PHẬT HÓA GIA ĐÌNH – HT. THÍCH THÁNH NGHIÊM

HT. THÍCH THÁNH NGHIÊM

Trích: Bình An Trong Nhân Gian; NXB Thời Đại, Cty Sách Thái Hà

Trước kia, Phật giáo được cho là tiêu cực, bi quan, chạy trốn hiện thực, thậm chí nhiều người còn cho rằng: phàm là người học theo Phật pháp thì nên xuất gia, không nên lập gia đình, và những người tín ngưỡng Phật giáo nên tách khỏi nhân gian.

Thực ra, trong thời Phật Thích Ca Mâu Ni, những tín đồ như tăng ni, người phàm tục, nam hay nữ có rất ít người xuất gia tu hành, đại đa số đệ tử Phật giáo đều tu tại gia. Vì vậy, phương pháp và quan niệm Phật pháp giúp ích rất nhiều đối với gia đình. Về cơ bản, cái nhìn của Phật pháp đối với gia đình bắt đầu từ tịnh hóa hôn nhân, thiết lập Phật hóa gia đình.

I. Tịnh hóa gia đình có nghĩa là nhân gian cũng được tịnh hóa theo

Mục đích của tịnh hóa nhân gian là làm trong sạch xã hội, mục đích của việc làm trong sạch xã hội là làm trong sạch thế giới này. Các tín đồ Phật giáo hi vọng có thể đem cái gọi là cõi Niết bàn mà nhà Phật hay nhắc tới tọa lạc tại chốn nhân gian.

II. Tịnh hóa nhân gian cần bắt đầu từ tịnh hóa gia đình, tịnh hóa gia đình cần bắt đầu từ tịnh hóa hôn nhân

Sự hình thành của gia đình bắt đầu từ khi nam nữ kết hôn với nhau. Vì thế từ thời cận đại cho đến nay, Phật giáo thường hay đề cập đến Phật hóa hôn lễ. Ngoài việc phát động Phật hóa hôn lễ tập thể, Pháp Cổ Sơn còn biên soạn một cuốn sách mang tên Phật hóa hôn nhân và Phật hóa gia đình.

III. Phật hóa gia đình bắt buộc phải có đầy đủ ba điều kiện sau:

Thứ nhất, hiếu thuận kính trọng cha mẹ như việc cúng bái tổ tiên thần Phật. Tín đồ Phật giáo gọi cha mẹ bằng ba chữ thân thương – “lão Bồ-tát”. Ý là họ sẽ phụng dưỡng cha mẹ già như cung kính, tôn sùng đức Bồ-tát. Đối với nam nữ đã kết hôn, thì mỗi bên đều có cha mẹ hai bên, bên nam có cha mẹ ruột và cha mẹ vợ, bên nữ thì có cha mẹ ruột và cha mẹ chồng, tất cả đều phải được phụng dưỡng, cung kính như nhau.

Thứ hai, vợ chồng là đôi bạn Bồ-tát cùng nhau tu hành xây dựng cơ nghiệp. Người Trung Quốc có câu vợ chồng nên tôn trọng lẫn nhau. Đối với tín đồ Phật giáo mà nói, vợ chồng nên coi nhau là đôi bạn đồng hành, cùng tu dưỡng, coi nửa kia là người bạn đời cùng vun đắp hạnh phúc cho gia đình, tôn trọng, nhường nhịn, giúp đỡ, thông cảm và quan tâm đến nhau.

Thứ ba, cần quan tâm bảo vệ chăm sóc con cái chu toàn như những chú gà mẹ chăm nom đàn gà con.

Người Trung Hoa có câu “chăm con để tránh tuổi già”, nhưng người theo Phật giáo lại không hoàn toàn nghĩ vậy. Họ cho rằng cần phải yêu thương, bảo vệ con cái không phải vì tránh tuổi già, mà vì đó là trách nhiệm của họ. Mỗi người đều có nghiệp báo và quả báo riêng. Làm cha mẹ nên giáo dục con cái luân thường đạo lí phải hiếu thảo kính trọng cha mẹ, chứ không nên quá kỳ vọng vào việc sau này chúng sẽ phụng dưỡng mình ra sao. Một khi kỳ vọng biến thành thất vọng thì càng phát sinh ra nhiều phiền não hơn.

IV. Mỗi thành viên trong gia đình nên làm tròn bổn phận và trách nhiệm của mình

Thứ nhất, đối với gia đình hai bên vợ, chồng. Con người hiện đại ngày nay nên có trách nhiệm chăm lo, quan tâm đến ba gia đình: gia đình của hai vợ chồng mới cưới, gia đình của cha mẹ sinh thành ra họ (bao gồm cha mẹ và gia đình của các anh chị em ruột trong nhà), và gia đình bố mẹ chồng, bố mẹ vợ.

Thứ hai, đối với việc nuôi dạy con cái. Nếu sau khi kết hôn mà các cặp vợ chồng có kế hoạch sinh con thì nên làm tròn hết trách nhiệm và bổn phận của bậc làm cha làm mẹ. Và người làm mẹ cần chuẩn bị ba điều kiện sau:

Muốn đứa con sinh ra khỏe mạnh bình thường thì trước khi mang thai cả vợ và chồng cần giữ cân bằng thể chất, ăn uống hợp lí để có sức khỏe, ngược lại sẽ gây hại cho thai nhi. Sau khi mang thai, vợ chồng vẫn phải giữ gìn sức khỏe. Có người cho rằng vợ chồng không cần trải qua quá trình giáo dục giai đoạn mang thai, nhưng khi người chồng bực tức chửi mắng vợ thì sẽ làm cho tâm trạng bà bầu không tốt, sẽ ảnh hưởng gián tiếp đến hài nhi trong bụng. Do vậy mà cả hai vợ chồng cần phải cùng nhau trải qua quá trình giáo dục trong giai đoạn mang thai và càng phải kiểm soát tâm tính không để cáu gắt từ sau khi đứa trẻ được sinh ra cho đến khi trưởng thành. Nói chung cả người vợ và người chồng cần có trách nhiệm chăm sóc con cái cẩn thận.

Ngoài giáo dục giai đoạn mang thai, tín đồ Phật giáo còn đặc biệt chú trọng đến việc quản giáo con cái. Ngoài việc có tâm tính ổn định, sức khỏe dồi dào thì bậc cha mẹ càng cần chú trọng giáo dục con cái về sự trưởng thành, về hành vi, lời ăn tiếng nói, cử chỉ hành động. Hơn thế, họ còn coi những thiên thần của mình là những “tiểu Bồ-tát”, dang rộng vòng tay đón chào sự ra đời của chúng, coi chúng là người đến để giúp mình tu hành, là người của đạo Bồ-tát và trưởng thành cùng chúng.

V. Nguyên tắc kinh tế nên có trong Phật hóa gia đình

Thứ nhất, làm ăn lương thiện không vi phạm năm điều trong giới luật. Dùng phương pháp minh bạch, cố gắng nỗ lực, kỹ năng, trí tuệ, tiền bạc, mưu trí để mưu sinh kiếm sống, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của bản thân. Nhưng tuyệt đối không nên làm những việc đi ngược lại với năm điều giới luật trong Phật giáo, đó là không sát sinh, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối xằng bậy và không mua bán rượu.

Thứ hai, làm bao nhiêu tiêu bấy nhiêu, không được keo kiệt bủn xỉn chỉ biết kiếm tiền mà không tiêu tiền. Dùng tiền phải có mục đích rõ ràng, tức cần có kế hoạch chi tiêu rõ dựa trên năm tiêu chí như phí sinh hoạt gia đình, lợi nhuận kinh doanh, các khoản chi tiêu, tiết kiệm dành dụm, bố thí hành thiện.

Thứ ba, phụng dưỡng cha mẹ, bố thí hành thiện. Ngoài gia đình, tiết kiệm và nhu cầu cần thiết trong kinh doanh, tài sản còn lại nên dùng để phụng dưỡng cha mẹ, giúp đỡ bạn bè, người thân, bố thí cho kẻ nghèo khó, kính lễ lên tòa tam bảo, tham gia công tác giáo dục văn hóa tôn giáo và làm nhiều việc công ích khác.

Tóm lại, gia đình hiện đại ngày nay nên có thêm đời sống tôn giáo, đời sống của gia đình Phật hóa nên bắt đầu từ việc Phật hóa hôn nhân. Tiếp đó là vận dụng quan niệm Phật giáo hóa cùng phương thức sống để giáo dục con cháu, ngày ngày dành thời gian đọc kinh niệm Phật để có được phúc báo.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  2. LIỆU CÓ “ĐOÁN” ĐƯỢC “MỆNH” KHÔNG? – HT. THÁNH NGHIÊM
  3. THUẬN CẢNH, NGHỊCH CẢNH

Bài viết mới

  1. HẠNH PHÚC VÌ BIẾT ĐỦ
  2. AI CŨNG CÓ THỂ HẠNH PHÚC NGAY TỪ GIÂY PHÚT NÀY
  3. QUAN SÁT NGÔN NGỮ CƠ THỂ