NHÌN VÀO TÂM CHUYỂN ĐỘNG HAY KHỞI TƯỞNG

KARMAPA THỨ 9 WANGCHUG DORJE

Trích: Đại ấn – Thiền xóa tan bóng tối của vô minh; Karmapa thứ chín Wangchug Dorje với bình giảng khẩu thuyết của Beru Khyentze Rinpoche; Đương Đạo dịch; Thiện Tri Thức, 2001

Tiếp theo, để cắt tuyệt gốc rễ của vô minh, con phải khảo sát triệt để tâm chuyển động hay dòng tư tưởng, và phải nhận ra tâm động đó là cái gì. Tư thế ngồi thiền, cách thức nhìn và làm như trước. An trụ trong một trạng thái an lạc, sáng tỏ và vô niệm – đầy đủ cả ba, và rồi buông xả trong cái thanh tịnh nguyên sơ này. Hãy để cho một tư tưởng vụt chốc khởi lên từ trạng thái này, hoặc cố tình phát sanh một tư tưởng bất kỳ nào.

Hãy nhìn vào bản tánh của tư tưởng vừa dấy khởi. Hãy nhìn vào nó đúng lúc nó khởi. Nhìn vào sự kéo dài của nó, nó có màu sắc gì, hình tướng gì ? Có một chỗ nào từ đó nó khởi lên, chỗ nào cho nó tan mất ? Nó ở ngoài hay ở trong thân ? Nếu nó ở trong, thì ở giữa tim hay não ? Ở trong hay ở ngoài nó trụ như thế nào, sanh như thế nào ? Hãy tìm kiếm điều đó.

Bản tánh của tâm này là duyên sanh hay không nhân duyên ? Nó có sanh, có diệt, có màu hay hình thể ? Nếu có, nó như thế nào, hay con nghĩ nó không có những thứ ấy ? Nếu nói rằng nó không thể được nghĩ như vậy, thì còn một phương diện thức giác nào đó về nó mà cái biết ấy không sanh không diệt v.v… ? Khi nhìn vào một tư tưởng, có phải tất cả tư tưởng là không, thoát khỏi mọi tạo tác tâm thức, không sanh không diệt ? Sau khi nhìn vào một tư tưởng, có phải nó hoàn toàn biến mất, không để lại dấu vết ? Mọi tư tưởng xảy ra, có phải chúng xuất hiện nhưng không thể nhận dạng (là giống cái này hay giống cái kia) ? Hãy nhìn. Nếu nói rằng chúng xuất hiện nhưng không thể nhận dạng được, bấy giờ ngay lúc sanh khởi, có hay không có một tư tưởng với sự tác động của nó ?

Không cùng là những câu hỏi với một tư tưởng như “Tôi thấy bạn tôi hôm qua.” Tư tưởng này đang ở đâu ? Nó đến từ đâu ? Nó tạo thành bằng cái gì ? Tư tưởng này có cùng hình dạng với người bạn của bạn và hình ảnh người bạn của bạn có là một với bản thân người bạn của bạn không ? Khi tư tưởng này qua đi, nó không để lại dấu vết như một đám mây tan biến trong bầu trời, hay nó để lại dấu chân như đứa bé đi trên bờ biển ? Nếu nói tư tưởng này không có những đặc tính và không thể tìm thấy, bấy giờ tư tưởng suy nghĩ như vậy là thế nào, ở đâu ? Nếu một người câm không thể diễn tả những tư tưởng của nó ra lời nói, điều đó có phải là nó không có những tư tưởng ?

Khi tra vấn tư tưởng như vậy, bạn có thể “hỏi đến chết”. Nếu bạn bị những tên trộm quấy rầy, làm phiền muộn, và bạn bắt được một tên và bạn quất nó công khai giữa đám đông, làm như thế vài lần, những tên trộm sẽ không dám có ý nghĩ đến với bạn nữa và bạn sẽ thoát khỏi chúng. Sự việc như vậy sẽ xảy ra với những tư tưởng của bạn. Hỏi liên lí như vậy sẽ làm chúng hết sức sống và chúng sẽ không dám đến nữa. Và chúng có trở lại, thì chúng cũng yếu sức, không bạo dạn nữa. Theo cách này bạn sẽ đến chỗ thấy bản tánh của tâm và những tư tưởng của bạn.

Sau khi một tư tưởng khởi lên hay con làm một tư tưởng khởi lên, hãy nhìn vào nó mà không bám chấp nó. Dù nó vui hay buồn, hãy nhìn vào bản tánh của cảm giác vui buồn đó. Bất kể con có nhiều tư tưởng bao nhiêu, hãy nhìn vào chúng. Khi một vọng tưởng khởi lên mạnh mẽ, như một trong năm độc (tham, sân, si, kiêu mạn hay đố kỵ), hoặc con làm khởi lên một vọng tưởng, cũng hãy nhìn vào nó. Hãy chắc chắn không gia thêm những ý niệm thổi phồng con gán lên từ bên trong, mà hãy nhìn thẳng vào vọng tưởng, đối tượng của tư tưởng đó (một hình ảnh của kẻ thù) và tư tưởng trực tiếp trước đó, rồi kiểm điểm xem vọng tưởng đó có khác gì tâm không.

Khi con thấy rằng bản tánh của tư tưởng là một cái tỉnh giác sáng tỏ, bấy giờ hãy nhìn xem có sự khác biệt nào giữa cái tỉnh giác sáng tỏ con đã thấy trước kia khi tâm an định và cái tỉnh giác sáng tỏ con thấy bây giờ nơi một tư tưởng. Nếu không thấy khác biệt, hãy làm tư tưởng ấy tan biến trở lại và an trụ trong một trạng thái tỉnh giác sáng tỏ.

Trong trạng thái này, nếu có một tư tưởng khác thình lình nổi lên, bấy giờ hãy nhìn thẳng vào thực tánh của nó để thấy nó không cách gì làm biến chất hư hoại cái giác bổn nguyên, bình thường của con.

Khi một ngọn sóng nổi lên và chìm xuống, trong nền tảng đại dương có biến đổi gì ? Một đám mây có ngăn ngại được bầu trời chăng ?

Đây là điều con phải thấy, thế nên hãy nhìn cho rõ.

Tóm lại, khi Guru và đệ tử làm việc cùng nhau đạt đến kết luận này về những tư tưởng khởi lên như thế nào (nơi đệ tử) và y hiểu chúng như thế nào, bấy giờ gốc rễ của vô minh bị cắt đứt và thật nghĩa đạt được. Đó là điểm thứ hai (của thiền quán) : nỗ lực trong những phương pháp để nhìn thẳng vào bản tánh của tâm chuyển động để thấy và nhận ra bản tánh của nó.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. SỰ QUÝ GIÁ ĐƯỢC TÁI SANH LÀM NGƯỜI
  2. NGHIỆP VÀ LUẬT NHÂN QUẢ
  3. NHẬN RA BẢN TÁNH CỦA TÂM AN ĐỊNH

Bài viết mới

  1. CHÚNG TA TRỞ NÊN NHƯ THẾ NÀO TÙY THUỘC VÀO SUY NGHĨ CỦA CHÍNH MÌNH
  2. HÃY RŨ BỎ QUÁ KHỨ CHÚ TÂM VÀO HIỆN TẠI
  3. TÂM BÌNH AN TRƯỚC NHỮNG KHÓ KHĂN KHÔNG THỂ TRÁNH