CHỈ CẦN GẬT ĐẦU VÀ NÓI “SẴN SÀNG ĐÓN NHẬN”

SUSAN JEFFERS

Trích: "Xuyên qua nỗi sợ"; Susan Jeffers/ Hồ Thị Việt Hà dịch. NXB Tổng hợp Tp.HCM. 2017

Một trong những bài học quý báu nhất để xua đi nỗi sợ trong cuộc sống là tinh thần “sẵn sàng đón nhận mọi sự việc đến trong cuộc đời”. Đó là những lời cửa miệng của Janet Zukerman, một người thầy tuyệt vời của tôi, khi cô gặp một người đang than thân trách phận. Khi nghe tôi hỏi ý nghĩa chính xác của câu đó là gì, Janet bảo: “Rất đơn giản. Dù cho gặp bất kỳ điều gì trong cuộc sống, ta chỉ cần gật đầu, thay vì lắc; chỉ cần nói sẵn sàng đón nhận, thay vì trốn tránh”. Suốt nhiều năm, tôi đã vận dụng câu nói này và được chứng kiến những kết quả kỳ diệu.

Hết thảy chúng ta đều không thể hoặc nếu có thì chỉ kiểm soát được một phần dòng chảy của cuộc đời. Rất nhiều khi ta định hành động theo một hướng nào đó nhưng đột nhiên lại xảy ra một sự việc bất ngờ làm đảo lộn mọi thứ. Những sự kiện ngoài mong đợi, thậm chí chỉ là khả năng xảy ra những sự kiện đó thôi, khiến chúng ta phập phồng lo sợ không yên. Lúc nào chúng ta cũng chuẩn bị cho tình trạng xấu nhất. Do vậy, điều quan trọng là bạn phải nhớ rằng:

THÁI ĐỘ SẴN SÀNG ĐÓN NHẬN LÀ LIỀU THUỐC HÓA GIẢI MỌI NỖI SỢ HÃI

“Đón nhận” nghĩa là chấp nhận những gì mà cuộc sống mang đến cho chúng ta, nghĩa là thôi kháng cự và để cuộc sống mở ra trước mắt ta góc nhìn mới mẻ hơn về thế giới xung quanh, nghĩa là ta thong dong, trầm tĩnh xem xét tình huống và nhờ đó giảm đi những buồn lo. Thái độ đó không chỉ có lợi về mặt cảm xúc, mà còn giúp ích cho bạn rất nhiều về mặt thể chất. Ngược lại, khi bạn “trốn tránh” nghĩa là bạn trở thành nạn nhân của cuộc sống. “Làm sao chuyện này lại có thể xảy ra cho tôi được chứ!”. Bạn chặn đứng, từ chối những cơ hội phát triển và thử thách bản thân. Bạn tạo ra sự căng thẳng, kiệt quệ, tiêu phí năng lượng vô ích, chấn động tình cảm và tệ hơn cả là sẽ tạo ra sự vô cảm. “Tôi Không xoay xở được. Tôi bế tắc rồi. Chẳng còn hi vọng gì đâu”.

Điều đáng nói ở đây là thái độ “sẵn sàng đón nhận” là hi vọng duy nhất của chúng ta, khi nó không chỉ là liều thuốc hóa giải nỗi thất vọng triền miên (do cảm cúm, mái nhà dột, kẹt xe, xẹp lốp, cuộc hẹn nhạt nhẽo…) mà còn là một công cụ kỳ diệu giúp xua tan những nỗi sợ sâu xa, tăm tối nhất.

Để tôi kể bạn nghe câu chuyện về Charles, một bằng chứng sống cho sức mạnh của thái độ sẵn sàng đón nhận. Charles lớn lên trong một khu ổ chuột ở New York. Dáng vẻ phong sương đã giúp Charles rất nhiều cho đến lúc anh bị thương tật nặng nề do trúng đạn trong một cuộc ẩu đả ngoài phố. Xương sống bị nát vụn, Charles liệt hẳn nửa thân dưới.

Khi tôi gặp Charles, anh vừa hoàn tất khóa huấn luyện tại trung tâm phục hồi chức năng và đang tìm việc tại Floating Hospital. Charles muốn có cơ hội dạy cho trẻ em biết cách tránh khỏi rắc rối mà anh đã gặp. Anh trở thành một trong các nhân viên của tôi và là nguồn khích lệ, truyền cảm hứng cho tất cả mọi người xung quanh.

Một bữa nọ, tôi vào lớp và thấy Charles ngồi giữa một nhóm học sinh. Anh đang trả lời các câu hỏi hóc búa mà các em đặt ra khi thấy một người khuyết tật như anh. Ví dụ “Đi không được thì cảm giác như thế nào ạ?”, “Liệu em nên nói gì với một người ngồi trên xe lăn?”, “Làm thế nào chú đi tắm được ạ?”… Rồi Charles hỏi các em đoán xem một người khuyết tật sẽ mong muốn điều gì nhất. Một em trai nhanh nhảu trả lời: “Bạn bè ạ!”. “Chính xác!”, – Charles đáp. Bọn trẻ nhảy cẫng lên, ôm chầm lấy anh và la lớn: “Cháu sẽ là bạn của chú!”. Quả thật tôi cũng không biết được buổi học hôm ấy có ý nghĩa với ai hơn: Charles, bọn trẻ hay tôi.

Một dịp khác, chúng tôi tổ chức tiệc cho một nhóm học viên mới là những người về hưu. Mặc dù chúng tôi đã mời hẳn một ban nhạc cho buổi tiệc nhưng những người tham dự vẫn ngần ngại không dám bước ra nhảy. Thế là Charles đẩy xe lăn của mình ra giữa phòng và “nhún nhảy” theo điệu nhạc. “Nào, mọi người. Tôi mà còn nhảy được thì mọi người cũng phải nhảy được chứ!”. Chỉ trong vòng vài phút, anh đã khiến mọi người phải nhảy múa, cười hát và vỗ tay theo mình. Quả thật, anh có sức lan tỏa tinh thần mãnh liệt. Những con người xa lạ trong phòng bỗng hóa bạn bè. Charles không bao giờ bỏ lỡ cơ hội để cho mọi người thấy rằng chỉ cần có thái độ tích cực, chúng ta sẽ có thể biến bất kỳ điều gì xảy đến trong đời mình thành một sự kiện có ý nghĩa và đáng quý.

Tôi đã có nhiều dịp trò chuyện với Charles. Anh cho tôi biết trong những ngày đầu gặp nạn, anh gần như mất hết cả hy vọng lẫn ý chí. Theo lời anh mô tả thì “đường đường là một đấng nam nhi mà không thể tự mình đi lại hay tiêu tiểu thì quả là một điều chẳng dễ dàng gì”. Người ta chuyển anh đến một trung tâm phục hồi chức năng có tiếng, nhưng Charles tỏ ra từ chối hợp tác. Khi trung tâm sắp sửa trả anh về nhà để lấy chỗ điều trị cho người khác có ý chí hơn thì bước ngoặt đã xảy ra. Charles hiểu ra rằng nếu bị trả về nhà thì anh không còn cơ hội nào nữa. Đây chính là lúc để anh tỏ thái độ “đón nhận” hay “trốn tránh” trước cuộc đời. Sau này nghĩ lại, Charles thấy mừng vì mình đã chọn cách đón nhận.

Sau quyết định này, anh tiến triển thấy rõ. Nhiều cơ hội mở ra trước mắt mà trước kia Charles thậm chí chưa từng nghĩ đến. Anh lập ra mục tiêu sống cho mình là giúp đỡ những người khác đang gặp khó khăn, bất kể đó là khó khăn gì. Anh là một tấm gương tiêu biểu với câu khẩu hiệu: “Nếu tôi làm được, bạn cũng làm được”. Charles thừa nhận với tôi rằng lạ lùng thay, anh lại cảm thấy biết ơn cuộc đời đã cho anh bị tật nguyền như thế này, bởi tai nạn đã khiến anh nhận ra mình phải cống hiến cho cuộc sống nhiều đến thế nào.

Cho đến khi gặp nạn, Charles không hề nhận ra ý nghĩa cuộc sống. Song giờ đây, anh tin rằng trước kia mình còn “tàn tật” hơn bây giờ, và kể từ đó anh tìm thấy cảm giác hài lòng trong cuộc sống.

Khi tôi trình bày khái niệm SẴN SÀNG ĐÓN NHẬN trên lớp, một học viên đã đặt ra câu hỏi rất thú vị: “Nếu lúc nào ta cũng nói sẵn sàng đón nhận, vậy thì liệu ta có tránh được đau khổ không?”. Tôi suy nghĩ một lát rồi trả lời rằng không. Ta không thể tránh được đau khổ, nhưng lại có thể sẵn sàng đón nhận đau khổ, và hiểu rằng nó là một phần của cuộc sống. Khi đó, bạn sẽ không còn đặt mình ở vai trò nạn nhân nữa. Bạn sẽ hiểu rằng mình có thể vượt qua nỗi đau cũng như tình huống đã gây ra nỗi đau đó. Nghe đến đây, một học viên của tôi thốt lên: “Tôi hiểu rồi! Ý cô là nỗi đau khi ta sẵn sàng đón nhận sẽ khác với nỗi đau khi ta trốn tránh nó!”. Quả thật đó chính là những gì tôi muốn nói.

Khi ngẫm lại, các học viên trong lớp phát hiện ra họ đã từng chấp nhận nỗi đau trong cuộc sống, nhưng họ lại không hề nhận ra điều đó. Nadine nhớ tuần trước có một hôm cô chợt thấy chạnh lòng mất mát khi nghĩ đến người mẹ vừa mới qua đời. Thế rồi cô ngồi sụp xuống khóc nức nở khi nhớ đến những khoảnh khắc hạnh phúc giữa hai mẹ con. Và trong lúc khóc, cô cảm thấy bị thôi thúc phải nói đi nói lại từ “cảm ơn”.

Giữa lúc đau khổ ấy, cô chợt ý thức rằng cuộc đời gây ra nhiều cuộc chia ly, nhưng đó mới là cuộc đời. Và cô đã nhận ra sự khác biệt giữa việc xem cái chết của một người thân như là thảm họa (trốn tránh) và việc nghĩ rằng mình thật hạnh phúc vì đã từng có người ấy trong đời (sẵn sàng đón nhận), tức là xem cái chết là một phần của cuộc sống, một tiến trình tự nhiên, thay vì xem đó là một sự mất mát kinh khủng hay sự bất công.

Một học viên khác là Betsy cũng nhớ lại nỗi đau ngọt ngào khi cô hôn tạm biệt cậu con trai xa nhà đi học đại học. Mắt ngấn lệ, cô nhìn theo con bước đi trên lối mòn ra chiếc ô tô mới mua, lòng thầm hiểu khi quay trở về con mình sẽ trở thành một người khách… Nhưng đã đến lúc cô phải để con ra đi. Và cô sẵn sàng đón nhận điều đó, bởi cuộc đời vốn dĩ là như thế, luôn thay đổi. Mọi chuyện không thể tồn tại mãi mãi. Cô mặc cho nước mắt tuôn rơi, rồi nhanh chóng nguôi đi và quyết định bắt tay sửa soạn một bữa tối lãng mạn. Suy cho cùng thì đây cũng là dịp để hai vợ chồng cô có một không gian riêng bên nhau sau ngần ấy năm, do vậy cô quyết định biến nó thành những ngày trăng mật.

Bạn hãy so sánh câu chuyện của Betsy với một người mẹ chỉ biết kinh hãi khi nghĩ đến việc con mình phải xa nhà, để rồi cuối cùng khi chuyện đó xảy ra thì chỉ biết ngồi nhìn căn nhà vắng vẻ và tự thấy mình vô dụng. Người mẹ đó đã chống lại sự thay đổi và bỏ lỡ con đường mới đang mở ra trước mắt. Câu chuyện của Betsy minh họa rõ nét khả năng cảm thấy đau khổ của chúng ta  khi phải kết thúc một điều gì đó, sau đó tiếp tục sống và tạo ra những niềm hy vọng lẫn ước mơ mới cho chính mình. Rời bỏ một điều tốt đẹp trong đời và hướng đến những trải nghiệm mới mẻ khác sẽ khiến cho cuộc sống của bạn phong phú hơn.

Còn Marge kể cho cả lớp nghe cô đã cảm thấy đau khổ như thế nào khi chồng mình không còn nữa. Cô nhớ anh, nhớ sự ấm áp và tình cảm gắn bó mà anh đã dành cho cô; tuy vậy cô cũng ý thức được mình đã thay đổi như thế nào khi chuyển từ một người chỉ biết sống lệ thuộc sang độc lập hơn. Cô cảm thấy lòng tự tôn của mình tăng lên rõ rệt nhờ dần dần học được cách đón nhận những rủi ro mà trước nay cô chưa bao giờ gặp. Giờ đây cô đã có thể tạo cho mình một thế giới mới.

Tuy nhiên, một người bạn của tôi, lại không được như vậy. Anh không gượng dậy nổi để tiếp tục cuộc sống sau khi vợ mất. Đã năm năm trôi qua mà anh vẫn còn gọi cho tôi và khóc than rằng: “Tại sao cô ấy phải chết kia chứ?”. Anh ấy đã trốn tránh nỗi đau. Bất hạnh thay, anh không thấy được rằng chỉ có anh và một ít người vẫn còn ngồi đó lắng nghe anh trên điện thoại là phải chịu đựng đau khổ, còn cuộc sống vẫn cứ tiếp diễn như thường. Anh đã không chịu nhìn thấy những ân phước trong đời mình, không chịu nhìn thấy biết bao cơ hội gặp gỡ người mới, trải nghiệm những điều mới mẻ trong cuộc sống đang mở ra trước mắt anh. Nỗi đau do trốn tránh đó đã tước đoạt hết sức sống và ý chí trong anh.

Nói tóm lại, có thể bảo rằng khả năng xoay sở hiệu quả của bạn trong cuộc sống thể hiện rõ khả năng đón nhận của bạn, kể cả nỗi đau. Hãy nhớ rằng:

Nhận thức được nỗi đau là rất quan trọng; Chối bỏ nỗi đau sẽ hủy hoại cuộc sống.

Sandy là người luôn né tránh nỗi đau. Khi con trai cô qua đời vì tai nạn ô tô cách đây mười hai năm, cô chưa cảm nhận được hết nỗi đau mất mát. Bạn bè nhận xét cô thật là giỏi vượt qua cái chết của con trai. Ba năm sau, cô bị chứng động kinh, thoạt trông chẳng liên quan gì đến nỗi đau mất mát mà cô từng trải qua. Suốt chín năm trời, cô phải chịu đựng căn bệnh buộc cô phải nghỉ làm. Cộng thêm vào đó, quan hệ giữa cô và các con cũng dần trở nên xấu đi.

Cuối cùng, Sandy tìm đến một nhóm hỗ trợ để giúp cô đối diện với những rắc rối mà chứng động kinh đã gây ra cho gia đình mình. Trong buổi trị liệu đầu tiên, người trưởng nhóm hỏi cô đã bao giờ phải chịu đựng một sự mất mát lớn nào chưa. Cô bảo có, nhưng giải thích thêm là chuyện đã xảy ra lâu lắm rồi và nó chẳng còn ảnh hưởng gì đến cuộc sống của cô nữa. Với kỹ năng xuất sắc, người trưởng nhóm đã giúp cô trở lại với trải nghiệm mất mát năm xưa. Chỉ khi đó Sandy mới có cơ hội để cơn đau buồn trỗi dậy trong lòng.

Cứ thế, mỗi lần gặp nhau là Sandy lại tiếp tục đối diện với nỗi đau của mình. Thật kỳ diệu, những triệu chứng động kinh của cô biến mất chỉ sau năm tuần. Cô bỏ thuốc, tìm một công việc tốt và bắt đầu hàn gắn những tổn thương mà căn bệnh đã gây ra cho gia đình cô. Nếu không được giải tỏa, nỗi đau sẽ làm tổn hại chúng ta không ngờ. Tuy trường hợp của Sandy là một ví dụ hết sức bi kịch nhưng trong thực tế, những nỗi đau âm ỉ sẽ dần hủy hoại cuộc sống của nhiều người mà ta không hề nhận ra.

Chúng ta ai cũng biết có những người không hề cảm nhận được nỗi đau bởi họ không cho phép mình đón nhận những cảm xúc trong lòng. Khi chúng ta không chịu thừa nhận, nỗi đau sẽ biến đổi thành những triệu chứng bệnh lý trên thân thể, thành cơn nóng giận hoặc một thứ gì đó có tác dụng hủy hoại tương tự. Sẵn sàng đón nhận nghĩa là cho phép nỗi đau trỗi dậy trọn vẹn trong bạn, hiểu rằng bạn sẽ không chỉ vượt qua nó mà còn đạt được một điều gì đó từ điều này, nếu bạn thật sự mong muốn như thế.

Trong lúc thảo luận thêm, tôi và các học viên đi đến một suy nghĩ khá thú vị: khi cuộc sống càng phong phú, chúng ta càng dễ gặp đau khổ do mất mát. Ví dụ, càng có nhiều bạn thì chúng ta càng dễ có khả năng nói lời chia tay hơn. Càng bước chân ra ngoài xã hội nhiều, chúng ta càng dễ gặp “thất bại” hay bị từ chối. Song, những ai có cuộc sống phong phú sẽ chẳng bao giờ chịu đánh đổi hiện tại dù chỉ trong giây lát. Họ thích thú vì có cơ hội nếm trải tất cả những gì cuộc đời mang đến cho họ, cả cái xấu lẫn cái tốt. Cả lớp cùng đi đến kết luận là dường như những người có cuộc sống phong phú sẽ biết rõ bí quyết đón nhận nỗi đau. Trong khi đó, những người trốn tránh thường sống thu mình, chọn cách ẩn náu dưới lớp vỏ bọc để tránh trở thành nạn nhân của cuộc đời. Nhưng trớ trêu thay, rốt cuộc họ lại trở thành nạn nhân của chính nỗi sợ của mình.

Tôi tìm thấy một ví dụ hết sức cảm động về thái độ sẵn sàng đón nhận trong tác phẩm của bác sĩ tâm lý Viktor Frankl có nhan đề là “Mans Search for Meaning” (Đi tìm lẽ sống). Một người bạn đã đưa cho tôi quyển sách này và bảo: “Mình nghĩ cậu nên đọc quyển này, quan trọng lắm đấy!”.

Tôi không mấy háo hức khi biết quyển sách nói về những trải nghiệm của tác giả ở một trại tập trung, vốn là đề tài mà tôi luôn né tránh. Chỉ đơn giản là tôi cảm thấy sợ. Tôi vẫn coi cuộc đời là một trại tập trung với đầy đủ những trải nghiệm kinh khủng nhất mà con người có thể chịu được, cả về tâm trí, thể chất lẫn tinh thần. Thật sự tôi không hề muốn đọc quyển sách này và định đặt nó sang một bên thì lại nhớ đến lời người bạn: “Mình nghĩ cậu nên đọc quyển này, quan trọng lắm đấy!”.  Rõ ràng cô ấy biết một điều gì đó mà tôi không biết, thế là tôi quyết định tìm xem đó là điều gì.

Tôi đau đớn lật từng trang từng trang, đọc những lời mô tả vượt ngoài sức tưởng tượng của con người mà không tài nào kìm được nước mắt. Thế nhưng khi tiếp tục đọc, tôi cảm thấy lòng mình dần nhẹ nhàng hơn. Frankl và những người khác cùng chung số phận như ông không chỉ đối diện với một cuộc sống trong trại tập trung, mà theo như định nghĩa tôi đã nói trên, họ đã thật sự sẵn sàng đón nhận! Họ đã tạo cho mình một trải nghiệm sống tích cực từ những gì cuộc đời mang đến cho họ. Họ đã tìm thấy ý nghĩa lẫn sự trưởng thành của bản thân và cách nhìn nhận giá trị cuộc sống qua những gì mình trải nghiệm. Frankl viết thế này:

“Những trải nghiệm trong trại tập trung cho thấy con người có quyền lựa chọn hành động. Có nhiều ví dụ cho thấy lòng quả cảm có thể khắc chế tính lãnh đạm, kìm hãm sự cáu giận. Con người có thể giữ vững tinh thần tự do, tư tưởng độc lập ngay cả khi tinh thần lẫn thể chất bị áp bức đến cùng cực. Những ai từng sống trong trại tập trung đều nhớ rõ những con người đã đến tận  từng lều để an ủi người khác và cho đi mẫu bánh mì cuối cùng của mình. Có thể số đó ít ỏi, nhưng cũng đủ để chứng minh rằng con người có thể bị tước đoạt tất cả, ngoại trừ một thứ: quyền tự do cuối cùng của con người – lựa chọn thái độ sống trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Đó là cách con người chấp nhận số phận lẫn mọi đau khổ đi kèm; là cách họ vượt qua nỗi đau, mở rộng cơ hội cho mình trong những tình huống nghiệt ngã nhất, để làm cho ý nghĩa cuộc sống thêm sâu sắc.”

Khi đọc hết trang cuối của quyển sách, tôi hiểu rằng trong mình đã có một sự thay đổi lớn lao. Tôi sẽ không bao giờ căng thẳng như trước kia mỗi lần đối diện nỗi sợ hãi nữa. Tôi hiểu rằng nếu ngay cả trong hoàn cảnh sống tồi tệ mà tôi không tài nào tưởng tượng nổi như thế mà Frankl vẫn có thể tìm thấy một điều gì đó đáng quý thì tôi, cũng như tất cả mọi người khác, đều có thể tìm thấy chân giá trị trong bất kỳ điều gì mà cuộc đời mang đến cho mình. Đó chỉ là vấn đề phải nhận thức rằng chúng ta luôn có quyền lựa chọn.

Tôi chắc chắn rằng tuy Frankl không hề muốn trải qua cuộc sống như thế, nhưng cuộc đời đã đẩy ông vào trại tập trung. Và khi đó, chính ông là người phải quyết định xem nên phản ứng lại tình huống này như thế nào. Chúng ta không thể kiểm soát cả thế giới, nhưng lại có thể kiểm soát được phản ứng của mình. Đến đây hẳn bạn đã hiểu vì sao thái độ sẵn sàng đón nhận mang lại hiệu quả. Bởi nó không chỉ giúp chúng ta giảm bớt nỗi sợ hãi, mà còn tạo ra ý nghĩa của cuộc sống.

Trong một buổi học khác, một trong các học viên của tôi tranh cãi rằng nếu chúng ta sẵn sàng đón nhận mọi thứ nghĩa là chúng ta phải chấp nhận tất cả. Và nếu chấp nhận tất cả nghĩa là chúng ta sẽ không làm gì để thay đổi những sai lầm trong cuộc sống. Tôi giải thích với cậu ấy rằng đón nhận nghĩa là hành động tích cực, còn trốn tránh nghĩa là bỏ cuộc. Chỉ khi nào nhìn thấy khả năng thay đổi thì chúng ta mới có thể thay đổi sự việc một cách hiệu quả. Chúng ta có thể trốn tránh bản chất của sự việc, nhưng hãy sẵn sàng đón nhận khả năng diễn tiến của nó. Nếu cho rằng một tình huống nào đó là vô vọng, bạn sẽ chỉ biết ngồi thừ ra đó và để mặc nó hủy hoại mình.

Ở cấp độ toàn cầu, nếu bạn nghĩ rằng không tài nào ngăn chặn sự hủy diệt của bom nguyên tử, bạn sẽ không tham gia đấu tranh cho các giải pháp hòa bình. Nếu biết tình huống đó không đến nỗi tuyệt vọng, bạn sẽ sẵn sàng đón nhận nó với tiến trình mang đến hòa bình cho thế giới, giống như bao người đang làm ở khắp nơi. Những con người đó không để nỗi sợ làm tê liệt bởi họ biết đón nhận cơ hội đi kèm theo tình huống đó.

Thái độ sẵn sàng đón nhận không có nghĩa là bỏ cuộc.

Sẵn sàng đón nhận nghĩa là dám đứng lên và hành động với niềm tin rằng bạn có thể tạo ra ý nghĩa và mục đích cho bất kỳ sự việc nào xảy ra trong cuộc sống.

Điều đó có nghĩa là bạn phải biết sử dụng các nguồn lực để tìm ra những cách thức có lợi, tích cực để giải quyết tình huống bất lợi. Điều đó có nghĩa là bạn phải mạnh mẽ hành động chứ không được yếu đuối. Điều đó có nghĩa là bạn phải biết linh hoạt để tham khảo nhiều ý kiến khác nhau và chọn ra cái có thể giúp mình phát triển. Điều đó không có nghĩa là bạn để cho cuộc sống của mình bị hủy hoại mà thay vào đó, bạn trở nên nhạy bén hơn với những khả năng xảy ra.

Mặc dù khái niệm sẵn sàng đón nhận nghe có vẻ khá dễ nắm bắt nhưng để có thể thật sự lĩnh hội được thì đòi hỏi bạn phải có một khả năng nhận thức rất lớn. Dường như chúng ta có xu hướng tự động trốn tránh mọi việc xảy ra trong cuộc sống. Thật khó mà sẵn sàng đón nhận việc con bạn ốm nặng, bạn bị tật nguyền, thất nghiệp hoặc khi chồng hay vợ của bạn qua đời.

Hãy nhớ rằng:

sẵn sàng đón nhận mọi việc xảy ra trong đời

Biết bao người đang phải sống một cuộc sống “tồi tệ nhất”…nhưng họ lại chính là những người chiến thắng!

Tất cả chúng ta đều là người chiến thắng khi biết sẵn sàng đón nhận mọi biến cố xảy ra trong đời, và thành quả đó xứng đáng để chúng ta nỗ lực học cách đón nhận. Những bước sau đây sẽ giúp bạn:

Ý thức khi mình đang trốn tránh. Hãy đặt các bảng nhắc nhở trên bàn làm việc, bàn ăn, gương treo tường, lịch làm việc, hoặc bất kỳ nơi đâu mà bạn thường thấy hàng ngày. Riêng tôi có một số câu rất hiệu quả như: SẴN SÀNG ĐÓN NHẬN (điều hiển nhiên); CÁI GÌ XẢY ĐẾN CŨNG CÓ CÁI HAY CỦA NÓ; CỨ ĐỂ TỰ NHIÊN. Con gái tôi cho tôi một tấm áp phích tuyệt vời trên đó ghi NẾU ĐỜI CHO BẠN TRÁI CHANH, HÃY BIẾN NÓ THÀNH NƯỚC CHANH. Bạn cũng có thể tự tạo những câu nói hiệu quả nhất với mình. Mục đích ở đây là nhằm giúp bạn luôn ý thức. Chúng ta rất hay ngủ quên trong vấn đề này và cần được nhắc nhở luôn.

Một khi đã có ý thức, hãy gật đầu và sẵn sàng đón nhận. Cử chỉ khẳng định này giúp bạn dễ dàng chấp nhận sự việc hơn. Hãy tập gật đầu ngay từ bây giờ. Nếu chú ý, bạn sẽ thấy một cảm giác rất tích cực khi mình gật đầu đồng tình một điều gì đó. Nó khiến bạn cảm thấy mọi thứ đều ổn thỏa, bởi thật sự là bạn đang làm cho mọi thứ ổn thỏa.

Áp dụng nguyên tắc tương tự, hãy để cơ thể thư giãn. Chú ý xem bạn cảm thấy căng thẳng ở đâu để tập trung giải tỏa nơi đó. Một lần nữa, cơ thể cũng có thể giúp bạn cảm nhận tích cực hơn. Chúng ta sẽ bàn kỹ hơn về điều này ở phần sau.

 Học cách tìm ra những khía cạnh tích cực trong mọi hoàn cảnh, trải nghiệm.

Hãy tự hỏi bạn ba điều sau: Mình học được điều gì từ chuyện này? Làm thế nào để biến nó thành lợi thế? Làm thế nào để cải thiện bản thân từ chuyện này? Chỉ cần bạn có khuynh hướng tạo ra điều tích cực thì điều tích cực ấy tự nhiên sẽ xảy ra. Như đã nói ở chương 7, chúng ta không nên nghĩ quá nhiều đến kết quả sự việc, không nên nghĩ mọi việc phải “nên” thế này thế kia. Có như vậy, chúng ta mới mở rộng tầm nhìn để nhìn thấy những khả năng khác nhau khi xem xét sự việc.

Kiên nhẫn với bản thân. ĐỪNG TRỐN TRÁNH, HÃY SẴN SÀNG ĐÓN NHẬN MỖI KHI GẶP KHÓ KHĂN. Đây là một trong những khái niệm nghe có vẻ dễ nhưng lại đòi hỏi bạn phải hết sức chăm chỉ thực hành. Khi gặp chuyện buồn, chúng ta rất dễ nản lòng và cho là mình bất hạnh. Hãy tin rằng rồi bạn sẽ phát chán vì cứ phải buồn rầu, đau khổ mãi, và rằng bạn sẽ tìm thấy lối thoát khỏi vũng lầy. Hầu hết chúng ta đều sẽ làm được. Thái độ sẵn sàng đón nhận giúp bạn tìm thấy con đường đó nhanh hơn, nhờ đó chất lượng cuộc sống được nâng cao hơn.

Một mẹo nhỏ khác cũng rất hữu ích là hãy tìm thấy niềm vui ngay trong những việc nhỏ nhặt hàng ngày. Mặc dù chẳng liên quan gì đến nỗi sợ trong cuộc sống, nhưng nhờ vậy, bạn sẽ quen dần với quá trình thực hành. Ví dụ, khi bạn ngồi trong xe và phát cáu vì nạn kẹt xe, một dòng chữ nhỏ trên bảng đồng hồ SẴN SÀNG ĐÓN NHẬN sẽ nhắc bạn nhận ra mình đang trốn tránh. Một khi ý thức được điều đó, bạn sẽ có thể gật đầu, thả lỏng cơ thể và tìm thấy điều thú vị ngay trong sự việc đó. Bạn có thể tận dụng thời gian rảnh rỗi này để nghe những chương trình giúp truyền cảm hứng trên radio hoặc trong các thể loại sách nói mà bạn chưa có thời gian đọc. Hoặc bạn cũng có thể cảm thấy biết ơn vì nhờ vậy mà được thư thả trong chốc lát. Vậy nên bạn hãy ngồi im và tận hưởng trải nghiệm ấy.

Còn nếu bạn lo lắng vì có ai đó đang đợi mình, hãy nhớ rằng bạn không thể làm gì hơn trong tình huống này, do vậy hãy cứ thư giãn đi. Đó là một cơ hội tuyệt vời để bạn rút kinh nghiệm lần sau phải trừ hao thêm thời gian để phòng những chuyện ngoài ý muốn như vậy.

Còn nếu bạn đang là người phải chờ đợi và lầm bầm: “Anh ta lại trễ hẹn!”, thì hãy gắng xem đó là dịp để bạn ngắm dòng người qua lại hoặc ngẫm nghĩ những việc đã làm trong ngày. Tôi là một trong số những người thích chờ đợi. Bởi chờ đợi cho tôi một cơ hội hiếm hoi để không làm gì cả mà vẫn không cảm thấy có lỗi!

Cuộc sống luôn trải qua trước mắt bạn rất nhiều cơ hội để thực hành thói quen đón nhận. Trẻ nhỏ làm đổ sữa ra sàn nhà; cô thư ký làm mất tờ giấy bạn đã đọc cho cô ấy viết; người thợ giặt làm hỏng bộ vest của bạn… Mỗi khi thấy mình đang kháng cự lại sự việc đang xảy ra, hãy nhớ đến câu SẴN SÀNG ĐÓN NHẬN. Bạn sẽ thấy cuộc sống đong đầy niềm vui. Mọi mối quan hệ trên thế giới này đều sẽ được cải thiện đáng kể.

Một khi đã áp dụng thuần thục khái niệm trên trong đời sống hàng ngày tức là bạn đã sẵn sàng giải quyết những vấn đề nghiêm trọng hơn xảy đến với mình. Bạn sẽ thấy mức độ sợ hãi của mình giảm dần, thay vào đó bạn ngày càng tự tin hơn vào khả năng giải quyết vấn đề. Khi nhận ra tiềm năng tích cực trong những điều không thể, bạn sẽ thấy rằng thế giới này đang vận hành một cách hoàn hảo. Bạn sẽ tìm thấy lý do và mục đích trong mọi thứ, chỉ cần bạn chịu mở rộng tâm trí để nhìn thấy chúng.

Lúc đó, thời điểm duy nhất mà bạn sợ hãi chính là khi bạn trốn tránh và kháng cự lại cuộc sống. Hẳn bạn đã từng nghe đến câu “Xuôi theo dòng nước”. Câu này hàm ý khuyên chúng ta nên chấp nhận một cách có ý thức những gì đang xảy ra trong cuộc đời. Tôi đã từng nghe nói bí quyết của cuộc đời nằm ở chỗ không phải là bạn làm thế nào để thoát ra khỏi dòng chảy, mà là làm thế nào để hòa vào dòng chảy đó. Hoặc như nhà văn – chuyên gia trị liệu Barry Stevens từng đề tựa trong tác phẩm của “Don’t Push The River” (Đừng xô dòng nước). Hãy cứ để nước trôi. Hãy thôi tranh đấu với cuộc đời. Hãy để dòng đời mang bạn đến với những cuộc phiêu lưu mới thông qua những gì bạn trải nghiệm trong cuộc sống. Bằng cách đó, và chỉ có như thế, bạn mới không thể thất bại.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. CHẤM DỨT NỖI SỢ HÃI
  2. BÀI HỌC QUAN TRỌNG VỀ LÒNG KHOAN DUNG
  3. HIỂU ĐÚNG VỀ TỰ CHỊU TRÁCH NHIỆM VỀ CUỘC ĐỜI MÌNH

Bài viết khác của tác giả

  1. YÊU NGHĨA LÀ CÓ THỂ CHO ĐI
  2. TƯ DUY TÍCH CỰC CHO NGƯỜI MỚI BẮT ĐẦU
  3. XUYÊN QUA NỖI SỢ

Bài viết mới

  1. MỘT CÁI NHÌN RÕ RÀNG VỀ CHÍNH MÌNH: NHỮNG ĐỐI TRỊ VỚI SỰ KIÊU MẠN
  2. NGƯỜI NÀO PHÔ TRƯƠNG, KẺ ĐÓ TỰ TI
  3. NHỮNG NGUYÊN TẮC HÀNG ĐẦU ĐỂ DUY TRÌ NIỀM ĐAM MÊ