NỮ GIÁO SƯ ĐÓNG GÓP 1 TỶ USD ĐỂ SINH VIÊN Y KHOA ĐƯỢC HỌC MIỄN PHÍ

SƯU TẦM

Nguồn: Báo Thanh Niên, 9/3/2024

Bà Ruth Gottesman, cựu giáo sư Trường Y khoa Albert Einstein tại Bronx (Mỹ), đã làm nên lịch sử khi quyên góp 1 tỉ USD để đảm bảo từ nay, không sinh viên nào ở trường phải đóng học phí.

Bà Ruth Gottesman, chủ nhân khoản quyên góp 1 tỉ USD cho Trường Y khoa Albert Einstein, Anhr: báo Thanh Niên

Bà Ruth Gottesman, 93 tuổi, đã quyên góp 1 tỉ USD cho Trường Y khoa Albert Einstein, nơi tiếp nhận hơn 100 tân sinh viên mỗi năm, với tâm nguyện nhà trường sẽ dùng món quà này để trang trải học phí cho tất cả sinh viên trong tương lai. “Món quà lịch sử”, theo thông cáo của nhà trường hôm 26.2, là một trong những khoản quyên góp lớn nhất cho một tổ chức giáo dục ở Mỹ và cũng là lớn nhất cho một trường y khoa.

Tờ New York Times nói thêm, khối tài sản quyên góp đến từ người chồng quá cố của bà Gottesman, ông David Gottesman – người được mệnh danh là học trò của tỉ phú Warren Buffett và đã đầu tư sớm vào tập đoàn mà ông Buffett xây dựng. Khoản quyên góp này gây chú ý không chỉ vì giá trị lớn mà còn do nó được trao cho một trường y khoa ở quận Bronx nghèo nhất TP.New York, nơi có tỷ lệ trẻ sơ sinh tử vong cao.

Miễn học phí vĩnh viễn
Y khoa là ngành học đắt đỏ tại Mỹ. Tại Trường Y khoa Albert Einstein, học phí mỗi năm gần 60.000 USD và gần 50% sinh viên của trường phải gánh khoản nợ hơn 200.000 USD (4,9 tỉ đồng) sau khi tốt nghiệp. Vì thế, tiến sĩ Gottesman hy vọng khoản quyên góp sẽ giúp giải tỏa áp lực cho các bác sĩ mới vào nghề, cũng như tạo cơ hội cho những trường hợp có điều kiện kinh tế khó khăn được theo học ngành y.

Theo Trường Y khoa Albert Einstein, với khoản quyên góp 1 tỉ USD, tất cả sinh viên hiện theo học năm 4 sẽ được hoàn trả học phí của kỳ mùa xuân 2024. Và từ tháng 8.2024, tất cả sinh viên tại trường sẽ được miễn học phí. Quyết định này có hiệu lực vĩnh viễn, theo tiến sĩ Philip Ozuah, Chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Montefiore Einstein, tổ chức bảo trợ của Trường Y khoa Albert Einstein và Hệ thống y tế Montefiore.

Giáo sư nhi khoa Ruth Gottesman đã có 55 năm gắn bó với Trường Y khoa Albert Einstein, hiện là Chủ tịch hội đồng quản trị nhà trường. Năm 1968, bà gia nhập Trung tâm Đánh giá và phục hồi trẻ em. Thời điểm đó, bà Gottesman đã phát triển các phương pháp sàng lọc, đánh giá và điều trị được sử dụng rộng rãi, giúp ích cho hàng chục nghìn trẻ em.

Giáo sư Mỹ tặng trường 1 tỉ USD để sinh viên y khoa đi học miễn phí- Ảnh 2.

Sinh viên vỡ òa trước quyết định của giáo sư Ruth Gottesman

Năm 1992, bà triển khai chương trình xóa mù chữ cho người lớn đầu tiên tại Mỹ, hiện vẫn đang hoạt động. Đến năm 1998, nữ giáo sư được bổ nhiệm làm Giám đốc sáng lập của Trung tâm Điều trị khuyết tật học tập (learning disability) Emily Fisher Landau. Bà Gottesman nhận bằng cử nhân tại ĐH Barnard, bằng thạc sĩ và tiến sĩ từ Trường Sư phạm, ĐH Columbia, tất cả đều tại Mỹ.

Câu chuyện cảm động

Đằng sau quyết định quyên góp 1 tỉ USD của bà Ruth Gottesman là một câu chuyện ý nghĩa về tình bạn và tình yêu. Đầu năm 2020, bà Gottesman và ông Ozuah có dịp ngồi cạnh nhau trên chuyến bay đi West Palm Beach, Florida. Đây là lần đầu cả hai dành hàng giờ cùng nhau, kể về thời thơ ấu và những điểm chung. Cả hai đều có bằng tiến sĩ giáo dục, đều dành cả cuộc đời để giúp đỡ trẻ em và các gia đình gặp khó khăn.

Trong vài tuần tiếp theo, virus corona đã khiến thế giới ngừng hoạt động. Chồng của bà Gottesman mắc Covid-19 chủng mới, còn bà Gottesman bị bệnh nhẹ. Tiến sĩ Ozuah đã gửi xe cấp cứu đến gia đình Gottesman ở TP.New York để đưa họ đến Montefiore, bệnh viện lớn nhất quận Bronx, và ghé thăm hai vợ chồng mỗi ngày trong những tuần tiếp theo. “Đó là cách chúng tôi trở thành bạn bè”, ông Ozuah nói.

Khoảng 3 năm trước, ông Ozuah đề nghị bà Gottesman làm người đứng đầu hội đồng quản trị của trường. Bà rất ngạc nhiên vì khi ấy tuổi đã cao. Cử chỉ này khiến bà nhớ đến câu chuyện ngụ ngôn về sư tử và chuột. Trong câu chuyện đó, khi sư tử tha mạng cho chuột, chuột đã nói rằng: “Có thể một ngày nào đó tôi sẽ giúp ích cho anh”. Sau khi nghe thấy lời này, sư tử đã cười ngạo nghễ. “Nhưng Phil thì không”, bà mỉm cười.

Chồng của tiến sĩ Gottesman qua đời vào năm 2022, ở tuổi 96. “Ông ấy đã để lại cho tôi toàn bộ danh mục đầu tư cổ phiếu Berkshire Hathaway mà tôi không hề hay biết”, bà nhớ lại. Với lời hướng dẫn rất đơn giản: “Hãy làm bất cứ điều gì em cho là đúng với nó”, thời gian đầu, bà đã không hề nghĩ đến điều gì vì số tiền quá choáng ngợp. Nhưng các con của bà đã động viên bà đừng đợi quá lâu.

Giáo sư Mỹ tặng trường 1 tỉ USD để sinh viên y khoa đi học miễn phí- Ảnh 3.

Sinh viên tốt nghiệp chụp kỷ niệm trong khuôn viên Trường Y khoa Albert Einstein

ALBERT EINSTEIN COLLEGE OF MEDICINE

Khi thực sự tập trung vào di chúc, bà Gottesman lập tức nhận ra mình muốn làm gì. Suốt nhiều năm, nữ giáo sư đã phỏng vấn hàng chục sinh viên y khoa tại trường, biết được những nỗi lo và các khoản nợ mà học trò đang phải gánh trên lưng. “Tôi muốn tài trợ cho sinh viên tại Einstein để các em được đi học miễn phí”, bà nói. Có đủ tiền để làm điều đó vĩnh viễn, bà Gottesman nói thêm.

Tiến sĩ Gottesman đến thăm tiến sĩ Ozuah vào tháng 12.2023 để nói với vị chủ tịch rằng bà sẽ tặng một món quà lớn. Bà nhắc lại với ông về câu chuyện sư tử và chuột, và giải thích đây chính là khoảnh khắc của chú chuột.

“Nếu ai đó nói, ‘Tôi sẽ tặng anh một món quà mang tính đổi thay cho trường y’, anh sẽ làm gì?”, bà Gottesman hỏi.

Có lẽ có 3 điều, tiến sĩ Ozuah nói.

“Một”, ông Ozuah bắt đầu liệt kê, “là có thể giúp sinh viên được hưởng nền giáo dục miễn phí…”.

“Đó là điều tôi muốn làm”, bà nói. Và ông Ozuah chưa bao giờ đề cập đến 2 điều khác.

Tiến sĩ Gottesman đôi khi tự hỏi người chồng quá cố sẽ nghĩ gì về quyết định của bà. “Tôi hy vọng ông ấy mỉm cười và không cau mày”, bà cười khúc khích nói. “Nhưng ông ấy đã cho tôi cơ hội để làm điều này, và tôi nghĩ ông ấy sẽ hạnh phúc”.

Tiến sĩ Gottesman không muốn gắn tên bà vào số tiền quyên góp. “Không ai cần biết,” tiến sĩ Ozuah nhớ lại câu nói lúc đầu của bà. Nhưng ông Ozuah nhấn mạnh rằng người khác có thể được truyền cảm hứng từ cuộc sống của bà. “Đây là người hoàn toàn cống hiến vì lợi ích của người khác mà không muốn được ca ngợi hay công nhận”, ông Ozuah nói.

Tiến sĩ Ozuah lưu ý rằng chi phí hiện tại để gắn tên vào trường y hoặc bệnh viện có lẽ chỉ bằng 1/5 số tiền quyên góp của tiến sĩ Gottesman. Trường Y khoa Cornell và Bệnh viện New York hiện bao gồm họ của Sanford Weill, cựu Giám đốc điều hành Citigroup. Trung tâm y tế của ĐH New York được đổi tên theo Ken Langone, đồng sáng lập Home Depot. Cả hai đều quyên góp hàng trăm triệu USD.

Nhưng điều kiện của của tiến sĩ Gottesman khi quyên góp là Trường Y khoa Albert Einstein không được đổi tên. Albert Einstein, nhà vật lý đã phát triển thuyết tương đối, đồng ý đặt tên ông cho ngôi trường được khánh thành vào năm 1955 này. Bà nhấn mạnh, tên của trường không thể bị vượt qua. “Chúng ta có cái tên chết tiệt này. Chúng ta có Albert Einstein”.

Ngọc Long – Báo Thanh Niên

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. SỨC MẠNH CỦA NHÂN LÀNH – SỨC MẠNH CỦA THIỆN PHÁP – SỨC MẠNH CỦA BỐ THÍ
  2. CON CHỒN CỦA HÒA THƯỢNG HƯ VÂN
  3. 5 CÁCH NUÔI DƯỠNG TÌNH YÊU THIÊN NHIÊN Ở CON TRẺ

Bài viết mới

  1. LÒNG TỪ ÁI
  2. NĂM NGUỒN LỰC THÀNH CÔNG LÀ GÌ?
  3. NHÓM VÀ CÁCH LÀM VIỆC THEO NHÓM