THỰC HÀNH KIỂM SOÁT NỖI SỢ HÃI

SUSAN JEFFERS

Trích: Xuyên Qua Nỗi Sợ, Việt dịch: Hồ Thị Việt Hà, NXB. Tổng hợp Tp.HCM, Công ty First News - Trí Việt

 

Đến đây bạn đã hiểu lựa chọn như thế nào là do bạn mà ra cả. Đọc tiếp, bạn sẽ thấy lạc quan hơn trong mọi nghịch cảnh. Tuy nhiên, bạn cũng cần nhớ rằng suy nghĩ này không phải để biện minh cho hành động sai trái của người khác, mà chỉ đơn thuần nhằm giúp bạn cảm thấy hài lòng hơn trong cuộc sống. Nhận lấy toàn bộ trách nhiệm trước cuộc đời là một quá trình đòi hỏi thực hành và thử nghiệm không ngừng. Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn đang thực hành điều đó và mỗi ngày trôi qua, cuộc sống của tôi càng trở nên tốt đẹp. Vấn đề là chỉ cần bắt tay vào hành động, lập tức bạn sẽ cảm thấy dễ chịu hơn. 

 

 

Sáu bài tập sau sẽ giúp bạn thấy mình mạnh mẽ hơn khi đối diện với nỗi sợ hãi:

  1. Liệt kê những lợi ích trước mắt đã “cầm chân” bạn trong một khía cạnh nào đó của cuộc sống. Bạn không phải đối mặt với những điều gì? Bạn tránh làm những việc gì? Bạn phải duy trì hình ảnh nào trong mắt người khác? Hãy thành thật với chính mình. Khi nhận thức được mình đang làm gì, bạn sẽ tự động loại bỏ những hành vi máy móc. Bạn sẽ tự dẫn dắt bản thân, thay vì để cuộc sống dẫn dắt bạn.
  2. Hãy lưu ý để nhận ra những lựa chọn của bạn. Khi gặp một tình huống nan giải, hãy ghi ra sổ tay tất cả những cách khả thi bạn có thể làm, và cảm nhận về điều đó. Hãy nhắm mắt lại và tưởng tượng cảnh bạn hạnh phúc… buồn bã… rồi bị tổn thương… rồi vui vẻ… rồi nặng nề… rồi nhẹ nhàng… Bạn sẽ thấy không khó để thay đổi quan điểm lẫn cảm xúc. Khi đó, bạn đã hoàn toàn kiểm soát được vấn đề. Trong mọi trường hợp, đừng bao giờ tự trách mình. Hãy biến sự việc thành một trò chơi. Mỗi khi đau buồn, hãy nghĩ đến những lựa chọn khác mà bạn có khả năng thực hiện.
  3. Hãy chú ý ngôn từ khi trò chuyện với bạn bè. Hãy xem bạn có than phiền về người khác quá nhiều hay không, ví dụ như: “Cậu có tưởng tượng được không, Jill lại trễ hẹn ăn tối. Thế là bọn mình cãi nhau một trận ra trò ngay trong nhà hàng”. Nếu bạn thường xuyên nói chuyện như vậy, hãy thử lật ngược vấn đề và chất vấn bản thân, ví dụ, “Mình thấy mỗi khi Jill trễ hẹn là mình nổi giận. Sao lại thế nhỉ? Có thể là do cô ấy không tôn trọng thời gian của mình. Mà có lẽ tính mình là như vậy. Mình thấy có uy hơn khi luôn phàn nàn về…”.
  4. Hãy ghi ra các lựa chọn để bạn có thể biến những trải nghiệm không vui thành điều tích cực. Ví dụ trong trường hợp của Jill, bạn có thể có những chọn lựa khác không? Bạn có thể không gặp cô ấy nữa; đến muộn hơn vì biết cô ấy sẽ trễ hẹn; mang theo cái gì đó hay hay để đọc; ngồi thư giãn… Nếu bạn cảm thấy chuyện giờ giấc là quan trọng, hãy nói cho Jill biết nếu cô ấy không có mặt đúng hẹn, bạn sẽ không chờ nữa. Đâu cần phải giận dữ. Với mỗi tình huống, có ít nhất là ba mươi cách thay đổi quan điểm, vì thế hãy chơi trò “thay đổi quan điểm”.
  5. Hãy nhìn lại những điểm tốt đẹp mà bạn nhận được từ các tình huống tệ hại. Chẳng hạn, nếu bạn vẫn đang cảm thấy bị tổn thương vì chuyện ly hôn, hãy tập trung vào những điều tốt đẹp mà cuộc hôn nhân lẫn chuyện ly hôn mang đến cho bạn, ví như có thêm bạn bè, sử dụng tiền bạc theo cách mới, được tự do và ít bị ràng buộc hơn.
  6. Người này thật khó chịu! Thử xem bạn có thể không kêu ca phàn nàn trong suốt một tuần hay không. Bạn sẽ ngạc nhiên thấy rằng điều đó không dễ chút nào. Và bạn cũng ngạc nhiên khi thấy mình hay than phiền chỉ trích đến mức nào.

Bên cạnh đó, khi không còn chỉ trích những người xung quanh, bạn sẽ không còn gì để kể lể với bạn bè nữa. Than thở là một thói quen xấu và bạn cần thay thói quen ấy bằng một điều khác tốt đẹp hơn. Có thể bạn sẽ phải khéo léo và mất chút ít thời gian, nhưng bù lại, cuộc sống của bạn sẽ thú vị và thoải mái.

 

 

Bảy Cách Phục Hồi Sức Mạnh Nội Tại

  1. Tránh đổ thừa cho hoàn cảnh khi bạn cảm thấy cuộc sống chán chường. Không điều gì bên ngoài bạn, có thể kiểm soát suy nghĩ và hành động của bạn.
  2. Đừng tự trách mình vì đã không kiểm soát được sự việc. Bạn đã làm hết sức và đang phục hồi sức mạnh nội tại.
  3. Nhận biết thời điểm và tình huống mà bạn đóng vai nạn nhân. Hãy học cách nhận biết các dấu hiệu cho thấy bạn đang chối bỏ trách nhiệm đối với con người hiện tại, với những gì bạn có, những gì bạn làm hay cảm nhận.
  4. Tập làm quen với kẻ thù nguy hiểm nhất của bạn: tiếng nói tiêu cực bên trong. Hãy vận dụng những bài tập trong quyển sách này để biến tiếng nói đó thành người bạn hữu ích và thân thiết.
  5. Tìm ra những lợi ích trước mắt khiến bạn bế tắc. Một khi đã nhận biết được chúng, bạn sẽ có thể nhanh chóng thoát khỏi tình cảnh hiện tại.
  6. Xác định điều bạn muốn làm và bắt tay thực hiện. Đừng chờ đợi người khác mang điều đó tới cho bạn, nếu bạn không muốn đợi cả đời.
  7. Ý thức được rằng bạn luôn có những lựa chọn khác nhau, cả về hành động lẫn cảm xúc, trong mọi tình huống. Hãy chọn phương cách giúp bạn trưởng thành hơn và mang lại cảm giác bình yên cho bản thân bạn và cho mọi người.

 

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. TỰ DO THỰC SỰ
  2. TÍCH CỰC HAY TIÊU CỰC…LÀ DO BẠN CHỌN
  3. CHỈ CẦN GẬT ĐẦU VÀ NÓI “SẴN SÀNG ĐÓN NHẬN”

Bài viết khác của tác giả

  1. YÊU NGHĨA LÀ CÓ THỂ CHO ĐI
  2. TƯ DUY TÍCH CỰC CHO NGƯỜI MỚI BẮT ĐẦU
  3. XUYÊN QUA NỖI SỢ

Bài viết mới

  1. KHÔNG LÀM HẠI
  2. HÒA HỢP TỪ NHỮNG ĐỐI KHÁNG
  3. LỢI ÍCH CỦA TINH THẦN TU TẬP