CHẤM DỨT NỖI SỢ HÃI

JIDDU KRISHNAMURTI

Trích: Tự do vượt trên sự hiểu biết

Nguyên tác: Freedom from the known

Tác giả: J. Krishnamurti

Việt dịch: Hoàng Huấn

NXB Hồng Đức, Công ty Văn hóa sáng tạo Trí Việt – First News, 2018

Tự do vượt trên sự hiểu biết - chấm dứt nỗi sợ hãi

Thẳng thắn mà nói, mối quan tâm lớn nhất của bạn trong cuộc sống là gì? Bạn chăm lo cho sự phát triển, công việc, gia đình, không gian sống, địa vị, danh tiếng… của mình, bạn quan tâm nhiều nhất đến bản thân; dù vậy, do ý thức hệ hoặc truyền thống, chúng ta thường không dám thừa nhận việc đó, cho rằng nó sai trái và đáng xấu hổ. Thật không thỏa đáng vì kết luận trên chỉ là ý niệm, sự thật là người ta từ khi chào đời đã luôn quan tâm đến chính mình.

Nếu bạn hài lòng khi nghĩ đến người khác hơn là chỉ biết mỗi mình, thì thực chất, bạn cũng chỉ vì mình – nhờ giúp đỡ người khác nên bạn cảm thấy thỏa mãn, thế nên sao phải văn vẻ, hãy cứ thừa nhận rằng mình muốn được thỏa mãn. Mọi hình thức thỏa mãn – trong tình dục, việc thiện, tu luyện, nghiên cứu khoa học, tìm đến tự do, phát triển bản thân…– đều như nhau, chúng mang lại sự thỏa mãn kỳ diệu mà ta hằng tìm kiếm.

Hầu hết chúng ta khao khát có được địa vị xã hội, chúng ta sợ mình không thể trở thành ông này, bà nọ. Xã hội đã hình thành quan niệm rằng người có địa vị cao thì được kính trọng, trái lại, những ai thấp cổ bé họng thì bị đối xử tệ bạc; thế nên ai cũng muốn giành vị thế để được người khác nể trọng, trong xã hội, gia đình hoặc về mặt tinh thần. Chúng ta luôn sống theo lề thói xã hội, nội tâm ta bị cuốn vào vòng xoáy của khổ não và bất hòa, vậy nên việc được đánh giá cao sẽ mang đến sự thỏa mãn. Sự khao khát địa vị, uy thế, quyền lực, sự công nhận của xã hội chính là mơ ước vượt lên trên đám đông để chiếm ưu thế, là một biểu hiện của sự hung hãn. Một vị thánh tìm kiếm thanh thế cho sự thánh thiện của mình thì cũng hung bạo chẳng kém gì chú gà đang tranh mổ thóc. Đâu là nguồn cơn của sự bạo lực này, phải chăng là nỗi sợ hãi?

Sợ hãi là một trong những vấn đề lớn của cuộc sống, tâm thức sống trong sợ hãi và xung đột trở nên méo mó, hung hãn và bạo lực. Nó mang theo lối mòn tư tưởng và tạo mầm mống cho thói đạo đức giả. Chừng nào chưa thôi khiếp sợ, dù có chinh phục những ngọn núi cao và cầu viện thánh thần các phương,  chúng ta vẫn vướng kẹt trong sự vô minh, tăm tối. Việc sống trong xã hội bon chen, suy đồi đạo đức với nền giáo dục chú trọng quá mức vào sự cạnh tranh khiến cuộc đời chúng ta tệ hại, méo mó, u ám và đầy sợ hãi. Có những nỗi sợ mang tính bản năng – phản ứng tự nhiên kế thừa từ động vật – bên cạnh đó là những nỗi sợ tâm lý mà chỉ khi nắm rõ căn nguyên của nó, chúng ta mới có thể đương đầu với nỗi sợ bản năng. Ngược lại, nếu chỉ lo giải quyết nỗi sợ thể lý trước thì chúng ta chẳng bao giờ hiểu về nỗi sợ tâm lý.

Tất cả chúng ta đều sợ điều gì đó. Không có nỗi sợ hãi nào là trừu tượng, nó luôn liên hệ trực tiếp đến cuộc sống. Từ nỗi sợ thất nghiệp, túng thiếu lương thực và tiền bạc, hàng xóm hoặc đám đông dị nghị, thất bại, mất đi địa vị xã hội, khiến người khác thất vọng, bị coi thường, giễu cợt, đau đớn, buồn chán, bệnh tật, thất tình, mất vợ mất con, cái chết hoặc sống mà như chết… Điều gì khiến bạn sợ hãi, khi đó, bạn có né tránh hay viện lý do để lấp liếm? Dù bạn trốn chạy dưới hình thức nào thì nỗi sợ hãi sẽ chỉ càng gia tăng; một trong những căn nguyên của âu lo là sự né tránh, vậy chúng ta phải xem xét kỹ càng về chính các cách thức đào thoát của mình. Nếu tâm thức – bao gồm não bộ – cố gắng vượt qua nỗi sợ bằng cách đàn áp, chế ngự, điều khiển, diễn dịch nó khác đi thì sẽ nảy sinh va chạm, xung đột khiến sức lực tiêu hao.

Tự do vượt trên sự hiểu biết - chấm dứt nỗi sợ hãi

Vậy nỗi sợ là gì và đến từ đâu, Chúng ta muốn thể hiện điều gì khi nói mình “sợ”? Tôi đang tự vấn về nỗi sợ, không phải về việc tôi sợ những gì. Chúng ta đều có lối sống, tư duy, niềm tin riêng – những khuôn mẫu, thói quen ăn sâu mà ta không muốn làm xáo trộn. Nếu rơi vào tình huống phải từ bỏ mọi điều mình đã biết và tin tưởng, chúng ta muốn được đảm bảo về những điều sắp diễn ra. Các tế bào não đã tạo ra khuôn mẫu riêng, đồng thời khước từ các khuôn mẫu không chắc chắn khác. Sự chuyển dịch từ tình trạng chắc chắn đến mông lung là điều gây sợ hãi.

Vào khoảnh khắc mà tôi đang ngồi đây, tôi không sợ hãi – trong hiện tại chẳng có gì xảy ra với tôi, không ai đe dọa hoặc cướp đoạt gì của tôi. Nhưng vượt khỏi khoảnh khắc hiện tại đó, còn một phần ẩn tàng trong tâm trí đang nghiền ngẫm với ý thức hoặc trong vô thức, về những điều có thể xảy ra trong tương lai hoặc chuyện không hay trong quá khứ sẽ lặp lại. Vậy tôi sợ cả quá khứ và tương lai. Khi thời gian được phân chia thành quá khứ và tương lai, suy nghĩ khởi lên để nhắc nhở bạn: “Hãy lưu ý để chuyện đó không xảy ra lần nữa!”, hoặc “Hãy chuẩn bị tốt cho tương lai, bạn có thể gặp nguy hiểm. Hiện tại, bạn vừa đạt được thứ gì đó nhưng cũng có thể sẽ vuột mất nó. Bạn có thể mất mạng ngày mai, vợ bạn có thể bỏ đi, bạn có thể mất việc làm. Phải làm sao nếu lỡ như bạn mãi vô danh, luôn lẻ loi trơ trọi cô đơn. Bạn phải làm sao để ngày mai của mình thật vững chắc nhé”.

Bây giờ hãy xem xét một nỗi sợ hãi cụ thể của bạn, liệu bạn có thể nhìn vào nó, không trốn tránh, bào chữa, chỉ trích hoặc đè nén? Bạn có thể nhìn vào nó mà không kèm theo ngôn từ liên quan đến nỗi sợ không – Chẳng hạn như liệu bạn có thể đối diện với tử thần mà không thêm vào đó ngôn từ chết chóc? Từ ngữ khiến bạn bàng hoàng, phải vậy không, đến từ “yêu” cũng có những rung động, mộng tưởng của riêng nó. Những hình ảnh trong tâm tưởng, những ký ức về cái chết và sự liên tưởng đến chính mình đã gây ra nỗi sợ hãi trong bạn; Bạn có thật sự sợ sự kết liễu hơn là sợ cái hình ảnh liên tưởng đến sự kết liễu?

Nếu như hai năm trước bạn ngã bệnh rồi khỏe lại, thì trong hiện tại, kí ức về cơn đau bệnh đó vẫn còn ở lại. ký ức và sự liên tưởng dẫn đến nỗi sợ hãi vô căn cứ bởi bạn vẫn rất khỏe mạnh. Suy nghĩ luôn cũ kỹ vì nó là sự hồi đáp của ký ức cũ – suy nghĩ tạo ra cảm giác như thể bạn đang sợ, đó không phải là sự việc xác thực. Bạn khỏe mạnh, nhưng trải nghiệm đọng lại trong tâm tưởng dưới dạng ký ức, làm khởi lên suy nghĩ: “Cẩn thận nhé, kẻo lại mắc bệnh”.

Do đó, chúng ta thấy rằng suy nghĩ dẫn đến nỗi sợ vô lý, nhưng có phải sợ hãi luôn là hệ quả của suy nghĩ? Chúng ta sợ chết – Đó là chuyện sẽ xảy ra vào ngày mai hoặc ngày mốt, trong dòng thời gian. Có một khoảng cách giữa thực tại và tương lai. Giờ đây suy nghĩ vừa trải qua trạng thái này, khi quan sát cái chết, nó nói: “Tôi sắp chết!”. Suy nghĩ gây ra nỗi sợ hãi về cái chết, nếu không thì liệu có bất cứ nỗi sợ nào không? Nếu sợ hãi là hệ quả của suy nghĩ, thì suy nghĩ và nỗi sợ hãi đều cũ kỹ. Nếu chúng ta nhận ra một suy nghĩ, nó đã cũ rồi; vì vậy, điều chúng ta sợ là sự lặp lại của cái cũ –  suy nghĩ về cái đã và đang xảy ra, được phóng chiếu trong tương lai. Do đó, suy nghĩ chịu trách nhiệm về nỗi sợ hãi. Khi bạn chạm trán tức thời với cái gì đó, không có nỗi sợ, chính vì suy nghĩ khởi lên mới dẫn đến sợ hãi.

Liệu chúng ta có thể sống một cách đầy đủ, trọn vẹn trong hiện tại? Khi đó, ta không sợ hãi. Có thể chứ, nếu bạn hiểu rõ cơ cấu cửa tư duy, ký ức và thời gian – không phải bằng trí tuệ hay lời nói, mà thấu hiểu với trọn trái tim, tâm thức, tấm lòng – bạn sẽ được tự do khỏi nỗi sợ hãi. Lúc đó, tâm trí suy nghĩ mà không gây sợ hãi.

Suy nghĩ, cũng như ký ức, là cần thiết cho cuộc sống hàng ngày. Nó là phương tiện chúng ta cần để giao tiếp, làm việc, liên lạc,… Suy nghĩ là sự hồi đáp đối với ký ức –  được tích lũy thông qua kinh nghiệm, kiến thức, truyền thống và thời gian. Từ bối cảnh của ký ức, chúng ta có phản ứng và phản ứng này là tư duy. Vì vậy, suy nghĩ là cần thiết ở mức độ nào đó, nhưng khi suy nghĩ tự phóng chiếu nó thành tương lai và quá khứ trong nội tâm, dẫn đến sợ hãi hay lạc thú, thì tâm trí u mê và trở nên trì trệ, mụ mẫm.

“Tại sao chúng ta hay nghĩ đến tương lai hoặc quá khứ, về khoái lạc và đau khổ, dù rằng suy nghĩ đó gây sợ hãi? Chúng ta không thể nào ngừng suy nghĩ về mặt tâm lý hay sao, nếu không thì sợ hãi sẽ không bao giờ chấm dứt”. Hầu hết chúng ta muốn tâm trí luôn bận rộn, đầy ắp suy nghĩ để tránh nhìn vào con người thật của mình, chúng ta không dám đối diện với nỗi sợ hãi trong mình.

Về mặt ý thức, bạn có thể nhận ra nỗi sợ hãi, nhưng bạn có biết về nỗi sợ bí mật, ẩn khuất trong những tầng sâu hơn của tâm thức không? Có phải sợ hãi được chia thành nỗi sợ có ý thức và nỗi sợ vô thức? Cho đến nay, các chuyên gia, nhà tâm lý học, nhà phân tích đã chia nỗi sợ hãi thành nhóm thuộc những lớp trên bề mặt và nhóm thuộc những lớp ẩn tàng, nhưng nếu bạn nghe theo những nhà tâm lý học, hoặc tôi, thì bạn đang hiểu các lý thuyết, giáo điều và kiến thức của chúng ta, chứ không hiểu chính mình. Bạn không thể hiểu chính mình dựa theo Freud, Jung(*) hay tôi. Lý thuyết của người khác chẳng hề quan trọng, bạn phải đặt câu hỏi cho chính mình, có phải sợ hãi được phân nhóm như trên, hay chỉ tồn tại duy nhất một nỗi sợ hãi được diễn dịch thành nhiều dạng khác nhau? Trên thực tế, cũng chỉ có một ham muốn, trong đó bạn là người ham muốn, đối tượng khao khát thay đổi, song, ham muốn là bất biến. Có lẽ nỗi sợ hãi cũng tương tự như vậy – Bạn có nhiều đối tượng sợ hãi nhưng chỉ tồn tại duy nhất một nỗi sợ hãi.

Khi nhận ra rằng nỗi sợ hãi không thể bị phân ly thành phần thuộc về ý thức và tiềm thức, bạn sẽ thấy mình vừa giải quyết xong toàn bộ vấn đề và vì vậy, bạn không cần đến các nhà tâm lý học và phân tích. Khi bạn hiểu rằng nỗi sợ hãi là một hoạt động đơn lẻ, biểu hiện ra dưới nhiều hình thức khác nhau, thì làm thế nào để nhìn vào nỗi sợ một cách toàn vẹn? Làm thế nào tâm trí, vốn suy nghĩ trong từng phân đoạn, có được cái nhìn toàn cảnh? Chúng ta sống một cuộc đời bị gián đoạn và chỉ có thể nhìn vào toàn bộ nỗi sợ hãi đó với tiến trình tư duy rời rạc, phân tán. Mục đích chung của cơ chế tư duy là để phân tách mọi thứ – tôi thương bạn, tôi ghét bạn; kẻ thù của tôi, người thân của tôi; phong cách riêng, khuynh hướng chung; việc làm, địa vị, uy thế, vợ chồng, con cái; nước nhà, nước bạn; Thượng đế của tôi, Thượng đế của bạn – tất cả đều là sự phân tán của tư tưởng. Nếu suy nghĩ rời rạc này nhìn vào, hoặc cố gắng để nhìn vào, nỗi sợ như những mảnh vụn vặt, điều đó che lấp đi cái nhìn của tâm thức vào tổng thể nỗi sợ hãi. Nếu bạn không thể quan sát nỗi sợ hãi mà không đi đến kết luận, hoặc can thiệp vào nó với kiến thức đã tích lũy được, thì cái bạn đang quan sát là quá khứ, không phải nỗi sợ.

Tự do vượt trên sự hiểu biết - chấm dứt nỗi sợ hãi

Hãy quan sát và lắng nghe khi tâm trí tĩnh lặng, không huyên thuyên về những khó khăn và lo âu của chính nó. Bạn cần quan sát nỗi sợ hãi mà không cố gắng giải quyết nó hay mang vào nó tư duy trái ngược –  thật sự nhìn và đừng cố gắng trốn chạy bằng cách kiểm soát hoặc phân tích nó.

Bạn có thể quan sát đám mây, cột cây hoặc dòng sông với một tâm thức bình thản vì chúng không quan trọng đối với bạn, quan sát chính mình thì khó khăn hơn nhiều bởi các yêu cầu thiết thục đòi hỏi phản ứng nhanh chóng. Khi đối diện với cảm giác sợ hãi, tuyệt vọng, cô đơn, ganh ghét,… liệu bạn có thể quan sát nó một cách thấu đáo, đến khi tâm trí đủ tĩnh lặng? Có lẽ tâm thức trong trạng thái đó sẽ hiểu được toàn bộ nỗi sợ hãi thay vì những điều bạn đang sợ. Nếu chỉ nhìn thuần túy vào các đối tượng sợ hãi hoặc cố gắng chế ngự từng cơn khiếp sợ, bạn sẽ không bao giờ chạm đến vấn đề cốt lõi – sống với nỗi sợ hãi.

Để hòa hợp cùng nỗi sợ sống động, tâm thức và trái tim ta phải vô cùng tinh tế, không bao giờ phán xét, luôn dõi theo từng động thái của sợ hãi. Khi đó, bạn có thể hiểu về toàn bộ bản chất của nỗi sợ chỉ trong phút giây. Thực thể nào đang sống trọn vẹn, quan sát và theo dõi mọi hành vi, nhận thức được bản chất của nỗi sợ? Phải chăng là người quan sát –  bất động và luôn mang theo mình thật nhiều kiến thức và thông tin? Người đó thuộc về quá khứ hay thực tại? Hãy nhìn lại mình xem bạn bất động hay sống động, vì cả hai trạng thái ấy đều tồn tại trong người quan sát.

Người quan sát đóng vai trò kiểm duyệt toàn bộ trải nghiệm để trở nên tách biệt khỏi nỗi sợ hãi. Đó là một cuộc tranh đấu bất tận và lao tâm khổ tứ để vượt qua hoặc trốn chạy khỏi nỗi sợ. Khi quan sát, bạn biết rằng người quan sát thuần túy là một tập hợp của các ý niệm và ký ức, không theo quy tắc hợp lý hoặc dựa trên cơ sở vật chất nào; trong khi đó, nỗi sợ là thực tại, bạn không thể cố hiểu thực tại theo hướng trừu tượng. Trên thực tế, có phải người quan sát luôn cho rằng “Tôi đang sợ”, tức là tôi –  người quan sát, tách biệt với nỗi sợ – cái được quan sát? Khi nhận ra người quan sát chính là nỗi sợ, không còn nỗ lực trong vô vọng nhằm tống khứ nỗi sợ hãi, khoảng cách không gian –  thời gian giữa người quan sát và cái được quan sát biến mất. Bạn là một phần của nỗi sợ hãi, không thể tách rời khỏi nó hay gây ảnh hưởng đến nó, vậy, nỗi sợ hãi là hoàn toàn chấm dứt.

—– ??? —–

Jiddu Krishnamurti (1895 – 1986) là một triết gia và nhà diễn thuyết nổi tiếng về các vấn đề triết học và tinh thần, các chủ đề bao gồm: mục đích của thiền định, mối quan hệ giữa con người và phương cách để tạo nên sự thay đổi tích cực cho xã hội.

Được sinh ra trong một gia đình thuộc tầng lớp Brahmin tại Ấn Độ, nhưng Krishnamurti khẳng định rằng mình không thuộc bất cứ quốc tịch, tầng lớp, tôn giáo hay trường phái triết học nào. Ông dành suốt quãng đời còn lại của mình đi khắp thế giới như một nhà diễn thuyết độc lập.

Krishnamurti không lệ thuộc vào bất kỳ tôn giáo, giáo phái hay quốc gia nào. Ông cũng không tán thành bất kỳ trường phái tư tưởng thuộc học thuyết hay chính trị nào. Trái lại, ông quả quyết rằng những trường phái này chính là yếu tố phân chia con người với con người và tạo ra xung đột, cũng như chiến tranh. Lời dạy của ông vượt trên mọi biên giới, ranh giới do con người tạo ra.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. CHỈ CẦN GẬT ĐẦU VÀ NÓI “SẴN SÀNG ĐÓN NHẬN”
  2. HIỂU ĐÚNG VỀ TỰ CHỊU TRÁCH NHIỆM VỀ CUỘC ĐỜI MÌNH
  3. VÌ SAO CÓ NỖI KHIẾP SỢ THỰC TẠI TỐI HẬU?

Bài viết khác của tác giả

  1. TÔI KHÔNG BIẾT
  2. BÀI CA VỀ CÁI THÂN YÊU
  3. TÌNH YÊU LÀ THỰC TẠI

Bài viết mới

  1. THỰC HÀNH BỒ ĐỀ TÂM
  2. LÒNG TỰ TRỌNG
  3. LÀM THẾ NÀO ĐỂ PHÁT KHỞI LÒNG SÙNG MỘ