NHỮNG ĐIỀU CHA MẸ CẦN DẠY CHO CON

ĐẠI SƯ TINH VÂN

Trích: Pháp Môn Hạnh Phúc; Nguyễn Phố dịch; NXB. Lao Động, 2019

Có đứa bé trong lòng buồn bực: Vì sao Đồng Trác thi toàn lớp luôn luôn xếp thứ nhất, còn nó luôn luôn xếp thứ hai mươi mấy? Nó bèn hỏi mẹ: “Có phải là con ngu dốt so với những người khác không mẹ? Con và nó đều nghiêm túc làm bài như nhau, tại sao con lại xếp sau nó?” Nhất thời, người mẹ chưa có câu trả lời thỏa đáng. Về sau, người mẹ dẫn đứa con đi ngắm biển. Ngồi trên bãi cát, người mẹ nói: “Con nhìn mấy con chim nhỏ trên bờ biển, khi sóng biển ập đến, con chim xám nhỏ kia chỉ đập cánh mấy cái là bay lên không, còn chim hải âu rõ là ngu vụng, chúng nó từ trên bãi biển bay lên không trung cần rất nhiều thời gian, nhưng loài chim có thể bay vượt biển lớn chính là chim hải âu đấy”. 

Tục ngữ nói: “Nhìn đứa bé ba tuổi có thể đoán định được cả cuộc đời”, ý nói sự lớn lên của đứa bé ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách của đời người. 

Bậc cha mẹ, cần dạy cho trẻ những gì? 

  1. Cần bảo vệ danh dự nhân cách của trẻ. Lòng tự tôn và đức tự tin của trẻ cùng phối hợp hình thành, không vì nghĩ rằng trẻ còn nhỏ mà tùy tiện trách phạt đánh mắng trước mặt đám đông, hoặc nói lời làm tổn thương chúng. Những tốn thương ấy có thể làm cho trẻ không bao giờ quên. Vì vậy, là thầy giáo cần bảo vệ danh dự nhân cách của trẻ. 
  2. Cần hình thành nết đẹp biết cảm ơn cho trẻ. “Cày đồng đang giữa trưa, mồ hôi giọt trên đất, ai biết cơm trên mâm, hạt hạt lắm gian khổ”. Cần làm cho trẻ hiểu bát cơm, bát cháo hằng ngày, tấm vải may mặc trong người có được đều nhờ công lao khó nhọc vất vả của cha mẹ, nông phu, công nhân, thương gia…, cần phải có lòng cảm ơn họ, cần xây dựng nét đẹp của lòng quý tiếc phúc phận, không tùy tiện phung phí. 
  3. Cần hình thành cho trẻ thói quen biết nhận lỗi. “Người trí sửa lỗi để đi theo đường tốt, người ngu xấu hổ vì lỗi mà càng làm bậy”. Che giấu sai trái tức là luôn sống trong sai trái, thân tâm phải gánh vác một vật vừa nặng vừa to. Nhận lỗi, tức là “biết hôm qua sai thì hôm nay đúng”, sau đó trút bỏ được lỗi lầm, thân tâm thoải mái, nhẹ nhàng, và cái dũng khí ấy được mọi người khen ngợi. Nhận lỗi, tức là có được cơ hội sửa chữa sai trái của mình, có thể khiến cho con người bắt đầu làm lại. Do đó, cần bồi dưỡng cho trẻ tâm lý sẵn sàng nhận lỗi. 
  4. Cần dạy cho trẻ thái độ tiếp nhận. Cái túi cần bỏ đồ vật vào mới có thể có cái dụng, cái bát cần rót nước vào mới có thể có thứ để uống. Trẻ con cũng cần những lời chỉ dạy mới có thể trưởng thành. Cho nên cần chỉ dạy trẻ: tiếp nhận là gốc rễ của sự tiến bộ, tiếp nhận mới là căn nguyên của trí tuệ.
  5. Cần coi trọng lễ tiết trong xử thế của trẻ. Người xưa nói: “Coi thường lễ tiết thì sẽ rước lấy nhục”. Làm người ở đời phải có lễ tiết. Người có lễ độ tức là trong lòng hiểu rõ đạo lý, người trong lòng hiểu rõ đạo lý mới có thể có quy củ pháp luật, như vậy là người có cách xử thế không tùy tiện, khinh mạn. 
  6. Cần hướng dẫn trẻ sinh hoạt bình thường. Ý chí của trẻ con tương đối yếu đuối, thiếu sức tự chế, nhưng có tính co giãn lớn, tính dẻo dai cao, do đó cần huấn luyện trẻ hình thành thói quen sinh hoạt hay, đẹp. Cuộc sống bình thường thân tâm mới khỏe mạnh, làm việc có ngăn nắp, có kế hoạch. 

Người xưa nói: “Cha mẹ nên dạy con trong lúc chúng đã có hiểu biết”. Thói quen của trẻ hình thành trong ngày một ngày hai, đợi đến lúc khôn lớn cần có sự chỉnh sửa. Cho nên, việc giáo dục trẻ trong học tập nên bắt đầu khi chúng đã có một số hiểu biết tối thiểu nào đó. 

Trích dẫn từ sách Thái căn đàm 

Gia sản vạn quan không bằng có một nghề tùy thân; 

Bụng đầy chiến lược không bằng một chút thiện trong tâm; 

Nói chuyện trời biển không bằng một lời chắc nịch; 

Văn chương dài dòng không bằng một chữ ngàn vàng. 

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. XA RỜI THỊ PHI PHIỀN NÃO
  2. TÔI LÀ PHẬT
  3. LỄ TRƯỞNG THÀNH

Bài viết mới

  1. LÒNG TỪ ÁI
  2. NĂM NGUỒN LỰC THÀNH CÔNG LÀ GÌ?
  3. NHÓM VÀ CÁCH LÀM VIỆC THEO NHÓM