NỖI SỢ HÃI THẤT BẠI

BILLI P.S. LIM

Trích: Dám Thất Bại; Nguyên tác: Dare to fail; Trần Hạo Nhiên dịch Việt; NXB. Trẻ; 2011

Ông Lý Quang Diệu (1923-2015) – cựu Thủ tướng Singapore

Suốt buổi lễ trao giải thưởng kinh doanh vào năm 1993, ông Lý Quang Diệu, nguyên Thủ tướng Singapore, đã dẫn lời của nhiều doanh nhân rằng người Singapore ít khi cố gắng và luôn có thái độ “Kia-Su” (khiếp sợ), tức là “sợ thua”, “sợ tổn thất”, “sợ thất bại”.

Là người thường xuyên viếng thăm đảo quốc này, đồng thời có một số bạn bè ở đó, tôi thật sự thấu hiểu những điều ông Lý đề cập đến. Thực tế ở Singapore đã có câu nói đùa rằng người ở đó phải chịu đựng 3 “K” – Kiasu (khiếp sợ), Kia See (sợ chết) và Kiabo (sợ vợ). Nó có vẻ giống như một câu nói đùa, nhưng lời nói đùa luôn ẩn chứa một vài sự thật bên trong.

Thậm chí còn có cả một quyển sách nhan đề “Ông Kia-Su” (Ông khiếp sợ) đã nổi tiếng nhanh chóng trên đảo quốc này. Mới đây, tôi được nghe nói là nó đã trở nên phổ biến đến nỗi người ta sẽ xuất khẩu nhân vật Ông Kia-Su sang nhiều nước trên thế giới.

Tôi đã từng chứng kiến người Singapore cố gắng ra sao để thay đổi đất nước họ từ chỗ kém phát triển thành một trong những quốc gia hiện đại và thịnh vượng nhất trên thế giới.

Ngày nay, người dân Singapore đang có một cuộc sống tuyệt vời – một cuộc sống tốt đẹp, sung túc và dễ chịu. Một khuynh hướng tự nhiên thuộc về bản tính con người là khi ta đạt đến tình trạng nhàn hạ hoặc mãn nguyện, ta bắt đầu e sợ tình trạng đó bị lung lay. Khi ta không có nó, ta không có cảm giác sợ hãi như thế vì ta chẳng có gì để mất cả. Khi có nó, ta bắt đầu e sợ vì lúc này ta đã có cái để mà mất.

Điều này nhắc tôi nhớ đến một lần đối thoại với một doanh nhân lớn tuổi thành đạt lúc tôi vừa bắt đầu tham gia thương trường. Khi được hỏi tại sao luôn dè dặt, ông đã trả lời: “Ta luôn dè dặt vì ta có cái để mà dè dặt.” Câu trả lời đúng làm sao!

Mỉa mai thay, trong tất cả các bài học về sự thành công, điều duy nhất lôi người ta ra khỏi thành công chính là sự e sợ thất bại. Chính sự lo sợ thất bại đã ngăn cản người ta thành công.

Mọi người đều có tài. Cái hiếm có ở đây chính là sự can đảm theo đuổi tài năng đến cùng, dù nó dẫn ta đến nơi u tối nhất.” – ERICA GIONG

Rất nhiều tài năng đã bị bỏ qua vì thiếu một chút can đảm. Và mỗi ngày, những con người bệ rạc ấy bị sự nhút nhát ngăn cản thực hiện nỗ lực đầu tiên, và bản thân họ bị chôn vùi.” – SYDNEY SMITH

Dường như mọi người đều có khả năng tiềm ẩn rất lớn. Hầu hết mọi người đều có thể làm những điều hết sức phi thường nếu họ có đủ tự tin để đương đầu với các thử thách. Nhưng họ không làm được như thế. Họ chỉ biết ngồi trước màn hình cuộc đời mà quan sát như thể không còn cách nào khác hơn chấp nhận nó cứ tiếp diễn như thế mãi mãi.” – PHILIP ADAMS


Cuộc sống vừa là một cuộc mạo hiểm táo bạo, vừa chẳng là gì cả.

HELEN KELLER

Cô bị khiếm thị, khiếm thính và mất khả năng nói lúc chưa đến hai tuổi. nhưng sau đó, không những cô học được cách đọc, viết và nói mà còn trở thành tác giả của nhiều cuốn sách, bài báo và tự truyện.


Nỗi sợ hãi thất bại không chỉ ghi dấu lên “sự thất bại” của bản thân người đó mà còn ghi dấu lên cả việc xã hội sẽ phản ứng ra sao đối với những người bị thất bại. Mọi người sẽ nói gì nếu tôi thất bại? Làm sao tôi có thể gặp mặt người khác đây?

Con người không chỉ lo lắng về những điều đang xảy ra, mà còn lo lắng cho quan điểm của họ về những điều đang xảy ra.” – EPITEUS

Nhưng dù thế nào đi nữa, điều đó cũng dẫn đến kết cục là sự sỉ nhục mà xã hội “dành cho” sự thất bại, điều này dẫn dắt ta trở lại với những gì tôi đã nhắc đến trong chương trước – xã hội đã áp đặt một giá trị hết sức thấp kém và tiêu cực lên kinh nghiệm thất bại. Tôi mong rằng quyển sách này sẽ khởi xướng một quan điểm khác về sự thất bại và trả lại giá trị thật sự cho nó để xóa sạch sự khiếp sợ thất bại còn đang lởn vởn trong tâm trí chúng ta.

Hãy thử tưởng tượng một xã hội mà ở đó mọi người đều sẵn sàng thử sức và sẵn sàng đón nhận thất bại. Ở đấy, mọi người không cỏn sợ thất bại nữa. Hãy thử tưởng tượng xem sẽ có bao nhiêu phát minh, sáng kiến được đưa ra. Hãy thử tưởng tượng xem thế giới sẽ tiến xa như thế nào. Nếu quan sát kỹ, bạn sẽ nhận thấy rằng tất cả những việc phi thường của thế giới đều được thực hiện bằng lòng can đảm, và các chiến thắng vĩ đại nhất của thế giới đều phát sinh từ chính những lần bại trận.

Người duy nhất không mắc sai lầm chính là người không hề làm gì cả. Đừng sợ sai lầm, miễn là bạn đừng mắc cùng một sai lầm hai lần.” – F.D.ROOSEVELT

 

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. THỰC HÀNH KIỂM SOÁT NỖI SỢ HÃI

Bài viết mới

  1. HẠNH PHÚC VÌ BIẾT ĐỦ
  2. AI CŨNG CÓ THỂ HẠNH PHÚC NGAY TỪ GIÂY PHÚT NÀY
  3. QUAN SÁT NGÔN NGỮ CƠ THỂ