QUY LUẬT HÀNH ĐỘNG – THỰC CHỨNG CUỘC ĐỜI MÌNH

DAN MILLMAN

Trích: Những Quy Luật Của Tinh Thần; Tác giả: Dan Millman; Lâm Thiên Thanh – Lâm Duy Chân dịch; NXB: Mũi Cà Mau, 1997

Cho dù chúng ta có tài năng thiên bẩm đi nữa, hay chúng ta có cảm nhận và học hỏi được điều gì đi nữa, chỉ có hành động mới có khả năng mang những sở đắc của ta vào trong đời thực. Con người thường dễ bị sa đà lạc bước trong đám rừng phù phiếm của những ngôn từ và khái niệm ước lệ. Hãy luôn nhớ rằng chúng ta chỉ có thể thực chứng được những gì chúng ta đã làm. Hành động là con đường duy nhất dẫn đến sự hiểu biết thật sự thực chứng biến tri thức thành trí huệ. Bạn không thể nào vượt qua đại dương bao la bằng cách săm soi những con sóng vỗ vào bờ.

_Rabindranath Tagore

Từ thung lũng, chúng tôi leo lên một dốc đá khá thẳng đứng mà đỉnh của nó là một mỏm đá chỉ cách túp lều người ẩn sĩ khoảng vài tầm ném. Lúc này tôi đói lả, bụng sói cồn cào suốt gần hai ngày nay tôi chưa được ăn gì ngoài một nắm dâu rừng. Thật là may mắn, ngay lúc ấy người ẩn sĩ lên tiếng đề nghị tôi ghé vào lều, cùng với bà chuẩn bị cho một bữa ăn.

– “Thật là đúng lúc”. Tôi ngượng ngùng thú nhận. “Bụng tôi lúc này cứ sôi ầm lên.

– “Tôi biết”. Bà ta tủm tỉm cười. Bà ta dẫn tôi ra phía sau túp lều, nơi có một vườn rau nhỏ rau quả xum xuê. “Hãy chọn những thứ bạn thích. Tôi phải vào chuẩn bị bếp lửa”. Bà ta quay trở vào túp lều, để lại tôi một mình đứng trước những hàng luống cây quả sắc màu ngon mắt.

Chúng tôi làm món khoai tây sốt cà chua, gia vị là rau mùi và một số rau lạ mắt có vị thơm hăng, dọn cùng với sà lách tươi. Trong lúc chúng tôi ngồi ăn, nhà hiền triết bắt đầu một bài học mới: “-Thành Tâm và Thiện Ý là những điều tốt đẹp trong cuộc sống, nhưng bạn không thể chỉ sống nhờ vào Thiện Ý.” Bà ta hướng về phía các món ăn rồi nói tiếp: “Để có được các loại rau quả này, tôi đã phải phát đất, cuốc xới, gieo hạt và chăm sóc cây cho đến khi thu hoạch. Cuộc sống trên thế giới này không chỉ đòi hỏi nơi ta những ước mơ và thiện ý. Nó còn đòi hỏi cả hành động”.

Bà ta trầm ngâm một lúc rồi kể cho tôi nghe về một tình huống trong đời mà bà ta đã trải qua. “- Có một thời, tôi không chú tâm lắm đến sự khác biệt giữa sự hiểu biết và sự chứng nghiệm. Là một học giả trẻ tuổi ở Ấn Độ, xuất thân thế gia vọng tộc, tôi giành phần lớn thời gian của mình vào việc đọc sách – tôi đọc rất nhiều sách. Lúc đó tôi rất bằng lòng về cuộc sống, về cái cách tích lũy kiến thức của mình, cho đến một ngày tôi được một bài học quý giá. Hôm ấy, tôi có việc phải qua một con sông rộng trên một con thuyền nhỏ. Tôi bắt chuyện với người chèo thuyền; tôi nói với ông ta về những gì tôi đã học được, về cái công phu mà tôi đã bỏ ra để thâu đạt được khối lượng kiến thức khổng lồ đó. Người chèo thuyền chăm chú lắng nghe. Sau cùng ông ta chợt hỏi tôi có biết bơi không. ‘- Không’, tôi trả lời, tuy rằng hơi ngạc nhiên trước câu hỏi đột ngột ấy. ‘Tôi không biết bơi’.

‘- Nếu vậy, tôi e rằng kiến thức quý báu của quý khách sẽ bị trôi sông mất’. Người chèo thuyền nói. ‘Con thuyền này sắp chìm’.”

Cả hai chúng tôi đều bật cười trước tình huống ngộ nghĩnh đó.

“- Chuyện gì xảy ra sau đó?” Tôi vừa cười vừa hỏi.

“- Ồ! Dĩ nhiên là tôi đã uống đầy một 1 bụng nước sông.” Bà ta trả lời. “Thật là một bài học nhớ đời. Thế giới này quả là một vương quốc dành cho năng lực và hành động. Cho dù bạn hiểu được điều gì hay bạn có là ai đi nữa, cho dù bạn có đọc được bao nhiêu quyển sách hay bạn có tài giỏi đến đâu đi nữa, chỉ có Hành Động mới biến những sở đắc đó thành hiện thực. Những triết thuyết thâm sâu, những lý tưởng cao cả chỉ là những ngôn từ, dù chúng có cao đẹp đến đâu cũng không có giá trị gì trong đời thực. Tinh thần trách nhiệm, lòng can đảm và tình yêu thương là những mỹ từ dễ dàng thoát ra từ cửa miệng, nhưng thực hiện được chúng mới là cái biết đích thực, trí tuệ thực sự chỉ có thể được nuôi dưỡng bằng thực nghiệm.”

Nhà hiền triết ra dấu cho tôi đứng lên theo bà. Chúng tôi bước ra sau vườn, vượt qua một vài gò đất rồi leo lên một mỏm đá cao nhất của ngọn đồi, nơi mở ra cả một khoảng trời rộng cùng với một thảm lá xanh ngút ngàn của rừng cây bên dưới.

“- Nhiều người rất thích được ngắm nhìn một quang cảnh như thế này.” Nhà hiền triết mở lời.

“Có thể là họ cũng có cái hứng thú leo núi và khao khát được ngắm cảnh đẹp của núi rừng từ góc nhìn này. Nhưng vì họ không leo lên tới đỉnh nên không có cơ hội chiêm ngưỡng nó – Chúng ta thì khác, không phải vì chúng ta khôn ngoan hơn, mạnh mẽ hơn hay xứng đáng hơn, đơn giản chỉ vì chúng ta đã leo được đến đây. Chỉ có những ai leo lên đến đỉnh núi mới hưởng được cái nhìn từ tầm cao của đỉnh.”

Rời khỏi mỏm đá, nhà hiền triết giải đáp câu hỏi của tôi về phương cách áp dụng Quy Luật Hành Động trong đời sống hàng ngày: “- Bắt tay vào hành động không phải là một điều dễ dàng, những thế lực nghi ngờ và trì trệ có mặt ở khắp nơi, có ngay cả trong tâm trí và xác thân của chúng ta. Đừng nhầm lẫn hành động có chủ ý với phản ứng đời thường chỉ mang tính đối phó. Biến một ý tưởng thành hành động đòi hỏi chúng ta rất nhiều điều: năng lực, dũng khí đôi khi cả sự hy sinh và quan trọng hơn cả, một tấm lòng – bởi vì hành động có nghĩa là chấp nhận may rủi. Chúng ta phải vượt qua được vô số những lý do mà thoáng nghe thì rất bóng bẩy và hợp lý – những lý do ngụy biện để phủ nhận và từ chối hành động, để đùn đẩy và phó mặc công việc cho kẻ khác, để yên vị trong sự thoả mãn với những gì đang có, để tự bằng lòng với cái sở đắc của riêng mình. Phải luôn ghi nhớ cái thông điệp mà Quy Luật Hành Động gởi đến cho chúng ta: ‘Hành động cho điều tốt đẹp nhất khả dĩ còn hơn là ngồi yên mà tự an ủi mình.”

“- Với tôi, bước ra khỏi giường vào mỗi buổi sáng cũng đòi hỏi ít nhiều cố gắng. Theo đó mà nói thì mọi người trong đời đều áp dụng quy luật này hàng ngày.”

“- Tôi đã nhắc nhở bạn rằng đừng đánh đồng cái hành động có chủ ý với cái phản ứng đối phó trong đời thường. Con người thường chỉ biết phản ứng – chỉ hoạt động khi bị thúc bách bởi khổ đau hay sợ hãi, khi những mối quan hệ quen thuộc bị phá vỡ hoặc khi xác thân lên tiếng đòi hỏi. Hơn nữa, Luật Hành Động không những dạy chúng ta phải cố vượt qua sức ì mà còn dạy ta phải vượt qua được sự nóng vội trong hành động. Chúng ta chỉ có thể thực hành Hành Động bằng dũng khí, ý thức trách nhiệm và sự minh xác.

“- Làm thế nào chúng ta có thể vượt qua được sức ì nơi bản thân mình?”

“- Bằng cách thừa nhận ba chân lý cơ bản trong cuộc sống”. Bà ta đáp lời. “Thứ nhất, thừa nhận rằng sự hiện hữu của ta trong đời chính là cái giá trị nhân bản đích thực. Thứ hai, thừa nhận rằng không ai sống thay cho cuộc đời của ta, rằng ta chỉ sẽ hoàn thiện hơn từ những nỗ lực của chính mình. Cuối cùng, thừa nhận rằng mỗi một hành động sẽ kéo theo nhiều khó khăn thách thức đòi hỏi ta phải vượt qua”.

“Chúng ta không nên hoang phí thời giờ để mong chờ sự bình an, nguồn cảm hứng hay cổ vũ tự đến với mình – Chúng ta không phải chờ đợi một ai ban cho ta cái quyền được hành động.” Bà ta nói sôi nổi hẳn lên. “Tôi luôn cảm thấy một sự thôi thúc mãnh liệt trong lòng mình. Đó là lý do tôi đến đây, ngay trong thời điểm này, đó là lý do vì sao tôi tiếp xúc và trò chuyện với bạn lúc này. Đã đến lúc để chúng ta hành động theo những lý tưởng cao đẹp của mình, vượt qua mọi nỗi sợ hãi, nghi hoặc và bất trắc.

Chúng ta chỉ có thể thể hiện dũng khí của mình khi đối đầu với sợ hãi – Dũng khí là cái mà ta phải cần đến hàng ngày, bởi vì ngày ngày sợ hãi đuổi sát bên ta – Không nhất thiết phải có được cái hùng khí để có thể chận bắt một tên cướp hay lao xuống sông để cứu kẻ sắp chết đuối, mà ta phải có cái dũng khí để vượt qua được những thói quen tệ hại, để đảm nhận trách nhiệm đối đầu với những bất trắc trong đời và tự mình thắp sáng lấy con đường hoàn thiện bản ngã của mình.”

Một con suối nhỏ thả dòng chảy làm thành một cạnh bên ngoài khu vườn. Tôi phát hiện ra nó khi cùng bà đi vòng quanh khu vườn và được biết rằng nó là nguồn nước dùng để tưới cho cả vườn cây. Men theo dòng chảy của nó, chúng tôi len lỏi dưới chân một vài gò bụi rồi dừng bước trước những khe đá là đỉnh của sườn đồi đổ dốc khá thẳng đứng ở về phía bên trái của túp lều. Chúng tôi đi men theo mép đồi, ngắm cảnh vật bên dưới. Người ẩn sĩ ra hiệu cho tôi đến gần, bà hơi nghiêng người về phía trước chỉ cho tôi thấy một đàn nai đang gặm cỏ dưới chân đồi. Bất thình lình, tôi thấy bà ta chới với rồi hụt người xuống mép vực – khoảng đất dưới chân bà, vốn đã mềm rời sau một đợt mưa vài ngày trước đó, đã lở ra và sụp hẳn xuống. Tôi chưa kịp có phản ứng gì thì bà ta đã biến mất khỏi tầm mắt mình. Tôi nhào người về phía trước, kịp nhìn thấy bà đang trượt dài xuống bên dưới. Lúc này thì gần nửa người tôi đã vươn ra khỏi mép vực; tôi xoay người trường xuống, cố giữ cho chân mình trượt dài theo sườn đồi cho đến khi tôi mất thăng bằng rồi lăn vòng theo sau bà.

Người ẩn sĩ chắc hẳn vẫn còn đủ tỉnh táo; bà cố bám víu từng mỏm đá, rễ cây hay bụi có nhô ra, làm giảm đà rơi của mình. Tôi cũng cố gắng theo cách như vậy, nhưng sau một số lần va vấp, tôi gần như rã rời và hầu như buông mình theo đà rơi. Cứ thế, tôi vô tình trượt xuống nhanh hơn và rồi bắt kịp được bà. Tôi cố gắng làm một cái gì đó để giúp bà. Thật là may mắn, trong cố gắng bám víu lẫn nhau chúng tôi đã nắm được tay nhau; nỗ lực này cũng khiến tôi mất khả năng làm chủ động tác của cơ thể. Tôi và đầu vào một cái gì đó khá cứng, rồi không còn biết gì nữa.

Tôi tỉnh dậy thấy trước mắt mình loà nhoà gương mặt người ẩn sĩ, bê bết bụi đất và phảng phất một nụ cười dịu dàng làm tôi thấy ấm cả lòng – nụ cười gọi lại cho tôi hình ảnh người mẹ thân thương của mình. Cơn đau đến chậm hơn, xót buốt và nhớp nháp đâu đó ở trên đầu và ê ẩm toàn thân. Tôi bật nẩy người tỉnh hẳn khi bà ta chạm vào đầu tôi với một mảnh áo thấm nước. Tôi cố ngước đầu lên, thấy mình nằm trên thảm cỏ bên bờ một cái hồ. “- Vết thương không còn rỉ máu nữa.” Bà ta dịu dàng nói. “Trông cứ như bạn vừa mới trở về từ cõi chết.”

“- Bà cũng thế”. Tôi mở miệng, cố gợi lại cười nơi bà.

Chúng tôi quay trở về túp lều rất muộn khi từng đợt gió lạnh kéo về làm run rẩy những gợn sóng mong manh khắp mặt gương hồ, báo hiệu màn đêm sắp đổ về. Tôi đã cảm thấy hồi sức sau một giấc ngủ dài; nhà hiền triết cũng đã trở lại với cái nét tươi tắn rạng ngời vốn có của bà, cứ như thể trước đó bà chưa từng bị trượt nhào xuống một con dốc đứng. Thực ra, đến khi đã yên vị bên bếp lửa trong túp lều ấm cúng, tôi mới hồi tưởng lại những gì chúng tôi đã trải qua trên cái sườn dốc khủng khiếp ấy. Tôi rùng mình khi nghĩ đến khả năng đáng sợ nhất… “- Chúng ta suýt nữa đã mất mạng dưới cái dốc đó. Bà có nghĩ như vậy không?”

Nhà hiền triết nghiêm khắc nói: “- Đúng ra, nếu bạn khôn ngoan hơn, chịu ở bên trên đầu dốc thì an toàn hơn cho cả hai chúng ta”. Mặc dù vậy, bà dịu giọng lại, “bạn đã tỏ ra rất can đảm khi lao mình theo tôi.”

“- Tôi không cho đó là can đảm. Tôi đã không kịp nghĩ đến một điều gì cả. Đơn giản là tôi chỉ thấy bà rơi nhanh xuống, thế là tôi phóng theo để níu bà lại”

“- Dù vậy, đó cũng là một biểu hiện tuyệt vời cho cái dũng khí trong hành động.”

“- Nếu chỉ để biểu hiện cho một điều gì đó, tôi vẫn thích chọn cách ném đá vào cây hơn.” Tôi cố gắng hướng câu chuyện trở về trong tình huống thân mật hơn.

Bà ta mỉm cười: “- Mọi sự việc đều có thời điểm của riêng nó.” Bà ta nghiêm giọng, tiếp tục đề tài đang bỏ dở, bất chấp cả tiếng thở dài của tôi. “Ta có thể nhìn lại sự việc vừa rồi theo một hướng khác: Bạn đã quên mất rằng bạn có thể gặp nguy hiểm chết người. Vì thế, hành động của bạn vừa đáng ca ngợi vì lòng dũng cảm, vừa đáng chê trách vì sự thiển cận.”

– “Thiển cận?” Tôi hoàn toàn bất ngờ trước kết luận của bà ta.

“- Đúng vậy. Bạn đã không nghĩ đến khả năng tôi có thể tự cứu lấy mình.”

“- Lúc ấy tôi chỉ biết rằng mình cần phải làm một cái gì đó để giúp bà.”

“- Thông thường thì sự việc phải xảy ra theo hướng như vậy. Nhưng hãy ghi nhớ điều này hỡi chàng lữ khách nhiệt tâm, rằng bất kỳ một quy luật nào cũng tiềm ẩn bên trong nó một hạt mầm nghịch phản – chân lý thì không chỉ đúng ở một chiều. Sự cảm thông và thiện ý thì đòi hỏi phải có hành động, hành động lại đòi hỏi phải sáng suốt; mà sáng suốt đôi khi lại thể hiện ở chỗ biết kềm chế và biết giữ ý. Tĩnh lặng trong trạng thái minh định cũng là một hành động đòi hỏi không ít dũng lực; nó là một loại hành động không có bóng dáng tạo tác ở bên ngoài.”

– Giống như là thiền định?”

“- Đúng vậy. Có thời điểm phải hành động; cũng có những thời điểm phải tự kềm chế. Đôi khi bên trong cái bề ngoài lặng lẽ của một con người là cả một cơn bão tố đang sôi sục đòi hỏi một hành động bùng phát; phải có biết bao kiên tâm, dũng lực và minh triết nơi con người ấy mới đè nén và dập tắt được cuộc nổi loạn nội tâm, mới bình hoà được thân, khẩu và ý.”

“- Làm thế nào chúng ta biết được khi nào nên hành động và khi nào nên kềm chế?”

“- Những ai có khuynh hướng ù lì, thụ động và yếm thế cần chú tâm lắng nghe theo những thôi thúc của nội tâm đòi hỏi những hành động dứt khoát và mạnh mẽ. Những ai có tính khí bốc đồng, hiếu động nên học cách kềm chế bản thân bằng cách thực hành cân bằng hơi thở, đồng thời học lấy cách quan sát cơn khao khát, hứng khởi khi chúng đang thúc đẩy trong lòng mình. Ở bất cứ trường hợp nào, hãy tin tưởng vào tiếng nói trực giác trong sâu thẳm lòng mình, bạn sẽ tự biết khi nào nên tĩnh lặng và khi nào phải chộp lấy cơ hội để hành động.”

Đêm rừng hoang. Bên ngoài, tiếng gió rít từng cơn đuổi theo nhau, tiếng cành lá lao xao. Trong lều, không gian bình yên và ấm cúng với bếp lửa bập bùng. Tôi khoan khoái ngả mình xuống đệm lá, quay mặt về bếp lửa, cảm nhận từng thớ thịt mệt mỏi của mình êm ái duỗi dần ra…

Giọng nói của người ẩn sĩ ru đều đều bên tai:

“- Hãy nhận lấy bài học từ ngọn lửa. Bằng cách biến đổi vật chất thành năng lượng, ngọn lửa nhắc nhở chúng ta rằng mọi vật trên đời đều phải đổi thay và mất đi, không thể nào thoát khỏi cái vòng sinh, trụ, dị, diệt. Mỗi một người chúng ta rốt cuộc cũng trở về với cát bụi trong ngọn lửa vĩnh hằng của cuộc đời. Sao không tự mình vươn lên bằng dũng khí của mình, bằng những hành động của chính mình, hỡi chàng lữ khách của cuộc đời khi bạn vẫn còn hiện hữu, khi bạn đang còn nguyên vẹn xác thân?” Rồi tất cả chìm hẳn vào tĩnh lặng.

Bình luận


Bài viết mới

  1. THỰC HÀNH BỒ ĐỀ TÂM
  2. LÒNG TỰ TRỌNG
  3. LÀM THẾ NÀO ĐỂ PHÁT KHỞI LÒNG SÙNG MỘ