RÈN LUYỆN SỨC KHỎE TINH THẦN
Trích: Con Đường Chẳng Mấy Ai Đi; Nguyên tác: The Road Less Travelled; Người dịch: Lâm Đặng Cam Thảo; NXB Dân Trí, 2025

Đương đầu khó khăn và giải quyết các vấn đề là một tiến trình khổ sở. Đương nhiên, các vấn đề khó khăn sẽ luôn kích động những cảm xúc hụt hẫng, tiếc thương, buồn bã, cô đơn, mặc cảm, hối tiếc, giận dữ, sợ hãi, bất an, đau khổ, tuyệt vọng. Đây là những cảm xúc khó chịu, rất khó chịu, chúng hành hạ ta không kém gì nỗi đau thể xác, thậm chí đôi khi sánh ngang với những cơn đau kinh khủng nhất trên da thịt.
Tuy nhiên, chính tiến trình đối mặt và giải quyết vấn đề này khiến cuộc sống của ta có ý nghĩa. Giải quyết được vấn đề là ranh giới phân biệt giữa thành công và thất bại, khơi gợi lòng can đảm và sự sáng suốt; hay nói đúng hơn, tạo ra sự can đảm và óc sáng suốt. Nếu không phải đương đầu với các vấn đề, chúng ta không thể trưởng thành. Để giúp một người đạt được sự trưởng thành tinh thần (chứ không chỉ trưởng thành về thể chất), chúng ta nên thử thách và khuyến khích khả năng giải quyết các vấn đề của họ, giống như khi giáo viên giao các bài toán đố cho học sinh tự giải. Chính nhờ nỗi đau khi đối mặt va giải quyết các vấn đề mà chúng ta mới có thể học hỏi được thêm những điều hay, Như Benjamin Franklin đã nói: “Đau đớn giúp ta khôn lớn”. Chính vì thế, những ai khôn ngoan sẽ không sợ hãi, mà học cách đón nhận các vấn đề và những phiền toái mà chúng gây ra.
Đa số chúng ta lại không khôn ngoan như vậy. Do e ngại khổ đau, phần lớn chúng ta, kẻ ít người nhiều, đều tìm cách trốn tránh. Chúng ta trì hoãn, chần chừ, hy vọng mọi sự sẽ tự đi qua. Chúng ta phớt lờ, lãng quên, giả vờ như các vấn đề không hề tồn tại. Chúng ta thậm chí còn dùng thuốc để khiến mình tê liệt trước những cơn đau, hòng quên đi thực tại. Chúng ta tìm cách lảng tránh thay vì đương đầu. Chúng ta tìm cách đào thoát thay vì đối diện để vượt qua.
Xu hướng né tránh vấn đề và sự khổ đau đi liền là nguyên nhân chính yếu của mọi chứng tâm bệnh. Hầu hết mọi người đều ít nhiều cư xử như vậy, nên đều ít nhiều mang tâm bệnh, chứ ít ai có được tinh thần lành mạnh trọn vẹn. Một số thậm chí còn né tránh cực đoan đến mức rời xa thực tại, tìm đến một lối thoát dễ dàng thông qua việc dựng nên những mộng mị hoang đường cho mình nương náu, và đôi khi rơi vào ảo tưởng hoàn toàn. Như Carl Jung đã nói một cách súc tích và tao nhã: “Có một cách để thoát khỏi mọi phiền hà, đó là bị… rối loạn tâm thần”.
“Tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa”, cố đi lẩn tránh các vấn đề sẽ dẫn đến những vấn đề còn lớn hơn nữa. Để rồi ta lại phải loay hoay tránh né tiếp, tạo ra các lớp vỏ bọc chồng chất nuôi dưỡng tâm bệnh ngày càng trầm trọng. Nhưng may thay, một số người đủ can đảm đối mặt với chứng rối loạn của bản thân và, thường với sự hỗ trợ của tâm lý trị liệu, bắt đầu học cách cảm nhận và chấp nhận những gian khổ trong cuộc sống. Bất luận trường hợp nào, hễ né tránh các vấn đề và những sự đau đớn mà chúng gây ra, chúng ta cũng bỏ lỡ luôn sự trưởng thành có được khi đối mặt giải quyết. Chính vì thế, khi ai đó đang ở trong tình trạng suy nhược tâm lý mãn tính, họ sẽ trở nên sa lầy và ngừng trưởng thành. Và nếu không được chữa lành, tinh thần của họ sẽ bắt đầu sa sút và chết dần chết mòn.
Do đó, hãy tự trang bị cho bản thân và cho con cái những phương cách rèn luyện sức khỏe tinh thần và tâm trí. Tức là hãy bảo ban chính mình và con em mình hiểu về tầm quan trọng của việc đối mặt trực diện với các vấn đề và chấp nhận nỗi đau gắn liền với nó. Kỷ luật sẽ luôn là phương tiện cơ bản cần có, dù đầy khó khăn, chúng buộc ta phải trải nghiệm nỗi đau, nhưng là để hướng đến việc từng bước tháo gỡ và giải quyết vấn đề một cách hiệu quả, đồng thời học hỏi và trưởng thành trong chính quá trình đó. Rèn giũa bản thân vào khuôn phép, chính là học cách chịu đựng nỗi đau và học cách trưởng thành.
Vậy để đương đầu với nỗi đau và xây dựng kỷ luật bản thân, cụ thể ta cần làm những gì? Có bốn công cụ kỷ luật như sau:
- Thứ nhất là biết trì hoãn ham muốn;
- Thứ hai, sẵn sàng nhận lãnh trách nhiệm;
- Thứ ba, tôn trọng sự thật;
- Và thứ tư, biết cân nhắc trước sau.
Đây không phải là những phương pháp phức tạp cần chuyên môn cao. Trái lại, chúng là những điều đơn giản mà trẻ con cũng làm được. Ấy thế mà, các vị vua chúa hay lãnh đạo lại thường hay quên lãng, dẫn tới sự sụp đổ của những đế chế hay triều đại. Chúng không hề khó, chỉ là chúng ta có muốn làm hay không. Vì bốn điều trên là những công cụ để đương đầu giải quyết, chứ không phải để né tránh vấn đề, nên hễ ai có xu hướng né tránh thì người ấy cũng sẽ khước từ sử dụng.
Trì hoãn ham muốn
Cách đây không lâu, một chuyên viên phân tích tài chính ba mươi tuổi than phiền với tôi về thói trì hoãn trong công việc, Chúng tôi đã từng bước xem xét suy nghĩ của cô ấy về cấp trên, về cha mẹ. Chúng tôi cũng phân tích tham vọng trong công việc và mức độ liên quan đến sự hạnh phúc trong hôn nhân, trong tình dục, đến cảm giác ganh đua với chồng, và nỗi phân vân về sự ganh đua đó. Thế nhưng, bất chấp mọi nỗ lực phân tích tâm lý thấu đáo và bài bản, cô ấy vẫn tiếp tục trì hoãn. Cuối cùng, một ngày kia, tôi đột ngột hỏi: “Cô có thích bánh ngọt không?”. Cô ấy trả lời có. “Cô thích phần nào hơn, phần bánh hay phần kem?”, tôi hỏi tiếp. “Ồ, phần kem chứ!” cô ấy hào hứng đáp. “Cô ăn bánh như thế nào?” tôi hỏi, cảm giác mình là tay bác sĩ tâm lý ngớ ngẩn nhất thế giới. “Tất nhiên, phần kem trước”. Thế rồi, từ thói quen ăn bánh, chúng tôi tiếp tục tìm hiểu về thói quen làm việc, và phát hiện té ra cô luôn dành một giờ đầu tiên trong ngày để làm hết những phần việc dễ dàng, và rồi sáu giờ sau đó loay hoay giải quyết những thứ khó nhằn còn lại. Tôi đề xuất rằng nếu chịu khó hoàn thành phần việc “đáng ghét” kia trong giờ đầu, thì cô ấy sẽ được thỏai mái suốt sáu giờ còn lại. Thà vất vả một giờ để hưởng thụ sáu giờ thoải mái theo sau, hơn là đánh vật cả ngày để trả giá cho một giờ sung sướng kia. Cô ấy đồng ý, và may mắn cô cũng là người có ý chí, nên từ đó cô không còn trì hoãn nữa.
Trì hoãn ham muốn thoạt nghe tưởng chừng liên quan đến tình dục, nhưng thực ra là quá trình sắp xếp giữa thứ ta thích làm và thứ ta phải làm. Trong đó, niềm vui được gia tăng bằng cách đón nhận và trải nghiệm những sự khổ sở bắt buộc trước, rồi nhanh chóng tận hưởng cảm giác khoan khoái khi được làm những điều dễ dàng và ưa thích sau đó. Chỉ có như vậy mới ổn thỏa.
Đa số trẻ em đều biết sắp xếp như thế từ rất sớm, đôi khi từ tuổi lên năm. Chẳng hạn, khi chơi với bạn, đứa trẻ ấy sẽ nhường và thèm thuồng nhìn bạn mình chơi trước, rồi nó sẽ tận hưởng lượt chơi sau. Ở tuổi lên sáu, nhiều bé ăn phần bánh trước, để dành phần kem thơm ngon sau. Đến tuổi đi học, các em càng thể hiện khả năng kiểm soát ham muốn thường xuyên hơn, đặc biệt qua việc làm bài tập về nhà. Năm mười hai tuổi, một số em đã biết cố gắng ngồi vào bàn học mà không cần cha mẹ rầy la để có thể xem tivi sau khi xong bài.
Đến tuổi thiếu niên, khả năng này đáng lẽ càng phải được thể hiện rõ ràng hơn. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh và thầy cô cũng cho biết rằng nhiều bạn trẻ ở độ tuổi đó lại không có khả năng kiểm soát bản thân như thế. Đây thường là những học trò cá biệt. Bất kể đầu óc không tệ, các em vẫn đạt điểm kém vì không chịu học bài. Chúng trốn tiết, thậm chí bỏ học. Chúng hành xử bốc đồng, ảnh hưởng đến đời sống xã hội. Chúng thường xuyên ẩu đả, hút chích và bắt đầu gặp rắc rối với cảnh sát. Châm ngôn sống của chúng là chơi trước, tính sau. Thế là các chuyên gia tâm lý được nhờ đến, nhưng thường là khi đã quá muộn. Những thiếu niên này thường cự tuyệt mọi nỗ lực can thiệp. Ngay cả khi được dỗ dành bằng thái độ ấm áp, chân thành, cởi mở và không phán xét, tính cách của chúng vẫn thiếu ổn định nghiêm trọng đến nỗi chúng khó mà tham gia vào tiến trình trị liệu tâm lý một cách đàng hoàng. Chúng hẹn gặp rồi hủy. Chúng gạt phắt những liệu trình quan trọng vì không thấy thoải mái. Do đó, thường thì mọi nỗ lực can thiệp đều vô hiệu, chúng sẽ bỏ học để sống tiếp một đời bê tha với những cuộc hôn nhân đau khổ, những tai nạn xe cộ, những đợt điều trị tâm thần hay thậm chí vướng vòng lao lý.
Tại sao vậy? Tại sao hầu hết mọi người đều có khả năng trì hoãn ham muốn, trong khi vài người lại bất lực trước dục vọng của bản thân? Vẫn chưa có giải thích khoa học thỏa đáng nào cho câu hỏi này. Vai trò của di truyền cũng không rõ ràng. Các yếu tố khác cũng không đủ bằng chứng khoa học. Nhưng có những chỉ dấu khá rõ nét vẻ ảnh hưởng từ cách nuôi dạy của cha mẹ.
Con hư tại cha mẹ
Đừng cho rằng những đứa trẻ này trở nên vô kỷ luật vì sống trong những gia đình thiếu nghiêm khắc. Trái lại, các em này hồi nhỏ thường xuyên bị phạt nặng – bị tát, bị đấm, bị đá, bị quất roi, thậm chí chỉ vì những lỗi nhỏ. Nhưng đây là thứ kỷ luật vô nghĩa, bởi vì nó vô cùng bừa bãi.
Nó vô nghĩa bởi vì chính các bậc cha mẹ cũng vô kỷ luật, và nêu ra tấm gương vô kỷ luật cho con cái noi theo. Họ nói một đường làm một nẻo. Họ say xỉn trước mặt con trẻ. Họ hùng hổ cãi vã hay ẩu đả tại nhà mà không màng phải trái, đúng sai. Họ ăn ở nhếch nhác. Họ hứa mà không giữ lời. Họ bừa bãi, vô tổ chức nên dù có nỗ lực dạy dỗ con cái sống khác đi thì cũng như “nước đổ lá khoai“ mà thôi. Nếu cha đánh mẹ, vậy thì phạt thằng anh vì tội đánh em gái nó có hợp lý không? Có hợp lý không khi bắt nó phải biết kiềm chế cơn giận? Suốt thời thơ ấu, chúng ta không có ai khác ngoài cha mẹ để làm hình mẫu lý tưởng, họ là những vị thần trong mắt trẻ thơ. Đứa trẻ sẽ luôn lấy cha mẹ làm khuôn thước cho mình. Nếu thấy cha mẹ nề nếp, kỷ luật, thì đứa trẻ sẽ tin rằng đây chính là cách sống mà nó nên noi theo. Nếu thấy cha mẹ tùy tiện, buông tuồng, đương nhiên chúng cũng sẽ bắt chước.
Thế nhưng, có một điều thậm chí còn quan trọng hơn cả việc làm gương, đó là tình yêu thương. Ngay cả trong những gia đình lộn xộn, vô tổ chức nhất, nếu yêu thương vẫn chan hòa thì những gia đình đó vẫn có thể sinh ra những đứa trẻ ngoan. Và cũng không hiếm gia đình có cha mẹ thành đạt – bác sĩ, luật sư, chính trị gia… với lối sống mực thước, nhưng thiếu tình yêu thương nên con cái họ cũng có thể vô kỷ luật và hư hỏng như bất kỳ đứa trẻ nào xuất thân từ những gia đình bần hàn.
Suy cho cùng, tình yêu là tất cả. Chúng ta sẽ cùng khám phá sự nhiệm mầu của tình yêu trong phần sau. Nhưng để giữ mạch trình bày, tôi cũng xin viết ngắn gọn về tình yêu và mối tương quan giữa nó với kỷ luật.
Khi chúng ta yêu thứ gì đó, nó tự nhiên có giá trị với chúng ta; và khi thứ gì đó có giá trị thì chúng ta sẽ dành thời gian cho nó – tận hưởng và chăm sóc nó. Hãy quan sát một anh chàng và chiếc xe yêu thích, hãy để ý những lúc cậu chàng ngắm nghía, lau chùi, tu sửa. Hoặc nhìn một ông già với vườn bonsai yêu thích và cái cách ông chăm chú cắt tỉa, tưới nước, bổn phận và vun vén từng gốc cây. Tương tự, nếu yêu thương con cái, chúng ta sẽ dành thời gian để nâng niu và chăm sóc chúng. Chúng ta trao tặng thời giờ quý báu cho các con một cách vô điều kiện.
Để rèn luyện kỷ luật cần có thời gian. Khi không có thời gian hoặc không muốn dành thời gian cho con trẻ, chúng ta sẽ không thể đủ thấu hiểu để nhận ra những khoảnh khắc các con cần đến sự hỗ trợ, uốn nắn của chúng ta. Thâm chí có những lúc rành rành bọn trẻ cần được dạy bảo đúng sai, chúng ta vẫn mặc kệ chúng muốn làm gì thì làm, viện cớ rằng “Hôm nay mệt quá, chẳng có hơi sức đâu mà nói đến chúng nó”. Hoặc, cuối cùng, nếu bọn trẻ quậy phá đến mức khiến ta cáu tiết, chúng ta mới áp đặt kỷ luật, thường theo cách thô bạo, để giải tỏa cơn giận dữ hơn là để dạy dỗ một cách thấu đáo.
Những bậc phụ huynh muốn dành thời gian cho con cái sẽ biết cách dạy dỗ con một cách quan tâm, thận trọng và tế nhị, ngay cả khi chúng chưa làm gì sai. Những bậc phụ huynh đó sẽ biết quan sát cách bọn trẻ ăn bánh (ăn phần kem trước hay phần bánh trước?), cách chúng học tập, khi nào chúng nói dối, khi nào chúng trốn tránh thay vì đối mặt với khó khăn. Họ sẽ dành thời gian để uốn nắn con từng chút một, lắng nghe con, trả lời từng câu hỏi, mềm nắn rắn buông, thủ thỉ tâm sự, kể chuyện ngụ ngôn, trao đi những cái ôm, cái hôn, hay âu yếm khích lệ.
Rõ ràng, kỷ luật đến từ những bậc cha mẹ này luôn tốt hơn những cha mẹ thiếu quan tâm. Nhưng đây mới chỉ là bước khởi đầu. Khi dành thời gian quan sát và suy nghĩ về nhu cầu của con, cha mẹ nào yêu thương con sẽ thấy ưu tư trăn trở, và thấu hiểu những khó khăn con đang gặp phải. Con trẻ không thể không nhận thấy. Chúng cảm nhận được khi nào cha mẹ mở lòng chia sẻ, và dù chưa thể bày tỏ lòng biết ơn ngay tức thì, bọn trẻ cũng sẽ học được cách đối diện với khó khăn. Chúng sẽ tự nhủ: “Nếu cha mẹ sẵn sàng chia sẻ cùng mình, vậy thì việc đương đầu với khó khăn cũng không quá tệ, mình sẽ mạnh dạn hơn”. Đây c–hính là bước đầu tiên để xây dựng kỷ luật tự giác.
Thời gian và chất lượng thời gian mà cha mẹ dành cho sẽ giúp bọn trẻ cảm nhận được chúng được cha mẹ quý trọng đến nhường nào. Một số cha mẹ không yêu thương con cái sẽ tìm cách lấp liếm bằng những lời yêu thương máy móc, lặp đi lặp lại, nhưng không dành thời gian cho chúng. Con trẻ sẽ không bao giờ hoàn toàn tin vào những lời nói sáo rỗng đó. Từ tận đáy lòng, chúng có thể sẽ cố bám víu vào những lời đó, muốn tin rằng mình được yêu thương. Nhưng trong vô thức, chúng biết rằng những lời nói đó không đi đôi với hành động.
Mặt khác, với những em sống trong tình yêu thương của cha mẹ, dù có những lúc phàn nàn cha mẹ không đủ thấu hiểu, nhưng trong thâm tâm, chúng vẫn luôn biết rằng mình được yêu thương. Nhận thức này đáng giá hơn vàng bạc. Vì khi con trẻ biết rằng chúng được cha mẹ yêu thương, chúng sẽ cảm thấy bản thân mình có giá trị, từ đó các em sẽ biết tự yêu quý chính mình.
Cảm nhận về giá trị bản thân – “Mình là người có giá trị” – có vai trò thiết yếu đối với sức khỏe tâm lý và là nền tảng cho kỷ luật tự giác. Nó là thành quả trực tiếp từ tình yêu thương của cha mẹ. Niềm tin đó cần được xây dựng từ thời thơ ấu, vì để đến tuổi trưởng thành sẽ vô cùng cam go để đạt được. Hơn nữa, khi giá trị của bản thân đã được xác tín từ thuở ấu thơ qua tình yêu của cha mẹ, những thăng trầm của tuổi trưởng thành hầu như không thể phá hủy được niềm tin vững vàng đó nữa.
Sở dĩ tôi khẳng định việc cảm thấy bản thân có giá trị là nền tảng của kỷ luật tự thân, bởi khi một người thấy bản thân có giá trị, họ sẽ biết cách để tự chăm sóc bản thân. Một người có ý thức tự giác là người tự biết chăm lo cho chính mình. Ở phần trước tôi có thảo luận về việc trì hoãn ham muốn bằng cách sắp xếp và kiểm soát thứ tự công việc. Vậy điểm liên quan ở đây là gì? Đó là khi thấy bản thân có giá trị, chúng ta sẽ thấy thời gian của mình cũng có giá trị, và rồi sẽ muốn sử dụng nó sao cho tốt nhất.
Nữ chuyên gia tài chính ở phần trước nhiễm thói trì hoãn là do cô ấy không biết quý trọng thời gian. Nếu có, cô ấy hẳn đã không để một ngày của mình trôi qua một cách buồn bực và vô tích sự đến vậy. Và tôi phát hiện nguyên do của chuyện này bắt nguồn từ thời thơ ấu của cô. Hồi đó, hễ đến dịp hè hay nghỉ lễ, cô đều được cha mẹ “ký gửi” bên nhà họ hàng; dù nếu muốn, họ vẫn có thể tự chăm sóc cô một cách chu toàn. Vấn đề là họ không quý mến cô con gái. Họ không muốn chăm sóc cô. Vì vậy, cô lớn lên với niềm tin rằng mình không có giá trị, không đáng được quan tâm, nên bây giờ cô cũng không biết chăm sóc cho bản thân. Cô thấy mình không xứng đáng. Dù thông minh và có năng lực, cô vẫn thiếu kỷ luật tự giác dù ở mức sơ đẳng nhất, chỉ vì nghĩ rằng bản thân không có giá trị, nên thời gian của mình cũng chẳng có giá trị gì nốt. Một khi cô có thể nhận ra bản thân và thời gian của mình quý giá, tất nhiên cô ấy sẽ muốn sắp xếp, bảo vệ và tận dụng tối đa.
Lớn lên trong tình yêu thương của cha mẹ sẽ tạo ra những đứa trẻ bước vào tuổi trưởng thành không chỉ với ý thức sâu sắc về giá trị bản thân mà còn có sự vững tâm sâu sắc. Mọi đứa trẻ đều sợ bị bỏ rơi, một nỗi niềm chính đáng. Nỗi sợ này bắt đầu vào khoảng sáu tháng tuổi, khi em bé bắt đầu nhận biết mình là một cá thể tách biệt với cha mẹ. Vì khi biết mình là một cá thể riêng biệt, bé cũng nhận ra rằng với tư cách một cá thể, nó thật bất lực, phải hoàn toàn dựa dẫm vào cha mẹ để sinh tồn, bị cha mẹ bỏ rơi đồng nghĩa với cái chết. Đa số phụ huynh, ngay cả những người vô tâm nhất, đều có bản năng nhận ra nỗi sợ đó của con cái và do đó luôn tìm cách trấn an liên tục: “Cục cưng sao đấy? Ba đây. Mẹ đây”; “Tới chiều ba mẹ sẽ quay lại đón con mà”; “Sao ba mẹ quên con được chứ”. Nếu những lời nói này đi đôi với hành động một cách xuyên suốt, hết tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác, thì khi lớn lên, đứa trẻ sẽ không còn nỗi sợ bị bỏ rơi đó nữa. Thay vào đó, nó sẽ cảm nhận sâu sắc rằng cuộc sống này thật an toàn và tin rằng mình luôn được che chở khi cần. Với sự vững tâm ấy, đứa trẻ sẽ dễ dàng trì hoãn ham muốn, vì nó chắc rằng những cảm giác dễ chịu ấy trước sau cũng sẽ được được thỏa mãn mà thôi, cũng như mái ấm và cha mẹ, luôn hiện diện và sẵn sàng khi nó cần.
Nhưng nhiều đứa trẻ không may mắn như vậy. Nhiều em bé bị bỏ rơi từ nhỏ, do cha mẹ qua đời, do sinh ra ngoài ý muốn hay như trường hợp của nữ chuyên viên tài chính trên, do thiếu quan tâm thấu đáo. Những đứa trẻ khác, dù không bị bỏ rơi, nhưng lại không được cha mẹ tạo cho cảm giác an toàn. Chẳng hạn nhiều người muốn áp đặt kỷ luật dễ dàng và nhanh chóng sẽ hù dọa bỏ rơi con. Thường là: “Nếu không nghe lời, tao sẽ đuổi cổ mày ra khỏi nhà”. Tất nhiên, trong tâm trí con trẻ, bị bỏ rơi đồng nghĩa với cái chết. Những bậc phụ huynh này thay thế tình yêu thương bằng quyền kiểm soát và chế ngự, và kết quả là những đứa trẻ này sẽ mang tâm lý bất an, sợ hãi thái quá về tương lai. Chúng sẽ bước vào tuổi trưởng thành mà không hề tin tưởng rằng thế giới là nơi an toàn và yên ổn. Trái lại, đó là một nơi nguy hiểm và đáng sợ. Chúng sẽ không chịu đánh đổi bất kỳ niềm vui hay sự an toàn ngắn hạn nào ở hiện tại cho sự hứa hẹn trong tương lai, bởi vì đối với chúng, tương lai quá vô định và đáng ngờ.
Tóm lại, để trẻ phát triển khả năng trì hoãn ham muốn, chúng cần phải có những tấm gương kỷ luật tự giác để noi theo, phải có ý thức về giá trị của bản thân và lòng tin nhất định vào sự an toàn của cuộc sống. Lý tưởng biết bao nếu những “gia tài” này được cha mẹ trao cho thông qua ý thức kỷ luật và sự quan tâm chân thành, bền bỉ. Đó là những món quà quý giá nhất mà cha mẹ có thể trao tặng cho con. Nếu không, sau này đứa con vẫn có thể học hỏi ở nơi khác, nhưng hành trình ấy sẽ vô cùng gian nan, phải nỗ lực cả đời, nhưng lại hiếm khi thành công.