QUẢN LÝ NĂNG LƯỢNG THAY VÌ THỜI GIAN CỦA BẠN

PATRICK KING

Trích “Tư Duy Đột Phá – Sức Mạnh Của Tư Duy Khác Thường”; Vân Khanh dịch; NXB Thế Giới, 2017

Đa số mọi người đều lo lắng về lượng thời gian họ dành ra để thực hiện nhiệm vụ của mình và phân phối đủ thời gian để hoàn tất mọi thứ cần làm.

Thời gian là hữu hạn, nhưng bạn biết thứ gì còn hữu hạn hơn không? Đó là mức năng lượng của chúng ta. Chúng ta có thể có tất cả thời gian trên thế giới, nhưng nếu chúng ta mệt mỏi hoặc không thể nhập tâm, lượng thời gian rảnh rỗi đó cũng xem như bị hoang phí.

Chính vì lẽ đó, sẽ vô cùng hợp lí nếu bạn ý thức được các mức năng lượng của mình và những yếu tố chi phối chúng ở mức độ ngang hàng, nếu không nói là cao hơn, so với kĩ năng quản lí thời gian đơn giản.

Mỗi ngày, ta chỉ có một lượng năng lượng hữu hạn để có thể tạo ra những thành quả tốt đẹp. Vì thế, ta không được lãng phí nó.

Hãy quản lí năng lượng của bạn với mục tiêu (1) xác định thời điểm năng lượng ở mức cao tự nhiên, (2) duy trì năng lượng ở mức cao lâu nhất có thể, cuối cùng là (3) tận dụng các phân đoạn đó và tránh những khoảng hụt năng lượng.

Vậy làm cách nào để xác định thời điểm năng lượng của bạn đạt mức cao nhất, cũng là lúc bạn nhạy bén và làm việc hiệu quả nhất? Hãy bỏ qua những lời khuyên truyền thống trong chủ đề này, vì mặc dù nhiều người có những chu trình mạnh mẽ vào buổi sáng, có thể bạn còn không hoàn toàn tỉnh táo cho đến tận 2 giờ chiều hoặc thậm chí muộn hơn.

Dù vậy cũng không sao, bởi những điều hiệu quả với người khác không nhất thiết phải hiệu quả với bạn. Đừng cố trở thành một ai khác không phải mình khi linh cảm mách bảo rằng buổi sáng không dành cho bạn.

Phương pháp dễ dàng và hiệu quả nhất để xác định những phân đoạn năng lượng cao điểm của bạn là giữ một ghi chép ngắn trong khoảng thời gian vài tuần (hai hoặc ba tuần là đủ). Trong đó, hãy lưu lại các thời điểm khiến bạn mệt mỏi hoặc mất sức và những khi bạn thấy tràn trề năng lượng hay nhạy bén trong ngày. Khi nào bạn phải đấu tranh với bản thân chỉ để đọc một trang sách, và khi nào công việc có vẻ tuôn trào từ trong bộ não của bạn?

Các phân đoạn thời gian phổ biến bao gồm (1) sáng sớm, (2) giữa buổi sáng, (3) sau bữa trưa, (4) chiều tối, (5) sau bữa tối, (6) trước khi đi ngủ và (7) đêm khuya. Rất có thể bạn đã đoán được phân đoạn nào phù hợp với mình, nên việc dẫn mốc thời gian cụ thể cho từng phân đoạn là không cần thiết. Trong số bảy phân đoạn này, cái nào phù hợp với bạn hoặc chống lại bạn?

Cuối cùng, hãy ghi nhận thời lượng tiêu biểu của các phân đoạn cao điểm này. Thực tế thì bạn có thể duy trì sự tập trung của mình trong các tình huống bình thường và hằng ngày được bao lâu? Bạn sẽ cần bao lâu trước khi nghỉ giải lao để sạc lại pin, hoặc đơn giản là kết thúc ngày làm việc của mình?

Một khuôn mẫu rõ ràng sẽ sớm xuất hiện. Bạn sẽ thấy rõ khi nào năng lượng của mình ở mức cao và trong bao lâu. Ví dụ, phân đoạn năng lượng cao điểm của tôi không hề dính dáng đến buổi sáng. Giờ cao điểm của tôi bắt đầu vào khoảng 7 giờ tối và cơ bản kéo dài đến khi tôi cảm thấy mệt mỏi và muốn đi ngủ. Nó kéo dài và dao động trong khoảng năm giờ đồng hồ.

Giờ ta đã xác định được phân đoạn năng lượng cao điểm của mình, vậy làm cách nào để bạn có thể kéo dài và tận dụng chúng một cách triệt để?

Bước đầu tiên là để trống khoảng thời gian đó trong lịch trình của bạn để bạn có thể tận dụng nó một cách tối đa. Hãy ưu tiên sự tập trung và năng suất làm việc cho những phân đoạn năng lượng cao điểm của bạn.

Thứ hai, hãy loại bỏ những yếu tố khiến bạn xao nhãng, đồng thời dành hết những công việc nặng nề và cần hoạt động trí óc cao độ cho khoảng thời gian đó.

Nếu phân đoạn cao điểm của bạn diễn ra vào buổi tối, hãy dành thời gian ban ngày để chu toàn những việc đơn giản hoặc ít khẩn cấp hơn, cũng như những việc bạn sẽ dùng để trì hoãn (chẳng hạn như việc nhà hoặc các việc lặt vặt).

Những hoạt động bạn nên dành cho phân đoạn cao điểm của mình là những hoạt động khiến bạn kiệt quệ nhất. Ví dụ, nếu bạn là một người hướng nội, hàng loạt các cuộc họp trực tuyến sẽ rất mệt mỏi với bạn. Tuy nhiên, một người hướng ngoại có thể quyết định thực hiện những cuộc họp này ngoài phân đoạn cao điểm của họ, vì nói chuyện với người khác giúp họ tăng thêm năng lượng và không yêu cầu sự tập trung toàn phần từ họ.

Có thể bạn cũng muốn chắc chắn rằng mình chỉ tham gia những công việc cần ít năng lượng vào trước phân đoạn cao điểm. Nếu bạn không thể làm vậy, hãy thường xuyên thư giãn hoặc chơi đùa trong ngày để sạc và giữ năng lượng của mình ở mức cao.

Phân đoạn cao điểm của bạn chính là thời gian thi đấu của bạn. Một vận động viên đối xử với cơ thể của mình ra sao vào ngày diễn ra cuộc thi, hoặc một diễn giả hành động khác thường thế nào vào ngày diễn thuyết?

Vận động viên tránh động đến chân mình nhiều nhất có thể. Họ nghỉ ngơi và dọn dẹp đầu óc để bảo đảm họ thật sự nhập tâm khi đến thời điếm của mình. Diễn giả cũng hành động tương tự, chi khác là họ cho giọng mình nghỉ ngơi và cố gắng nói ít nhất có thể.

Những người phải trông cậy vào biểu hiện của bản thân như họ sẽ cho phần cơ thể chi phối biểu hiện của mình nghỉ ngơi. Với vận động viên là cơ thể, còn với diễn giả là giọng nói. Tương tự như thế, bạn cần cho tâm trí nghỉ ngơi và tận dụng nó càng ít càng tốt bên ngoài phân đoạn cao điểm của mình.

Thứ ba và cuối cùng, hãy chắc chắn rằng bạn không thể viện lí do để trốn tránh làm việc trong phân đoạn cao điểm của mình. Hãy loại bỏ tất cả các yếu tố gây xao nhãng vào trước phân đoạn cao điểm và bảo đảm rằng bạn bè sẽ để bạn một mình trừ khi có tình huống khẩn cấp.

Hoạch định lịch trình dựa vào mức năng lượng sẽ hợp lí hơn nhiều so với dựa vào công việc của bạn. Mức năng lượng mỗi ngày của bạn là một đồng hồ đo không ngừng hoạt động. Mọi thứ đều khiến nó hao mòn, và thinh thoảng nó sẽ bị lãng phí. Do đó, bạn phải dự trữ năng lượng của mình cho những lúc cần thiết và không hoang phí nó vào những bảng biểu khiến bạn ngu muội hoặc những bức email mà bạn có thể trả lời ngay cả trong giấc ngủ.

Nó cũng tương tự sức mạnh ý chí. Lượng ý chí mà ta có mỗi ngày là hữu hạn. Đó là lí do ta dễ dàng từ chối thanh sô cô la được mời một lần, nhưng không thể làm thế cho đến lần thứ bảy.

Nếu dùng hết tất cả ý chí và kỉ luật của mình để từ chối thanh sô cô la, có thể bạn sẽ không có đủ ý chí và kỉ luật để hoàn thành công việc và những nhiệm vụ thật sự quan trọng.

Chủ đề lớn của chương này là thời gian làm việc nhiều hơn không tương đồng với năng suất cao hơn hoặc thành quả nhiều hơn. Thông thường, khi dành thời gian cho một nhiệm vụ, ta sẽ không thực hiện chính nhiệm vụ đó. Ta đang lừa phỉnh bản thân bằng những công việc bận rộn và sự trì hoãn.

Xác định và tận dụng tối đa phân đoạn cao điểm của mình sẽ cho phép bạn làm được nhiều việc hơn trong ít thời gian hơn.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. CON NGƯỜI YÊU THÍCH SỰ TÍCH CỰC
  2. CÓ QUA CÓ LẠI
  3. ĐƯỢC VÀ MẤT

Bài viết mới

  1. NẾU MỘT THẤT BẠI KHÔNG MANG TỚI CẢM GIÁC ĐAU ĐỚN, KHÓ CHỊU GÌ, NÓ SẼ BỊ LỜ ĐI
  2. VƯỢT LÊN CHÍNH MÌNH
  3. THỰC HÀNH TRONG ĐỜI SỐNG THƯỜNG NHẬT