NGUYỄN THẾ ĐĂNG
Lần đầu tiên Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Hà Nội (Hội KHTLGD Hà Nội) và Sở Giáo dục – Đào tạo Hà Nội đã thống nhất chuẩn bị triển khai thí điểm chương trình giáo dục giá trị sống trong các trường tiểu học. Với quan điểm giá trị sống là gốc để tạo nên nhân cách cho học sinh từ các bậc học thấp, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội KHTLGD Hà Nội, cho rằng: “Giáo dục giá trị sống là giải pháp bền vững để giải quyết tình trạng nhức nhối như bạo lực, vi phạm pháp luật ở lứa tuổi học đường”.
“Dự kiến sẽ được [triển khai] thí điểm trong các trường mầm non, tiểu học là một chương trình giáo dục các giá trị sống của tổ chức Living Values do một số nhà giáo dục tiên tiến trên thế giới nghiên cứu thành công từ năm 1995, được Ban Giáo dục của UNESCO và UNICEF bảo trợ.” Bộ sách Living Values của Diane Tillman với sự hợp tác của nhiều nhà giáo dục trên thế giới đã được các dịch giả Đỗ Ngọc Khanh, Thanh Tùng và Minh Tươi biên dịch ra tiếng Việt và Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM xuất bản năm 2009.
“Chương trình giáo dục các giá trị sống được triển khai từ một dự án quốc tế bắt đầu vào năm 1995 do Đại học Bhrama Kumaris thực hiện để kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Liên Hiệp Quốc. Nhằm kêu gọi sự chia sẻ các giá trị cho một thế giới tốt đẹp hơn, dự án này tập trung vào 12 giá trị mang tính phổ quát. Chủ đề được lấy trong Lời mở đầu của Hiến chương Liên Hiệp Quốc, khẳng định lòng tin vào quyền cơ bản của con người, về phẩm cách và giá trị của con người” (Những giá trị sống cho tuổi trẻ, trang 20).
Mười hai giá trị sống được dạy và học theo thứ tự là: 1. Hòa bình, 2. Tôn trọng, 3. Yêu thương, 4. Khoan dung, 5. Trung thực, 6. Khiêm tốn, 7. Hợp tác, 8. Hạnh phúc, 9. Trách nhiệm, 10. Giản dị, 11. Tự do và 12. Đoàn kết.
Chúng ta hãy xem chương Mục đích, với những đề mục: Các giá trị trong mối liên hệ với bản thân; giá trị trong mối quan hệ với mọi người; các giá trị trong mối liên hệ với xã hội và thế giới.
Mỗi giá trị được dạy theo ba phần. Chúng ta lấy giá trị đầu tiên là Hòa bình:
1. Những điểm suy ngẫm về hòa bình
Các bài học cơ bản về hòa bình. Bài học 1: Các giá trị của tôi. Bài học 2: Hình dung về một thế giới hòa bình. Bài học 3: Sự đối lập giữa một thế giới hòa bình và một thế giới bất hòa. Bài học 4: Bình an và bất an. Bài học 5: Lời khuyên từ một thế giới hòa bình. Bài học 6: Tăng cảm giác bình an trong môi trường giáo dục. Bài học 7: Bàn tay được sử dụng để làm gì? Bài học 8: Giải quyết bất hòa. Bài học 9: Giải quyết bất hòa và lắng nghe. Bài học 10: Phỏng vấn. Bài học 11: Hạt giống. Bài học 12: Tương phản và giải pháp. Bài học 13: Các thần tượng ngày nay.
2. Vận dụng vào các môn học: Ngôn ngữ và Văn học; Lịch sử và Nghiên cứu xã hội; Khoa học; Nghệ thuật; Âm nhạc; Quản lý gia đình; Phát triển bản thân; Giáo dục thể chất và Nhảy múa.
Chúng ta không thể đi vào chi tiết nhưng có thể nói tổng quát là mọi thành tựu của khoa học về giáo dục hiện đại đã được áp dụng để cho người học có được những giá trị sống hay những đức tính của một con người tốt đẹp trong xã hội. Những ý kiến hân hoan vui mừng của những người đã tham gia chương trình Những giá trị cuộc sống ở Việt Nam, từ những sinh viên của nhiều khoa đến những giáo dục viên của 10 trung tâm Cai nghiện ma túy Ba Vì đã cho thấy hiệu lực của chương trình này (trang 415-417).
Ở đây, người viết xin có vài nhận xét:
1. Thế kỷ XX của chúng ta là thế kỷ của sự bị đô hộ và chiến tranh. Vì thế một số giá trị văn hóa truyền thống bị đứt đoạn. Khi có hòa bình thống nhất, chúng ta tập trung vào kinh tế để giải quyết đói nghèo trước mắt.
Chúng ta đã có một “khoảng trống văn hóa”, một bảng giá trị của con người áp dụng cho thời hiện đại. Những lộn xộn, thiếu trật tự, sự không an tâm trong đời sống hàng ngày phần nào là do kết quả của sự thiếu vắng một bảng giá trị sống này.
Thế nên để hài hòa với những giá trị sống của con người thế giới theo Liên Hiệp Quốc đề nghị, chúng ta hãy lấy những giá trị sống phổ quát và căn bản ấy làm cơ sở và quá trình sống theo dòng lịch sử sẽ cho chúng ta một bảng giá trị sống với những nét đậm nhạt có bản sắc Việt Nam.
2. Thật ra những giá trị sống do Liên Hiệp Quốc đề nghị không xa lạ với người Việt Nam. Cứ xem những nhân vật lịch sử Việt Nam suốt hơn hai ngàn năm nay, chúng ta thấy những danh nhân của chúng ta đều có – hoặc một số, hoặc toàn bộ, hoặc có thể nhiều hơn nữa – những đức tính ấy. Chẳng hạn, chúng ta thấy những nhân vật lập nên và duy trì đời Lý đã có những đức tính ấy, những giá trị sống ấy tuy có thể chưa được phát triển đến mức hoàn hảo và hài hòa.
Nói thế nghĩa là khi học tập những giá trị sống căn bản của Liên Hiệp Quốc, chúng ta phải triệt để vận dụng lịch sử Việt Nam, bởi vì trong lịch sử Việt Nam đã từng có những người hiện thực hóa những giá trị sống ấy trong đời sống xã hội.
3. Nói đến truyền thống Việt Nam, chúng ta không thể không nói đến Phật giáo. Phật giáo đã góp phần tạo ra cho lịch sử Việt Nam những danh nhân làm gương cho hậu thế. Phật giáo là dòng chủ lưu đã kết hợp với Nho, Lão – và sau này với Tây phương – đã tạo ra văn hóa Việt Nam, những giá trị sống Việt Nam.
Mười hai giá trị sống ở trên nếu được khai thác đến tận những chiều sâu nhất của tâm thức thì đó chính là một phần những đức tính của một vị Bồ tát.
Chúng ta có thể thấy ngay rằng 12 giá trị sống của Liên Hiệp Quốc thiếu phần quan trọng là một trí huệ nhìn thấy được tính không thể độc lập tự thân, tính liên lập của từng con người và từng sự vật. Chính nhờ hiểu biết này mà con người bớt ích kỷ, kiêu căng, bớt cá nhân chủ nghĩa và cũng nhờ thế mà dễ có hòa bình, yêu thương, khoan dung, đoàn kết, khiêm tốn, giản dị…
Với Phật giáo, chúng ta có thể mở rộng và đào sâu những giá trị sống của Liên Hiệp Quốc. Chẳng hạn giá trị sống thứ ba của Liên Hiệp Quốc là yêu thương, mà Phật giáo gọi là từ bi. Giá trị sống “yêu thương” mới chỉ là “từ”, chưa có “bi”. Với Phật giáo, yêu thương không đứng một mình mà phải biểu lộ qua hành động, nghĩa là “yêu thương và giúp đỡ” phải đi đôi với nhau, bổ túc cho nhau một cách biện chứng.
Chẳng hạn hòa bình, giá trị sống thứ nhất. Với sự góp sức của Phật giáo, hòa bình sẽ được thực hiện sâu xa hơn nhiều, bằng cách vượt qua tham, sân, si và đi vào tận bản tánh của tâm thức. Hòa bình không chỉ được thực hiện ở những tầng lớp bên ngoài của con người xã hội, mà ở những tầng sâu của tâm thức, nghĩa là những tầng sâu của nhân cách. Chính ở những tầng sâu này mới có thể có một cuộc “cách mạng con người” (chữ dùng của Krishnamurti). Phật giáo cũng thường nói: “Tâm bình thì thế giới bình”.
Chẳng hạn giá trị sống thứ 12 – Đoàn kết. Nếu áp dụng những quan điểm và cách thực hành Phật giáo, con người không chỉ có đoàn kết ở mặt xã hội, mà còn đi sâu hơn thế nữa, “anh em như thể tay chân” (tục ngữ Việt Nam), đến chỗ “Tất cả là Một” (Phật giáo). Cái Một này, cái Bất Nhị này cũng chính là bản tánh của cá nhân, của người khác và của thế giới.
Quan điểm Phật giáo cho rằng Nhân đạo (đạo hay con đường làm người) chuẩn bị và là nền tảng của Phật đạo (đạo hay con đường làm Phật). Thế nên những giá trị sống của con đường làm người là nền tảng cho Phật đạo. Không có Nhân đạo thì sẽ không có Phật đạo. Ngược lại, chính Phật đạo đưa Nhân đạo đến chỗ hoàn thiện rốt ráo của nó, đến cứu cánh của nó: thành một con người toàn diện và toàn thiện, mà chúng ta gọi là một vị Phật.
4. Những giá trị sống ấy không chỉ được dạy ở trường, mà phải được trau dồi ở cả ba lĩnh vực giáo dục: gia đình, trường học, xã hội. Trong gia đình, cha mẹ cần biết để dạy con cái. Ngoài xã hội, mọi người cần biết để duy trì và phát triển một xã hội văn hóa và văn minh.
Gia đình Phật tử hay thanh thiếu niên Phật tử cần khai thác tận dụng bảng giá trị này và những phương pháp giáo dục khoa học này để tạo ra những thế hệ “danh nhân” mới cho đất nước.
Chúng ta có thể bổ túc, phát huy thêm, nhất là áp dụng những cách thực hành đã tỏ ra có hiệu lực từ hàng ngàn năm nay của Phật giáo. Rõ ràng nếu làm được điều này chúng ta sẽ tạo ra được những thế hệ mới, rất Việt Nam mà cũng rất toàn cầu hóa, đóng góp không nhỏ vào đời sống văn hóa văn minh nhân loại.
Chúng ta hãy cầu nguyện cho điều đó, bởi vì theo người Việt Nam, “con hơn cha nhà có phúc”.