NHỮNG GÌ BẠN CÓ THỂ KIỂM SOÁT, VÀ NHỮNG GÌ KHÔNG THỂ KIỂM SOÁT

EPICTETUS

Trích: Nghệ Thuật Sống Của Epictetus; Người dịch: Đỗ Tư Nghĩa; NXB. Hồng Đức; Công ty TNHH VH Khai Tâm, 2021

Hạnh phúc và tự do bắt đầu với sự hiểu biết rõ ràng về một nguyên tắc: Một số điều nằm trong tầm kiểm soát của chúng ta, và một số khác thì không. Chỉ sau khi bạn đã đối mặt và chấp nhận cái nguyên tắc nền tảng này, và học cách phân biệt giữa những gì bạn có thể và không thể kiểm soát, thì bạn mới có thể đạt tới bình an nội tâm và cách hành xử hữu hiệu.

Ở trong tầm kiểm soát của chúng ta là những quan niệm, những khát vọng, những tình cảm yêu ghét của riêng chúng ta… Đây chính là những khu vực mà chúng ta cần quan tâm, bởi vì chúng trực tiếp tùy thuộc vào chúng ta. Chúng ta luôn luôn có thể chọn lựa nội dung và tính chất cuộc sống nội tâm của mình.

Nằm bên ngoài tầm kiểm soát của chúng ta là những thứ như thân thể, tài sản, uy tín, địa vị xã hội của chúng ta…

Chúng ta phải nhớ rằng những cái này là những cái ngoại tại, do vậy không phải là cái mà ta cần quan tâm. Cố kiểm soát hay cố làm thay đổi cái mà chúng ta không thể thì chỉ mang lại phiền não.

Hãy nhớ: Những điều nằm bên trong tầm kiểm soát của chúng ta thì trong bản chất tùy thuộc chúng ta, không bị ngăn trở, không bị câu thúc; trái lại, những cái nằm ngoài tầm kiểm soát của ta thì bấp bênh, lệ thuộc hoặc bị quy định bởi những ý thích bốc đồng và hành động của người khác. Cũng nên nhớ, nếu bạn nghĩ rằng mình có thể hoàn toàn kiểm soát những cái mà bản chất tự nhiên của chúng nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta, hay nếu bạn cố lấy những công việc của người khác làm công việc của chính mình, thì bạn sẽ thất bại, trở thành một kẻ phẫn chí, lo lắng và ưa trách móc.

HÃY NHẬN DIỆN NHỮNG TRÌNH HIỆN NHƯ CHÚNG THỰC SỰ LÀ

Kể từ bây giờ về sau, trước mọi sự có vẻ như khó chịu, hãy tập nói: “Mi chỉ là một trình hiện của giác quan, và đó không phải là cái thực tướng của mi”. Và rồi, hãy xem xét một cách thấu đáo vấn đề theo những nguyên tắc vừa nêu. Trước hết, hãy tự hỏi: “Cái trình hiện này có liên quan đến những điều vốn ở trong tầm kiểm soát của riêng tôi hay không?”. Nếu nó liên quan đến bất cứ điều gì ở ngoài tầm kiểm soát của bạn, thì hãy tập đừng lo lắng về nó.

YÊU – MUỐN ĐUỔI THEO, GHÉT – MUỐN TRỐN TRÁNH

Những ham muốn và ghét bỏ của chúng ta là những “kẻ thống trị” bốc đồng. Chúng yêu sách, buộc ta phải tuân phục những mệnh lệnh của chúng. Lòng ham muốn thúc đẩy ta đuổi theo và đạt điều ta muốn. Sự ghét bỏ, trái lại, yêu sách rằng ta phải tránh điều ta không ưa. Thông thường, khi không đạt được điều ta muốn, ta thất vọng. Khi gặp điều ta không muốn, ta phiền não.

Do vậy, nếu bạn chỉ cần tránh những điều khó chịu vốn trái với sự an vui tự nhiên của mình và ở trong tầm kiểm soát thì bạn sẽ không gặp bất cứ cái gì mà mình không thực sự muốn. Tuy nhiên, nếu bạn cố tránh những điều không thể tránh như bệnh tật, cái chết hay sự bất hạnh – là những cái mà bạn không có sự kiểm soát thực sự nào – thì bạn sẽ làm cho chính mình và kẻ khác đau khổ.

Lòng ham muốn và sự ghét bỏ, mặc dù mạnh mẽ, cũng chỉ là những thói quen. Và chúng ta có thể tự rèn luyện mình để có những thói quen tốt hơn. Hãy từ bỏ thói quen trốn tránh những điều không nằm trong tầm kiểm soát của bạn, và thay vào đó, hãy tập trung vào việc cải thiện những điều không tốt cho bạn nhưng lại nằm trong tầm kiểm soát của mình.

Hãy cố hết sức để chế ngự những ham muốn của bạn. Bởi vì, nếu bạn ham muốn một cái vốn không nằm trong tầm kiểm soát của riêng mình, thì bạn sẽ thất vọng; trong khi đó, bạn sẽ bỏ bê những cái đáng làm vốn nằm trong tầm kiểm soát của mình.

Dĩ nhiên, có những lúc vì những lý do thực tế, bạn phải chạy theo điều này hay trốn tránh điều nọ, nhưng hãy làm như thế với thiện ý, sự khéo léo và sự mềm dẻo

HÃY NHÌN SỰ VẬT NHƯ CHÚNG LÀ

Hoàn cảnh ngoại tại không xảy ra để đáp ứng những mong đợi của chúng ta. Những biến cố xảy ra một cách tự nhiên. Người ta hành xử một cách tự nhiên. Hãy ôm giữ những gì mà bạn thực sự đạt được.

Hãy mở mắt ra: Hãy nhìn sự vật đúng như thực tướng của chúng, và do vậy tránh cho bạn nỗi đau đớn của sự luyến chấp sai lầm và sự đổ nát có thể tránh được.

Hãy nghĩ về những cái làm bạn vui thích – những vật dụng cần thiết mà bạn sử dụng, những người mà bạn trân quý. Nhưng hãy nhớ rằng, chúng và họ có tính chất riêng, vốn hoàn toàn khác biệt với cái cách mà ta nhìn chúng và họ.

Như một bài tập, hãy xem xét những sự vật nhỏ bé nhất mà bạn luyến chấp vào. Chẳng hạn giả thử rằng, bạn có một cái tách mà bạn ưa thích. Nói gì đi nữa, nó chỉ là một cái tách; do vậy, nhỡ nó vỡ thì bạn có thể xử lý. Kế đến, hãy trải rộng (việc xem xét như thế) đến những sự vật – hay những con người – mà bạn luyến chấp vào. 

Hãy nhớ rằng khi bạn ôm hôn con, chồng hay vợ mình thì bạn đang ôm một người hữu tử (rồi sẽ phải chết). Như vậy, nếu một trong số họ có mất đi thì bạn nên chịu đựng với sự điềm tĩnh.
Khi một điều gì đó xảy ra thì cái duy nhất nằm trong quyền lực của bạn là thái độ của mình đối với nó; bạn có thể chấp nhận hay từ chối nó.

Cái thực sự làm chúng ta sợ hãi hay hoảng loạn, không phải là những biến cố ngoại tại, mà là cái cách chúng ta nghĩ về chúng. Cái khuấy động chúng ta, không phải là những sự thể ngoại tại, mà chính là sự thuyết minh của chúng ta về ý nghĩa của chúng.

Hãy ngừng tự hù dọa mình với những khái niệm bốc đồng, và những ấn tượng chủ quan của ta về sự vật!

Những sự thể diễn ra tự nhiên theo cách của chúng chứ không phải như ta mong đợi. Cũng vậy, những con người hành xử tự nhiên theo cách của họ chứ không phải như ta mong đợi.

Bình luận


Bài viết mới

  1. NUÔI DƯỠNG TRÍ TÒ MÒ
  2. HIỂU VỀ NỖI ĐAU KHỔ CỦA CHÚNG TA
  3. LỜI RĂN DẠY CỦA KHỔNG TỬ