NGUỒN GỐC THIỀN TÔNG
Trích: Thiền Tông Bản Hạnh; Chú giải: Đương Đạo Nguyễn Thế Đăng

Trước kể tông phái thiền gia
Ai ai học đạo xem hòa biết ngay
Tây Thiên Thích Ca là thầy
Truyền cho Ca Diếp cùng thầy A Nan
Tính được nhị thập bát viên
Hai mươi tám Tổ Tây Thiên thuở này
Đạt Ma tổ mãi phương tây
Vượt sang Đông độ truyền nay kệ rằng:
“Ngô bản lai tư thổ
Truyền pháp cứu mê tình
Nhất hoa khai ngũ diệp
Kết quả tự nhiên thành”
(Nguồn cơn tao đến chưng đây
Mở truyền giáo pháp làm thầy cứu mê
Một cây nở được năm chi
Khai hoa kết quả đều thì chứng nên)
Tuệ Khả, Tăng Xán tục liên
Đạo Tín, Hoằng Nhẫn lục thiền Huệ Năng.
Chư tổ truyền dõi tâm đăng
Tây Thiên Đông Độ, Thiệu Long khắp trời.
Ngũ gia tông phái mọi nơi
Khêu đèn chong ngọn đợi người hữu duyên.
Dòng Thiền truyền từ Đức Phật Thích Ca ở Ấn Độ cho đến Tổ Đạt Ma là 28 vị. Tổ Đạt Ma qua Trung Hoa truyền từ Huệ Khả đến Huệ Năng là Tổ thứ sáu kể từ Tổ Đạt Ma, sau đó tỏa ra năm phái (năm cánh). Qua đến Việt Nam, Tổ Tỳ Ni Đa Lưu Chi được truyền từ Tam Tổ Tăng Xán, và Tổ Vô Ngôn Thông được truyền từ Tổ Bá Trượng. Sau đó vua Trần Nhân Tông sáng lập dòng Thiền Trúc Lâm kế thừa các dòng Thiền trước mang đặc tính Việt Nam.
Vậy các dòng Thiền truyền cái gì tiếp nối không dứt? Đó là tâm Phật, vốn có nơi mỗi người. Như Kinh Pháp Hoa nói Khai Thị Ngộ Nhập. Khai thị là mở ra và chỉ bày. Mở ra và chỉ bày cái tâm Phật vốn có nơi mỗi người. Ngộ là thấy ra tâm Phật hay Phật tánh ấy. Nhập là đi sâu vào tâm Phật vốn sẵn có nơi mình. Thiền tông thường dùng từ “khai thị” này, và cũng chính vì khai thị, chỉ bày trực tiếp mà Thiền tông được gọi là Đốn ngộ.
Tâm Phật trong đoạn này được nói là pháp (”Truyền pháp cứu mê tình”), “ một hoa “ (“nhất hoa khai ngũ diệp”), là “tâm đăng” (“chư Tổ truyền dõi tâm đăng, khêu đèn châm ngọn đợi người hữu duyên”).
Tâm Phật ấy là “Kết quả tự nhiên thành”. Tự nhiên là không gắng sức, là vốn đã thành, vốn sẵn đủ. Tự nhiên thành là đã thành từ vô thủy đến vô chung. Thiền chính là Quả tự nhiên thành này. Dầu muốn làm gì thì làm, tu kiểu gì thì tu, vẫn chỉ là một Quả tự nhiên thành này.
Chư Phật trỏ bảo căn nguyên
Khẩu thụ tâm truyền Bát Nhã chính tông.
Tứ mục tương cố nhãn đồng
Thầy tớ trao lòng, giải sáng giao huy.
Căn nguyên là nguồn gốc, nguồn gốc cái tâm này, bản tánh của tâm này. Toàn bộ cái tâm này, từ nguồn gốc cho đến lá hoa (các tư tưởng sanh khởi từ nguồn gốc ấy) đều là tánh Không. Đây là Bát Nhã chính tông.
Bát Nhã chính tông là “tất cả pháp Không”, tất cả các pháp đều phô bày hiển thị tánh Không. Tất cả thân, ngữ, tâm của tất cả chúng sanh, tất cả hiện hữu không ra ngoài tánh Không này và chính là tánh Không này. Tánh Không là bản tánh của sanh tử cho nên nó giải thoát cho sanh tử khổ đau.
Nguồn gốc là tánh Không, cái tôi tạm thời để có mặt ở đời sanh khỏi từ nguồn gốc tánh Không ấy nên nó là tánh Không và những tư tưởng sanh khởi từ cái tôi ấy cũng là tánh Không. Không phải một người mà tất cả chúng sanh đều như vậy, mặc dù nghiệp có khác nhau. Đây là tánh Không bình đẳng của tất cả chúng sanh và vũ trụ. Chứng ngộ được tánh Không này là Bát Nhã chánh tông.
Tánh Không là nền tảng của tất cả các bậc thánh và của tất cả các pháp: “Tất cả Hiền Thánh đều vì được vô sở hữu (tánh Không) mà có danh hiệu. Vì được tánh vô sở hữu (tánh Không) nên là Phật, vì được tánh vô sở hữu nên là A La Hán, là A Na Hàm, là Tư Đà Hàm, là Tu Đà Hoàn” (Kinh Đại Bát Nhã, phẩm Tam Thứ Đệ Hành). Tánh Không là Nền tảng của tất cả Phật giáo.
Tất cả bốn phái của Phật giáo Tây Tạng Nyingma, Kagyu, Sakya, và Gelug đều đồng ý lấy tánh Không làm nền tảng và cứu cánh của sự tu hành, mặc dầu về pháp môn phương tiện thì có đôi chút khác nhau.
“Tứ mục tương cố”, bốn mắt nhìn nhau. Khi sư Chân Nguyên tham vấn Thiền sư Minh Lương bèn hỏi: “Bao năm dồn chứa ngọc trong đãy, hôm nay tận mặt thấy thế nào, là sao? Thiền sư Minh Lương nhìn thẳng vào sư, sư nhìn lại, bốn mắt thông nhau, tức thì cảm ngộ, sụp xuống lạy. Về sau Thiền sư Chân Nguyên nhiều lần nhắc chuyện bốn mắt nhìn nhau này.
Nhưng đời sau muốn thấu hiểu Sư thì phải tự hỏi. Bốn mắt nhìn nhau, thấy cái gì?”, “Sao gọi là ”nhãn đồng?”
Bống đầu cử nhãn ấn tri
Cơ quan thấu được thực thì tri âm
Đến khi phó pháp truyền tâm
Vận dụng trí huệ thiển thâm nhiều bề.
Bổng đầu: đầu gậy. Cử nhãn: đưa mắt. Ấn tri: ấn cái thấy biết.
Cơ quan tức là những cơ chế vận hành của tâm. Biết được những cử tâm động niệm của tâm bèn biết được bản tâm. Biết được bản tâm bèn là tri âm. Biết được hoạt động của tâm thì cũng biết bản thể của tâm. Biết được bản tâm là có trí huệ. Bản tâm hay trí huệ đó một khi biết được, bèn vận dụng đủ kiểu sâu cạn để ứng xử với người, với vật.
Hoặc là nghiễm tọa vô vi
Hoặc là thuần mục dương mi dao thần.
Hoặc hiện sư tử tần thân
Quát thét một tiếng xa gần vang uy
Ai khôn xem đấy xá nghì
Hội ngộ tự tánh tức thì chứng nên
Nghiễm tọa: là ngồi oai nghiêm. Nghiêm tọa vô vi là ngồi oai nghiêm trong tánh không.
Thuần mục, dương mi, dao thần: nháy mắt, nhướng mày, máy môi. Những bộ phận trên mặt đều có thể dùng để khai thị, hiển bày tánh Không, cội nguồn của mọi sự. Một người có thể dùng những cử chỉ để bày tỏ tánh Không như vậy vì họ đã quen thuộc với tánh Không, đã sống lâu và sâu trong tánh Không.
Sư tử tần thân: sư tử gầm gừ. Các vị Thiền sư ngày xưa thường quát thét như sư tử, làm im bặt những niệm lan man trong tâm người hỏi. Niệm dừng thì thực tại Tâm hiện.
Tất cả những hành động, lời nói của các vị thầy chỉ có mục đích làm cho người ta “hội ngộ tự tánh tức thì chứng nên”, cái chưa hiện tiền với người ấy bây giờ hiện tiền với người ấy.
“Hội ngộ tự tánh” là biến cố lớn nhất trong đời người. Từ đó người ta biết “mình là cái gì, mình sanh ra từ đâu và chết sẽ đi về đâu”. Trước đó người ta chỉ biết sống cho và bằng con người sanh tử, con người có sanh ra và sẽ chết đi. Người ta sống trong một sự tìm kiếm cái gì đó, tìm nghề nghiệp nhưng rồi thấy cũng chẳng phải, tìm gia đình rồi thấy cũng chẳng phải, tìm danh lợi quyền uy rồi thấy cũng chẳng phải… Cho đến khi gặp gỡ được tự tánh, con người thật của mình, cái Chính Mình hằng ở với mình mà mình luôn tìm kiếm, chỉ lúc đó người ta mới bắt đầu sống, một đời sống đích thực mà kinh điển gọi là “đời sống bất tử”
Thuở xưa hội cả Kỳ Viên
Bụt cầm một đóa hoa sen giơ bày
Ca Diếp trí huệ cao tay
Liễu ngộ tự tánh bằng nay mỉm cười
Trước kia ở hội Linh Sơn, Phật đưa lên một đóa hoa sen để tỏ bày cái tự tánh Phật đang trùm khắp hội chúng và quang cảnh, nhưng chỉ có ngài Ca Diếp mỉm cười. Đức Phật đã ấn chứng cho ngài Ca Diếp làm Tổ Thiền tông thứ nhất: “Ta có chánh pháp nhãn tạng, Niết bàn diệu tâm, thực tướng vô tướng, nay phó chúc cho ông.”
Thấy hoa sen là thực tại xưa nay, là Niết bàn diệu tâm, thực tướng vô tướng, đang trùm khắp và là tất cả hiện hữu, đây gọi là “liễu ngộ tự tánh”, là thấy Tánh như cách nói của Thiền.
Trần trần sát sát Như Lai
Chúng sanh mỗi người mỗi có hoa sen
Hoa là bản tánh trạm viên
Bao hàm thiên địa dưới trên cùng bằng.
Trần trần sát sát: là vô số cõi nước nhiều như bụi. Trạm là trong trẻo, trong suốt. Viên là tròn đầy.
Chúng sanh trong vô số cõi nước, mỗi người mỗi có hoa sen. Kinh Đại Bát Niết Bàn nói, “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh.” Nói là mỗi người mỗi có, nhưng hoa sen ấy không chỉ ở trong thân mỗi người, mà hoa sen bản tánh ấy là một hoa sen bao gồm trời đất và tất cả chúng sanh. Nói “dưới trên cùng bằng” là trong hoa sen ấy chỗ nào cũng bằng nhau, cũng đều bình đẳng, chỗ nào cũng là hoa sen.
Trong tấm gương tròn sáng lớn (Đại viên cảnh trí) bao gồm trời đất chúng sanh ấy, tất cả trời đất chúng sanh đều bình đẳng là gương (Bình đẳng tánh trí). Đây là bản tánh của mỗi người và của thiên địa vạn vật.
Qua bốn câu này, chúng ta thấy đây là cái thấy lạc quan trọn vẹn của Kinh Pháp Hoa, khi Đức Phật thọ ký cho “ai ai cũng thành Phật”.
Hậu học đà biết hay chăng
Tâm hoa ứng miệng nói năng mọi lời.
Thiêng liêng ứng khắp mọi nơi
Lục căn vận dụng trong ngoài thần thông.
Hoa sen ấy chính là bản tánh đang hiện diện nơi mỗi người. Và cũng chính hoa sen bản tánh (tâm hoa) ấy ứng hiện nơi miệng thành nói năng mọi lời. Dĩ nhiên nói năng thế nào, nói lời gì là thông qua nghiệp riêng của mỗi người, nhưng nền tảng của sự nói năng mọi lời ấy chính là tâm hoa, chính là hoa sen bản tánh.
Cho đến sáu căn, sáu giác quan vận dụng đều không ra ngoài bản tánh, đều chính là sự vận dụng của bản tánh ấy. Tin được bản tánh là hoa sen và ứng dụng ra hiện tướng cũng là hoa sen ấy thì mọi nói năng cử động, đi đứng, nằm, ngồi…. đều là thần thông: “Thiêng liêng ứng khắp mọi nơi. Lục căn vận dụng trong ngoài thần thông”.
Có cái gì, động và bất động, không phải là Nó?
Chân hoa sắc tức thị Không,
Không tức thị sắc thể đồng như như.
Chỉ hai câu này gom toàn bộ Kinh Đại Bát Nhã. Sắc tức là Không, Không tức là sắc và sắc, Không là Như.
Chân hoa là tất cả tướng đều là tánh và tánh này là tánh Không tức tánh Như. Trong thực tại không có sắc đâu cả, chỉ có tánh Không tánh Như.
Khi đã nhận biết cái tâm bình thường mỗi ngày này là “tâm hoa”, “chân hoa”, thì mọi nói năng, cử chỉ, suy nghĩ… sanh khởi đều là hoa, đều là chân.
Tam thế chư Phật tổ sư
Tứ mục tương cố thị cừ thiền cơ
Ai chưa tín thụ còn ngờ
Thỉnh kinh Lăng Già quyển nhị hòa trông.
Tự nhiên đốn ngộ tâm tông
Kẻo tìm kinh giáo luống công lâu ngày.
Tứ mục tương cố, bốn mắt nhìn nhau, đó là thiên cơ. Bốn mắt nhìn nhau thì thấy gì? Là sắc thấy sắc? Là Không thấy Không, là Như thấy Như? Tùy theo cái thấy đó mà có sanh tử hay Niết bàn.
Tâm tông: mọi sự, mọi vật đều quy về tâm, đều chính là tâm. Chẳng có cái gì ra khỏi ngoài tâm, tất cả là tâm.
Kinh Lăng Già khai thị tâm Như Lai tạng này. Trong quyển hai có nói hiển bày pháp chẳng phải chỉ do ngôn thuyết:
“Đại Huệ! Chẳng phải tất cả các cõi Phật đều có ngôn thuyết, ngôn thuyết chỉ là giả lập. Đại Huệ! Hoặc có cõi Phật trừng mắt nhìn mà hiển bày pháp, hoặc hiện tướng khác lạ, hoặc nhướng mày, hoặc động con người, hoặc mỉm cười, hoặc ngáp, hoặc từng hắng, hoặc nhớ nghĩ, hoặc lay động… dùng những cái ấy mà hiển bày pháp.
Đại Huệ! Như thế giới Bất Thuấn, thế giới Diệu Hương, trong cõi Phật Phổ Hiền, chỉ trừng mắt nhìn không chớp mà khiến các Bồ tát được Vô sanh pháp nhẫn và các Tam muội thù thắng. Đại Huệ! Chẳng phải do ngôn thuyết mà có các pháp. Trong thế giới này có ruồi, kiến, sâu bọ… tuy không có ngôn thuyết mà vẫn hoàn thành công việc của chúng”
Tóm lại, pháp là pháp, cái “đương xứ tiện thị”, đâu cần có lời nói mới hiển bày?
Giáo là kinh lục kể bày
Giấy mực văn tự chất đầy hà sa
Tông là nguyên tự tánh ta
Vốn vô nhất vật lặng hòa hư linh.
Giáo là kinh, lời của Phật, và lục là lời của chư Tổ. Đó là sự hiển bày ra ngôn ngữ văn tự của cái tâm giác ngộ. Còn Tông chính là cái tâm giác ngộ ấy, cái tự tánh bổn nguyên của ta. Cái sau thì trực tiếp, cái trước thì gián tiếp.
Gặp một vị thầy và đã chuẩn bị đầy đủ, thì vị thầy sẽ trực tiếp giới thiệu, trực tiếp đưa ta vào cái xưa nay vốn sẵn nơi ta và hằng ngày ta vẫn sống trên nó và trong nó.
Tự tánh bổn nguyên của ta là tánh Không, vốn không có một vật gì, tịch lặng và rỗng sáng. Có “tự nhiên đốn ngộ tâm tông” này thì mới nhận biết nền tảng của đời sống mình là cái gì, rồi thiền định về nó nghĩa là an trụ trong nó suốt mọi thời gian, sống nhuần nhuyễn, thấm nhuần nó cho đến khi tràn đầy viên mãn. Đó là con đường tu, nghĩa là sống trong Nó, không lìa Nó.
Thuở xưa trời đất chưa sinh
Cha mẹ chưa có thực mình chân không
Chẳng có tướng mạo hình dong
Tịch quang phổ chiếu viên đồng thái hư.
Trước khi chưa sanh, cha mẹ chưa có thì mình là cái gì? Cái gì là khuôn mặt xưa nay (bản lai diện mục) trước khi được cha mẹ sanh ra? Bằng thiền định và thiền quán, cần đi sâu vào tìm hiểu nền tảng của hiện hữu mình, bản tánh của cái tâm lăng xăng khởi diệt của mình.
Thấy được nền tảng ấy, bản tánh của tâm ấy, lúc ấy mới có chỗ an trụ, nơi ấy thoát ngoài vòng sanh tử khổ đau.
Bản tánh ấy, theo Đại Toàn Thiện (Dzogchen) của Ấn – Tạng gồm có ba cái: tinh túy là tánh Không (“chân không”), bản tánh là quang minh (“tịch quang”), và năng lực là sức mạnh hoạt động của nó (“phổ chiếu”). Tu hành là tiếp cận thực tại gồm ba cái đó, nhận biết nó và thường xuyên sống trong nó.
Thánh phàm vô khiếm vô dư
Bất sanh bất diệt như như Di Đà
Khuôn mặt xưa nay hay bản tánh của tâm không phải biến mất khi chúng ta sanh ra. Dù cuộc đời duyên nghiệp mỗi người có như thế nào, bản tánh ấy vẫn có mặt nơi chúng ta từng phút từng giây và chúng ta có thể khám phá trở lại nó trong bất cứ thời gian không gian nào.
Khi nhận biết nó chúng ta mới thấy bản tánh ấy không dư ở vị thánh, không thiếu ở người phàm. Như một tấm gương làm nền tảng cho tất cả mọi hình tướng thế giới và chúng sanh, tấm gương ấy không thiếu không dư ở bất cứ một hình tướng sự vật và chúng sanh nào.
Tấm gương bản tánh ấy là bất sanh bất diệt nên hằng thoát khỏi sự sanh diệt của sanh tử, và luôn luôn sáng tỏ vì không hề nhiễm ô, là tính sáng vô lượng (A Di Đà, Vô Lượng Quang).
Liễu trị vạn pháp không hoa
Văn tự ngôn ngữ ấy là vọng duyên
Chân Như tính vốn thiên nhiên
Vô tạo vô tác căn nguyên của nhà.
Ở trong bản tánh thì thấy muôn tướng sự vật là hoa đốm giữa hư không, và ngược lại, khi thấy muôn tướng sự vật như hoa đốm giữa hư không tức là đang an trụ trong bản tánh.
Chân Như là thực tại tự nhiên có mặt khắp tất cả không gian và thời gian. Có mặt khắp không gian và thời gian nghĩa là luôn luôn hiện diện. Nó không do tạo tác (vô tạo và tác) cho nên những tạo tác của chúng ta chỉ là không hoa. Căn nguyên của chúng ta là cái vô tạo vô tác ấy. Ai biết được cái căn nguyên vô tạo vô tác ấy là người đã về nhà, làm người vô sự.
Xem kinh Bụt thốt còn xa
Nghiệm cơ Tổ bảo sát na biết rồi.
Ngộ tỉnh không tịch thời thôi
Chẳng lạ chi lời vấn đáp tiêu hao.
Cơ quan thuận nghịch thấp cao
Những sự huyễn trí chiêm bao đặt làm.
Đại vi (thay vì) thuyết pháp chỉ nam
Cho ta ngộ đạo kẻo đàm kinh lâu.
“Xem kinh Bụt thốt còn xa”, bởi vì lời của Phật nhưng không có sự hiện diện trực tiếp của ngài, nên vẫn “còn xa”. Không khéo lại lạc vào một trường ngôn ngữ, làm mồi cho ý thức phân biệt, trong khi ngôn ngữ của ngài là để đưa người ta vào trí vô phân biệt, vào tâm vô niệm. Thật ra Phật nói mà không nói một lời nào (Kinh Kim Cương), Phật nói từ nền tảng là tâm vô niệm nên lời nói của ngài cũng là vô niệm; lời nói ” như chim bay trong hư không”.
Với chư Tổ Thiền tông thì trực tiếp ứng cơ nên hiệu quả hơn.
Mục đích của đạo Phật không gì khác hơn là đưa mỗi người trở lại bản tánh Không (“ngộ tính không tịch”) mà mình luôn luôn sống trong đó nhưng không biết. Cơ Tổ, dầu bằng lời nói hay hành động gì, đều hiển thị tánh Không rõ ràng trước mắt ấy. Khi đã ngộ tánh Không rồi thì chẳng lạ gì những biểu lộ của chư Tổ. Người xưa nói qua khỏi Tổ sư quan hay Sanh tử quan thì hiểu hết “trong nhà” của chư Tổ, cùng các ngài “thở một lỗ mũi”.
Một vị thầy luôn luôn chỉ thẳng cho ta thấy thực tại (ngộ đạo, nhất niệm tương ứng) và sống mãi mãi trong đó (niệm niệm tương ưng).
Cho hay Phật pháp lẽ màu
Bất quan văn tự bất cầu đa ngôn.
Khuyên người học đạo trí khôn
Giác tri tự tánh chớ còn tìm đâu.
Phật pháp lẽ màu là sao?
Cái gì chẳng phải là Phật pháp lẽ màu?
Tự tánh là cái gần mình nhất, gần hơn thân thể, vì thân thể bên ngoài do nó tạo ra; gần hơn tâm thức vì tâm thức bên trong do nó tạo ra. Cho nên ngay nơi thân thể này, biết cội nguồn của thân thể: ngay nơi tâm thức này, biết cội nguồn của tâm thức. Cội nguồn đó vốn giải thoát vì nó “vô tạo vô tác”.
Vấn đề là ngay bây giờ đây, mở mắt ra thấy, mở tai ra nghe, chúng ta có tin rằng và hễ tin là thấy-mọi sự vật đều đang “vô tạo vô tác” không. Tin và thấy như vậy, đó là “giác tri tự tánh chớ còn tìm đâu”.
Phật tổ phó chúc bấy lâu
Pháp ấn Như Thị làu làu Chân Không
Cùng truyền Bát Nhã tâm tông
Ngộ vô sở đắc thực dòng chân tăng.
Xưa nay chỉ một pháp ấn Như Thị này, dầu có người để trao truyền hay không. Nói hay nín, làm hay không làm, đi hay ngồi, thức hay ngủ… đều chỉ một pháp ấn Như Thị này.
Làu làu là sáng trưng, trong vắt, không một hạt bụi.
Vô sở đắc, không có gì để đắc, là một từ ngữ được lập đi lập lại rất nhiều trong kinh Đại Bát Nhã. Vô sở đắc “là đại thần chú, là đại minh chú, là vô thượng chú”. Sống trong vô sở đắc là sống trong cảnh giới Phật.
Thiệu Phật kế Tổ liên đăng,
Tương truyền y bát thừa thằng Thiệu Long.
Ấy sự chư Tổ truyền lòng
Này đoạn lại nói nam cung những là.
Thiệu là nối tiếp,nghĩa như chữ kế. Nhờ sự kế tiếp ngọn đèn Phật, Tổ mà ánh sáng đạo sáng mãi ở trần gian. Đoạn tiếp theo nói về sự truyền đăng ở Việt Nam.