ĐẠO NGUYÊN HY HUYỀN
Trích: Chánh Pháp Nhãn Tạng; Việt ngữ: Nguyễn An Cư; NXB. Thiện Tri Thức; 2003
Đạo Nguyên Hy Huyền, 1200–1253 – cũng được gọi là Vĩnh Bình Đạo Nguyên vì Sư có công khai sáng Tào Động tông tại Nhật Bản và lập Vĩnh Bình tự một trong hai ngôi chùa chính của tông này. Ngoài ra, sư còn là một trong những Thiền sư quan trọng nhất của Phật giáo Nhật Bản. Sư được Phật tử của tất cả các tông phái Phật giáo tại Nhật Bản thờ phụng như một Đại Bồ Tát.
Sư thường bị hiểu lầm là một triết gia với quan điểm “thâm sâu và quái dị nhất” nhưng những gì Sư viết không xuất phát từ những suy luận về thật tại mà từ sự trực chứng thực tại.
Sư sinh ra trong một gia đình quý phái, thời thơ ấu đã chứng tỏ có một đầu óc xuất sắc. Lên bốn Sư đã đọc thơ Đường và lên chín đã đọc được một bài luận về A-tì-đạt-ma. Cha mẹ mất sớm làm Sư ngộ lẽ vô thường và trở thành tăng sĩ. Mới đầu, Sư học giáo pháp của Thiên Thai tông. Năm mười lăm tuổi, Sư bị câu hỏi sau đây dày vò: “Nếu quả thật, như kinh dạy, thể tính của ta đã là Bồ-đề, thì sao Chư Phật còn phải tu học để giác ngộ?” Sư tìm học với Thiền sư Minh Am Vinh Tây, người đã đưa dòng Thiền Lâm Tế từ Trung Quốc qua Nhật Bản. Vinh Tây trả lời câu hỏi của Sư: “Chư Phật không ai biết mình có Phật tính, chỉ có súc sinh mới biết mình có Phật tính.” Sư nghe đây có chút tỉnh ngộ và sau đó học đạo với Vinh Tây, nhưng học không được lâu vì Vinh Tây tịch ngay trong năm đó.
Dù đã tiến xa, Sư vẫn khắc khoải và cuối cùng, vào năm 1223, cất bước lên đường sang Trung Quốc bằng đường biển, một chuyến đi đầy hiểm nguy thời đó. Sư tham vấn nhiều Thiền sư, học hỏi nhiều phép tu nhưng chỉ tại chùa Thiên Đồng, Sư mới được Thiền sư Trường Ông Như Tịnh ở Thiên Đồng sơn, Minh Châu hướng dẫn đạt tông chỉ của dòng Tào Động. Sư đại ngộ qua câu nói của Thiên Đồng Như Tịnh: “Ngươi hãy xả bỏ thân tâm”
Hai năm sau ngày đại ngộ, Sư trở về Nhật và thành lập dòng Tào Động ở đây. Sư sống 10 năm ở Kinh Đô. Nhằm tránh ảnh hưởng của triều đình Nhật, Sư rút về sống viễn li trên núi.
——–*——-
Thiền sư Vân Cư là vị nối pháp của Động Sơn, thế hệ thứ ba mươi chín từ Phật Thích Ca Mâu Ni, và là một vị tổ của phái Động Sơn. Một hôm ngài nói với chúng, “Nếu các ông muốn đạt được một điều như vậy, các ông phải là một người như vậy. Bởi vì các ông là một người như vậy, lo gì đến một điều như vậy ?” Nói thế nghĩa là, định đạt được một cái như vậy, người ta phải là một người như vậy; đã là một người như vậy, tại sao phải lo nghĩ về một cái như vậy? Thông điệp căn bản của điều này là tiến thẳng vào giác ngộ vô thượng, việc ấy ngay lúc này được gọi là như vậy. Về phần giác ngộ vô thượng này giống cái gì, thì thậm chí tất cả thế giới trong mười phương chỉ là một chút nhỏ của giác ngộ vô thượng; phạm vi của giác ngộ phải rộng lớn hơn tất cả thế giới. Chúng ta đều là những đồ trang bị trong những thế giới mười phương này.
Do đâu chúng ta biết cái như vậy hiện hữu? Đó cũng như nói thân tâm xuất hiện trong toàn thể thế giới, và bởi vì chúng không là tự ngã, chúng ta biết chúng là như vậy. Bởi vì thân không là mình, đời sống được sanh ra theo sự đi qua của thời gian, không thể giữ lại dù chỉ một khoảnh khắc. Những má hồng đi mất nơi nào – khi chúng tan biến, không có dấu vết. Khi chúng ta nhìn kỹ, có nhiều vật ra đi chúng ta không bao giờ thấy trở lại. Tấm lòng đỏ tươi cũng không bao giờ dừng lại – nó đến và đi từng chút. Dù chúng ta nói thật có chân lý, nó không phải là cái gì sống lay lứt trong vùng của cái tôi và tự ngã.
Có những người, là như vậy, được truyền cảm hứng một cách tự phát. Khi cảm hứng này xảy ra, họ vất đi hết những cái gì trước kia hấp dẫn, hy vọng học cái chưa từng được học, và tìm cách thấu hiểu cái chưa thấu hiểu – đây hoàn toàn không phải là công việc của tự ngã. Hãy biết rằng người ta là như vậy bởi vì người ta là một người như vậy. Như thế nào chúng ta biết người ta là một người như vậy? Chúng ta biết người ta là một người như vậy bởi vì người ta muốn đạt được cái như vậy. Bởi vì người ta có khuôn mặt của một người như vậy, người ta không cần lo lắng về một cái như vậy. Bởi vì lo cũng là một cái như vậy, nó không phải là lo. Người ta cũng không cần phải ngạc nhiên trước một cái như vậy vốn là như vậy. Dù nếu có cái như vậy có vẻ lạ lùng, nó cũng chỉ là như vậy – nó là cái như vậy của “người ta không cần phải ngạc nhiên”. Cái này không thể đơn giản đo lường bằng lượng của Phật, nó không được đo lường bằng lượng của tâm, nó không được đo lường bằng lượng của cõi giới những hiện tượng (sự) và những nguyên lý (lý), nó không được đo lường bằng lượng của toàn bộ thế giới – nó chỉ có thể là bởi vì ông là một người như vậy, tại sao đi lo lắng cho một việc như vậy?
Thế nên, cái như vậy của âm thanh và hình sắc phải là như vậy; cái như vậy của thân và tâm phải là như vậy, cái như vậy của chư Phật phải là như vậy. Chẳng hạn, khi hiểu như vậy thời gian của sự ngã té trên đất là như vậy, lúc thời gian như vậy cần thiết đứng lên từ đất, người ta đâu có nghĩ việc ngã té trên đất là lạ lùng. Có một câu nói từ thời xưa cổ ở Ấn Độ được tuyên bố từ cõi chư thiên: nếu người ta ngã té trên đất, người ta đứng dậy từ đất; ngoài nền đất ra không có cách gì để đứng dậy. Câu này muốn nói rằng người ta té trên đất phải đứng lên từ đất, và không thể hy vọng đứng lên được bằng cái gì khác ngoài nền đất. Nó được xem là tuyệt hảo để đại ngộ khi được nêu ra, và là một con đường tốt đẹp để giải thoát thân tâm. Bởi thế, nếu người ta hỏi nguyên lý giác ngộ của chư Phật là gì, nó được nói là giống như người ngã té trên đất đứng dậy từ đất. Người ta cần tham cứu sự việc này và qua suốt quá khứ đến tự do, cần qua suốt tương lai đến tự do, cần qua suốt cái hiện tại như vậy đến tự do.
“Đại ngộ, không trở nên ngộ; trở lại mê, mất mê; không bị ngộ ngăn che, không bị mê ngăn che” là tất cả nguyên lý của người té xuống đất đứng lên từ đất. Đây là một câu nói của trời và đất, của Ấn Độ và Trung Hoa, của quá khứ, hiện tại, vị lai, của chư Phật cổ xưa và sẽ tới. Câu nói này không để lại điều gì chưa nói, nó không thiếu sót. Tuy nhiên, nếu người ta chỉ hiểu như thế mà không hiểu không như thế, đấy cũng như người ta không tham cứu triệt để nó.
Dù câu nói của chư Phật cổ xưa được truyền như vậy, nếu người ta cứ tiếp tục nghe lời nói của chư Phật cổ như là Phật cổ, người ta phải nghe vượt khỏi điều này. Dù nó không được nói ở Ấn Độ hay ở cõi trời, vẫn có một nguyên lý hơn nữa để phát biểu. Đó là, nếu người ta ngã té xuống đất mà cố gắng đứng lên từ đất thì người ta không bao giờ đứng dậy được. Thật ra, người ta phải liệu đứng lên từ một con đường sống. Thế nghĩa là, người ngã xuống đất phải đứng lên từ trời, và người ngã xuống trời phải đứng lên từ đất. Khác đi thì chẳng bao giờ người ta đứng dậy được. Tất cả chư Phật, chư Tổ đều như vậy. Lỡ có ai hỏi: “Trời đất cách xa bao nhiêu?” Hỏi thế, tôi sẽ đáp thế này: trời và đất cách xa nhau 108.000 dặm. Nếu người ta ngã xuống đất, người ta phải đứng lên từ trời; nếu người ta cố gắng đứng lên không từ trời, sẽ không bao giờ có cách. Nếu người ta ngã xuống trời người ta phải đứng lên từ đất; nếu người ta cố gắng đứng lên không từ đất, sẽ không bao giờ có cách. Nếu người ta chưa phát biểu như thế này, đó là người ta còn chưa biết, chưa thấy cái lượng của đất và trời được Phật nói.
Tổ thứ mười bảy là tôn giả Sanghanandi; người nối pháp của ngài là Gayashata. Một lần, nghe chùm chuông nhỏ trong một căn phòng leng keng khi gió thổi, ngài hỏi Gayashata, “Con nói gió leng keng hay chùm chuông leng keng ?” Gayashata trả lời, “Không phải gió leng keng hay chùm chuông leng keng; chính là tâm con leng keng.” Sanghanandi nói, “Thế cái gì là tâm?” Gayashata nói, “Cả hai đều im lặng.” Sanghanandi nói, “Tốt lắm, tốt lắm! Ai ngoài con ra có thể kế tiếp đạo của ta?” Sau đó ngài trao truyền chánh pháp nhãn tạng cho đệ tử.
Đây là tham cứu tâm tôi leng keng nơi không có gió leng keng, và tham cứu tâm tôi leng keng khi chùm chuông không leng keng. Dù cho tâm tôi leng keng là như vậy, cả hai đều im lặng. Truyền từ Ấn Độ qua Trung Hoa, từ thời cổ đến ngày nay, câu chuyện này được xem là một tiêu chuẩn để học Đạo, nhưng có nhiều người hiểu sai nó. Có nói rằng nhận xét của Gayashata là không phải gió leng keng hay chùm chuông leng keng, mà tâm leng keng, có nghĩa là vào một khoảnh khắc tư tưởng nơi người nghe sanh khởi, và sự sanh khởi này của tư tưởng gọi là tâm; nếu tư tưởng này không có ở đó, làm sao tâm có thể chú ý vào âm thanh leng keng – bởi vì sự nghe xảy ra nhờ tư tưởng này, nó nên được gọi là căn cứ của sự nghe, và thế là nó được gọi là tâm. Đây là một sự hiểu sai, tất cả đều do không có được thần lực của một vị thầy chân thật. Đó giống như giải thích của những nhà triết học ngôn ngữ. Loại giải thích này không phải là sự nghiên cứu huyền nhiệm của Phật đạo.
Điều người ta học từ một vị truyền thừa của Phật đạo là chánh pháp nhãn tạng của giác ngộ vô thượng thì được gọi là im lặng, được gọi là vô sanh, được gọi là chánh định (samadhi), được gọi là tổng trì (dharani). Nguyên lý là chừng nào một sự vật là im lặng, muôn vàn sự vật là im lặng. Bởi vì gió thổi là im lặng, chùm chuông leng keng là im lặng. Đấy là tại sao vị ấy nói cả hai đều im lặng. Vị ấy nói tâm đang leng keng không phải là gió đang leng keng, tâm đang leng keng không phải là chùm chuông đang leng keng, tâm đang leng keng không phải là tâm đang leng keng. Nếu chúng ta nghiên cứu tìm tòi nó như vậy, chúng ta sẽ đơn giản nói hơn nữa rằng chính gió đang leng keng, chùm chuông đang leng keng, chính sự thổi đang leng keng, sự leng keng đang leng keng – chúng ta cũng có thể nói như vậy. Bởi vì “tại sao lo lắng một việc như vậy”, nó không đang hiện hữu như vậy; bởi vì “tại sao lại quan tâm đến một cái như vậy”, nó là như vậy.
Khi tổ thứ ba mươi ba của Phật giáo, tổ thứ sáu của Thiền Trung Hoa, đến ở chùa Pháp Tánh ở Quảng Châu trước khi thọ đại giới, ở đó có hai nhà sư tranh luận với nhau, một người nói phướn động, một người nói gió động. Khi họ tranh luận không ngừng như thế, tổ nói, “Chẳng phải phướn động, chẳng phải gió động, mà chính là tâm của hai vị động.” Hai nhà sư liền chấp nhận điều này.
Trong câu nói này tổ nói rằng gió, phướn và sự lay động đều là tâm. Thật vậy, dù người ta bây giờ nghe câu nói này, họ không biết nó ; huống chi họ có thể phát biểu điều Lục tổ đã nói. Tại sao tôi nói thế ? Nghe câu nói “tâm các vị động”, rồi nói “tâm các vị động” trong khi cố gắng nói “tâm các vị động” là không thấy tổ, không phải là con cháu của giáo pháp của tổ. Bây giờ là con cháu của tổ, nói điều tổ nói, nói điều đó với thân thể và tay chân, tóc và da của tổ, chúng ta phải nói thế này : dù “tâm các vị động” có là gì, chúng ta phải nói các vị đang động. Tại sao tôi nói thế ? Bởi vì một khi cái đang động là đang động, thì các vị là các vị. Bởi vì đã là một người như vậy, người ta nói một cách như vậy.
Lục tổ Thiền tông là một người đốn củi ở miền nam Trung Hoa. Ngài biết rõ ràng những ngọn núi và những con suối. Dù ngài làm việc dưới những cây thông xanh và đốn gốc, làm sao ngài biết đời sống thoải mái trong một tu viện và những lời dạy cổ xưa soi sáng tâm? Từ ai ngài học giới luật và sự tịnh hóa ? Ngài nghe một cuốn kinh được tụng đọc ở ngoài chợ – đây không phải là điều gì ngài đã từng biết, cũng không phải có ai dạy cho ngài. Ngài mất cha khi còn bé, và phụng dưỡng mẹ khi bắt đầu lớn. Ngài không biết hạt ngọc trong áo chiếu sáng xuyên trời đất. Một khi ngài thình lình ngộ, ngài từ bỏ mẹ và tìm kiếm một vị thầy – đây là một điều hiếm có giữa con người. Đối với người nào sự biết ơn và tình thương trở nên tầm thường ? Ngài từ bỏ những tình cảm bởi vì ngài xem chân lý quan trọng hơn. Đây là nguyên lý như thế nào nếu người ta nghe với trí huệ thì họ có thể tức thời tin hiểu? “Trí huệ” không học được, nó cũng không tự khởi; trí huệ được truyền thông với trí huệ, trí huệ tìm kiếm trí huệ. Trong trường hợp năm trăm con dơi, trí huệ thiêu đốt thân chúng và chúng không có thân tâm nữa. Còn mười ngàn con cá vùng vẫy trên cạn, bản thân trí huệ là thân chúng, thế nên cho dù không có điều kiện hay nguyên nhân, khi chúng nghe Pháp thì chúng hiểu tức thời. Đó không phải là vấn đề đến hay vào. Nó giống như tinh thần của mùa xuân gặp mùa xuân. Trí huệ không phú bẩm với tư tưởng, trí huệ không có tư tưởng; trí huệ thì không chánh niệm, trí huệ không phải là không chánh niệm – huống gì là liên can tới lớn hay nhỏ, huống gì là một vấn đề của mê hay ngộ. Điều chúng ta đang nói là Lục tổ không biết gì về đạo Phật, và bởi vì ngài không nghe về nó trước kia, ngài không thán phục hay tìm kiếm nó, tuy nhiên khi nghe Pháp, ngài quên bẵng tình cảm và bản thân, tất cả đều do sự kiện rằng trí huệ với thân tâm vốn không phải là bản thân. Điều này được gọi là có thể tin hiểu tức thời.
Có ai biết nhiều như thế nào những chu kỳ sanh tử chúng ta đã đi qua trong lao nhọc vô ích trong khi vẫn đang có trí huệ này. Giống như một hòn đá chứa một viên ngọc, viên ngọc không biết nó bị bao bọc trong hòn đá, và hòn đá không biết nó đang chứa một viên ngọc. Người ta biết nó và lấy nó – điều này viên ngọc hay hòn đá không dự tính, không chờ đợi, nó cũng không dựa vào hiểu biết hay huệ quán của hòn đá, và nó không phải là tư tưởng của viên ngọc. Thế nên như sự kiện con người và trí huệ không biết lẫn nhau, nhưng Đạo chắc chắn được nghe bởi trí huệ.
Có câu nói: thiếu trí huệ, bấy giờ nghi ngờ là một thiệt hại vĩnh viễn. Dù trí huệ chẳng phải hiện hữu chẳng phải không hiện hữu, có sự hiện hữu nó là những cây thông của một thời, có sự không hiện hữu nó là cúc mùa thu. Khi không có trí huệ, giác ngộ viên mãn đều trở thành nghi ngờ, mọi sự trở thành nghi ngờ. Lúc đó có sự thiệt hại, mất mát vĩnh viễn. Có Đạo để phải được nghe, có lý để phải chứng, bấy giờ có nghi ngờ.
Toàn thể thế giới, nó là không tự ngã, không có chỗ nào che dấu ; nó là một thanh sắt độc nhất mười ngàn dặm dài mà nó không là một ai. Dầu những cành cây mọc ra như vậy, sự kiện là trong những cõi Phật của mười phương chỉ có một giáo lý Nhất Thừa. Dầu những lá rơi như vậy, sự kiện là những hiện tượng này trụ trong trạng thái bình thường của chúng, nét mặt của thế giới vẫn thường hằng (Thị pháp trụ pháp vị, thế gian tướng thường trụ – Kinh Pháp Hoa, chú thích thêm của bản tiếng Việt). Bởi vì nó đã là một sự vật như vậy, có trí huệ và không có trí huệ là khuôn mặt mặt trời và khuôn mặt mặt trăng.
Bởi vì ngài là một người như vậy, Lục tổ cũng đã thức tỉnh. Sau đó ngài đến núi Hoàng Mai đảnh lễ Ngũ tổ Hoằng Nhẫn. Tổ bảo ngài xuống phòng làm việc. Khi ròng rã giã gạo ngày đêm trong tám tháng, một đêm nọ rất khuya Hoằng Nhẫn vào phòng xay lúa và hỏi, “Gạo đã trắng chưa ?” Ngài nói, “Nó đã sạch trắng nhưng chưa được sàng.” Hoằng Nhẫn đánh vào cối xay ba gậy, ngay lúc đó Lục tổ sàng ba lần. Đây gọi là giây phút hợp đạo của thầy và người mới học. Dù người ta không tự biết và những người khác không hiểu, sự truyền pháp và y quả thực là thời gian chính xác của cái đang là như vậy.
Dược Sơn hỏi thiền sư Thạch Đầu, “Con có một hiểu biết thô thiển về kinh giáo, nhưng con nghe nói ở phương nam, người ta chỉ thẳng tâm người, thấy tánh thành Phật, con thực sự không hiểu điều này, mong ngài từ bi chỉ dạy.” Đây là một câu hỏi của Dược Sơn, vốn là một vị thuyết pháp. Ngài đã thông thạo kinh điển, thế nên có vẻ không còn gì nữa về Phật giáo mà không rõ ràng với ngài. Trong thời xưa, trước khi có các phái, chỉ hiểu những giáo lý trong kinh điển được xem là cách học kinh giáo. Ngày nay có nhiều người dại dột lập những trường phái cá nhân và xác nhận Phật giáo theo cách này, nhưng đó không phải là lề lối Phật đạo. Để trả lời cho câu hỏi của Dược Sơn, Thạch Đầu nói, “Nó không thể được nắm lấy như vậy, nó không thể được nắm lấy không như vậy – như vậy hay không như vậy, nó không thể được nắm lấy chút nào, ông làm sao ?” Đây là câu nói của đại sư cho Dược Sơn. Thực ra, bởi vì nó không thể được nắm lấy chút nào, như vậy hay không như vậy, bởi thế nó không thể được nắm lấy như vậy, nó không thể được nắm lấy không như vậy. Nó không phải là những nhu cầu hữu hạn cho đạo, nó không phải là những nhu cầu vô hạn cho đạo. Như vậy cần được học bằng sự không bám nắm, và không bám nắm cần được tìm trong cái như vậy. Cái như vậy và không bám nắm này chỉ ở trong lượng của Phật. Đây là thấu hiểu không bám nắm; đây là chứng ngộ không bám nắm.
Lục tổ nói với thiền sư Nam Nhạc Hoài Nhượng, “Cái gì đến như vậy ?” Câu nói này là bởi vì như vậy thì không nghi ngờ, như vậy thì không hiểu ngộ. Bởi vì nó là cái gì là nó, vô vàn sự vật phải được tham cứu như là cái gì; một sự vật phải được tham cứu như là cái gì. Cái gì thì không nghi ngờ – nó là như vậy mà đến.