NHỮNG NGỘ NHẬN TRÊN CON ĐƯỜNG

KHANGSER RINPOCHE

Trích: Làm Chủ Cuộc Đời; Trần Gia Phong dịch Việt; NXB. Hồng Đức; Công ty VH sáng tạo Trí Việt - First News; 2016

Đạo Phật thường đề cập đến việc đối trị lòng tham, vậy thực hành đạo Phật có phải là từ bỏ mọi khát vọng và ước muốn, kể cả đối với những người trẻ? Khi một bạn trẻ đưa ra câu hỏi này, tôi đã hỏi anh ấy: Khi nói “giảm ước muốn”, đặc biệt đối với những người trẻ tuổi, anh có chắc là mình đang đi đúng hướng không? Tôi biết tất cả các bạn trẻ đều muốn thành công trong cuộc sống. Vậy đâu là chìa khóa của thành công? Chìa khóa thứ nhất của thành công là khát vọng. Thành công chỉ có thể khởi đầu với khát vọng và ham muốn. Nếu không có khát vọng và ham muốn thì làm sao bạn thành công được? Để trở thành kiến trúc sư thì bạn phải có ước muốn trở thành kiến trúc sư. Đối với các bạn trẻ đang trong giai đoạn khởi nghiệp thì thành công là điều quan trọng. Trong cuộc sống, nếu muốn thành công thì bạn phải có hoài bão lớn.

Tuy vậy, ham muốn của con người đôi lúc rất kỳ lạ và không thực tế. Hơn nữa, nếu có quá nhiều ham muốn thì bạn không thể tập trung vào một ước muốn cụ thể nào. Ví dụ, khi từ trường học về nhà, bạn muốn xem TV, Facebook, và làm bài tập; vậy bạn ưu tiên cho mong muốn nào? Có lẽ là Facebook và TV. Bạn phải biết cách giảm bớt những ham muốn như thế. Đức Phật dạy “giảm ham muốn” (thiểu dục) chứ Ngài chưa từng nói phải từ bỏ mọi ham muốn. Nếu có quá nhiều ham muốn thì ta sẽ dễ thất bại vì không có đủ thời gian. Nếu có ít ham muốn, ta có thể tập trung tốt hơn, làm việc chăm chỉ hơn và ta sẽ thành công. Như trong ví dụ trên, khi đi học về có thể bạn sẽ có rất nhiều mong muốn như Facebook, xem TV… Nếu có quá nhiều ham muốn thì bạn sẽ mất tập trung và không thể chú tâm vào công việc chính. Bạn phải phân tích hệ quả của từng ham muốn và cần giữ lại những ham muốn mang đến kết quả tốt.

Bạn phải phân tích hệ quả của từng ham muốn và cần giữ lại những ham muốn mang đến kết quả tốt.” – Khangser Rinpoche, chuyển thế đời thứ 8 của dòng Gelug

Bên cạnh đó, đạo Phật xem trọng đời sống nội tâm bình yện và thanh thản. Vấn đề được đặt ra là nếu giữ tâm bình yên bằng cách không chạy theo ganh đua hay cạnh tranh thì ta sẽ không còn động lực phát triển bản thân và cải thiện cuộc sống, nhưng nếu ra sức cạnh tranh và chạy theo ganh đua thì lại không thể giữ tâm bình yên. Vậy làm cách nào để dung hòa hai điều này?

Ở trường học hay nơi làm việc, bạn phải đối mặt với nhiều sự cạnh tranh. Khi làm những công việc mang tính cạnh tranh, bạn phải luôn nhớ một điều: kết quả không hoàn toàn nằm trong tay chúng ta. Khi làm những việc mang tính cạnh tranh, đôi lúc chúng ta quá quan tâm đến kết quả và vì vậy ta thật sự gặp rất nhiều khó khăn, căng thẳng và lo âu. Khi làm việc, bạn chỉ cần tập trung vào việc mình đang làm và đừng kỳ vọng quá mức vào kết quả. Ngoài ra, mọi sự cạnh tranh đều có một phương diện khác, đó là cơ hội; và mọi cơ hội đều đi cùng với tính cạnh tranh. Nhìn vào mặt cạnh tranh hay mặt cơ hội, điều đó tùy thuộc vào bạn. Mọi khó khăn đều mang đến thời cơ, và mọi thời cơ đều mang theo thử thách. Bạn phải nhìn thấy thời cơ trong từng thách thức, chứ không chỉ nhìn vào thách thức trong thời cơ. Ví dụ, cuộc thi chạy giữa mười vận động viên điền kinh ở Thế Vận Hội là một cuộc đua rất khốc liệt. Tuy nhiên, các vận động viên chỉ có một phần triệu cơ hội để được tranh tài trên đường chạy đó. Vậy, mười vận động viên đó may mắn hay đen đủi? Người nhìn vào mặt cơ hội sẽ nói là may mắn, còn người nhìn vào mặt khó khăn sẽ nói là đen đủi. Bạn nên nhìn vào mặt tích cực của mọi sự cạnh tranh.

Tóm lại, chúng ta không nhất thiết phải từ bỏ mọi ham muốn và khát vọng trong cuộc sống mà chỉ cần tri túc hay biết đủ, đồng thời bạn nên tập trung vào những ước muốn mang đến kết quả tích cực và giảm bớt những ham muốn thiếu thực tế. Bên cạnh đó, ta nên cố gắng tiếp cận các vấn đề trong cuộc sống từ mọi phương diện và chủ động nhìn vào mặt tích cực của vấn đề thay vì suy nghĩ quá nhiều về những điều tiêu cực.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. BỐN SỰ THẬT CAO QUÝ
  2. LUYỆN TÂM – LÀM CHỦ CUỘC ĐỜI

Bài viết khác của tác giả

  1. THỰC HÀNH TU DƯỠNG TÂM TỪ BI
  2. 08 YẾU TỐ ĐỂ SỐNG ĐỜI HẠNH PHÚC (PHẦN 1)
  3. BỐN SỰ THẬT CAO QUÝ

Bài viết mới

  1. HẠNH PHÚC VÌ BIẾT ĐỦ
  2. AI CŨNG CÓ THỂ HẠNH PHÚC NGAY TỪ GIÂY PHÚT NÀY
  3. QUAN SÁT NGÔN NGỮ CƠ THỂ