PHẦN LỚN NGUYÊN NHÂN CỦA CÁC CĂN BỆNH ĐẾN TỪ THÓI QUEN HƠN LÀ DI TRUYỀN

HIROMI SHINYA

Trích: Nhân Tố Enzyme, Phương Thức Sống Lành Mạnh; Việt dịch: Như Nữ; NXB. Thế Giới; Công ty CP Sách Thái Hà; 2019

Với những người bị bệnh, chắc chắn sẽ có các nguyên nhân sau: thói quen ăn uống bị xáo trộn, cách ăn uống sai lầm, hoặc thói quen sinh hoạt không điều độ. Thậm chí có trường hợp còn do tất cả các nguyên nhân trên.

Ở Mỹ, từ năm 1990, tỷ lệ mắc bệnh ung thư và số người chết vì bệnh này có xu hướng giảm. Nguyên nhân có thể do sau khi “báo cáo McGovern” được công bố tại Quốc hội Mỹ năm 1977, “hướng dẫn về chế độ ăn uống” do Chính phủ Mỹ đưa ra đã lan rộng trong xã hội Mỹ.

Tuy nhiên, điều này cũng không đồng nghĩa với việc tất cả người Mỹ đã chú ý đến “bữa ăn tốt cho sức khỏe”. Cụ thể hơn, càng là người ở tầng lớp trên trong xã hội lại càng nỗ lực cải thiện các thói quen ăn uống của bản thân. Chính vì vậy, những người có kinh tế, hay những người trong giới “thượng lưu”  đều có chế độ ăn uống rất tốt cho sức khỏe. Họ ăn nhiều rau củ quả hơn, các món dầu mỡ như bít tết ít xuất hiện trên bàn ăn hơn. Do đó, không có mấy người mắc chứng bệnh béo phì nữa. Thậm chí, ở Mỹ người ta thường hay nói những người béo phì không thể trở thành giám đốc. Quan niệm này xuất phát từ quan niệm chung trong xã hội cho rằng người không thể quản lý được sức khỏe của mình thì cũng không thể quản lý được kinh tế xã hội.

Vậy, tại sao lại tồn tại “khác biệt” trong thói quen ăn uống của giới thượng lưu và dân thường? Một nguyên nhân trong đó chính là vấn đề chi phí. Khi mua rau củ, nếu bạn chọn loại tươi ngon, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hay phân bón hóa học thì giá thành khá cao. Điều này cũng giống như ở Nhật, thực phẩm tốt thường rất đắt. Vì vậy, dù theo cùng một phương pháp tại cùng một thời điểm, nhưng người có thể thực hiện được ngay lập tức lại chỉ là người có kinh tế.

Hơn nữa theo tôi, khả năng nhận thức và khả năng tài chính tỉ lệ thuận với nhau. Dù có nắm được thông tin việc ăn uống chính là nguồn gốc của bệnh tật, nhưng để có thể lý giải ý nghĩa của thông tin một cách sâu sắc và áp dụng nó vào thói quen ăn uống thực tế hàng ngày lại cần có khả năng nhận thức tương xứng.

Kết quả là hiện tại ở Mỹ đang có xu hướng chia thành hai tầng lớp, một là người giàu có khỏe mạnh, hai là người dân thường với sức khỏe kém. Và tôi cho rằng xu hướng này ngày càng thể hiện rõ rệt. Bởi sau này, họ sẽ dần tạo thành “thói quen” từ chính cách ăn uống hiện tại.

Rất nhiều người khi đến tuổi trung niên mắc phải các bệnh giống bố mẹ mình như bệnh tiểu đường, cao huyết áp, bệnh tim mạch, ung thư… Có người cho rằng: “Bố mẹ tôi bị ung thư nên tôi cũng chẳng biết làm thế nào… Nhà tôi có tiền sử bị ung thư”. Nhưng sự thực không phải vậy. Tôi không nói là không có yếu tố di truyền gây bệnh, nhưng nguyên nhân lớn nhất chính là họ thừa hưởng những “thói quen” vốn là nguyên nhân khiến bố mẹ họ mắc bệnh.

Trong quá trình lớn lên, trẻ sẽ tiếp thu một cách vô thức các “thói quen” trong gia đình nơi các bé được nuôi dạy. Các món ăn yêu thích, phương pháp nấu nướng, chu kỳ cuộc sống, giá trị quan… tùy vào mỗi gia đình mà những điều này có thể khác nhau. Nhưng bố mẹ và con cái trong cùng một gia đình sẽ có những quan niệm rất giống nhau. Nói cách khác, con cái dễ mắc các bệnh giống bố mẹ không phải là do thừa hưởng gen di truyền gây bệnh mà do thừa hưởng các thói quen sinh hoạt là nguyên nhân gây bệnh.

Nếu các bé thừa hưởng được các thói quen tốt như chọn đồ ăn tốt, chọn đồ uống tốt, sinh hoạt điều độ, không lạm dụng thuốc… thì các bé có thể duy trì được sức khỏe tốt mà không phải chịu đau đớn bệnh tật.

Ngược lại, nếu các bé thừa hưởng các thói quen xấu như thường xuyên ăn các đồ ăn bị ô xy hóa, thậm chí còn không mua nước khoáng để uống, lạm dụng thuốc ngay khi khó chịu, sinh hoạt không điều độ… thì các bé có thể mắc các bệnh còn nặng hơn cả bố mẹ.

Như vậy, dù là “thói quen tốt” hay “thói quen xấu” đều được thế hệ sau tiếp nhận. Nếu ngay từ nhỏ, trẻ đã được bố mẹ dạy: “Uống sữa rất tốt cho cơ thể nên con phải uống mỗi ngày nhé”, bé sẽ tin và duy trì việc uống sữa. Đến khi trưởng thành, thói quen này sẽ phá hoại sức khỏe của bé.

Chính vì vậy, chúng ta phải có trách nhiệm đánh giá kỹ càng xem mình đang có thói quen gì, thói quen đó tốt hay xấu và phải truyền lại những thói quen tốt cho thế hệ sau.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. NHỮNG QUAN NIỆM PHỔ BIẾN VỀ SỨC KHỎE ĐỀU SAI LẦM

Bài viết khác của tác giả

  1. “TÌNH YÊU” GIÚP TĂNG CƯỜNG SỨC ĐỀ KHÁNG
  2. NẾU KHÔNG LẮNG NGHE CƠ THỂ THÌ KHÔNG HIỂU ĐƯỢC
  3. MỖI SINH MỆNH ĐỀU CÓ MỘT CƠ CHẾ GIÚP ĐẠT ĐẾN TUỔI THỌ TỰ NHIÊN

Bài viết mới

  1. HẠNH PHÚC VÌ BIẾT ĐỦ
  2. AI CŨNG CÓ THỂ HẠNH PHÚC NGAY TỪ GIÂY PHÚT NÀY
  3. QUAN SÁT NGÔN NGỮ CƠ THỂ