DEEPAK CHOPRA
Những ký ức được lưu giữ cũng giống như những con chip nhỏ được lập trình để duy trì việc gửi cùng một thông điệp hết lần này đến lần khác. Khi nhận thấy bạn đang phản ứng lại theo một cách cố định thì thông điệp xem như đã được gửi đi: Sẽ chẳng hay ho gì khi tìm cách thay đổi thông điệp. Tuy nhiên, đây lại chính là cách mà đại đa số áp dụng để thuần hóa tâm trí. Họ nhận một thông điệp mà mình không thích, sau đó phản ứng của họ sẽ rơi vào một trong ba dạng sau đây:
Vận động
Kiểm soát
Phủ nhận
Nếu phân tích kỹ, bạn sẽ thấy có cả ba dạng phản ứng này đều đến sau sự thật – chúng xem sự rối loạn của tâm trí là nguyên nhân gây căng thẳng thay vì một triệu chứng. Những giải pháp được đưa ra sẽ mang đến những hệ quả vô cùng tiêu cực.
Vận động là có được những gì bạn muốn bằng cách phớt lờ hoặc gây hại cho ước muốn của người khác. Những người có phản ứng dạng vận động sẽ sử dụng, sức hút, khả năng thuyết phục, lời dỗ dành, mánh khóe và sự chỉ dẫn sai lạc. Ý tưởng căn bản là: “Tôi phải đánh lừa người khác để họ trao cho tôi những thứ tôi muốn. Khi các nạn nhân mắc bẫy của họ thì những người có phản ứng dạng vận động còn tưởng tượng rằng họ đang ban ân huệ cho những nạn nhân – xét cho cùng thì ai mà không cảm thấy tốt đẹp khi giúp đỡ một người đang trong tâm trạng thoải mái cơ chứ? Bạn có thể rơi vào dạng phản ứng này khi không lắng nghe người khác, khi phớt lờ những gì họ muốn và khi bạn giả vờ rằng những ước muốn của mình không đòi hỏi bất kỳ ai phải trả giá. Ngoài ra còn có những dấu hiệu bên ngoài. Sự hiện diện của một người có phản ứng dạng vận động sẽ mang lại cảm giác căng thẳng, sự mệt mỏi, những lời than phiền và sự mâu thuẫn. Một số người còn sử dụng phương pháp vận động thụ động – họ xuất hiện với bộ dạng “tội nghiệp” để tìm kiếm sự đồng cảm và thương hại từ người khác. Hoặc họ thể hiện tâm trạng hối tiếc đau khổ với mục đích khiến người khác nghĩ rằng những gì họ muốn là hoàn toàn sai lầm. Phản ứng vận động sẽ chấm dứt khi bạn không còn giả định rằng những ước muốn của mình là quan trọng nhất nữa. Khi đó, bạn có thể tái kết nối với mọi người và bắt đầu tin rằng ước muốn của người khác cũng có thể sẽ phù hợp với ước muốn của bạn. Khi không còn phản ứng vận động thì mọi người sẽ cảm thấy rằng những gì họ muốn là rất quan trọng. Họ tin rằng bạn đang đứng về phía họ. Không ai cảm thấy rằng mình đang bị lừa.
Kiểm soát là buộc mọi người và sự kiện xung quanh phải diễn ra theo ý bạn. Kiểm soát là một chiếc mặt nạ lớn của cảm giác bất an. Những người áp dụng hành vi này rất sợ thấy người khác sống đúng với con người họ, thế nên những người thích kiểm soát liên tục khiến người khác cảm thấy thất vọng. Ý tưởng căn bản ở đây là: “Nếu họ tiếp tục chú ý đến tôi thì họ sẽ không bỏ đi.” Khi nhận thấy mình đang biện hộ cho bản thân và trách móc người khác, hoặc cảm thấy rằng không ai thể hiện sự biết ơn hay trân trọng đối với mình, thì sai lầm không phải ở họ bạn mới chính là người đang thể hiện nhu cầu kiểm soát tình huống. Những dấu hiệu bên ngoài của hành vi này bắt nguồn từ những người bạn đang cố kiểm soát: Họ tỏ vẻ căng thẳng và thể hiện sự phản kháng; họ than phiền trước việc không được lắng nghe; họ gọi bạn là người theo chủ nghĩa cầu toàn hay một kẻ luôn đòi hỏi. Hành vi kiểm soát sẽ chấm dứt khi bạn thừa nhận rằng cách sống của mình không phải là một cách sống đúng. Bạn có thể điều chỉnh nhu cầu được kiểm soát bằng cách ý thức rõ mỗi khi than phiền, trách móc hoặc khăng khăng cho rằng chỉ mỗi bạn đúng, sau đó đưa ra hết lý do này đến lý do khác để chứng minh rằng bạn đúng mà không hề trách cứ bản thân. Sau khi bạn chấm dứt hành vi kiểm soát thì mọi người xung quanh bạn bắt đầu cảm thấy dễ thở hơn. Họ sẽ thư giãn và cười đùa nhiều hơn. Họ cảm thấy được tự do sống với con người thật mà không cần phải tìm kiếm sự chấp thuận ở bạn.
Phủ nhận là bỏ qua vấn đề thay vì đối diện với nó. Các nhà tâm lý học xem thái độ phủ nhận là dạng phản ứng trẻ con nhất trong số ba phản ứng nêu trên, bởi lẽ nó có sự liên hệ mật thiết với tính dễ tổn thương. Người thích phủ nhận cảm thấy bất lực trước vấn đề, tương tự như cách mà trẻ con vẫn hay cảm nhận. Nỗi sợ hãi luôn gắn liền với thái độ phủ nhận, tương tự trẻ con luôn muốn được yêu thương khi đối mặt với cảm giác bất an. Ý tưởng căn bản ở đây là: “Tôi không cần phải để ý đến những gì tôi không thể thay đổi ngay từ đầu.” Bạn có thể phát hiện ra mình đang phủ nhận khi trải nghiệm sự thiếu tập trung, tính hay quên, thái độ trì hoãn, từ chối đối mặt với những người gây tổn thương cho bạn, hay mơ tưởng, suy nghĩ hão huyền và cảm giác lẫn lộn. Dấu hiệu chủ yếu bên ngoài là người khác không nhờ đến bạn hoặc phụ thuộc vào bạn khi cần đưa ra giải pháp. Bằng cách hướng sự chú ý ra khỏi vấn đề trước mắt, thái độ phủ nhận sẽ đi kèm với sự mù quáng. Làm sao bạn có thể bị kết tội là thất bại ở một việc gì đó mà bạn thậm chí còn chưa hề biết đến? Bạn sẽ vượt qua thái độ phủ nhận bằng cách đối diện trực tiếp với những thực tế phũ phàng. Việc bày tỏ cảm giác thực sự của bạn sẽ là bước đi đầu tiên. Nếu đã quá quen với sự phủ nhận thì bất kỳ cảm giác nào khiến bạn cảm thấy bất an đều là cảm giác mà bạn cần phải đối diện trực tiếp. Thái độ phủ nhận sẽ chấm dứt khi bạn cảm thấy tập trung, cảnh giác và sẵn sàng tham gia vào tình huống trước mắt bất chấp nỗi sợ hãi của mình.
Mỗi hành vi trên đều cố gắng chứng minh một điều bất khả thi. Phản ứng vận động tìm cách chứng minh rằng tất cả mọi người đều có thể bị lôi kéo để làm theo những gì bạn muốn. Phản ứng kiểm soát tìm cách chứng minh rằng không ai từ chối bạn trừ khi bạn nói thế. Phản ứng phủ nhận tìm cách chứng minh rằng những điều tồi tệ sẽ biến mất nếu bạn không nhìn vào chúng. Thực tế thì người khác có thể từ chối làm theo những gì bạn muốn, có thể từ bỏ bạn mà không cần bất kỳ lý do gì cả, cũng như có thể gây ra rắc rối cho dù bạn có muốn đối mặt hay không. Chúng ta không biết được rằng mọi người còn ngoan cố tìm cách chứng minh điều đối nghịch trong bao lâu, nhưng chỉ khi thừa nhận sự thật thì những hành vi này mới hoàn toàn chấm dứt.