NHỮNG TU SĨ PHẬT GIÁO MANG THIỀN ĐẾN VỚI SINH VIÊN

SƯU TẦM

Nguồn: Báo Giác Ngộ số 978 PL.2562 ngày 14/12/2018

 

Thay đổi tâm thức, thay đổi thế giới” là tên gọi của khóa học dành cho lớp sinh viên đang tuổi mới lớn thuộc Trường Cao đẳng cộng đồng Allegheny, ngôi trường lâu đời nhất của vùng Meadville, bang Pennsylvania (Hoa Kỳ).

Khóa học này được điều hành và hướng dẫn bởi các vị tu sĩ Phật giáo gồm thầy Claude AnShin Thomas và Sư cô Wiebke KenShin Andersen, đều là những vị đã có nhiều năm thực tập thiền chánh niệm. Hiện tại, khóa học đang chuẩn bị tổ chức buổi họp mặt cuối cùng của học kỳ này trước khi nghỉ đông.

Thông qua hàng loạt các chủ đề phong phú, đa dạng, bao gồm: Hiểu biết về bản chất của bạo lực, Các hậu quả của chiến tranh, Cách thức Phật giáo được truyền bá đến phương Tây, Những thói quen trong sinh hoạt hàng ngày của người Phật tử, Lợi ích cơ bản từ thiền tập v.v…, Thomas và Andersen cố gắng giới thiệu đến các thế hệ sinh viên, giúp họ tiếp cận những phương pháp thực tập thiền chánh niệm trong môi trường kết nối bạn bè năng động và giữa cuộc sống giao thoa sâu sắc.

 

Thầy Thomas và Sư cô Andersen, những vị tu sĩ mang thiền đến với sinh viên

 

Cả thầy Thomas lẫn Sư cô Andersen đều không chủ ý thúc đẩy việc thực tập nhanh chóng, nhằm ép sinh viên phải biểu hiện như trong môi trường tu viện Phật giáo.

Thầy Thomas sinh ra tại Meadville và lớn lên ở Waterford, thuộc Erie County, bang Pennsylvania (Hoa Kỳ). Khi vừa tròn 17 tuổi, thầy gia nhập quân đội và từng có thời gian tham chiến tại chiến trường Việt Nam. Nhiều năm sau đó, nhận lời khuyên của bác sĩ trị liệu, thầy đã tham gia các khóa tu thiền dành cho các cựu binh chiến tranh Việt Nam được dẫn dắt bởi một tu sĩ Phật giáo.

“Họ mời tôi đến với tu viện”, Thomas kể lại. “Tôi dự định sẽ đến đó thực tập trong khoảng thời gian 30 ngày, nhưng cuối cùng đã ở lại đến 3 năm”.

Nhân duyên đến, một buổi thuyết giảng tại sân Trường Đại học Naropa ở Colorado đã giúp cho Thomas gặp một vị tu sĩ Phật giáo người Mỹ có chuyên môn về thiền tập, đến từ Yonkers, New York.

“Những biểu hiện của nhà sư đó đã chạm đến trái tim tôi”, thầy Thomas kể lại. “Thầy rất gần gũi, hòa đồng và hướng dẫn chi tiết những điều mà chúng tôi cần thực tập. Tôi đã trở lại gặp thầy sau đó và nhận được lời mời xuất gia”.

Thomas chính thức xuất gia tại Auschwitz, Ba Lan, và quyết định hành hương đến Việt Nam trong một hành trình diễn ra 8 tháng từ Auschwitz đến Việt Nam.

Trước khi xuất gia, Thomas đã gặp Andersen tại Đức, nơi cô đang phụ hướng dẫn cho một buổi thực tập thiền ngoài trời tại Berlin. Từ sự quen biết này, Andersen đã mời thầy hỗ trợ cô một cách phi lợi nhuận trong các chương trình tu tập và thầy đã nhận lời. Để bắt đầu hành trình này, thầy Thomas đã hướng dẫn cô thiền hành 151 ngày từ Yonkers đến San Francisco.

Sau nhiều năm tập sự, Andersen xuất gia, trở thành tu sĩ Phật giáo và quay về hỗ trợ thầy Thomas. Những lần thăm viếng Trường Allegheny, cộng đồng cư dân xung quanh Trường Moravian ở Bethlehem, nơi cả hai đều nhận bằng tiến sĩ danh dự, là cơ duyên hình thành nên các khóa học thiền nguyên một học kỳ dành cho sinh viên.

 

Trường Cao đẳng cộng đồng Allegheny (Pennsylvania, Hoa Kỳ), nơi tổ chức các khóa thực hành thiền chánh niệm cho sinh viên

“Các lớp học mà tôi đảm trách là một phần trong chương trình học của trường, bao gồm hướng dẫn sinh viên cách thiền tập ở nhà như ngồi thiền 5 phút vào mỗi buổi sáng và 5 phút vào mỗi buổi tối. Chúng tôi cũng hướng dẫn các buổi thiền ngay tại lớp học. Những buổi thế này thường bắt đầu 5 phút ngồi xuống thật yên lặng, dành sự tập trung vào hơi thở và quán chiếu đến giây phút hiện tại”, cô Andersen kể.

Thêm vào đó, khi sinh viên có thời gian và họ muốn hướng dẫn thêm thì cô Andersen thường khuyên họ thực tập “lắng nghe thật sâu sắc và nói lời chánh niệm”. Bằng cách này, các sinh viên cần chia làm nhiều nhóm. Các nhóm thay phiên nhau nói về một chủ đề nào đó trong điều kiện không một phản hồi, lời khuyên hay chen ngang từ thành viên các nhóm còn lại. Thiền tập còn được biểu hiện ngay lúc ngồi xuống, nói chuyện và ăn uống.

“Có nhiều người tiết kiệm thời gian nên thường tranh thủ cùng lúc ăn uống và làm các việc khác. Điều này không phù hợp và cần phải thay đổi để cảm nhận bữa ăn cũng là một tặng phẩm quý giá”, cô Andersen khẳng định.

Riêng đối với Thomas, đến với các trường là niềm vui và cơ hội tốt để có thể giúp cho sinh viên cân bằng giữa học tập, sinh hoạt và phục hồi năng lượng tích cực.

“Tôi gặp lại chính mình khi tiếp xúc với các chàng trai, cô gái ở đây và cuộc sống ở Pennsylvania cũng khá dễ chịu, phù hợp với những người xuất gia như chúng tôi”, thầy Thomas tâm sự.

Ngoài các buổi lên lớp, các vị tu sĩ Phật giáo còn thực hiện chương trình ngoại khóa để gặp gỡ sinh viên, các tình nguyện viên và cả những bạn trẻ đang làm việc bán thời gian khi tham gia điều hành quán nước tọa lạc trong khuôn viên trường. Các buổi gặp mặt chủ yếu là để chia sẻ và hướng dẫn thêm cách thức thực tập cũng như giải đáp thắc mắc từ sinh viên.

Bảo Thiên (theo TMT)

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. SỨC MẠNH CỦA NHÂN LÀNH – SỨC MẠNH CỦA THIỆN PHÁP – SỨC MẠNH CỦA BỐ THÍ
  2. CON CHỒN CỦA HÒA THƯỢNG HƯ VÂN
  3. 5 CÁCH NUÔI DƯỠNG TÌNH YÊU THIÊN NHIÊN Ở CON TRẺ

Bài viết mới

  1. LÀM THẾ NÀO ĐỂ CÓ ĐƯỢC “NĂNG LỰC LÀM NGƯỜI”
  2. MỘT CÁI NHÌN RÕ RÀNG VỀ CHÍNH MÌNH: NHỮNG ĐỐI TRỊ VỚI SỰ KIÊU MẠN
  3. NGƯỜI NÀO PHÔ TRƯƠNG, KẺ ĐÓ TỰ TI