RỬA CHÙA, 23 TẾT

Ý Mỹ

Tác giả: Ý Mỹ - Tâm Hạnh - Viên Từ

Mỗi năm, vào ngày 23 tháng chạp chúng tôi tụ tập ở một ngôi chùa nhỏ ngoại ô để rửa chùa, lau rửa tượng. Thôi thì đủ mọi thành phần, đệ tử của chùa mà những người hàng xóm cũng có, giám đốc có mà lao động phổ thông cũng có, dân IT có mà bác xe ôm cũng có…
Người dùng chổi dài quét mạng nhện trên mái ngói, người rửa các tranh tượng, lau chùi các cửa, các đồ đồng được đánh bóng lại… Mấy chục người hăng hái làm việc, một công việc chung, không lợi nhuận, không cạnh tranh. Với một tâm hồn buông xả, cởi mở. Hình như người ta rửa chùa và đồng thời cũng rửa tâm thức mình. Những phiền muộn, đố kỵ, tham sân tạm thời lắng xuống đâu mất.
Thỉnh thoảng có tiếng người nói “Sao hôm nay vui quá!” Chắc khi người ta gác bỏ một bên “cái tôi”và “cái của tôi”, thì tức khắc có niềm vui, và niềm vui ấy càng lớn hơn khi nhiều niềm vui họp lại thành một cái vui chung, một công việc chung, không vụ lợi, hài hòa. Làm việc, lao động không còn phiền muộn, không còn là công việc nhọc mệt, thì lao động là sự biểu lộ của niềm vui. Tôi bắt đầu hiểu “chúng” có nghĩa là gì.
Không khí hòa đồng chung, vô ngã ấy như một ngày hội. Con người hòa mình vào công việc không có lợi nhuận, vô tư, hòa mình vào khung cảnh đón Tết và hòa mình với mọi người khác. Và chính lúc ấy thời gian cá nhân, nhiều lo toan, phiền não biến mất. Lúc ấy người ta chạm vào Tết, cái thời gian không có thời gian, cái không gian không có không gian, cái “trung ấm” khoảng giữa của năm cũ và năm mới. Cái ấy là sự thiêng liêng, khi con người vượt khỏi cuộc sống lo nhọc bộn bề của mình để chạm tới cái thực tại vượt ngoài không gian thời gian.
 
Rồi cũng có những người về trước, đi đón con, có người ở lại đến chiều tối, khi mọi việc đã xong xuôi.
Tôi lại nghĩ, phải gì đời sống trong xã hội cũng được như thế: không vì lợi ích mà cạnh tranh thù ghét nhau, mỗi cuộc đời không còn bó hẹp trong những giới hạn tự mình đặt ra để hòa chung vào một đại dương của niềm vui vô ngại.
Nếu xã hội làm được như thế thì phải chăng mỗi ngày trên trần gian này là một ngày hội, một ngày Tết?

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. NGUỒN GỐC VÀ Ý NGHĨA SÂU SẮC CỦA NGÀY TẾT NGUYÊN ĐÁN
  2. TẾT AN BÌNH
  3. TẾT CỦA DÂN QUÊ

Bài viết mới

  1. SỬ DỤNG HIỆU QUẢ SIÊU NĂNG LỰC QUYỀN LỰC & TÁC ĐỘNG
  2. CÂU TRẢ LỜI ĐÃ CÓ SẮN TRONG CÂU HỎI – PHẬT GIÁO TRONG THẾ GIỚI TÂN TIẾN NGÀY NAY
  3. THẦY VÀ ĐỆ TỬ