SƯU TẦM
TK Thích Trung Lâm; Nguồn: tuvienkhanhan
Những ngày tại Đại giới đàn Trí Tịnh (2018), dưới sự hướng dẫn của Ban quản giới tử, chúng con được khép mình trong khuôn khổ Giới luật, được hướng dẫn oai nghi, sinh hoạt hằng ngày như đi, đứng, nằm, ngồi, nói năng … rất chỉnh chu.
Để trở thành một vị Tỳ kheo thì thân tâm phải khác với người thế gian. Và thực sự diễm phúc thay cho chúng con vì chúng con được Hoà thượng Trưởng ban Tổ chức đại giới đàn dành nhiều thời gian quý báu để khai thị, nhắc nhở các Tân Tỳ kheo phải lấy Giới luật làm nền tảng, chuyên lòng tu tập để tích lũy công đức.
Ngài còn khéo léo nhắc lại lời nói của Hòa thượng Trí Tịnh năm xưa “Bớt một lời nói thị phi, để thêm câu niệm Phật”. Vì tập khí của ta còn dày nên các hành động còn thô tháo, mắt hay liếc ngang liếc dọc dễ sinh tâm đắm nhiễm, phải niệm Phật để giữ Chánh niệm để hoàn thiện đạo đức, nhân cách, phẩm hạnh của một tu sĩ.
Nhiệm vụ của một vị tu sĩ thì chỉ lo tu thôi, tu là có tất cả, đừng mất nhiều thời giờ cho việc cất am, cất cốc. Một vị Tỳ kheo đúng nghĩa là trên xin giáo pháp của Đức Phật để nuôi tâm, dưới xin cơm của đàn na tín thí để nuôi thân. Đây cũng chính tạo điều kiện cho chúng sanh gieo trồng nhân phước đức. Có như vậy chúng ta mới báo đáp được bốn ân.
Đó là lời Hòa thượng muốn nhắc nhở các giới tử trước khi đăng đàn thọ giới Tỳ kheo. Ngài cũng chuyển lời tới các Ban quản giới tử phải cho các giới tử “sám hối” để nghiệp chướng tiêu trừ. Ngài lấy ví dụ: Cũng như cái bình muốn đựng đầy nước thì trước hết cái bình phải sạch sẽ sau nước mới thể dùng được. Chính vì vậy, giới tử muốn lãnh thọ giới pháp của chư Phật thì ba nghiệp phải thanh tịnh. Có thanh tịnh giới tử mới đắc giới và yếu tố tiên quyết đó là có sự chí thành tha thiết cầu giới, luôn trang nghiêm tự thân.
Nhân duyên hội đủ, giây phút thiêng liêng nhất là giây phút đăng đàn thọ giới – thọ lãnh y áo, thọ giới tỳ kheo; cái khoảnh khắc nâng ba y ngang trán, “cái An Đà Hội này, cái Uất Đa La Tăng này, cái Tăng Già Lê này, nay con xin thọ lãnh để làm ruộng phước điền, là nơi nương tựa cho chúng sanh tìm về”. Chính giây phút đó, chúng con biết rằng: Trách nhiệm và bổn phận của mình từ lúc này phải sống cao thượng hơn, phải thực tập nếp sống phạm hạnh theo tinh thần “thiểu dục tri túc” để xứng đáng với những gì mình đã được thọ lãnh giới pháp, xứng đáng làm nơi nương tựa cho mọi người.
Khi được khoác những chiếc y lên mình cũng đồng nghĩa với việc chúng con được xếp vào hàng Tăng bảo, là chúng Trung Tôn. Đã là chúng Trung Tôn thì phải xiển dương Phật pháp, làm lợi lạc quần sinh bằng cách giữ gìn hình ảnh của một vị tu sĩ thông qua bốn oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi; có chánh niệm và giữ ba nghiệp thanh tịnh. Được như vậy thì mới xứng đáng là Thích tử của Như Lai.
Chúng con cũng thiết nghĩ, thăng toà giảng pháp là xiểng dưỡng Phật pháp, là hoằng pháp lợi sinh. Nhưng trong đời sống hằng ngày sống có chánh niệm, làm biết mình đang làm, ăn biết mình đang ăn, đi biết mình đang đi, mọi hành động, cử chỉ, nói năng, suy nghĩ đều có chánh niệm thì đó cũng là giảng pháp bằng “thân giáo”. Chỉ cần gìn giữ hình ảnh một vị tăng đúng như pháp, khiến mọi người nhìn thấy phát khởi niềm tin Tam bảo là làm Đạo rồi. Niềm tin là mẹ sinh ra công đức. Để mọi người có niềm tin vào Tam bảo, mỗi vị tỳ kheo phải làm gương, sống có phạm hạnh để mọi người thấy đó mà có suy nghĩ đúng đắn về đạo Phật. Hãy trang nghiêm tự thân, tự hoàn thiện đạo đức, nhân cách, hướng tới việc làm lợi ích cho nhiều người trên tinh thần từ bi – trí tuệ đó chính là làm đạo rồi.
Để làm được điều đó, tự bản thân phải cố gắng tu, phải cố gắng hành trì ba môn Giới, Định, Tuệ, không được bung lung, phải sám hối cho nghiệp tiêu trừ, luôn an trú trong thiện pháp; được vậy ta mới xứng đáng là người đi xuất gia.
Hòa thượng Trưởng ban cũng chia sẻ trước khi đến với cửa Phật, ngài xuất phát từ niềm tin, tin Phật, tin Pháp, tin Tăng, tin nhân quả và tin mình sẽ thành Phật. Phật dùng trí tuệ để kiểm soát thân, khẩu, ý, dùng trí tuệ để biết việc nên làm, việc không nên làm. Dùng trí tuệ để hướng dẫn mọi người đi đúng đường. Biết đâu là khổ, đâu là cái vui chân thật lâu dài. Muốn có được Phật tánh thì mỗi vị Tỳ kheo phải giữ giới, phải hành thiền định thì trí tuệ mới khai sáng. Hòa thượng cũng căn dặn các giới tử đừng để thời gian nhiều cho việc ăn mặc ở, sống; vừa đủ là được rồi, sống đơn giản mà hạnh phúc. Vì bản chất của một người tu hành là không có cái gì là của mình cả. Tất cả đều là của đàn việt hiến cúng.
Thời gian thấm thoát trôi nhanh, mới ngày nào còn là điệu sư chú, giờ đây đã là một người thầy lớn; đã làm thầy thì phải có nếp sống cao thượng, xứng đáng là bậc thầy mộ phạm cho tất cả mọi người nương tu.
Hãy là một viên gạch góp phần xây dựng chung ngôi nhà chung của Phật giáo Việt Nam nói riêng và đạo Phật nói chung. Có như vậy, ta mới không phụ lòng ơn thầy tổ đã cho mình tấm thân huệ mạng này.