QUÁN, PHÓ THÁC VÀ QUAN SÁT

THIỀN SƯ NI DAEHAENG

Trích: Không Có Sông Nào Để Vượt Qua; Nguyên tác: No River to Cross; Việt dịch: Hạnh Huệ

Phó thác và buông xả mọi sự

Bức tường của định kiến

“Buông xả” nghĩa là không những buông xả những việc đau khổ và khó chịu, mà còn buông hết mọi định kiến. Chúng ta mang rất nhiều những ý tưởng cứng ngắc như “bạn” và “tôi”, “tốt” và “xấu”. Bạn tạo ra tất cả những ý tưởng này, và bao lâu bạn còn bám vào chúng, thì bạn không thể trở thành một với Chân Tâm – Chủ nhân Không.

Tù ngục tệ hại nhất trên thế giới là tù ngục của tư tưởng. Bức tường khó vượt qua nhất trên thế giới là bức tường của định kiến. Từ một cái nhìn chắc chắn, tu tập nghĩa là giải thoát chính bạn ra khỏi ngục tù tư tưởng. Vì thế, nếu bạn khư khư nghĩ rằng “Tôi chỉ là một phàm ngu”, thì vì tư tưởng đó bạn không thể đóng vai trò nào khác hơn một phàm ngu. Hãy biết sự khác nhau lớn lao mà một tư tưởng có thể tạo ra.

Đừng làm như ghê gớm lắm về trình độ phát triển tâm linh của người khác. Nếu bạn đối xử khác biệt giữa người cao hơn và thấp hơn, bạn sẽ không tiến triển trong sự tu tập của mình. Cho dù bạn thực sự biết, đừng nghĩ rằng bạn biết. Cho dù bạn có trình độ cao hơn, đừng nghĩ rằng bạn là bậc thượng căn. Cho dù ai đó có lẽ ngu dốt, bạn không nên để những tư tưởng như thế trói buộc bạn.

Từ quan điểm hiện tại, việc gì đó có vẻ rõ ràng đúng hay sai. Tuy nhiên, từ quan điểm kết hợp quá khứ, hiện tại, vị lai, những việc ấy không thể cho là đúng hay sai dễ dàng như thế.

Bạn có thể lăn một cái thùng chỉ khi bạn ở bên ngoài nó. Khi bạn bị nhốt bởi những định kiến, như thể bị kẹt trong thùng, thì bạn không thể tự do dùng tâm của mình. Nếu bạn thoát khỏi những định kiến, bạn sẽ thấy tất cả những tư tưởng và những cái nhìn mà bạn cho là rất quý giá, cực kỳ lố lăng. Tâm không hình tướng và có thể tự do đi bất cứ đâu trong vũ trụ, vì thế nếu bạn khởi những tư tưởng một cách trí tuệ và trùm khắp, bạn sẽ ra khỏi thùng, khỏi trói buộc, và khỏi ngục tù không có chấn song. Làm sao bạn có thể tự do dùng tâm mình trừ phi trước hết bạn bước ra ngoài những định kiến của riêng mình?

Những định kiến giống như một làn mây hay khói, nhưng tuy nhiên người ta thấy mình bị ngăn ngại hay lôi kéo bởi chúng. Bạn sẽ cười nếu thấy ai đó bị vướng vào mây, hay nếu ai đó tuyên bố rằng họ bị cầm tù bởi không khí. Nhưng, trong thực tế, người ta đang bị kẹt không ngừng bởi những vật mà bản chất không hơn không khí hay những đám mây. Họ tạo một bức tường bằng tâm mình, và bị nó nhốt. Vốn không có tường hay bất cứ gì làm vướng chân. Những vật đó là những ảo ảnh do suy nghĩ mà thành.

Đừng khăng khăng với những định kiến của mình. Sự dai dẳng của bạn là tâm nhỏ hẹp của riêng bạn. Nếu tâm bạn rộng mở, sẽ dễ dàng bao trùm toàn thế giới. Tuy nhiên, nếu tâm bạn nhỏ hẹp, thì dù một cây kim cũng không lọt vào được. Bạn phải buông xả sự bướng bỉnh và hãy tôn kính sâu xa mọi đời sống và mọi vật. Đây là quy y Phật-Pháp. Đây cũng là cách trở thành người tự do. Luôn khiêm cung. Hãy khiêm cung. Hương thơm của tâm rộng mở và khoan dung của bạn sẽ làm ấm lòng người khác. 

Những tưởng về “tôi”

Bám vào ý tưởng rằng bạn khác với người khác, đến mức độ bạn không thể tưởng tượng “mọi vật chỉ là một”, là chướng ngại cơ bản ngăn chặn đường đến Phật. Trước hết, tập trung vào “tôi” dường như có ích, nhưng thật ra, nó là nền tảng của điều ác. Bám vào những tư tưởng về “tôi” này thực sự ngăn cản chúng ta không thể tham dự vào Phật giới, và ngăn cản chúng ta kinh nghiệm những lợi ích lạ thường của sự tham dự đó. Trước khi chúng ta thấu hiểu chân lý bất nhị, không thể có bình an trường viễn cho chúng ta. Do đó, như một hành giả bạn không được nhìn bất cứ gì theo lối nhị nguyên, và bạn phải đưa mọi sự về bản thể của bạn một cách mạnh mẽ và chân thành và tiến về phía trước.

Trí tuệ là biết rằng “tôi” không hiện hữu. Trí tuệ là biết rằng sự vật và thân thể vật chất chỉ là những hình ảnh trong mơ, rằng chúng chỉ là những giọt nước bị quấy động bởi sóng gió. Vô minh không gì hơn là khăng khăng rằng có một cái “tôi” riêng biệt, trong khi quên rằng thân xác và sự vật không thể tránh khỏi hoại diệt. Chỉ ném cái “tôi” đi, một triệu đau khổ và rối ren sẽ ngủ vùi tất cả. “Tài sản của tôi, tư tưởng của tôi, danh tiếng của tôi, những gì tôi xứng đáng được khen”, tất cả những điều này cầm tù bạn trong một cái thùng. Bất hạnh thay! Phàm ngu thường nghĩ rằng có những bức tường phòng thủ có thể bảo vệ họ khi họ đối mặt với những phiền phức và khó khăn. Do đó họ cố làm chúng cao hơn và dày hơn khi còn thời gian. Tuy nhiên, khi bạn làm thế, tâm bạn co lại và trở nên lạnh lùng. Kết quả, bức tường này không phải vật bảo vệ bạn, mà là bức tường làm thiệt hại bạn, một bức tường giam giữ bạn.

Không gì có thể bỏ vào một cái bát đã đầy tràn. Bạn không thể đặt gì vào một tâm đã đầy những tư tưởng về “tôi”, những dính mắc, những tham dục, tự cao tự đại rằng mình là tốt nhất. Bát phải trống trước khi chứa những món mới. Khi bao tử bạn trống, bạn có thể thưởng thức món ăn. Tuy nhiên, nếu bao tử bạn đầy thì dù yến tiệc thịnh soạn trước mặt, bạn không thể ăn dù một miếng. Một trong những chân lý của cuộc sống là khi bạn buông xả mọi thứ, bạn sẽ được tất cả.

Bạn sẽ có thể nhận ra sự tự phụ ẩn một cách tinh tế bên trong tâm mình. Tính trung thực và trí tuệ này là cốt tủy. Khi bạn tu tập, từng lớp “tôi” sẽ bị lột đi dần, và bức tường ngăn cách mọi sinh vật sẽ từ từ biến mất. Người thấy mọi vật bình đẳng không bao giờ rơi vào tự phụ, và đang trên con đường càng lúc càng thênh thang.

Tất cả thánh hiền

Từ vô lượng kiếp,

Đã chỉ ra rằng “tôi” không có thật.

Tuy nhiên,

Người ta dính mắc vào cái “tôi”

Và lang thang suốt ngày

Thình lình mặt trời lặn,

Và đến giờ vào giường ngủ.

Dính mắc và tập khí, ô nhiễm và ảo tưởng

Không có cái gì là của bạn. Hãy thoát khỏi mọi ý tưởng về sở hữu. Nếu có thể nói mọi vật thuộc về nơi nào, thì chúng thuộc về bản thể. Bạn chỉ điều hành sự vật khi nó đến với cuộc đời bạn. Hãy săn sóc người và vật hết lòng, nhưng thoát khỏi ý tưởng sở hữu.

Dù bạn dời những vật của mình từ phòng này sang phòng khác, những vật ấy vẫn là của bạn. Nếu toàn thế giới là nhà bạn, thì đâu thành vấn đề nếu vật nào đó ở phòng này hay phòng kia? “Sở hữu” chỉ là dời vật từ phòng này sang phòng khác. Đây là cách người tỉnh thức dùng tâm mình. Như thế, khi họ cần gì, nó sẽ tự nhiên đến với họ. Vì họ không có tư tưởng “cái của tôi”, họ tự do rong chơi trong vũ trụ, là một với mọi vật.

Đừng bám vào thân bạn. Nếu bạn quá dính mắc vào nó, sau khi lâm chung bạn sẽ khó khăn từ bỏ nó. Như thế, vào cuối đời, nhiều người chịu đau đớn nhiều năm. Giống như lột đậu Hòa-Lan, khi vỏ và hạt dính vào nhau, khó lột được. Tuy nhiên, nếu đậu chín, vỏ dễ dàng tróc ra. Cũng thế, nếu bạn không dính mắc vào thân, bạn tự do rời nó khi đến lúc.

Như biển và sóng không tách biệt, giác ngộ và vọng tưởng không phải là hai. Vậy đừng phí thì giờ để tìm hiểu tư tưởng nào là hư vọng và cái nào không – chỉ buông hết mọi sự. Khi bạn làm thế, những ý nghĩ về “tôi”, phân biệt, và những vọng tưởng tự nhiên biến mất.

Khi tư tưởng khởi lên, đừng nghĩ nó là vọng tưởng, và đừng bao giờ cố cắt đứt chúng. Chính ý tưởng cố loại bỏ chúng là một vọng tưởng. Thật ra những tư tưởng khởi lên không thành vấn đề. Xét cho cùng, nếu tư tưởng không khởi, thì có nghĩa bạn là một xác chết, không phải người sống! Để thoát khỏi vọng tưởng, trước hết bạn phải tự thoát khỏi định kiến của mình về cái gì bị lừa dối. Cách để tự giải thoát là chỉ đưa hết mọi sự về Chủ nhân Không, thay vì cố gắng tìm hiểu, “Đây là loại tư tưởng gì?”

Bởi vì ngay những vọng tưởng cũng khởi lên từ Chủ nhân Không, hãy phó thác mọi sự cho Chủ nhân Không, hoàn toàn buông xả nó. Khi bạn đưa những ô nhiễm và ảo tưởng trở lại bên trong, đến bản thể, năng lực tiến hóa có thể tỏa ra.

Những đóa sen nở trong bùn, và Phật Pháp nở ngay giữa ô nhiễm.

Tôi không hề nói rằng bạn không nên có tiền, rơi vào tình yêu, hay bị xáo trộn khi giận dữ. Hãy làm tất cả khi bạn cần. Nhưng điều quan trọng là biết rằng mọi điều này do bản thể của bạn tạo ra. Hãy ngắm nhìn và thấy nếu bạn đang làm việc từ sự dính mắc vào “tôi” và “cái của tôi”. Nếu bạn sống hài hòa, biết rằng không có gì không phải là chính bạn, bạn sẽ có thể dùng mọi thứ trên thế giới như chất liệu để tu tập. Nếu bạn có thể thực sự sống như thế, mọi tư tưởng và ngôn từ của bạn sẽ biểu hiện trong thế giới vật chất. Ở tầng bậc này, bạn sẽ hiểu ý nghĩa của “tay và chân phổ cập của Phật.”

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. THỰC HÀNH TRONG ĐỜI SỐNG THƯỜNG NHẬT
  2. NIỀM TIN VÀO CHỦ NHÂN KHÔNG LÀ CHÌA KHÓA
  3. TÂM VÀ KHOA HỌC

Bài viết mới

  1. TÔI NHƯNG KHÔNG PHẢI LÀ TÔI – HT. THÍCH THÁNH NGHIÊM
  2. KORA – ĐI TRONG ÂN SỦNG
  3. SỰ HỒN NHIÊN NGUYÊN THỦY