JOSEPH GOLDSTEIN
Trích: Một Pháp; Tác giả: Joseph Goldstein; Dịch: Hoàng Lan - Việt Hoàng; NXB Hà Nội - Thái Hà Books
Để niềm tin trở nên sâu sắc trong kinh nghiệm thực của chúng ta, nó cũng phải đủ rộng mở để bao trùm điều mà học giả, nhà văn và giáo thọ Phật giáo gọi là “niềm tin để nghi ngờ”. Nếu sử dụng niềm tin để gạt nghi ngờ sang một bên, chúng ta sẽ xây dựng một bức tường phòng thủ để loại bỏ bất kỳ câu hỏi đáng lo ngại nào, để tránh phải thừa nhận nỗi sợ hãi và sự không chắc chắn của chính mình. Sự bao trùm của niềm tin cho phép chúng ta có mặt với bất cứ điều gì nảy sinh, xem xét bản chất của chính sự nghi ngờ và bất cứ khó khăn nào khác. Bằng cách khéo léo chấp nhận sự nghi ngờ, chúng ta củng cố niềm tin.
Nghi ngờ là tâm trạng khó khăn của sự bối rối. Nó giống như ta đang ở ngã ba đường và không biết đi đường nào. Chúng ta quay đi quay lại giữa các lựa chọn và sau đó vẫn đứng tại chỗ bởi bối rối và do dự. Khi nghi ngờ đang chế ngự, chúng ta không thể di chuyển. Nó thậm chí không cho phép chúng ta có cơ hội để rẽ sang hướng sai lầm và học hỏi từ những sai lầm của mình. Hầu hết các truyền thống tâm linh đều nói về sự khó khăn của trạng thái này và mức độ phổ biến của nó vào những thời điểm khác nhau trên con đường. Sự nghi ngờ có thể có nhiều hình thức. Đôi khi là nghi ngờ về chính mình, về khả năng thực hành và bước đi trên con đường của chính mình. Đó là giọng nói: “Mình không thể làm điều này. Khó quá. Có lẽ để lúc khác. Có thể là nghi ngờ về các vị thầy khi chúng ta bắt đầu thấy những sai sót và hạn chế của họ. Có thể là nghi ngờ về con đường của chúng ta: “Liệu ngồi theo dõi hơi thở (hoặc bất cứ bài thực hành nào chúng ta làm) có tác dụng gì không? Nó thực sự vô dụng”. Sự nghi ngờ rất quyến rũ bởi nó được cho là khôn ngoan. Chúng ta nghe thấy những giọng nói có vẻ khôn ngoan này trong tâm mình cố gắng hiểu hoặc giải quyết những tình huống khó xử, khó khăn và nghịch lý trong kinh nghiệm qua suy nghĩ về chúng. Nhưng suy nghĩ chỉ có thể đưa chúng ta đi xa. Điều đó giống như có để có kinh nghiệm về âm nhạc bằng cách đọc sách viết về nó hoặc hương vị của một bữa ăn ngon bằng cách xem thực đơn. Chúng ta cần một cách khác để hiểu về bản chất của nghi ngờ, để có thể giải quyết các mối quan tâm của nó một cách thích hợp.
Bước đầu tiên là nhận biết khi nào tâm nghi ngờ có mặt và khi nhận biết điều này, làm quen với các giọng nói khác nhau của nó. Nếu nhận biết được những giọng nói này như băng ghi âm, chỉ đơn giản là có nhiều ý nghĩ hơn trong tâm, chúng ta sẽ ít có khả năng bị nội dung của chúng gài bẫy. Vào lúc đó, chúng ta không còn trao quyền cho chúng nữa: “Mình không thể làm được điều này” chỉ là một ý nghĩ. Sau đó, chúng ta có thể dùng trí tuệ để xử lý chính quá trình nghi ngờ, nhận thấy cách nó đẩy mình khỏi kinh nghiệm trực tiếp về khoảnh khắc ấy.
Năm 1985, tôi tham gia một khóa thiền ở Nepal với Sayadaw U Pandita. Chúng tôi sống trong những khu tập thể đông đúc và thực hành trong những hoàn cảnh mà tôi cho là kém lý tưởng. Năm người chúng tôi sống chung trong một căn phòng có nền bê tông ngay cạnh nhà tiêu. Khi thiền hành, tâm tôi cứ bị phân tán với đủ loại phán xét về người khác và sau đó tràn đầy nghi ngờ về bản thân, tất cả đều có vẻ hoàn toàn chính đáng. Khi tôi trình kinh nghiệm của mình với Sayadaw, Ngài khuyên: “Hãy chú tâm hơn nữa”. Lúc đầu tôi nghĩ: “Chà, một sự trợ giúp lớn đây. nhưng sau đó quyết định thử làm theo lời khuyên của Ngài. Tôi bắt đầu chú tâm nhiều hơn đến những chuyển động khi đi bộ, đến những cảm giác mà mình đang cảm nhận. Thật kinh ngạc, tâm lập tức yên lặng trở lại; trong sự khít khao của sự tập trung vào cơ thể, không có nhiều chỗ cho tất cả những đánh giá, nghi ngờ. Và ngay cả khi chúng bắt đầu nảy sinh, tôi cũng không còn bị chúng cuốn đi nữa.
Hướng dẫn đơn giản nhất thường chỉ ra những hiểu biết thiết yếu về cách thức hoạt động của tâm. Tuy nhiên, đôi khi chúng ta có những câu hỏi hoặc nghi ngờ dai dẳng trong tâm, việc làm sáng tỏ mang tính tri thức có thể là một trợ giúp lớn. Những lời dạy của Đức Phật rõ ràng và thực tế một cách tuyệt vời. Ngài thường nói rằng mình chỉ dạy một điều: Đau khổ và sự kết thúc của nó. Ở một mức nào đó, chúng ta có thể nghĩ về Pháp như một lẽ thường sâu sắc soi sáng những sự thật hiển nhiên mà có thể đã bị che khuất trong tâm mình. Ở phần cuối nhiều bài giảng của Ngài, mọi người thường đáp lại Đức Phật với điệp khúc này: “Kỳ diệu thay, Đạo sư Gotama. Đạo sư Gotama đã làm sáng tỏ Pháp theo nhiều cách, như người dựng ngay lại những gì bị đảo lộn, phơi bày những gì bị che giấu, chỉ đường cho những ai đi lạc hướng, mang đèn sáng vào bóng tối cho những ai có mắt có thể nhìn thấy rõ.”
Ở những mức độ khác, Đức Phật đã phân tích sự thật về đau khổ và sự thật về sự kết thúc của nó với độ chính xác và tinh tế đáng kinh ngạc. Tâm điểm lời dạy của Ngài là nguyên lý duyên khởi: Cái này sinh thì cái kia sinh. Cái này diệt thì cái kia diệt. Luật duyên khởi là tâm điểm để thấu tỏ không chỉ sự sinh khởi của kiếp người quý giá, mà còn quá trình diễn biến của chính cuộc sống trong tất cả những nỗi đau và vẻ đẹp của nó. Niềm tin là sợi dây liên kết biến trải nghiệm đau khổ của chúng ta thành phương tiện của thức tỉnh: Niềm tin cho phép chúng ta xem đau khổ là điều kiện cần thiết để giải thoát.
Trong Tương Ưng Bộ Kinh (Samyutta Nikaya)(*) Đức Phật mô tả quá trình này:
“Này các Tỳ Kheo, như khi mưa rơi thành những giọt dày trên đỉnh núi, nước chảy dọc theo sườn dốc và làm đầy các khe, rãnh, lạch; những thứ này tràn sẽ làm đầy các bể; các bể tràn sẽ làm đầy các hồ; các hồ tràn sẽ làm đầy các suối; các suối tràn sẽ làm đầy các sông; và các sông tràn sẽ làm đầy biển lớn; cũng như vậy… với đau khổ là nguyên nhân gần, niềm tin (phát khởi); với niềm tin là nguyên nhân gần, vui mừng; với vui mừng là nguyên nhân gần, sung sướng; với sung sướng là nguyên nhân gần, tĩnh lặng; với tĩnh lặng là nguyên nhân gần, hạnh phúc; với hạnh phúc là nguyên nhân gần, an định; với an định là nguyên nhân gần, trí tuệ và cái thấy như thực;… với buông xả như một nguyên nhân gần, giải thoát…
Tất cả chúng ta đều đã sinh ra; tất cả chúng ta đều trải qua đau khổ. Khi niềm tin được sinh ra từ đau khổ chứ không phải từ hoang mang hay tuyệt vọng, nó bắt đầu chuyển vận một chuỗi các duyên dẫn tới nhiều loại hạnh phúc cho đến giải thoát cuối cùng. Có rất nhiều câu chuyện từ thời Đức Phật cho đến hiện tại minh họa khả năng này. Đặc biệt cảm động là một số câu chuyện được kể lại bởi các ni sư tu hành trong thời Đức Phật nói về những khó khăn ban đầu và sự giác ngộ cuối cùng của họ.
Trong Bài Ca Của Các Ni Sư”, một ni sư vô danh đã kể về sự đấu tranh và niềm tin của mình: “Đã 25 năm kể từ khi bắt đầu, ngay cả trong khoảng thời gian một búng tay, tôi vẫn chưa có được tâm bình yên… Mệt mỏi vì ái dục, giơ hai tay lên trời khóc lớn, tôi bước vào (tu viện). Sau đó bà kể lại việc đã nghe lời dạy, ngồi xuống một bên và chứng ngộ thành tựu tối thượng.
Phẩm chất của niềm tin đã giữ cho vị ni sư tu tập qua 25 năm khó khăn, đó là sự hướng về phía trước cho tất cả chúng ta, ngay cả khi phía trước xa như Phật Quả. Trong một bản kinh, Đức Phật được ví như một người chăn gia súc tốt dẫn một đàn gia súc băng qua ngã ba sông. Đầu tiên, những con bò đực khỏe mạnh và những con bò trưởng thành vượt qua mà không gặp khó khăn nào. Sau đó, những chú bò nhỏ hơn và bê con băng qua với hơi chút vướng ngã. Cuối cùng, ngay cả những chú bê mới sinh cũng qua bờ bên kia một cách an toàn, chỉ đơn giản bằng cách theo tiếng mẹ. Những chú bê mới sinh này đại diện cho những người chỉ đơn giản có niềm tin vào sự thức tỉnh của Đức Phật, khả năng giác ngộ; vào Giáo Pháp, con đường giải thoát chính mình; và vào Tăng Đoàn, những người đã chứng ngộ sự giải thoát. Với sự phát khởi của niềm tin, chúng ta có năng lượng để loại bỏ những dòng suối nghi ngờ và hướng cuộc sống đến những khát vọng cao cả nhất của mình.
(*): Connected Discourses, Bhikkhu Bodhi dịch sang tiếng Anh (Wisdom Publications 2000), tập 1, trang 555.