TỰ DO THỰC SỰ

ADYASHANTI

Trích: "Sự thật về giác ngộ", nguyên tác: "The End of Your World"; Tác giả: ADYASHANTI, Phạm Hải Anh  dịch; NXB Văn hóa - Nghệ thuật, 2018

ADYASHANTI – trong tiếng Phạn có nghĩa là “bình yên nguyên thủy”. Ông là một tác giả, người hướng dẫn tâm linh của Mỹ đến từ  khu vực vịnh San Francisco. Adyashanti là tác giả của các đầu sách về tâm linh như “Emptiness Dancing” (tạm dịch: Sự nhảy múa của tánh không), “Impact of Awakening” (tác động của sự tỉnh thức), và  “My Secret Is Silence” (Bí mật của tôi là im lặng). Ông cùng với vợ, Mukti, đã sáng lập nên Open Gate Sangha, Inc., một tổ chức phi lợi nhuận được thành lập năm 1996 và bắt đầu giảng dạy theo đề nghị của vị Thiền sư mà ông đã theo học suốt mười bốn năm. Adyashanti truyền giảng trực tiếp và tự nhiên, theo thuyết nhất nguyên. Ông thường xuyên tổ chức các khóa tu, các buổi thuyết giảng về sự tỉnh thức và hiện thân cùa tỉnh thức nhằm giúp đỡ cho các học viên trưởng thành đầy đủ về mặt tinh thần.

Tự Do Thực Sự là món quà cho mọi người và tất cả

Sự thức tỉnh – đúng nghĩa và chân thực, có phần là món quà tự do cho cả thế giới. Khi thức tỉnh, bạn được trao tặng tự do này. Tự do thực sự không chỉ đơn giản là “Tôi tự do”. Tự do thực sự là “Mọi thứ đều tự do”. Điều này có nghĩa là mọi người đều được tự do là chính mình – dù họ có thức tỉnh hay không, có bị ảo tưởng hay không.

Tự do là nhận thức rằng mọi thứ và mọi người phải được đúng là mình. Trừ phi chúng ta đi tới chỗ đó, nhận ra đây là cách thực tại nhìn mọi thứ, còn không tức là chúng ta đang che giấu sự thật khỏi thế giới. Chúng ta đang nhìn nó như một thứ sở hữu và chỉ quan tâm tới chính mình. Tôi có thể cảm thấy dễ chịu thế nào? Tôi có thể cảm thấy tự do đến đâu? Tự do thực sự là món quà cho tất cả và cho mọi người.

Vào lúc thức tỉnh, Đức Phật nói: “Ta và tất cả chúng sinh khắp nơi thảy đều chứng ngộ giải thoát”. Tư duy thông thường không thể hiểu nổi điều này. Sẽ có người thắc mắc: “Nếu tất cả đều thức tỉnh tại sao tôi lại chưa? Nếu Đức Phật nói đúng, rằng cả thế giới giác ngộ khi ngài giác ngộ, thế thì sao tôi chưa giác ngộ?”. Tôi không thể giải thích rõ tuyên ngôn của Đức Phật với tư duy thông thường. Điều Đức Phật ngụ ý là, không phải Phật là người thức tỉnh – không có một cá nhân thức tỉnh – mà là toàn thể đã thức tỉnh. Cái toàn thể đã biểu hiện sự thức tỉnh thông qua tồn tại của Đức Phật.

Điều quan trọng là cho phép toàn bộ thế giới được thức tỉnh. Một phần của sự cho phép này là nhận thức rằng toàn bộ thế giới đều tự do – mọi người tự do đúng với bản chất của mình. Chỉ khi nào toàn bộ thế giới này được tự do đồng ý hay phản đối bạn, chỉ khi nào bạn cho bất kỳ ai quyền tự do thích hay không thích bạn, yêu hay ghét bạn, nhìn mọi thứ theo cách của bạn hay khác bạn – chỉ khi bạn trao cho thế giới tự do của nó – còn nếu không bạn sẽ không bao giờ có tự do của mình.

Đây là một phần quan trọng của sự thức tỉnh, và là phần dễ bị bỏ qua. Tôi nhắc lại là, nếu chúng ta thức tỉnh hoàn toàn thì sẽ không thể bỏ qua nó, nhưng hầu hết mọi người không thức tỉnh trọn vẹn ngay lập tức. Dù sao, ý tưởng tự do là rất quan trọng. Tất cả chúng ta phải trở về đúng bản chất của mình. Chỉ khi nào ai cũng được phép là chính mình – khi bạn cho họ tự do đó, cái tự do mà họ đã có sẵn – bạn mới tìm thấy trong mình khả năng trung thực, thật và chân thật.

Chúng ta không thể chân thật nếu còn mong chờ hoặc muốn người khác đồng ý với mình. Điều đó sẽ khiến chúng ta vướng mắc – nhỡ họ không thích điều mình nói; nhỡ họ không đồng ý, nhỡ họ không thích mình. Khi bảo vệ bản thân, chúng ta đang cầm giữ tự do của người khác. Khi nhận ra chúng ta là một Tâm Linh duy nhất biểu hiện ra vạn vật và mọi người, chúng ta nhận thức rằng có một tự do trọn vẹn cho tất cả.

Có một sự can đảm nhất định trong nhận thức này. Đôi khi người ta đến tìm tôi và nói: “Chà, Adya, vẫn còn có chỗ nào đó trong nội tâm – thường là từ hồi còn thơ ấu – sợ  phải trở thành cái mà tôi biết là chân thật”. Và tất nhiên, tôi sẽ trả lời: “Bạn phải nhìn thẳng vào nó để thấy chính mình đã hình thành những hình mẫu niềm tin ấy như thế nào, dựa trên những gì xảy ra trong quá khứ. Bạn phải nhìn sâu vào nó và xem liệu những hình mẫu niềm tin này có thật sự chân thật không”. Nhưng chúng ta cũng cần phải ý thức rằng ta không thể biết hay phỏng đoán được thế giới bên ngoài sẽ tiếp nhận mình như thế nào. Một phần của thức tỉnh là sự sẵn sàng chịu đóng đinh câu rút. Nếu tưởng rằng thức tỉnh nghĩa là cả thế giới sẽ đồng ý với mình thì ta đã hoàn toàn sai lầm. Chúa Jesus đã chứng thực điều đó. Có một người đã thức tỉnh – con của đức Chúa Trời, như người Cơ Đốc nói. Và điều gì đã xảy ra với con của Chúa Trời? Ngài bị đóng đinh lên thập giá vì dám bày tỏ điều mình biết là sự thật. Trong ý thức của con người có một điều cấm kỵ sâu sắc là không nên nhận thức bản chất của tồn tại. Tôi không nói về việc rao giảng sự thật mà là về sống đúng như ta nhận thức. Điều cấm kỵ này nói rằng: “Thế là không ổn. Mày sẽ bị đóng đinh lên thập giá vì điều đó; mày sẽ bị giết chết vì điều đó”. Tất nhiên, trong lịch sử nhân loại, đã từng có người bị giết vì điều đó. Nhiều xã hội có lịch sử lâu dài về việc xua đuổi hay giết hại những người giác ngộ thực sự, bởi vì giác ngộ thực sự không phù hợp với trạng thái mê. Thực tế là nhiều khi, trạng thái mê cảm thấy bị xúc phạm và đe dọa bởi giác ngộ thực sự, bởi bậc giác ngộ thực sự không thể điều khiển được. Ngay cả đe dọa về cái chết cũng không thể kiểm soát bậc giác ngộ. Đe dọa về cái chết đã không thể điều khiển được Jesus. Ngài sống cuộc đời mình đúng như định mệnh ngài đã vạch ra, cho dù điều đó có nghĩa là sống hay chết đối với ngài.

Như vậy, là con người, chúng ta không thể có ý tưởng trẻ con rằng giác ngộ nghĩa là “Mọi người đều yêu mình”. Có thể mọi người sẽ yêu bạn, nhưng nhiều khả năng là người có, người không. Khi bạn trao cho cả thế giới tự do của nó tức là bạn đã đi được một chặng đường dài để tìm thấy tự do của mình. Chúng gắn bó chặt chẽ với nhau.

Sự chân thành là chìa khóa

Điều quan trọng nhất không phải là bạn cố gắng thuyết phục ai đó về sự thật mà bạn thấy. Điều thực sự quan trọng là bạn hoàn toàn thành thật với chính mình. Nếu thành thật được với bản thân thì bạn mới có thể thành thật với bất kỳ ai. Chỉ chú trọng thành thật với người khác không hẳn đã thực sự có ích. Mặc dù chuyện ấy là cần thiết nhưng điểm bắt đầu phải là với chính mình: Bạn có thể hoàn toàn chân thành với mình không? Bạn có thể đến được nơi vượt lên mọi kết tội, đánh giá, nên và không nên? Bạn có thể đến được nơi chân thành đến nỗi bạn sẽ không xấu hổ né tránh bất kỳ phần nào vẫn còn mâu thuẫn trong con người mình; bạn sẽ không sử dụng nhận thức về sự thật để che giấu những cái vẫn còn cảm thấy chưa được giải thoát?

Đây thật sự là câu hỏi về sự chân thành. Như tôi đã nói, đây không phải là một chương trình cải tạo bản thân. Một khi nhận ra cấp độ của sự chân thành và trung thực mà tôi diễn tả ở đây, bạn sẽ thấy rằng chân thành và trung thực là biểu hiện bản chất tuyệt đối của tồn tại. Ban đầu, chân thành đến thế với chính mình có lẽ không dễ dàng. Bạn có thể thấy những thứ về bản thân mà bạn không muốn thấy. Bạn có thể thấy nhiều phần trong con người mình dường như đang kiên quyết chống lại những gì bạn đã nhận thức. Tuy nhiên, sự thức tỉnh luôn vận động về phía chưa thức tỉnh và đi vào bên trong nó. Chân thành là điều cho phép vận động này diễn ra và nó chắc chắn diễn ra nếu bạn thành thật với chính mình.

Việc hoàn toàn không che giấu và sẵn lòng xem xét bất kỳ điểm bám chấp nào – mọi cách khiến bạn sa vào chia rẽ – sẽ cho phép giai đoạn này của hành trình tiếp tục. Khi điều này xảy ra, bạn cảm thấy trái tim mình rộng mở, tâm trí mình rộng mở; bạn đang mở ra trên những tầng mà bạn chưa từng mơ rằng mình có thể. Những tầng này không những siêu việt mà cũng ngay bên trong con người bằng xương bằng thịt của bạn, bởi vì không có chia cắt giữa bản chất nhân tính và thần thánh của bạn.

Hoàng Bá, một thiền sư vĩ đại nói rằng bạn không vĩ đại hơn vì là Phật, cũng không kém cỏi hơn vì là người. Ý ông là Phật và con người không tách rời; và không khác nhau mặc dù chúng ta đã thức tỉnh khỏi trạng thái mơ và ảo tưởng về con người thế tục, nhưng rồi lại quay về như cũ, cho đến khi chúng ta nhận ra rằng bản chất con người và bản chất thần thánh của chúng ta là một: một tồn tại, một biểu hiện, một sự thật.

Sự chân thành là chiếc chìa khóa. Bạn phải sẵn lòng; phải muốn nhìn thấy mọi thứ. Khi bạn muốn nhìn mọi thứ, bạn sẽ thấy mọi thứ.

Siêu thoát và tránh né

Nhiều học viên đến gặp tôi có ý tưởng vô thức rằng giác ngộ nghĩa là có thể cảm thấy hoàn toàn hạnh phúc, mãn nguyện và tự do tuyệt đối trong bất kỳ trường hợp nào. Rất nhiều người có niềm tin vô thức về thức tỉnh như thế, và nó lại là một nhận thức sai lầm nữa.

Đúng là sau khi thức tỉnh, các tình huống và hoàn cảnh bên ngoài không còn khả năng xô chúng ta ra khỏi tâm nữa. Nhưng sự thực cũng là, khi thức tỉnh, chúng ta bắt đầu trở nên ý thức hơn về những dạng hành vi trong cuộc sống của mình còn chưa hài hòa với điều mình đã nhận thức. Nếu bạn tin vào nhận thức sai lầm rằng giác ngộ chỉ có hạnh phúc, mãn nguyện và tự do, bạn sẽ có xu hướng lướt qua hoặc trốn tránh những chỗ có vẻ kém hoàn thiện hơn trong cuộc sống của mình. Sớm muộn gì, khi trở nên thức tỉnh hơn, chúng ta càng thấy nhiều áp lực để đối diện và xử lý những vùng trong cuộc sống mà chúng ta từng lảng tránh, những nơi chúng ta còn chưa nhận thức đầy đủ.

Tôi thấy nhiều người trở nên khá sợ hãi khi họ bắt đầu nhận thức toàn bộ tiến trình thức tỉnh này sẽ đưa họ đi tới đâu: vào một vùng mà họ buộc phải trung thực, thành thật đến khác thường và hoàn toàn không trốn tránh. Điều này trái với ý tưởng thức tỉnh chỉ đơn giản là siêu thoát khỏi đời sống, tìm ra một nơi an trú trong vài trải nghiệm nội tâm và không phải đối phó với đời thường. Thức tỉnh thực sự là hoàn toàn ngược lại: đó là một trạng thái tồn tại mà ở đó, chúng ta tìm thấy khả năng để đối phó với cuộc sống của mình như thực tế diễn ra. Nhưng như tôi đã nói, nhiều người sợ giai đoạn này trong cuộc hành trình, bởi vì nó đòi hỏi chúng ta không được trốn tránh ở mọi cấp độ. Rất nhiều người sợ phải để sự thật thâm nhập vào một số quan hệ nhất định của họ – có thể là quan hệ gia đình, bạn bè, tình yêu hoặc hôn nhân. Có lẽ trốn tránh khỏi sự thật, khỏi một số dạng rắc rối đang bày ra, thì dễ chịu hơn nhiều.

Có một câu chuyện mà tôi yêu thích chỉ ra rằng đối mặt với chính mình trong một quan hệ thử thách đến thế nào, còn nếu không đối mặt với chính mình thì chúng ta sẽ cản trở sự phát triển tâm linh của bản thân ra sao. Chuyện rằng: Có một cao đồ của một thiền sư nổi tiếng đang được đào tạo để trở thành thầy. Người này đã kết hôn khá lâu rồi và có ba đứa con. Anh ta chia sẻ với sư phụ rằng anh và vợ đang trục trặc. Vợ giận anh ta vì theo nàng, anh ta ngày càng xa cách, không tham gia chuyện nhà, và không thực sự gần gũi với vợ và các con.

Tình cờ, cả hai vợ chồng đều là môn đồ của thiền sư này. Nghe chuyện của họ, ông nói: “Có một khóa tu vào tháng tới. Ta muốn cả hai con cùng đến dự khóa tu này”. Thế là họ đi, cứ tưởng sẽ tham gia vào khóa tu như họ thường làm – ngồi nhiều thời thiền mỗi ngày, giữ im lặng, và dành phần lớn thời gian để nhìn vào nội tâm.

Khi khóa tu bắt đầu, thiền sư gọi hai người đến gặp riêng và bảo: “Có một khóa tu khác ta muốn hai con tham gia. Ta đã sắp xếp một phòng ngủ cho hai con ở đây, trong chùa. Ta muốn cả hai ở cùng một giường trong hai mươi bốn tiếng và không được rời khỏi giường trừ phi đi vệ sinh. Ta không quan tâm các con làm gì ở đó, nhưng các con phải ở trong cùng một giường trong hai mươi bốn giờ. Rồi trở lại và gặp ta”.

Là môn đồ, họ đã làm những gì sư phụ yêu cầu. Họ vào phòng ngủ và ở cùng một giường trong hai mươi bốn giờ. Khi họ báo cáo lại với thiền sư những điều đã xảy ra, ông gãi đầu. “Hừm”, ông nói: “Thêm một ngày nữa thì sao? Ở lại giường một ngày nữa”.

Thế là họ rời khỏi cuộc tham vấn với thiền sư, trở lại giường thêm một ngày nữa. Khóa tu bảy ngày, và mỗi ngày thiền sư lại bảo họ đúng như thế. Ông chỉ nói, về giường đi và ở lại đó với nhau. Vào cuối khóa tu, họ đã thực sự nối lại; họ đã thực sự gặp lại nhau, và cuộc hôn nhân của họ được cứu vãn.

Đây thực sự là một ông thầy thông thái. Ông nhận ra rằng cao đồ của mình, người chồng được đào tạo để trở thành một vị thầy tâm linh, chắc chắn đã có những nhận thức rất sâu sắc. Nhưng anh ta cũng bộc lộ một trong những nguy cơ của thức tỉnh – rằng người ta có thể bắt đầu ly thân khỏi các thứ trần tục của cuộc sống và mối quan hệ. Trong quan hệ, bạn phải sẵn lòng không trốn tránh vào trạng thái siêu thoát. Bạn phải thoát ra khỏi nó, đối phó với mọi người và các tình huống.

Môn đồ này đã bắt đầu giấu giếm trong nhận thức của mình. Anh ta bắt đầu không đối phó với những thứ khó chịu hoặc khó khăn. Anh ta đã vin vào nhận thức của mình như một cái cớ để tránh đối mặt với những thứ đó. Thầy của anh ta đã phát hiện ra điều này và đủ khôn ngoan để đưa anh ta vào một tình huống mà anh ta buộc phải đối phó với tình hình cũng như quan hệ với vợ. Anh ta không thể trốn vào trạng thái siêu thoát.

Cuối cùng, chúng ta thấy rằng sự giác ngộ chân thật không cho phép chúng ta trốn tránh bất cứ điều gì. Thực tế là, quan điểm giác ngộ thực sự làm chúng ta rất khó và cuối cùng là không thể ngoảnh mặt khỏi bất kỳ phần nào của cuộc sống. Thế nên sau khi thức tỉnh, nhiều người bắt đầu đi vào cuộc sống của họ, nắm bắt những hình mẫu nhất định vẫn còn chưa được nhận thức đầy đủ. Một số người thậm chí có thể phát hiện ra cần thiết phải có những thay đổi nhất định trong các mối quan hệ và mô hình cuộc sống của họ. Đây có lẽ là một phần đáng sợ trong tiến trình, bởi vì bỗng nhiên chúng ta không còn trốn tránh chính mình nữa. Chúng ta tự hỏi: “Liệu mối quan hệ của mình có chịu nổi điều này không? Nó có ổn không? Người yêu mình có bỏ mình không? Liệu bạn mình còn muốn chơi với mình không? Liệu môi trường làm việc, quan hệ của mình với sếp – hay bất cứ điều gì – vẫn còn ổn, hay nó sẽ thay đổi theo cách không mong đợi?”

Và dĩ nhiên, đa số con người ta đều sợ thay đổi. Chúng ta có thể muốn thay đổi, nhưng thay đổi luôn luôn có đặc điểm khó đoán; bạn không bao giờ biết nó sẽ biến thành thế nào. Đây là một phần quan trọng của việc trở nên hoàn toàn thức tỉnh: chúng ta phải tuyệt đối không trốn tránh. Chúng ta phải đối mặt với thực tế cuộc sống của mình. Mối quan hệ này có thỏa mãn không; có dựa trên sự thật không? Tôi không định nói là mối quan hệ hoàn hảo hay lý tưởng. Điều đó không liên quan. Điều đáng nói là liệu nó có phải là một mối quan hệ dựa trên sự thẳng thắn, trung thực và tính toàn vẹn không.

Chính xác thì cái gì gắn bó chúng ta với nhau? Chúng ta gắn bó từ đâu? Liệu chúng ta có kết nối ở chỗ ta thấy rằng người kia chính là bản ngã mình, thực sự có cùng bản chất như chính ta? Chúng ta có hành động và tiến tới theo cách đó? Chúng ta có sẵn sàng đối mặt với những nỗi sợ hãi đang xuất hiện? Như tôi đã nói, hầu hết mọi người đều sợ thay đổi. Chúng ta sợ rằng nếu mình không trốn tránh – nếu mình thú nhận – chúng ta có thể mất người yêu, người bạn, đồng sự. Sự thật có thể là thế. Chúng ta không bao giờ biết được.

Tôi liên tục nói với mọi người rằng giác ngộ không thề bảo đảm rằng cuộc sống của bạn sẽ theo ý bạn. Cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn nhiều so với trước đây, nhưng điều đó không có nghĩa là nó sẽ đi theo cách bạn muốn. Cuối cùng, quan trọng vẫn là sự thật; sự trung thực trên mọi phương diện, ở mọi cấp độ của chúng ta.

Giác ngộ không đơn giản là trốn tránh hay siêu thoát. Đó là trạng thái tồn tại mà từ đó chúng ta có thể đối diện với cuộc sống và các mối quan hệ của chúng ta như nó vốn thế. Bản thân cuộc sống không gì khác hơn là quan hệ. Trong quan điểm tuyệt đối về vạn vật, đó là quan hệ của Tạo Hóa với Tạo Hóa, của Tâm Linh với Tâm Linh. Rồi mới đến sự xuất hiện của quan hệ – vũ điệu của quan hệ, vũ điệu của cuộc sống. Và trong vũ điệu này, điều thiết yếu là chúng ta không trốn tránh bất cứ thứ gì.

Nếu bạn cố gắng che giấu – nếu bạn đang trong một quan hệ lủng củng hoặc một công việc cực kỳ bất mãn, và không muốn đối phó với nó – hậu quả của sự phủ nhận đó là bạn sẽ không thực sự được giải thoát. Bạn sẽ không bao giờ có thể tự do hoàn toàn, bởi vì bất kỳ vùng nào mà chúng ta cố tình giữ trong vô thức cuối cùng sẽ tác động đến chúng ta như những chỗ khác.

Kêu gọi đừng phủ nhận nữa không phải là áp đặt cái gì lên cuộc sống. Nghe có vẻ như vậy; có vẻ như tôi đang nói: “Đây là điều bạn cần làm, đây là điều bạn nên làm, và nếu làm thế, bạn sẽ trở thành một người tốt hơn, có một cuộc sống tốt hơn”. Nghe có vẻ như thế, nhưng đó hoàn toàn không phải là quan điểm mà tôi đang nói. Tôi chỉ đơn giản nói rằng nhận thức khi đã thức tỉnh vận động theo cách đặc thù. Nó không phủ nhận bất cứ điều gì. Nó không trốn tránh; nó không tránh né bất cứ phần nào của cuộc sống. Bản chất chúng ta luôn thức tỉnh trọn vẹn, dấn thân trọn vẹn và không sợ hãi. Nó chuyển động theo cách của mình, xuất phát từ tình yêu vô điều kiện và sự trung thực. Chỉ có nỗi sợ hãi trong tâm trí – nỗi sợ đã xây nên ảo tưởng về bản ngã – mới làm cho người ta phải thối lui khỏi giai đoạn này của đời sống tinh thần.

Tôi muốn nhấn mạnh điều này. Nếu bạn lảng tránh những khía cạnh còn chưa hòa hợp trong cuộc sống của mình – những chỗ mà có lẽ bạn vẫn phủ nhận – kiểu né tránh đó sẽ cản trở sự thức tỉnh tâm linh của bạn. Trong giai đoạn đầu, nó có thể không ảnh hưởng lắm. Nhưng sau này, khi chúng ta bước vào giai đoạn khai mở nhận thức chín muồi hơn, sẽ không còn chỗ cho sự phủ nhận. Đây là điều mà nhiều người không tính đến. Nhiều người trong chúng ta nghĩ rằng, bằng cách nào đó, giác ngộ sẽ cho phép mình tránh phải đối phó với những thứ khó chịu trong bản thân.

Sự tỉnh thức có thể là nền tảng mà từ đó chúng ta đáp ứng với mọi người và mọi tình huống. Nó có thể là nền tảng mà từ đó chúng ta liên hệ đến mọi hoàn cảnh cuộc sống. Nhưng điều này đòi hỏi nhiều can đảm và có rất nhiều nỗi sợ. Nó cũng cần một điều mà tôi tiếp tục nhấn mạnh là: một sự chân thành thuần khiết. Kiểu chân thành này phát sinh từ tình yêu sự thật và nhận thức rằng sự thật là điều tốt nhất.

Chỉ một chút không thật hay né tránh bất kỳ điều gì cũng làm giảm sút trải nghiệm của chúng ta về bản chất của mình. Như tôi thường nói với học viên của mình, thiếu một chút trung thực với người khác và các tình huống trong cuộc sống của mình tức là che giấu bộc lộ bạn là ai. Cuối cùng, chúng ta phải đi đến chỗ nhận ra sự thật là tốt nhất, sự thật chính là sự thể hiện và biểu lộ tuyệt vời nhất của tình yêu. Cuối cùng, tình yêu và sự thật là một; chúng giống như hai mặt của đồng xu. Bạn không thể có sự thật nếu không có tình yêu, và bạn không thể có tình yêu mà không có sự thật.

Khát khao thức tỉnh dẫn đến thay đổi trong cuộc sống nội tâm và bên ngoài của chúng ta. Một lần nữa, xin đừng nghĩ rằng thay đổi này là có được cuộc sống hoàn hảo, công việc hoàn hảo, người bạn đời, cuộc hôn nhân hay một tình bạn hoàn hảo. Đây không phải về hoàn hảo mà là về sự trọn vẹn. Không phải là có mọi thứ đúng như ý ta, mà là có mọi thứ đúng như bản chất của nó. Khi chúng ta cho phép mọi thứ là chính nó, cảm giác hài hòa nảy nở; khoảng cách giữa nhận thức và bản chất con người của chúng ta sẽ ngày càng thu nhỏ. Một sự liên tục liền lạc bắt đầu nổi lên giữa nhận thức và biểu hiện, giữa sự thức tỉnh và hiện thực hóa nó.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. VƯỢT QUA KHUÔN KHỔ TƯ DUY – HỢP NHẤT VỚI VŨ TRỤ
  2. BUÔNG BỎ NGAY BÂY GIỜ HAY TIẾP TỤC RƠI
  3. NHẬT KÝ KRISHNAMURTI _ SỐNG, CHẾT VÀ TÌNH YÊU

Bài viết khác của tác giả

  1. TRẠNG THÁI TỰ NHIÊN – HÀNH TRÌNH GIÁC NGỘ
  2. SỰ TRĂN TRỞ CỦA LOÀI NGƯỜI (phần 1/8) – CHÚNG TA TIN VÀO NHỮNG GÌ CHÚNG TA NGHĨ
  3. SỰ CHÂN THÀNH LÀ CHÌA KHÓA

Bài viết mới

  1. HÌNH ẢNH CỦA CHÍNH MÌNH – ĐỜI THAY ĐỔI KHI TA THAY ĐỔI
  2. TÂM TA TẠO NÊN TOÀN BỘ THẾ GIỚI
  3. DANH NGÔN VỀ SỰ THÔNG MINH