, chỉ chăm chăm hướng đến ga cuối cùng mà quên đi tận hưởng niềm vui của cuộc hành trình, của từng bến đỗ giữa chừng.
Bởi vậy mọi thứ như đã được sắp đặt để ông ngoại dạy cho tôi bài học cuối cùng của ông trước khi ra đi, đồng thời là bài học đầu tiên của tôi về cuộc đời: Sống cho hiện tại.
Bên trên là một câu chuyện riêng tư và có lẽ cũng hơi buồn một chút, nhưng kết thúc của nó thì có hậu và ảnh hưởng lâu dài tới cuộc sống của tôi sau này. Nếu không có tin rằng ông ngoại sẽ qua đời trước một thời gian, tôi nghĩ mình sẽ không thể thấm thía được bài học này.
Khi nói về lối sống tối giản, đã có nhiều nơi nói về tối giản trong ăn mặc, mua sắm vật dụng, thiết lập và duy trì mối quan hệ, nhưng tôi tin rằng giá trị quan trọng nhất của lối sống này là tập trung vào hiện tại.
Bạn tối giản vì bạn muốn sống nhiều hơn cho hiện tại.
Be present!
Nguồn: Vietcetera.