NHẬN THỨC GIÁ TRỊ BẢN THÂN: VƯỢT QUA SỰ CHẦN CHỪ THỰC HIỆN ƯỚC MƠ CỦA BẠN

BLAIR SINGER

Trích: Làm chủ giọng nói trong đầu - Little voice mastery; Việt dịch: Trần Lê; NXB Trẻ, 2011

 

Cách đây vài tháng, tôi tiến hành một chương trình mà tôi đã rất lo sợ trong quá trình chuẩn bị. Một nhóm người đến học với tôi trong bốn ngày và tôi chẳng có ý tưởng về việc sẽ nói gì với họ! Giọng nói trong đầu tôi lên tiếng: “Họ đã tham gia một số chương trình khác của mình. Họ đã nghe mình nói rồi. Mình chẳng còn gì mới để nói với họ cả”. 

Tôi bị cản trở vì nghe theo giọng nói tiêu cực của chính mình và tin vào nó. Nhưng bước đột phá cũng xuất hiện khi tôi buộc được giọng nói trong đầu mình ngậm miệng, và nhận ra rằng tự tôi đã tạo ra sự kháng cự cho bản thân.

Đây rõ ràng là thông điệp mà tôi muốn truyền đi. Vì thế khi bắt đầu chương trình, tôi nói: “Lý do mà mọi người gặp trở ngại giống kiểu nhà văn, nghĩa là không bao giờ viết tác phẩm mà họ có thể viết, không bao giờ tham gia giải Tour de France hay không bao giờ tích lũy một danh mục đầu tư bất động sản có giá trị là bởi vì họ có sự kháng cự đối với quá trình tiến hành những việc đó. Vậy sự kháng cự này đến từ đâu? Nó xuất phát từ giá trị (hoặc sự thiếu giá trị) mà bạn gán cho bản thân và ước mơ của mình! Sự kháng cự xuất hiện dưới nhiều hình thức. Nó thường nghe giống như thế này: Tôi còn phải lau nhà. Tôi còn phải sắp xếp lại hồ sơ. Tôi còn phải gọi mấy cuộc điện thoại”.

Nội dung này đã trở thành chủ đề cho bốn ngày tiếp theo bởi vì tất cả chúng tôi đều đã trải qua tình cảnh này. Nó cũng trở thành động lực thúc đẩy tôi viết cuốn sách, để nói rằng món quà mà bạn phải trao – cuốn sách, vở kịch, doanh nghiệp, cuộc sống mà bạn mong muốn – chỉ cách có vài giây nữa thôi. Thế nhưng nhiều người sẽ phải đi mất cả quãng đời mà không bao giờ thấy nó. Tuy nhiên, nếu bạn có thể bắt đầu xây dựng sự tự tin, năng lượng, và quan trọng nhất là nhận ra giá trị CỦA MÌNH, bạn sẽ chạm tới điều vĩ đại đó rất nhiều lần trong đời.

Dường như luôn có những thứ rất huyền bí xuất hiện chắn ngang giữa bạn và những giấc mơ. Lý do cho điều này là vào thời điểm đó chúng có giá trị đối với bạn hơn là cuốn sách mà bạn muốn viết. Hãy nghĩ về điều đó trong vài giây. Đối với bạn, giá trị tức thời của việc thực hiện tất cả những cuộc điện thoại này lớn hơn giá trị của cuốn sách – với khả năng chạm đến cuộc sống của hàng nghìn con người. Điều đó thật lố bịch làm sao?

Bạn đang cho phép bao nhiêu thứ xuất hiện trên con đường của mình, hình thành sự kháng cự để ngăn cản bạn không trở thành con người mà bạn mong muốn? Bởi vì về cơ bản, ở mức độ nào đó, những gì mà giọng nói trong đầu bạn đang lên tiếng là những cuộc điện thoại hay việc giặt giũ quần áo quan trọng hơn cả việc ngồi xuống để viết cuốn sách của bạn, quan trọng hơn con người mà bạn mong muốn trở thành.

Khi bạn thực sự xem xét sự chần chừ thì thiệt hại đầu tiên mà giọng nói trong đầu bạn gây ra chính là với sự tự tin của mình. Thực tế, tôi đã làm việc với hàng ngàn người trong nhiều năm kể cả ở cấp độ bán hàng và lãnh đạo, và rất nhiều lần vấn đề hiệu quả chung quy lại đều nằm ở sự tự tin.

Càng cho phép giọng nói đó chần chừ và biện hộ cho việc không làm gì cả, bạn càng trở nên thiếu tự tin khi đảm nhiệm những nhiệm vụ lớn hơn mà bạn nên hoàn thành.

Nếu bạn thiếu tự tin thì khi đó sự kháng cự trong bạn sẽ lên cao, và bạn sẽ không bao giờ hoàn thành những thứ mình đã đặt ra, hoặc không bao giờ trở thành con người mà bạn mong muốn!

Tôi đã từng chứng kiến rất nhiều người thất bại trong việc đạt được đầy đủ tiềm năng của mình, bởi vì họ còn đang phải len lỏi qua hàng tá yếu tố kháng cự. Một phụ nữ đến gặp tôi trong một cuộc hội thảo và nói: “Tôi đã có ý tưởng cho một cuốn sách lâu lắm rồi”. Tôi hỏi cô tại sao lại chưa tiến hành viết cuốn sách đó. “Ồ, tôi đã có rất nhiều ý tưởng hay nhưng tôi chưa bao giờ có thời gian để hoàn thành chúng”.

“Vậy cô sẽ cần những gì để triển khai việc đó? Cô sẽ sắp xếp thời gian cho nó chứ? Và đưa ra một danh sách ưu tiên?”.

Chẳng thứ nào tỏ ra có ích cho cô mãi đến khi chúng tôi bắt đầu thảo luận về khái niệm giá trị bản thân. Tôi đưa ra một biểu đồ và nói: “Sự kháng cự thường xuất hiện ở những người hạ thấp giá trị của bản thân mình. Khi làm thế là bạn đang đánh giá thấp tài năng thiên bẩm mà mình có để cống hiến, để chia sẻ. Và bởi vì điều đó, mọi thứ khác trở nên quan trọng hơn, nên bạn không hoàn thành được ước mơ của mình. Đó là lý do tại sao bạn kết thúc bằng sự thoái chí.”

Đối với cô đó là khi sự thật đã được phơi bày. Chỉ trong vòng bốn tháng, cuốn sách của cô được hoàn thành.

Nếu bạn thấy thất vọng vì không khai thác được khả năng của mình tại thời điểm này thì hãy tưởng tượng sự thất vọng bạn sẽ cảm thấy khi đã 50, 60, 70, hay 80 tuổi. Khi đó bạn sẽ tự nhủ: “Sao mình lại không làm việc đó chứ? Tại sao vậy? Đáng ra mình phải làm việc đó. Giờ đã quá muộn rồi và mình không thể thực hiện nó được nữa”. (Thật ra không bao giờ là quá muộn).

Sự thất vọng đó được sinh ra trong trận chiến giữa tất cả những giọng nói trong đầu bạn. Đứng giữa giọng nói tự phản đối “tôi-có-đáng-gì-đâu” và phần còn lại trong bạn thực sự muốn hoàn thành một điều mà bạn mong muốn, bạn sẽ gặp được sự thất vọng. Thật ra, cái phần trong con người bạn biết rằng bạn được sinh ra để thực hiện một điều thật tuyệt vời sẽ không bao giờ mất đi hoàn toàn, bởi vì nó xuất phát từ nơi sâu thẳm trong con người bạn. Nhưng nó sẽ mệt mỏi trong trận chiến liên tục với sự kháng cự – với giọng nói khác đang lên tiếng rằng: “Chúng ta sẽ giải quyết những gì quan trọng hơn vào thời điểm này. Chúng ta sẽ giải quyết việc đó sau”. Thế là phần đó trong con người bạn bắt đầu gán nhiều giá trị hơn cho những vấn đề ngay trước mắt so với những gì nằm trên con đường hoàn thành mục tiêu lâu dài.

Hãy nghĩ về điều này:

 

 

Bạn không thể nhìn thấy tương lai nếu bạn không mong muốn tạo ra nó!!

Đúng vậy đấy. Bạn CÓ THỂ nhìn thấy tương lai. Nó đã nhiều lần lướt qua tâm trí bạn. Vậy bạn nghĩ nó từ đâu tới? Và theo bạn tương lai được tạo ra như thế nào?

Vấn đề nằm ở bạn đó! Bạn luôn có khả năng tạo ra nó. Bạn sinh ra với khả năng ấy. Đó là lý do tại sao bạn sẽ trở nên mệt mỏi, nản chí và thậm chí hoài nghi nếu bạn tiếp tục để người khác tạo dựng tương lai cho mình!!

Joe Zemaitis là huấn luyện viên bơi lội và điền kinh cho con trai tôi, và anh là một người trẻ thật đáng khâm phục. Anh cũng là vận động viên ba môn phối hợp chuyên nghiệp đẳng cấp thế giới, anh phụ trách các đội bơi lớn và nói chuyện với những người trẻ trên khắp thế giới về cách thức trở thành con người tốt nhất mà họ có thể. Anh cũng huấn luyện một vận động viên tám tuổi lập kỷ lục người trẻ nhất bơi từ Alcatraz đến San Francisco. Với sự động viên và hướng dẫn liên tục của tôi cùng những người khác, Joe đã viết một cuốn sách tuyệt vời có tên Joe,s Rules (Quy tắc của Joe). Cuốn sách nói về quá trình phát triển những khả năng vĩ đại trong mỗi đứa trẻ thông qua thể thao, cho dù con bạn tự nhiên sinh ra đã có năng khiếu trở thành vận động viên hay không.

Một trong những quy tắc gối đầu giường của anh là:

“Phần lớn mọi người gặp thất bại chứ không phải thành công bởi vì họ từ bỏ những gì họ thực sự mong muốn để làm những gì mà họ muốn vào ngay lúc đó”.

Vào lúc 4 giờ sáng, anh phải dậy và đạp xe thì có một phần trong con người anh muốn nằm trên giường. Nhưng nếu giọng nói đó chiến thắng và việc nằm trên giường có giá trị hơn thì anh sẽ không bao giờ chiến thắng trong cuộc thi ba môn phối hợp tiếp theo.

Một trong những quy tắc khác tạo nên động lực thúc đẩy của anh cũng được dán tại những vị trí quan trọng ở trong nhà là:

“Ở nơi nào đó trên thế giới, có một người đang luyện tập trong khi bạn thì không; và khi bạn gặp người đó, anh ta sẽ hạ gục bạn”.

Thông qua việc tự rèn giũa mình với một chế độ luyện tập thường xuyên, bạn đã tự động lập trình cho bộ óc của mình để đặt giá trị cao hơn vào mục đích cuối cùng, cho dù đó là vấn đề gì: chiến thắng trong cuộc thi ba môn phối hợp, viết một cuốn sách, giảm cân, làm giàu, xây dựng một doanh nghiệp, xây dựng một mối quan hệ tốt đẹp hoặc cải thiện chất lượng cuộc sống cho gia đình mình.

Quá trình lặp lại sẽ hình thành quá trình thích nghi. Thông qua việc liên tục dành quá nhiều thời gian ở văn phòng, thực hiện nhiều cuộc gọi điện thoại, tiệc tùng với bạn bè chứ không phải dành thời gian đó ở nhà hoặc cho những ưu tiên đặc biệt khác của mình, bạn đang tạo nên sự kháng cự đối với việc xây dựng một mối quan hệ tốt đẹp hơn. Quá trình đó xảy ra như thế nào? Bạn càng lặp lại nhiều lần cảnh đi ra ngoài với bạn bè và bù khú tại quán bar thì bạn càng đặt nhiều giá trị vào đó. Nó trở nên có giá trị đối với bạn vào thời điểm đó nhiều hơn là phát triển quan hệ yêu thương gắn bó với gia đình mình, điều mà bạn có thể thực sự muốn trong tương lai. Vậy là bạn đang huấn luyện cho bản thân thích nghi với việc đặt giá trị lớn hơn vào những thứ đó thay vì vào những ước mơ của chính mình.

Tại sao vậy? Bởi vì bạn đã để giọng nói trong đầu thuyết phục: “Anh xứng đáng được hưởng thụ chuyện này ngay bây giờ, còn chuyện kia sẽ để sau, với lại… dù sao anh cũng không đủ khả năng để xúc tiến nó”.

Bình luận


Bài viết mới

  1. KẾT NỐI NHỮNG ĐIỂM RỜI RẠC CUỐI CÙNG
  2. THÁI ĐỘ THIỀN TẬP
  3. CHO ĐI ĐỂ VUI SỐNG