NHẬT KÝ KRISHNAMURTI _ SỐNG, CHẾT VÀ TÌNH YÊU

JIDDU KRISHNAMURTI

Trích: Trò Chuyện Với Hiện Thể (cuốn nhật ký ghi âm sau cùng của J. Krishnamurti): Thứ Tư, ngày 16 tháng 3, 1983, Hàn Thủy Giang dịch,
NXB Hồng Đức 2016

– Con người tàn hại con người trong nhiều trạng huống khác nhau của tâm trí. Chúng ta giết người với những lý do tôn giáo, giết người vì những lý do ái quốc, vì hòa bình, giết người thông qua chiến tranh có tổ chức. Điều này đã là số phận của chúng ta, giết chóc lẫn nhau không ngừng.

Thưa bạn, bạn có cho rằng kiểu giết chóc này, nỗi đau buồn này đã giáng xuống con người không, một nỗi buồn đau mênh mông của nhân loại liên tục tiếp nối qua các thời đại, qua nước mắt, cơn thống khổ, sự hung bạo, nỗi sợ hãi về nó? Và nó vẫn còn đang tiếp tục. Thế giới này đau ốm. Các nhà chính trị, dù cánh tả, cánh hữu, cánh trung hay chuyên chế độc tài, đều sẽ không mang lại hòa bình. Mỗi người trong chúng ta phải chịu trách nhiệm, và với trách nhiệm, chúng ta phải nhận thấy là cuộc tàn sát này có chấm dứt thì chúng ta mới được sống trên mặt đất này, mặt đất của chúng ta, trong hòa bình và vẻ đẹp. Đó là một bi kịch lớn mà chúng ta không dám đối mặt cũng như mong muốn giải quyết. Chúng ta để nó cho các chuyên gia, và mối hiểm nguy của đám chuyên gia cũng nguy hiểm như một vách núi đá dựng đứng, hay một con rắn độc.

Tạm gác việc ấy qua một bên, thì cái gì là ý nghĩa của sự chết? Với bạn, thưa bạn, Chết là gì?

– Đối với tôi, Chết là tất cả những gì tôi từng là, tất cả những gì tôi đang là, bỗng nhiên chấm dứt vì một căn bệnh nào đó, vì tai nạn hay tuổi già. Tất nhiên tôi đã đọc, đã nói chuyện với những người châu Á, những người Ấn Độ, những người có niềm tin vào sự đầu thai. Tôi không biết việc ấy có đúng hay không, nhưng theo như tôi có thể hiểu thì Chết có nghĩa là sự chấm dứt của cái đang sống. Cái chết của một cội cây, cái chết của một con cá, một con nhện, cái chết của vợ và các con tôi, một sự cắt lìa bất ngờ, một sự chấm hết bỗng nhiên của cái đã từng là đang sống, cùng ký ức của nó, ý tưởng của nó, nỗi đau đớn, khắc khoải, những niềm vui, sự hài lòng, bên nhau cùng ngắm hoàng hôn – tất cả đều đã chấm dứt. Và sự nhớ nhung về tất cả những thứ ấy không chỉ làm ta ứa lệ, mà còn nhận ra sự thiếu khuyết của chính ta, nỗi cô quạnh của chính ta. Ý nghĩa về nỗi chia lìa với vợ và các con, với những gì ta từng phụng sự, chăm bẵm, nhớ thương, duy trì, lòng quyến luyến cùng nỗi đớn đau của luyến ái – tất cả đó và hơn nữa bỗng dưng chấm hết. Tôi nghĩ chúng ta thường thế. Chết là thế. Với tôi đó là một sự kết thúc.

Trong căn nhà của tôi cạnh bờ biển, trên cây đàn piano có một bức ảnh chụp vợ và các con tôi. Trước đây, chúng tôi thường cùng nhau chơi đàn. Trong bức ảnh để trên cây đàn này, có một sự gợi nhớ về họ, nhưng hiện thực đã bỏ đi rồi. Nhớ lại là đớn đau hoặc nhớ lại có thể mang đến cho ta niềm an ủi, nhưng an ủi đang phần nào mờ nhạt dần vì buồn đau giày xéo. Với tôi tất cả đó có nghĩa là Chết.

Chúng tôi nuôi một con mèo Ba Tư xinh xắn, một con vật rất đẹp. Và rồi một buổi sáng nó bỏ đi. Nó lăn lóc ở ngoài cửa trước. Chắc chắn nó đã ăn phải thứ gì đó. Và thế là nó nằm đó, chết, vô nghĩa. Nó chẳng khi nào còn kêu gừ gừ được nữa. Đấy là Chết. Sự kết thúc của một cuộc đời đằng đẵng hay của một hài nhi mới sinh. Một lần tôi trồng một mầm cây nhỏ bé, mầm cây hứa hẹn thành một đại thụ. Thế rồi một ai đó vô ý, khi đi qua giẫm lên nó, và nó chẳng bao giờ mọc thành một cội cây khổng lồ nữa. Đó cũng là một kiểu của Chết. Sự kết thúc của một ngày, một ngày xấu trời hay đẹp đẽ cũng có thể gọi là Chết. Sự khởi đầu và sự kết thúc.

– Sống là gì, thưa bạn? Kể từ thời khắc ta sinh ra cho đến lúc nằm xuống, thì sống là gì? Hiểu được cái cách thế ta sống thực là quan trọng – tại sao sau nhiều thế kỷ ta lại sống theo cách này? Việc ấy tùy thuộc vào bạn, có phải không thưa bạn, nếu như đó là một cuộc tranh đấu triền miên? Xung đột, đớn đau, vui mừng, hài lòng, khắc khoải, cô quạnh, ngã lòng, và làm việc, làm việc, làm việc, lao động vì người khác hay bản thân, coi mình là trung tâm và có lẽ thường rộng lượng, ghen tỵ, cáu giận, gắng đè nén cơn giận, để cho cáu kỉnh bùng lên … Đó là cái mà chúng ta gọi là Sống – những dòng lệ, nụ cười, nỗi muộn phiền, lòng sùng tín cái ta đã phát minh ra, sống cùng dối trá, ảo tưởng và lòng thù hận, sự kiệt sức vì tất cả, nỗi buồn khổ, những sự trống rỗng vô nghĩa – đó là cuộc đời của chúng ta. Không phải đời của bạn, mà của tất cả con người trên trái đất này, những con người đang hy vọng thoát ra khỏi đó. Quá trình này của sùng tín, thống khổ, sợ hãi đã liên tục từ cổ xưa đến tận hôm nay – lao động, xung đột, đớn đau, bất định, rối loạn, vui sướng và cười cợt. Tất thảy những thứ đó là một phần trong cuộc hiện sinh của chúng ta.

Sự kết thúc tất cả cái đó gọi là Chết. Chết đặt một dấu chấm hết cho tất cả luyến ái của chúng ta, dù cạn cợt hay sâu sắc đến thế nào. Lòng luyến ái ông thầy tu, người khất thực, lòng luyến ái bà vú nuôi, gia đình của ta, tất cả mọi hình thức của luyến ái đều phải chấm dứt với cái chết.

Trong chuyện này ẩn chứa một vài vấn đề. Thứ nhất, câu hỏi về sự bất tử. Có chăng một cái gì như sự bất tử? Cái ấy nghĩa là không chết, bởi vì nếu có chết thì điều ấy bao hàm ý có biết về sự chết. Cái bất tử là cái nằm ngoài thời gian, và hoàn toàn không hay biết gì sự kết thúc này. Bản thân, cái tôi có bất tử không? Hay nó có biết gì về sự chết không? Bản thân có thể không bao giờ trở nên bất tử. Tôi, cái tôi cùng tất cả thuộc tính của nó được sắp đặt thông qua thời gian, đó là tư tưởng; và cái bản thân kia có thể chẳng khi nào bất tử cả. Ta có thể tạo ra một ý niệm về sự bất tử, một hình ảnh, một thượng đế, một bức tranh rồi ghì giữ nó, yên lòng vì nó, nhưng đó không phải là bất tử.

Vấn đề thứ hai (đây là việc phức tạp hơn một chút) – có thể nào sống cùng với sự chết không? Không phải sống trong bệnh hoạn, không phải tự sát theo một kiểu nào đó. Tại sao chúng ta đã chia tách Chết ra khỏi Sống? Sự chết là một phần của cuộc sống chúng ta, nó là một phần trong cuộc hiện sinh của chúng ta – chết đi và sống, rồi sống và lại chết đi. Chúng không thể rời nhau. Lòng ghen tỵ, cơn cáu giận, nỗi muộn phiền, sự cô quạnh, vẻ hài lòng mà ta có, chúng ta gọi là sống, và điều này cũng được gọi là chết. Vậy tại sao lại chia tách chúng? Tại sao lại để chúng xa cách nhau hàng dặm như vậy? Phải, hàng dặm dài trong thời gian. Chúng ta chấp nhận cái chết của một người già. Đó là việc tự nhiên. Vậy khi một người trẻ tuổi chết vì tai nạn hay bệnh tật, chúng ta lại vùng vẫy chống lại. Chúng ta nói rằng điều đó là không công bằng, không được phép thế. Vì thế chúng ta đang luôn luôn chia rẽ sống và chết. Đó là một vấn đề mà ta nên đặt dấu hỏi, nên tìm hiểu – hoặc là không nên cư xử với nó như một vấn đề, mà phải nhìn ngắm, thấy điều ngụ ý bên trong của nó mà không bị dối lừa.

Một câu hỏi khác là vấn đề thời gian – thời gian ẩn chứa trong sống, học hành, thu lượm, hành động, làm việc và sự chấm dứt của thời gian khi ta thấu triệt được nó; thời gian đã chia sống ra khỏi điểm kết thúc của sống. Nơi nào có tách biệt, phân chia, từ chỗ này đến chỗ kia, từ CÁI ĐANG LÀ đến CÁI SẼ LÀ đều có thời gian ở trong đó. Đối với tôi, việc xác nhận sự chia rẽ này, giữa cái được gọi là chết và cái được gọi là cuộc sống, là một yếu tố cơ bản.

Khi nào có sự tách biệt, sự chia rẽ này, khi đó có sự sợ hãi. Rồi sau đó liền có cố gắng vượt thắng cơn sợ hãi và kiếm tìm sự hài lòng thỏa mãn, kiếm tìm cảm giác được liên tục (lưu ý chúng ta đang bàn trong lĩnh vực tâm lý, chứ không phải lĩnh vực vật lý và kỹ thuật). Chính thời gian đã tạo nên bản thân, và chính tư tưởng đã xác nhận bản ngã, cái tôi. Giá mà ta có thể thực sự nắm được ý nghĩa của thời gian và sự chia rẽ, tách biệt về mặt tâm lý, của việc con người chống lại con người, chủng tộc chống lại chủng tộc, một nền văn hóa này chống lại một nền văn hóa khác. Sự tách biệt, chia rẽ do tư tưởng và thời gian đưa đến, thành sống và chết. Và sống một cuộc sống cùng với sự chết có nghĩa là một sự biến đổi sâu sắc trong toàn thể cái nhìn về cuộc hiện sinh của chúng ta. Chấm dứt lòng luyến ái mà không cần đến tác động của thời gian, duyên cớ, đấy là chết đi trong lúc còn đang sống.

Tình yêu không có thời gian. Không phải tình yêu của tôi đối nghịch với tình yêu của bạn. Tình yêu không bao giờ cá nhân. Ta có thể yêu một người khác nhưng khi ấy tình yêu kia bị giới hạn, bị thu hẹp vào một người, và lúc ấy chính sự thu hẹp ấy, giới hạn ấy chấm dứt tình yêu. Ở nơi nào thực sự có tình yêu, nơi đó không có sự phân chia của thời gian, tư tưởng, của tất cả những phức tạp đời sống, tất cả cảnh khốn cùng và rối loạn, những bất định, ghen tuông, khắc khoải hàm chứa bên trong. Ta phải hết sức chú tâm đến tư tưởng và thời gian. Việc ấy không phải là ta phải sống chỉ trong hiện tại, điều ấy hoàn toàn vô nghĩa. Thời gian là quá khứ, được sửa đổi và đang tiếp diễn đến tương lai. Đó là một tiến trình có tính liên tục, và tư tưởng đeo bám, dính mắc vào. Tư tưởng đeo bám vào cái mà tự nó đã tạo ra, đã sắp đặt.

Một vấn đề khác là: Trong chừng nào mà con người còn tương hợp với toàn thể nhân loại – bạn LÀ toàn thể nhân loại, chứ không phải CHO LÀ, chỉ khi ấy bạn là thế giới và thế giới là bạn – thì điều gì xảy ra khi bạn chết? Khi bạn hay một ai đó chết đi, bạn và người đó là sự biểu lộ của cái dòng suối rộng lớn kia gồm những hành động và hành động đối đãi, cái dòng suối của THỨC, của các cách đối xử … Bạn chính là dòng suối đó. Dòng suối đó đã quy định tâm trí nhân loại, bộ óc nhân loại, và trong chừng nào mà chúng ta còn bị quy định bởi lòng tham, ghen tỵ, sợ hãi, hài lòng, vui vẻ và tất thảy những thứ còn lại, chúng ta là một phần của dòng suối đó. Cỗ máy cơ thể bạn có thể chấm dứt, nhưng chính bạn là dòng suối đó, như trong lúc còn sống, bạn đang là chính dòng suối đó. Dòng suối đó đầy biến động, lúc chậm, lúc nhanh, lúc sâu, lúc nông, bị thu hẹp lại bởi hai bờ, rồi phá tung sự chật hẹp ra một vùng nước rộng lớn – chừng nào mà bạn còn là chính dòng suối đó, sẽ không có tự do. Không có tự do nơi thời gian, nơi sự rối loạn và cảnh khốn cùng của những ký ức và lòng luyến ái được tích trữ. Chỉ khi có sự kết thúc dòng suối, sự chấm dứt, không phải bạn bước ra ngoài dòng suối và trở thành một cái gì khác, mà là sự chấm dứt, chỉ khi ấy mới có một chiều kích hoàn toàn khác hẳn. Chiều kích ấy không thể mô tả bằng ngôn từ. Sự chấm dứt không duyên cớ chính là toàn bộ ý nghĩa của Sống và Chết. Cội rễ của cái vượt ngoài thế gian nằm trong Sống và Chết.

 

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. THỨC TỈNH MỤC ĐÍCH SỐNG
  2. SỐNG LÀ QUAN SÁT LẮNG NGHE
  3. SỰ SỐNG SAU CÁI CHẾT – BÍ ẨN LỚN NHẤT CỦA SỰ SỐNG

Bài viết khác của tác giả

  1. GIÁO DỤC ĐÚNG ĐẮN – KRISHNAMURTI BÀN VỀ GIÁO DỤC
  2. TÂM THỨC HOÀN TOÀN TỰ DO, KHÔNG PHÂN MẢNH LÀ MỘT TRẠNG THÁI CÓ TRẬT TỰ
  3. CỐNG HIẾN ĐỜI MÌNH CHO CÔNG CUỘC GIÁO DỤC CHÂN CHÍNH

Bài viết mới

  1. BIỂU LỘ CHÍNH MÌNH MỘT CÁCH TRỌN VẸN
  2. CHÂN LÝ CÓ THỂ CÓ ĐƯỢC BẰNG LAO ĐỘNG QUÊN MÌNH
  3. CẢM GIÁC TỰ DO, ĐƯỢC GIẢI PHÓNG BẢN THÂN