SÁU THIỆN HẠNH

JOSEPH GOLDSTEIN

Trích: Một Pháp; Hoàng Lan - Việt Hoàng chuyển ngữ; NXB Hà Nội, THAIHABOOKS.

Rộng lượng đứng đầu hầu hết mọi danh sách các thiện hạnh. Nhiều người dễ dàng đánh giá cao và phát triển hành động này vì nó mang lại niềm vui ngay lập tức cho cuộc sống của chúng ta. Rộng lượng thể hiện phẩm chất của sự không tham lam; đó là sự sẵn sàng trao tặng, chia sẻ, buông bỏ. Đó có thể là việc trao tặng thời gian, năng lượng, nguồn lực, tình yêu và thậm chí trong số hiếm các trường hợp thì là cả cuộc sống của chính mình vì lợi ích và hạnh phúc của người khác. Rộng lượng làm suy giảm khuynh hướng dính mắc và bám víu, đồng thời có liên hệ mật thiết với cảm giác yêu thương. Theo một kiểu hồi đáp tuyệt vời, chúng ta được truyền cảm hứng để trao tặng bởi cảm nhận được yêu thương, và trong hành động trao tặng, chúng ta cảm nhận nhiều yêu thương hơn. Rộng lượng trở nên mạnh mẽ hơn và thú vị hơn khi chúng ta dấn thân sâu hơn vào đó. Như một bài thực hành rộng lượng, chúng ta có thể hành động theo những thôi thúc trao tặng bên trong mình thay vì để chúng trôi qua.

Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga), một bản luận cổ xưa về những giáo lý sớm nhất trong Phật giáo, mô tả một người có thực hành rộng lượng ở cấp cao là người không chỉ trao tặng khi có cơ hội, mà còn thích được yêu cầu bất cứ điều gì cần thiết. Một người như vậy tìm thấy niềm vui trong mỗi cơ hội để trao tặng.

Như đã đề cập trước đây, đã có rất nhiều vị Phật, những Bậc Tỉnh Thức, trong quá khứ và sẽ còn nhiều vị nữa trong tương lai. Một câu chuyện về một vị Phật trước đây tên là Kassapa và một người thợ gốm nghèo minh họa niềm vui của sự rộng lượng. Câu chuyện được trích từ một bản dịch trực tiếp các văn bản tiếng Pali, vì vậy mang đến cho chúng ta một số cảm giác về giai điệu và ngôn ngữ của những bài giảng khẩu truyền nguyên thủy.

Vua xứ Kasi (Benares) đã ba lần thỉnh Đức Phật Kassapa đến nhận trú xứ để nhập hạ. Mỗi lần như vậy, Đức Thế Tôn đều từ chối, nói rằng nơi nhập hạ của Ngài đã được cúng dường. Sau đó nhà vua hỏi Đức Phật rằng có phải Ngài có một người phò trợ tốt hơn mình không.

Đức Phật Kassapa trả lời: “Đúng vậy, thưa đại vương. Có một thị trấn… nơi một người thợ gốm tên là Ghatikara sống. Anh ấy là người phò trợ ta, người phò trợ chính của ta. Người thợ gốm Ghatikara đã quy y Phật, Pháp và Tăng. Anh ấy đã từ bỏ việc sát hại chúng sinh, từ bỏ việc lấy những gì không được cho, từ bỏ việc tà dâm, nói sai sự thật, rượu bia và các chất gây say, nguồn gốc của những sự phóng túng. Anh ấy thành tựu niềm tin bất thối chuyển vào Phật, Pháp, Tăng và có những phẩm tính được những bậc cao quý yêu mến… Anh ấy ngày ăn một bữa, sống phạm hạnh, có giới hạnh, theo thiện pháp. Anh ấy bỏ đá quý và vàng bạc sang một bên, anh ấy đã từ bỏ vàng bạc … và khi làm xong những đồ gốm, anh ấy nói: Nếu ai muốn, hãy đặt vào đó một số gạo hoặc đậu que hoặc đậu hột và lấy đi bất cứ thứ gì mình cần. Anh ấy chăm sóc cha mẹ già đã mù lòa của mình…

Khi sống gần đấy, một buổi sáng, ta đắp y, ôm bình bát và áo choàng bên ngoài, đến gặp cha mẹ người thợ gốm Ghatikara và hỏi họ:

‘Hãy cho ta biết anh thợ gốm đi đâu rồi?”

‘Bạch Thế Tôn, người phò trợ Ngài đã ra ngoài; nhưng hãy lấy cơm trong nồi và đồ ăn trong chảo mà dùng.’

Ta đã làm như vậy và ra về. Sau đó người thợ gốm Ghatikara trở về, gặp cha mẹ mình và hỏi:

‘Ai đã lấy cơm trong nồi và đồ trong chảo, ăn rồi đi vậy?’

Này con, Đức Thế Tôn Kassapa, Đấng đã thành tựu và hoàn toàn giác ngộ, đã làm việc ấy.

Người thợ gốm Ghatikara nghĩ:

‘Thật lợi ích cho ta, thật lợi lớn cho ta là Đức Thế Tôn Kassapa, Đấng đã thành tựu và hoàn toàn giác ngộ, tin cậy ta như vậy. Và sự vui sướng, hạnh phúc không rời khỏi anh suốt nửa tháng và cha mẹ anh suốt một tuần.

Vào một dịp khác khi sống tại Vebhalinga, túp lều của ta bị dột. Khi đó ta nói với các Tỳ Kheo như thế này:

‘Này các Tỳ Kheo, hãy đi và xem nhà của người thợ gốm Ghatikara có cỏ không.’

‘Bạch Thế Tôn, nhà của người thợ gốm Ghatikara không có cỏ; nhưng có mái nhà bằng cỏ.’

‘Này các Tỳ Kheo, hãy đi lấy cỏ ở mái nhà của người thợ gốm Ghatikara.’

Họ đã làm như vậy. Khi đó cha mẹ người thợ gốm Ghatikara hỏi các Tỳ Kheo:

‘Ai đang lấy cỏ từ nhà chúng tôi vậy?’

‘Thiện nữ, lều của Đức Thế Tôn Kassapa, Đấng đã thành tựu và hoàn toàn giác ngộ, đang bị dột.’

‘Hãy lấy đi, chư Hiền giả! Hãy lấy đi, chư Hiền giả!’

Sau đó người thợ gốm Ghatikara trở về, gặp cha mẹ mình và hỏi:

‘Ai đã lấy cỏ trên mái nhà vậy?’

“Này con, các Tỳ Kheo đã lấy; lều của Đức Thế Tôn Kassapa, Đấng đã thành tựu và hoàn toàn giác ngộ, đang bị dột.’

Người thợ gốm Ghatikara nghĩ:

“Thật lợi ích cho ta, thật lợi lớn cho ta là Đức Thế Tôn Kassapa, Đấng đã thành tựu và hoàn toàn giác ngộ, tin cậy ta như vậy! Và sự vui sướng, hạnh phúc không rời khỏi anh suốt nửa tháng và cha mẹ anh suốt một tuần. Sau đó, trong suốt ba tháng, ngôi nhà ấy không có mái nhưng không có mưa vào. Người thợ gốm Ghatikara là như vậy.

Sau đó, câu chuyện tiếp tục mô tả chi tiết một số thành quả phong phú và tức thì hơn từ sự cúng dường của Ghatikara. Bản thân vua nước Kasi cũng không thể sánh được với niềm tin sâu sắc và sự rộng lượng yêu thương của người thợ gốm giản dị (và hóa ra là chứng ngộ khá cao) này.

Thiện hạnh thứ hai là duy trì giới luật (sila trong tiếng Pali). Trong lời khen ngợi Ghatikara ở trên, Đức Phật Kassapa đã nhắc lại năm giới luật căn bản của việc không làm ác: Không sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói dối và sử dụng chất gây say. Đôi khi việc thực hành sila, tuân thủ năm giới, thật dễ dàng – chúng ta chỉ đơn giản là đang làm những gì có vẻ tự nhiên với mình. Tuy nhiên, vào những lúc khác, những lựa chọn trước mắt có thể khó khăn và việc tuân theo một giới luật căn bản có thể có nghĩa là từ bỏ một số ham muốn, một hành động kiềm chế có ý thức. Vào những lúc này giới luật trở thành một thực hành thực sự của quá trình chuyển hóa. Ở đây chúng ta có cơ hội củng cố sợi dây đạo đức căn bản của mình.

Hiểu giới luật như một thực hành phụ thuộc vào việc nhận ra hạnh phúc hay bất hạnh tại thời điểm này không phải yếu tố quyết định duy nhất để đưa ra lựa chọn. Đôi khi trải nghiệm thích thú trong khoảnh khắc này dẫn đến những kết quả không mong muốn trong tương lai – ví dụ như hậu quả của các loại nghiện ngập khác nhau hoặc mang thai ngoài ý muốn. Và đôi khi những trải nghiệm khó chịu hoặc đau đớn trong hiện tại lại dẫn đến những kết quả tốt đẹp sau này. Hãy nghĩ về những khó khăn của một vận động viên luyện tập cho Thế vận hội Olympic hoặc một người nào đó trong khóa tu thiền đầu tiên của mình. Hướng dẫn cho các hành động của chúng ta không nên chỉ đơn giản là điều gì đó dễ chịu hay khó chịu ngay bây giờ, mà là liệu những phẩm chất lành mạnh của tâm thức và trái tim có đang được củng cố hay không. Chính những phẩm chất đó là nguồn gốc giúp chúng ta có được hạnh phúc lâu bền hơn.

Khi duy trì giới luật, điều đó sẽ trở thành một năng lực mạnh mẽ và thanh lọc cuộc sống của chúng ta, mang lại lợi ích cho cả người khác và bản thân theo nhiều cách. Đức Phật nói đạo đức là vẻ đẹp thực sự của con người. Thật không may, chúng ta thường coi trọng vẻ đẹp bên ngoài và thường bỏ qua những điều tốt đẹp thực sự tỏa sáng bên trong của một người. Giới luật cũng tiếp thêm sức mạnh cho những khát vọng. Đó là năng lực hành động mang lại cho chúng ta những kết quả mong muốn.

Khi giới luật mạnh mẽ, chúng ta thể hiện qua hành động rằng không ai phải sợ mình. Đây là một trong những đóng góp lớn nhất mà chúng ta có thể cống hiến cho thế giới, vì việc không gây hại mang đến món quà an toàn và tin cậy cho tất cả những người xung quanh chúng ta. Và cuối cùng, đạo đức mang lại cho chúng ta cảm giác bình yên của sự không ân hận. Thông qua sự cam kết và thực hành bất tổn hại – trong các hành động của thân, miệng và tâm – sự đau khổ vì ân hận, có thể là một năng lực tiêu cực mạnh mẽ trong cuộc sống, không làm tâm chúng ta kích động. Khi tâm không kích động, sự an định đến dễ dàng hơn. Từ an định sinh ra trí tuệ.

Mặc dù tất cả đều phải chịu trách nhiệm cho nhiều hành động bất thiện trong quá khứ, nhưng sức mạnh to lớn và vẻ đẹp của phẩm hạnh nằm ở chỗ chúng ta có được sức mạnh và sự bình thản từ nó ngay khi tiếp tục nếp sống bất tổn hại. Có lẽ Đức Dalai Lama đã tóm tắt tốt nhất tầm quan trọng của giới luật khi Ngài nói: “Tôn giáo thực sự của tôi là lòng tốt”. Một mục đích của hành động thiện lành là biến tôn giáo này thành của chúng ta.

Hai thiện hạnh tiếp theo là tôn trọng và phục vụ. Thường thì chúng ta tôn trọng những thứ bên ngoài – tiền bạc, quyền lực, danh vọng, sắc đẹp – hoặc những người sở hữu chúng. Nhưng có thể nhìn xuyên qua những cám dỗ này để thấy những gì có giá trị lớn lao hơn và lâu dài hơn. Khi thực hành Bốn Niệm Chuyển Tâm – về sự quý báu của kiếp người, về vô thường, về quy luật của nghiệp và những khiếm khuyết của luân hồi – chúng tạo ra một sự tôn trọng lớn lao đối với Pháp và đối với những nỗ lực mà chúng ta thực hiện để thanh tẩy trái tim và tâm thức của chính mình.

Sự tôn trọng dẫn đến sự quan tâm – một phẩm chất không lầm lỗi trong những gì chúng ta làm. Bao nhiêu lần chúng ta đã vội và sống qua một ngày, không quan tâm đến những điều đơn giản nhất? Khi chậm lại, dù chỉ một chút, chúng ta sẽ kết nối được với mức độ trải nghiệm sâu sắc hơn. Georgia O’Keefe đã diễn tả điều này rất hay: “Vẫn theo một cách nào đó, không ai thật sự nhìn thấy một bông hoa. Nó quá nhỏ. Chúng ta không có thời gian và để thấy thì cần có thời gian – giống như để làm bạn với một người, cần có thời gian.”

Sự tôn trọng đối với Pháp và sự thực hành cũng dẫn tới sự quan tâm sâu sắc hơn đến các mối quan hệ của chúng ta. Chúng ta trở nên rõ biết và nhạy cảm hơn với những người xung quanh. Một trong những niềm vui khi đọc những lời dạy của Đức Phật là chúng, thường là theo những cách rõ ràng mà chúng ta bỏ qua hoặc lãng quên, chỉ về hướng hạnh phúc.

Một câu chuyện kể về các tăng sĩ sống cùng nhau trong một khu rừng. Một ngày nọ Đức Phật đến thăm và nói rằng Ngài hy vọng rằng họ giữ gìn sức khỏe tốt, rằng họ được thoải mái và có đủ thức ăn. Sau đó Ngài tiếp tục: “Này Anuruddha (một trong những tăng sĩ), ta hy vọng rằng tất cả các ông đang sống hòa thuận, quý trọng lẫn nhau, không tranh chấp, hòa hợp như sữa và nước, nhìn nhau bằng đôi mắt từ ái.”

Anuruddha đáp: “Chắc chắn, thưa Thế Tôn, chúng con đang sống hòa thuận, quý trọng lẫn nhau, không tranh chấp, hòa hợp như sữa và nước, nhìn nhau bằng đôi mắt từ ái.”

Sau đó, Đức Phật hỏi một câu quan trọng: “Nhưng, Anuruddha, làm thế nào các ông sống được như vậy?” Ở đây, chúng ta đi tới điểm mấu chốt của việc sống hòa thuận và hòa hợp qua một thông điệp giản đơn sâu sắc đến với chúng ta xuyên qua 2.500 năm của xã hội loài người. Anuruddha trả lời:

“Thưa Thế Tôn, về điều này con nghĩ: “Thật lợi ích cho ta, thật lợi lớn cho ta là ta đang sống với những bạn đồng hành như vậy trong đời sống thánh thiện. Con duy trì các hành động từ ái với những bậc đáng kính này, cả công khai và riêng tư; con duy trì những lời nói từ ái với họ, cả công khai và riêng tư; con duy trì những tâm ý từ ái với họ, cả công khai và riêng tư. Con quán xét: “Tại sao ta không gác lại những gì mình muốn làm và thực hiện những gì những người đáng kính này muốn làm?” Sau đó, con đặt những gì mình muốn làm sang một bên và thực hiện những gì những người đáng kính này muốn làm. Chúng con khác nhau về thân, thưa Thế Tôn, nhưng là một trong tâm.”

Đức Phật và nhiều người khác đã nói về việc tôn kính những bậc thông thái và, điều đôi khi có thể là một nét văn hóa với chúng ta, kính trọng cha mẹ cùng những người lớn tuổi khác. Ngài nhận xét rằng chúng ta có thể chở mang cha mẹ suốt đời mà vẫn không đền đáp được công ơn sinh thành ra kiếp người này. Mặc dù nền văn hóa của chúng ta không coi trọng sự kính trọng cha mẹ nhiều như những nền văn hóa phương Đông, nhưng việc nuôi dưỡng lòng biết ơn sẽ mở ra nhiều cánh cửa trong mối quan hệ này. Thường có những tình huống phức tạp không thể tránh né, nhưng việc thắt chặt mối quan hệ của chúng ta với những người lớn tuổi có ý nghĩa sâu rộng. Bằng cách tôn trọng những gì xứng đáng với nó, chúng ta gắn kết bản thân với những giá trị đó. Sự tôn trọng và niềm tin nuôi dưỡng lẫn nhau và sinh ra nhiều hành động thiện lành.

Khi nuôi dưỡng phẩm chất của sự tôn trọng trong cuộc sống của mình, chúng ta cũng bắt đầu nhìn thế giới theo một cách khác. Âm hưởng của sự quan tâm phát sinh từ việc tôn trọng có thể thay đổi cách chúng ta tương tác với xã hội. Trước mắt chúng ta nhìn thấy những cơ hội mà mình có thể trao tặng sự chăm sóc. Chúng ta bắt đầu khám phá các khả năng phục vụ, đảm nhiệm vai trò tích cực trong việc xem xét xem những gì là cần làm và dành năng lượng của mình cho những nỗ lực đó. Mặc dù đôi khi người ta tạo ra khoảng cách giữa việc thực hành tâm linh và sự dấn thân vào xã hội, nhưng chúng ta ngày càng thấy rõ ràng hơn rằng chúng đều thống nhất trong sự bừng nở của trí tuệ và từ bi. Từ bi thúc đẩy chúng ta hành động và trí tuệ đảm bảo các phương tiện có hiệu quả.

Đức Dalai Lama đã viết:

“Tôi cũng kiên định với quan niệm rằng những người thành tâm thực hành Phật Pháp thì cũng phải phụng sự xã hội. Chúng ta thường coi cái mà chúng ta gọi là “hạnh phúc của tất cả chúng sinh” là đối tượng cho những lời cầu nguyện và thiền của mình, nhưng khi đứng lên khỏi chiếc đệm thiền, chúng ta lại không giúp đỡ thiết thực cho những người xung quanh và những người đang cần giúp đỡ. Nếu thực hiện ước nguyện vị tha của mình, chúng ta không thể phân biệt đối xử giữa tâm linh và đời sống xã hội. Nếu không có sự hỗ trợ của các chúng sinh, chúng ta không thể thực hành gì cả và khi không quan tâm đến lợi ích của họ, việc thực hành của chúng ta chẳng có ý nghĩa gì.

Cần chú ý cẩn thận để không thúc đẩy sự phân biệt giữa thiền và hoạt động xã hội bằng cách đưa ra đánh giá về những gì người khác nên làm với cuộc sống của họ. Mỗi chúng ta đều có nhịp điệu riêng của các việc bên trong và bên ngoài. Nhịp điệu này có thể là theo tuần, theo tháng, theo năm hoặc thậm chí là cả kiếp sống. Khi đọc về nhiều kiếp quá khứ của Đức Phật, khi Ngài đang tu hành trong một hang núi hẻo lánh nào đó, trong bối cảnh của kiếp sống đó, nó dường như là một sự phấn đấu tâm linh vị kỷ: “Vị ẩn sĩ già đó đang làm gì cho người khác?” Nhưng trong bối cảnh của việc thực hành đơn độc đó, con đường dẫn đến Phật Quả của Ngài – và tất cả hoạt động bi mẫn bao la phát xuất từ sự thức tỉnh của Ngài – thì chúng ta hiểu được động cơ bi mẫn sâu xa đã thúc đẩy sự nỗ lực trong nhiều kiếp sống đó.

Khi chỉ lướt nhanh qua những kinh nghiệm hoặc con đường của một người, như tâm hay đánh giá của chúng ta thích làm, chúng ta có thể có một cái nhìn rất méo mó về bức tranh lớn hơn. Sự tôn trọng tất cả các hành động thiện lành là chìa khóa của tâm khoan dung bao la và lòng cảm kích rộng mở.

Lắng nghe Pháp và chia sẻ với người khác là thiện hạnh thứ năm. Lời nói có sức mạnh và nhiều người đã trở nên giác ngộ chỉ đơn giản bằng cách chăm chú lắng nghe những lời dạy. Bản thân việc lắng nghe là một nghệ thuật. Thông thường khi nghe, chúng ta bận rộn với những suy nghĩ, phán đoán và phản ứng của chính mình. Nhưng khi lắng nghe với tâm tĩnh lặng và sự tập trung, chúng ta có thể thực sự thấu cảm ý nghĩa của ngôn từ. Đôi khi những hiểu biết sâu sắc đến trong nháy mắt, bất ngờ. Tôi đã có một kinh nghiệm cá nhân mạnh mẽ về sự thật này. Vài tuần trước khi kết thúc thời gian làm việc cho Tổ chức Hòa bình ở Thái Lan, tôi ngồi yên lặng trong khu vườn của một người bạn và lắng nghe anh ấy đọc bản dịch một văn bản tiếng Tây Tạng có tên là Tạng Thư Đại Giải Thoát. Tâm tôi trở nên khá tập trung và tại một thời điểm, khi bản văn nói về “bản tính vô sinh của tâm”, một kinh nghiệm đột ngột và tự phát về sự khai mở tâm… về “Không” xảy ra. Khoảnh khắc này dẫn đến cái “vô tướng”, một thực tại vượt ngoài tâm thức và cơ thể thông thường, có sức mạnh của một tia sét phá tan ảo tưởng vững chắc về tự ngã. Ngay sau đó, một cụm từ cứ lặp đi lặp lại trong đầu tôi: “Không có ta, không có ta. Kinh nghiệm này đã thay đổi hoàn toàn hiểu biết của tôi về mọi thứ. Tất nhiên, kể từ đó các cảm xúc hoặc ý nghĩ về “tôi”, một cảm nhận về tự ngã, vẫn khởi sinh nhiều lần, nhưng vẫn có một hiểu biết sâu xa rằng ngay cả cảm nhận về tự ngã cũng vô ngã – đó chỉ là một ý niệm khác mà thôi.

Cũng như việc lắng nghe Pháp có thể khơi gợi sự hiểu biết ngay lập tức và cung cấp hạt giống cho những hiểu biết sâu sắc hơn, việc nói chuyện và chia sẻ Pháp cũng tích cực làm sạch tâm thức. Tôi đã nhiều lần nhận thấy mình vô cùng mệt mỏi trước khi thuyết Pháp và cảm thấy hoàn toàn tràn đầy sinh lực sau đó. Như thể trí tuệ của Pháp soi sáng cả người nghe và người nói. Một bài kinh mô tả điều đó theo cách này: “Này các Tỳ Kheo, có bốn loại quang minh. Bốn loại nào? Quang minh của Mặt Trăng, của Mặt Trời, của lửa và của trí tuệ. Trong bốn loại này, này các Tỳ Kheo, quang minh của trí tuệ đứng đầu.” Đức Phật nhận xét rằng món quà Pháp là món quà cao cả nhất đối với cả người trao và người nhận.

Hành động cuối cùng trong những thiện hạnh này là thiền, sự phát triển của an định và sáng suốt. Thiền bắt đầu bằng việc tĩnh tâm và chú ý. Tầm quan trọng của điều này được bộc lộ ngay khi bắt đầu thực hành – đó thường là cái thấy sâu sắc đầu tiên chúng ta đạt được khi bắt đầu hành thiền. Chúng ta tự thấy tâm khó kiểm soát như thế nào. Tâm thật là trơn tuột. Chúng ta cảm nhận một hoặc hai nhịp thở và sau đó tâm lang thang. Chúng ta trở nên bị quyến rũ hoặc phân tâm bởi những ý nghĩ, kế hoạch và ký ức – đôi khi thậm chí không phải là những điều dễ chịu. Chúng ta thường hồi tưởng lại những tranh cãi hoặc những tổn thương cũ. Chúng ta nhảy lên đoàn tàu của một chuỗi các liên kết mà không biết rằng mình đã nhảy lên và không biết đoàn tàu đó đi đâu. Ở một nơi nào đó, chúng ta tỉnh dậy sau giấc mơ của những ý nghĩ của mình, thường là trong một bối cảnh tinh thần hoàn toàn khác. Có lẽ chúng ta đã bị cuốn vào một bi kịch nào đó, một cảm xúc mạnh mẽ nào đó, bị trói chặt trong một ý thức mạnh mẽ về tự ngã, về cái tôi. Và hầu hết thì đó chỉ là trò chơi của tâm chúng ta.

Huấn luyện tâm cũng giống như huấn luyện một chú chó con ngồi. Bạn đặt nó ngồi xuống và một lúc sau, nó nhảy lên người bạn, liếm mặt và tay bạn. Bạn đặt nó ngồi xuống một lần nữa: “Hãy ngồi, ngồi đi!” và chỉ trong giây lát nó sẽ lại chạy lên chạy xuống. Nhưng với sự kiên nhẫn và tận tâm nhẹ nhàng, theo thời gian, chú chó con sẽ học được cách ở yên và ngồi xuống. Tâm của chúng ta rất giống chú cún nhỏ này.

Những câu kệ trong Kinh Pháp Cú nhắc nhở chúng ta rằng tâm lang thang này trong thời của Đức Phật cũng giống như trong thời của chúng ta:

“Tâm hoảng hốt dao động 

Khó hộ trì, khó nhiếp 

Người trí làm thẳng tâm 

Như thợ tên làm tên.

 

Khó nắm giữ, khinh động 

Theo các dục quay cuồng

Lành thay, điều phục tâm 

Tâm điều, an lạc đến.

 

Kẻ thù hại kẻ thù

Oan gia hại oan gia 

Không bằng tâm hướng tà

Gây ác cho tự thân.

 

Điều mẹ cha, bà con

Không thể nào làm được

Tâm hướng chính làm được 

Làm được tốt đẹp hơn.”

 

Như vậy, chúng ta bắt đầu với một đối tượng chú tâm rất đơn giản như hơi thở và rèn luyện bản thân để quay lại với nó ngay cả khi xao lãng hết lần này đến lần khác. Cái nhìn thấu suốt đầu tiên này khiến chúng ta hiểu biết giá trị và tầm quan trọng của việc duy trì sự chú ý của mình, bởi thế giới mà chúng ta tạo ra trong bản thân và xung quanh đều có nguồn gốc từ chính tâm chúng ta. Chúng ta có bao nhiêu thế giới tâm khác nhau trong những ý nghĩ của mình, giữa hơi thở này và hơi thở kế tiếp? Và chúng ta thực hiện bao nhiêu hành động vì bị dẫn dắt bởi những ý nghĩ không được biết đến này?

Trước tiên, bằng cách lấy một đối tượng cụ thể cho sự tập trung và sau đó luyện tâm để tập trung vào đó, chúng ta có thể phát triển sự bình tĩnh và an định. Đối tượng có thể là hơi thở, âm thanh, thần chú, hình ảnh trực quan hoặc những sự quán chiếu cụ thể, tất cả đều phục vụ cho việc tập trung tâm. Lúc đầu, điều này đòi hỏi nỗ lực quay lại liên tục mỗi khi tâm lang thang. Tuy nhiên, qua thực hành, tâm sẽ được rèn luyện và sau đó an trụ nơi đối tượng đã chọn một cách khá dễ dàng.

Ngoài những cảm giác thư thái và bình yên, trạng thái tập trung cũng trở thành cơ sở để làm sâu sắc hiểu biết và trí tuệ. Chúng ta thấy mình đang mở lòng trước sự khổ đau của thế giới cũng như vẻ đẹp tuyệt vời của nó. Thông qua sức mạnh của sự tỉnh thức được gia tăng, những trải nghiệm giản đơn thường trở nên sống động một cách kỳ diệu: Hình bóng của một nhành cây trên nền trời đêm hay cây cối đung đưa trong gió vô hình. Cách chúng ta cảm nhận thế giới trở nên thanh tịnh, nhận thức của chúng ta về thế giới được chuyển hóa. Marcel Proust đã viết:

“Hành trình khám phá thực sự không bao gồm việc nhìn thấy những cảnh quan mới mà là có những đôi mắt mới.”

Rộng lượng, trì giới, tôn trọng, phục vụ, lắng nghe Pháp và thiền là những thiện hạnh. Mỗi thứ là một thực hành có thể được trưởng dưỡng và trau dồi thêm, trở thành những nguyên nhân cho hạnh phúc của chính mình và người khác. Những thiện hạnh này trở thành món quà của chúng ta cho thế giới.

Bình luận

[…] viết SÁU THIỆN HẠNH đã xuất hiện đầu tiên vào ngày Cùng […]


Bài viết khác của tác giả

  1. THỰC HÀNH TÂM BỒ ĐỀ
  2. KINH NGHIỆM ĐẦU TIÊN CỦA TÔI VỀ NIỀM TIN
  3. DŨNG CẢM – SỨC MẠNH CỦA TRÁI TIM

Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP