TRUNG THỰC – KHIÊM TỐN – HỢP TÁC – HẠNH PHÚC – Những Giá Trị Sống Cho Tuổi Trẻ

DIANE TILLMAN

Trích: "Những Giá Trị Sống Cho Tuổi Trẻ", Tác giả: Diane Tillman, Dịch giả: Đỗ Ngọc Khanh, Ph. D – Thanh Tùng – Minh Tươi, NXB: Tổng Hợp TP. HCM, Năm 2009

cây táo giá trị sống

Các giá trị sống chính là gốc rễ, nền tảng nuôi dưỡng cho ra quả ngọt thông qua đam mê, kiến thức, kỹ năng, v.v…

? TRUNG THỰC

• Trung thực là luôn nói sự thật.

• Khi tôi trung thực, tôi cảm thấy lòng mình nhẹ nhõm. Người thật thà, trung thực là người đáng tin cậy.

• Trung thực có nghĩa là không có mâu thuẫn hoặc thiếu nhất quán trong suy nghĩ, lời nói và hành động.

• Những suy nghĩ, lời nói và hành động trung thực tạo nên sự hài hòa.

• Trung thực là khả năng nhận thức được những điều đúng đắn và thỏa đáng trong vai trò, hành vi và các mối quan hệ của một người.

• Với sự trung thực, không tồn tại thói đạo đức giả hay sự giả tạo nào dẫn đến sự nhầm lẫn, thiếu tin cậy trong tâm trí và trong cuộc sống người khác.

• Trung thực làm cho cuộc sống trở nên toàn vẹn bởi vì bên trong và bên ngoài chúng ta là một hình ảnh phản chiếu.

• Trung thực là để sử dụng tốt những gì đã được phó thác cho ta.

• Có mối quan hệ sâu sắc giữa tính trung thực và tình bằng hữu.

• Đôi khi lòng tham là gốc rễ của sự thiếu trung thực.

• Luôn có đủ cho nhu cầu của con người, nhưng không bao giờ đủ cho lòng tham của họ.

• Người trung thực biết rằng tất cả chúng ta đều có liên hệ với nhau.

• Trung thực với bản thân và với mọi người trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng có nghĩa là ta đang gieo niềm tin trong lòng người khác và xứng đáng nhận được sự tin yêu.

Con người thường bắt đầu nói dối để tránh rơi vào tình trạng lúng túng và có khả năng bị trừng phạt vì làm điều sai trái. Khi họ cố gắng che đậy sự dối trá, mọi việc trở nên phức tạp hơn, bởi vì họ phải nhớ những gì họ đã nói và những gì họ không nói. Hãy nghĩ về bao nhiêu năng lượng cần phải có để che đậy một điều dối trá so với một phút can đảm để nói lên sự thật. Về lâu về dài, sự thành thật giúp chúng ta cảm thấy nhẹ nhàng, thoải mái trong lòng và trong các mối quan hệ. Chúng ta trở nên thanh thản, không phải lo lắng về việc che giấu điều dối trá. Tuy nhiên, có một số người đã quen nói dối và điều đó hủy hoại sự tin cậy trong các mối quan hệ của họ.

? KHIÊM TỐN

• Khiêm tốn được dựa trên lòng tự trọng.

• Tự trọng giúp ta thấy rõ những điểm mạnh của từng người. Với sự cân bằng giữa lòng tự trọng và khiêm tốn, chúng ta sẽ dễ dàng chấp nhận và trân trọng những phẩm chất nội tại ở mỗi người.

• Khiêm tốn cho phép bản thân ta trưởng thành với phẩm giá và lòng chính trực mà không cần đến những bằng chứng thể hiện bên ngoài.

• Khiêm tốn làm cho lòng kiêu mạn biến mất.

• Khiêm tốn giúp ta giữ lòng mình nhẹ nhàng trong khi đối mặt với những thử thách.

• Biểu hiện cao nhất của đức tính khiêm tốn là tinh thần quên mình và biết gìn giữ phẩm giá trong việc làm cho thế giới trở nên tốt đẹp hơn.

• Người khiêm tốn là người luôn biết lắng nghe và chấp nhận quan điểm của người khác.

• Khiêm tốn là giữ được sự ổn định và duy trì sức mạnh nội tâm mà không cần phải cố kiểm soát người khác ở bên ngoài.

• Sự khiêm tốn sẽ loại trừ ý muốn làm chủ, cố gắng kiểm soát vốn chỉ tạo nên “bức tường” tự cao tự đại.

• Khiêm tốn khiến ta trở nên tuyệt vời hơn trong trái tim người khác.

• Lòng khiêm tốn giúp cho tâm trí cởi mở và biết nhìn nhận những điểm mạnh của bản thân cũng như của người khác. Trong khi đó, sự kiêu ngạo sẽ hủy hoại khả năng đánh giá, trân trọng nét độc đáo của người khác và vì vậy đó là một sự vi phạm tinh vi các quyền cơ bản của con người.

• Việc gây ấn tượng, lấn át hoặc hạn chế tự do của người khác nhằm mục đích chứng tỏ bản thân sẽ chỉ làm giảm bớt trải nghiệm nội tâm về giá trị, phẩm chất và bình an trong tâm hồn.

Khiêm tốn không có nghĩa là nhu nhược, tự hạ mình, hoặc khúm núm. Sở dĩ khiêm tốn được lựa chọn đưa vào chương trình này bởi vì “sống” theo giá trị này cho phép người ta giữ vững lòng tự trọng và do đó, được tự do hơn, không sa vào cái bẫy của tính tự cao tự đại. Trái nghĩa với khiêm tốn là ngạo mạn, tự cao tự đại. Người ta tỏ ra cao ngạo chỉ vì nhu cầu thể hiện quyền lực, sức mạnh, mà hệ quả là dẫn đến sự vô cảm.

? BÀI TẬP THƯ GIÃN VỀ TỰ TRỌNG VÀ KHIÊM TỐN

Hãy để tâm trí bạn đi vào trạng thái thư giãn, tĩnh tại… Bạn tin tưởng vào hòa bình… Bạn cũng có năng lực… Hãy nghĩ về các phẩm chất của bạn… Mỗi người đều mang đến những phẩm chất đặc biệt cho thế giới này… Khi có sự tôn trọng các phẩm chất của bạn… hãy để cảm giác khiêm tốn hòa cùng cảm giác tự trọng… Hãy tận hưởng sự nhẹ nhàng, thanh thản mà lòng khiêm tốn mang đến… Tôi là chính tôi… Với đức tính khiêm tốn, tôi có thể nhận ra những điểm mạnh của mình và những điểm mạnh của người khác… Tôi âm thầm tạo ra sự khác biệt trên thế giới… Tôi tập trung vào các phẩm chất của tôi một lần nữa… Tôi đang tập trung… đầy lòng tôn trọng… mãn nguyện…

Sự khiêm tốn có thể là người bạn lớn của một người thành công. Ở đâu có lòng tự trọng và khiêm tốn, ở đó có sự cởi mở và cảm hứng cho sự sáng tạo nhiều hơn. Lợi thế khác của khiêm tốn là: Bạn sẽ không phản ứng quá mức hoặc mất cân bằng, dao động bởi những lời chỉ trích, phê bình của người khác mà thay vào đó, bạn sẽ có khả năng nhìn nhận, đánh giá bản thân một cách trung thực và xem xét lại những gì người khác nói.

? HỢP TÁC

• Tinh thần hợp tác tồn tại khi mọi người làm việc cùng nhau vì một mục đích chung.

• Việc hợp tác đòi hỏi chúng ta phải biết nhìn nhận giá trị đóng góp của mỗi người và giữ một thái độ tích cực.

• Người có tinh thần hợp tác là người có tâm hồn trong sáng, luôn mong muốn những điều tốt đẹp đến với mọi người, cũng như công việc.

• Khi hợp tác, ta cần phải biết điều gì là cần thiết. Đôi khi ta cần đưa ra ý tưởng, nhưng có lúc ta cũng cần phải gác qua một bên ý tưởng của mình. Lúc này, ta giữ vai trò dẫn dắt, lãnh đạo, nhưng vào lúc khác, ta cần phải đi theo.

• Sự hợp tác được duy trì trên nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau.

• Người có tinh thần hợp tác sẽ nhận được sự hợp tác.

• Ở đâu có tình yêu, ở đó có sự hợp tác.

• Lòng can đảm, sự quan tâm và sẻ chia tạo nên nền tảng cho tinh thần hợp tác.

• Ý thức về giá trị của mình, tôi có thể hợp tác.

? HẠNH PHÚC

• Hãy trao hạnh phúc và nhận hạnh phúc.

• Khi tâm hồn bình yên và giàu tình yêu thương, hạnh phúc sẽ tự nhân lên.

• Hạnh phúc sẽ mỉm cười khi lòng ta tràn ngập hy vọng và sống có mục đích.

• Khi mong muốn những điều tốt lành đến với mọi người, ta sẽ thấy hạnh phúc tràn ngập con tim.

• Hạnh phúc không thể đưa ra mua, bán hay mặc cả.

• Hạnh phúc có được khi ta biết nuôi dưỡng thái độ và hành vi trong sáng cùng tấm lòng bao dung, vị tha.

• Niềm hạnh phúc của tâm hồn là trạng thái bình an, không ghen ghét, hận thù.

• Những lời nói tốt đẹp, mang tính xây dựng góp phần tạo nên một thế giới hạnh phúc hơn.

• Khi ta cảm thấy hài lòng với bản thân, hạnh phúc sẽ tự nhiên đến.

• Hạnh phúc tiếp nối hạnh phúc, đau buồn tiếp nối đau buồn.

• Hạnh phúc lâu dài là một trạng thái hài lòng, mãn nguyện từ bên trong.

• Khi tất cả các nguồn lực chỉ tập trung vào hạ tầng kinh tế – xã hội mà bỏ qua sự phát triển nhân cách con người, những điều ưu tiên trong cuộc sống sẽ dễ bị thể hiện sai lệch và gây xói mòn dần hạnh phúc.

• Các giá trị giúp con người đánh giá điều gì cần ưu tiên và cho phép có các biện pháp phản ứng sớm vào phòng ngừa đúng lúc.

? 10 NGUYÊN TẮC ĐEM LẠI HẠNH PHÚC

1. Theo đuổi những ước mơ của bạn.

2. Mang đến hạnh phúc cho mọi người.

3. Sống tốt, ân cần và tử tế.

4. Mỉm cười với mọi người và với bản thân.

5. Tự dành cho mình những phút giây thư giãn.

6. Ngẫm nghĩ những điều có ý nghĩa đối với bản thân.

7. Biết chấp nhận bản thân.

8. Biết chấp nhận người khác.

9. Tin tưởng vào bản thân.

10. Vui vẻ, tận hưởng những khoảnh khắc hiện tại.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. NHỮNG GIÁ TRỊ CUỘC SỐNG KHIẾN BẠN PHẢI SUY NGẪM
  2. TRUNG THỰC
  3. KHIÊM CUNG – “ĐẶC SẢN SỨC MẠNH MỀM” CỦA NGƯỜI NHẬT

Bài viết khác của tác giả

  1. TÔN TRỌNG
  2. HÒA BÌNH – TÔN TRỌNG – YÊU THƯƠNG – KHOAN DUNG
  3. NHỮNG GIÁ TRỊ SỐNG CHO TUỔI TRẺ : TRÁCH NHIỆM -GIẢN DỊ – TỰ DO – ĐOÀN KẾT

Bài viết mới

  1. DANH NGÔN VỀ SỰ THÔNG MINH
  2. NIỀM TIN VÀO CHỦ NHÂN KHÔNG LÀ CHÌA KHÓA
  3. BẠN THÔNG MINH HƠN BẠN TƯỞNG