THOMAS ARMSTRONG
Thật may mắn là vẫn có một số nguyên lý chỉ đạo không quá phức tạp giúp nuôi dưỡng loại hình trí thông minh bị lãng quên. Triết gia Israel Scheffler thuộc Đại học Harvard, trong cuốn sách Of Human Potential (Về tiềm năng con người) của mình đã gợi ý một phương pháp gồm ba bước nhằm đánh thức những khả năng chưa được khai thác. Trước tiên, bạn phải loại trừ các nhân tố ngăn cản việc phát triển tiềm năng của mình. Nếu bị gãy chân, bạn không thể tiếp tục phát triển khả năng chạy cho tới khi xương liền và bắt đầu tập luyện lại (dĩ nhiên là trừ khi bạn tập “chạy” trong ý nghĩ của mình!). Thứ hai, bạn phải được làm quen với những phương pháp nhằm thúc đẩy khả năng của mình. Nếu bạn có năng khiếu toán học, nó sẽ không thể tiến xa trừ khi bạn được giới thiệu tới những giáo viên, những khóa học và những cuốn sách hoặc phương pháp liên quan đến môn học theo mức độ hiểu biết của bạn. Cuối cùng, bạn phải có sự cam kết cá nhân để phát triển tiềm năng. Bạn có thể có năng khiếu về hội họa nhưng nếu bạn không muốn vẽ thì gần như chắc chắn bạn sẽ không thể phát triển nó trong lĩnh vực này.
Quá trình loại bỏ những trở ngại để phát triển tiềm năng có thể đơn giản như là bỏ một thói quen cố định hàng ngày. Ví dụ, các nhà nghiên cứu ước tính rằng người Mỹ trưởng thành dùng khoảng một nửa thời gian rảnh rỗi ngồi trước màn hình ti vi. Quãng thời gian bốn mươi năm, tương ứng với mười nghìn giờ, có thể có ích hơn nếu bạn học ngoại ngữ, tập luyện một nhạc cụ, phát triển một ý tưởng kinh doanh mới, xây dựng kế hoạch cho một ngành nghề thủ công hoặc tham gia vào hàng trăm hoạt động khác có liên quan đến tất cả bảy loại hình thông minh. Tương tự, những hoạt động thông thường khác như thường xuyên đọc tạp chí, báo, nói chuyện với bạn bè hoặc “sinh hoạt ngoại khóa” hầu như không giúp gì nhiều cho việc khám phá những năng lực trí tuệ mới của bạn. Giảm bớt việc tham gia vào những hoạt động này, bạn sẽ có nhiều thời gian để tiếp tục phát triển trí thông minh còn tiềm ẩn.
Đôi khi, những cản trở trên con đường nhận thức rõ tiềm năng không hề đơn giản. Ma túy, rượu và những chất gây nghiện khác hoàn toàn có hại cho việc đánh thức các năng khiếu và tài năng. Trong những trường hợp như vậy, trước khi có thể tìm được không gian để phát triển, người đó cần phải nhanh chóng thoát khỏi môi trường thiếu lành mạnh này. Nhà hùng biện về nghị lực Og Mandino kể lại câu chuyện về việc làm thế nào ông chấm dứt được chuỗi chán chường của mình lúc ông ba mươi lăm tuổi. Thất bại trong công việc, ly dị và rượu chè khiến ông chỉ biết dùng hầu hết thời gian trong các quán bar. Một tối trời mưa, ông định mua một khẩu súng và kết thúc cuộc đời mình tại một thư viện công cộng của địa phương. Nhưng không gian yên tĩnh của thư viện đã mang lại cho ông, lần đầu tiên trong nhiều năm trời, cơ hội để suy nghĩ thật rõ ràng. Nó cũng đưa ông đến với những cuốn sách, đặc biệt là những cuốn sách về triết học và lòng tự trọng mà ông bắt đầu đọc ngấu nghiến trong những tháng sau đó. Điều này khiến ông khám phá ra năng lực thật sự của mình, đó là làm một chuyên gia về bán hàng và về nghị lực sống. Cuốn sách của ông, The Greatest Salesman in the World (Người bán hàng giỏi nhất thế giới), bán được nhiều triệu bản và sau đó năng lực diễn thuyết của ông đã nổi tiếng trên khắp thế giới. Đối với những người khác, các nhóm hồi sức, tâm lý trị liệu hoặc các hình thức phục hồi có thể là giải pháp giúp họ thoát khỏi những cảm xúc, suy nghĩ và hành vi tiêu cực đang cản trở việc phát triển tiềm năng thực sự của họ.