SAYADAW U TEJANIYA
Trích: Thư Giãn & Nhận Biết - Pháp thiền chánh niệm cho tâm sáng tỏa, tự tin và trí huệ; Mưa dịch, Nắng Mai hiệu đính; NXB Dân Trí, Sách Thiện Tri Thức.
Nhận biết khi nghe
Để ý vào bản thân khi bạn đang nghe ai đó nói.
Điều này không có nghĩa là bạn ở lại với các câu chuyện mà tâm bạn đang kể, hay với sự muốn nói hoặc muốn im lặng. Nó có nghĩa là ở lại với sự nhận biết mọi điều đang xảy ra trong tâm và trong thân khi bạn lắng nghe.
Nhận biết mọi điều bạn có thể. Hãy hứng thú và học nhận biết các ý nghĩ của bạn, cảm giác của bạn, tư thế của bạn, biểu cảm trên mặt bạn, cử động của cánh tay và bàn tay của bạn. Tất cả mọi thứ!
Nếu bạn hướng quá nhiều sự chú ý về phía người kia khi họ đang nói, thì bạn sẽ không đủ sự chú ý vào chính mình.
Nếu bạn duy trì sự nhận biết trong lúc người kia đang nói, bạn sẽ vẫn nghe họ và theo dõi được điều họ đang nói nhưng cùng lúc ấy bạn vẫn có thể nhận biết nhiều thứ khác đang xảy ra.
Giả sử người kia đang nói và bạn đã nghe những điều ấy nhiều lần rồi.
Nếu bạn giữ được sự hứng thú với phản ứng của chính mình và không hứng thú với những gì họ nói — những câu chuyện và lời than vãn của họ — thế thì bạn sẽ có một điều gì đó thú vị để làm trong khi người kia cứ luyên thuyên. Bất kể tình huống là gì, với cách này bạn sẽ luôn học được rất nhiều khi bạn lắng nghe.
Nếu một người nói một điều gì đó khiến bạn tức giận, đó là việc của họ. Chẳng bao giờ có một lý do đúng đắn nào cho việc nổi giận cả. Thay vì dính chấp vào trong những lời khiến bạn tức giận, hãy hứng thú với phản ứng của bạn. Hãy nghiên cứu và học hỏi.
Hãy quan sát cơn giận. Nhận biết điều xảy ra trong tâm và trên thân trong tiến trình giận dữ. Hãy hứng thú với tiến trình này. Điều gì dẫn tới điều gì? Các ý nghĩ, cảm giác trên thân, và các nhận định liên hệ với nhau như thế nào trong khối cảm xúc giận dữ ?
Lưu ý điều xảy ra với cơn giận khi bạn hứng thú với nó và đơn giản quan sát và học từ nó, thay vì phản ứng với nó. Nó trở nên mạnh hơn hay yếu hơn hay vẫn giữ nguyên? Hãy tiếp tục quan sát và học hỏi.
Theo cách này, ta học được cách nhận biết khi nào là thời điểm thích hợp để nói và điều gì nên nói trước khi ta nói ra. Ta có thể giữ tỉnh giác với trí tuệ trước khi nói, trong khi nói và sau khi nói.
Nếu ta có một khao khát muốn truyền đạt điều gì, ta có sự sốt sắng trong tâm và ta có thể dễ dàng bị cuốn đi bởi dòng suy nghĩ và bài diễn thuyết. Ta cần phải rất cẩn thận với năng lượng này, cần quan sát nó và không phản ứng với nó.
Khi tâm bị khuấy động mạnh và muốn phản ứng, tốt hơn hết là không nên nói. Thay vào đó, hãy chỉ quan sát sự khuấy động và sự phản ứng, và làm cho bạn bình tâm trước đã. Nếu ta nói khi ta đang phản ứng, ta sẽ có khuynh hướng nói năng văng mạng.
Hãy cảnh giác cao độ khi bạn bắt đầu nói về mình, bởi vì đây là lúc bạn dễ bị cuốn đi nhất.
Đức Phật nói khi bạn im lặng, hãy biết là bạn đang im lặng, khi bạn nói, biết là bạn đang nói. Đây là cách thực hành.
Nếu nhận biết hiện diện khi bạn đang nói, bạn sẽ nhận ra rằng bạn cảm thấy tốt lành khi bạn kết thúc. Tâm sẽ cảm thấy thoải mái dễ chịu. Nếu bạn nhận biết với trí tuệ mỗi khi bạn nói, bạn sẽ cảm thấy tự tin hơn và chắc chắn hơn về bản thân.
Kể cả khi phạm lỗi, bạn sẽ nhận biết nó và rút ra bài học từ nó ngay lập tức. Bạn sẽ quyết định làm như thế nào trong lần tiếp theo, vậy là bạn đã chuẩn bị.
Vấn đề không nằm ở chỗ chúng ta muốn nói hay không muốn nói. Vấn đề nằm ở chỗ tình huống có đáng để ta nói hay không.
Hãy để trí tuệ dẫn đường.
Nhận biết khi nói
Khi ta nói những điều vô ích hay gây tổn thương, tâm bị khuấy động. Khi ta không nói những điều chúng ta nên nói, sự khuấy động cũng xảy ra.
Khi ta nói quá nhiều hay quá ít, ta đều cảm thấy không ổn
Ta cần biết nói chừng nào là đủ và cần thiết.
Bất kỳ lúc nào bạn nói, hãy nhớ thái độ này: “Tôi đang nói để thực hành sự nhận biết.”
Đừng nói vì bạn muốn nói mà bởi vì bạn muốn nhận biết.
Đức Phật dạy con của ngài, “Trước khi con nói, hãy suy ngẫm. Khi con đang nói, hãy suy ngẫm. Khi con nói xong rồi, hãy suy ngẫm.”
Đó là cách thực hành.
Nếu ta thực hành chánh niệm khi ta nói, làm đi làm lại, thì sẽ đến một lúc khi ta khởi lên ý định nói, nhận biết sẽ tự động bật lên. Nó sẽ ở đó vì ta đang vun bồi nó.
Giữ chánh niệm khi im lặng là tương đối dễ. Chính là khi ta bắt đầu nói mà chánh niệm thường bay vèo qua cửa sổ. Quá nhiều thứ xảy ra cùng lúc khi ta nói — thật khó để nhận biết tất cả chúng.
Nhưng quan trọng nhất là một cảm thức về “Tôi” được kích hoạt khi ta nói, và cảm thức mạnh mẽ này bắt đầu kiểm soát điều ta nói và cách ta nói.
Ta cần vun bồi một sự bén nhạy để nhận biết cảm thức mạnh mẽ về “Tôi” vốn khởi lên khi ta bắt đầu nói này. Bởi vì cảm thức lấn át của cái “Tôi”, và bởi vì quá nhiều thứ xảy ra khi ta nói, ta cần bồi đắp một quán tính mạnh của nhận biết liên tục trước khi ta thực hành nhận biết khi nói.
Cần rất nhiều quán tính để duy trì nhận biết và để không bị cuốn vào cảm thức mạnh mẽ của cái “Tôi”, cũng như không mắc kẹt vào toàn bộ tiến trình mà khổ đau tự kéo dài chính nó thông qua dòng ý nghĩ tham, sân và si.
Hãy thực hành nhận biết các cảm thọ của bạn khi bạn lên một cơn thèm nói.
Bạn có đang nói để tôn mình lên theo một cách nào đó? Đó chính là gốc bất thiện của tham. Một ý nghĩ về việc tấn công ai đó để đánh bại hoặc huỷ diệt họ chính là sân. Liên tục nói mãi một cách thiếu suy xét chỉ vì thói quen chính là si.
Nếu bạn nhận ra bất kỳ điều nào như thế, chỉ cần nhận biết chúng là đủ. Đừng quá khắc nghiệt với chính mình. Buông nó đi, và thay vào đó chỉ đơn giản nhận biết và học hỏi.
Bạn có thể sẽ quan sát được cách mà sự nhận biết giản đơn này thay đổi cường độ và mức độ thường xuyên khởi lên của cơn thèm nói của bạn. Nó có yếu đi không, hay mạnh lên, hay vẫn nguyên như cũ khi bạn nhận biết liên tục và hứng thú với nó?
Khi bạn tiếp tục thực hành theo cách này, hãy nhắc bản thân rằng điều bạn đang mang vào trong các cuộc trò chuyện với người khác chính là sự nhận biết.
Đức Phật không dạy “Đừng nói”. Ngài dạy, “Khi bạn nói, hãy nói với chánh niệm và trí tuệ.”