SỐ PHẬN VÀ ĐỊNH MỆNH

THIỀN SƯ NI DAEHAENG

Trích: Không Có Sông Nào Để Vượt Qua; Nguyên tác: No River to Cross; Người dịch: Hạnh Huệ; NXB Văn hóa Văn nghệ

Tặng phẩm chân thật

Nếu bạn xem mọi vật như thân mình, như cái đau của mình, như hoàn cảnh riêng mình, thì làm sao cuộc sống của bạn có thể quý báu, còn của người khác thì không? Đây là tặng phẩm chân thật và là trái tim của một Bồ tát.

Có thể tha thứ mọi sự. Khi một tâm đẹp như thế làm việc với nhau như một với mọi sinh vật và sự vật trong vũ trụ, sẽ có thể có quà tặng chân thật – ban tặng không điều kiện, không có “bạn” hay “tôi”.

Khi bạn cho đi vật gì, hãy cho mà không có tư tưởng về cho. Bạn nên đưa ngay cả quà tặng cho Chủ nhân Không và buông bỏ nó với sự chân thành sâu xa. Theo lối thường, cho giống như mang tiền vào tiệm và trao đổi một vật khác:  Cho dù bạn cho người khác, bạn không chỉ cho mà còn nhận nó nữa.

Hãy cố cho và giúp người khác khi bạn thấy được chính mình hoàn toàn dính mắc. Người ta thường dùng rất nhiều năng lượng lo về “cái của tôi” đến nỗi họ thực sự ngăn chặn hẳn những gì mới đến với họ. Mọi vật được kết nối, và tất cả năng lượng sẵn có cố gắng tỏa bình đẳng giữa mọi sự và mọi sinh vật, nhưng sự dính mắc của chúng ta và những cái nhìn quy ngã đã ngăn chặn hẳn năng lượng này.

Dù cho bạn giúp người khác rất nhiều, nếubạn làm với tư tưởng không vui hay với gương mặt cau có, thì do miễn cưỡng, nó không thể thành công đức. Hơn nữa, không thành vấn đề bạn đã làm bao nhiêu việc tốt hay bạn đã bố thí bao nhiêu, chừng nào bạn còn nghĩ “Tôi làm điều này…,” thì nó không thể thành công đức. Hãy buông bỏ những tư tưởng tập trung quanh “tôi” ngay khi bạn nhận ra chúng và tiến lên. Khi bạn thấy cả hai vật chất và phi vật chất như một, nếu bạn nhấc một ngón tay, nó có thể động toàn thế giới. Công đức này vượt trên sự hiểu biết.

“Ban cho” thiết lập nền tảng mà với nó bạn có thể báo đáp lòng ân cần của cha mẹ, có thể ban ánh sáng mặt trời cho con cái và làm mạnh mẽ cội nguồn của chúng.

“Ban cho” có thể là từ bi, và không cho cũng có thể là từ bi, chỉ chắc chắn rằng nó lợi ích người khác.

Ảnh: Chùa Thượng Tây Yên Tử, Bắc Giang; Nguồn: Lượng Lê

Số phận và định mệnh

Khi tâm sáng suốt, không phải do số phận. Khi tâm đen tối không phải do định mệnh. Trong pháp của Phật, không có số phận và định mệnh, và tam tai bát nạn cũng không có. Pháp của Phật thực sự tươi mới và tự do.

Không có gì như là số phận hay định mệnh. Mọi vật tùy thuộc cách bạn dụng tâm. Khi bạn không thoát khỏi dính mắc, những điều này rốt cuộc sẽ trở thành những nguyên nhân của những gì bạn kinh nghiệm. Như thế, cuối cùng, hạnh phúc và bất hạnh tùy vào cách bạn dụng tâm.

Khi một nghệ sĩ được giao một vai trò, họ theo kịch bản được giao. Cũng thế, chúng ta là những nghệ sĩ mà lời thoại của mình đã được viết bằng những kết quả của hành động của riêng mình. Không hề gì dù bạn thích lời thoại hay không, bạn không được phép làm sai chúng. Bạn là người tạo kịch bản, cái núi tập khí này được gọi là số phận, định mệnh, vậy bạn cũng là người làm tiêu tan chúng.

Khi bạn sanh ra với thân, bạn đã mang theo nghiệp tốt và xấu mà bạn đã tích chứa hằng tỉ kiếp. Khi điều này biểu lộ, người ta lầm cho nó là số phận hay định mệnh. Tuy nhiên, nếu bạn phó thác hết những gì khởi lên từ cả hai bên trong và bên ngoài thân mình cho bản thể, và để nó tan biến, thì khi cái “tôi” biến mất, nghiệp cũ của bạn kết thúc và bạn ngưng tạo nghiệp mới. Người biết nguyên lý này sẽ không nói về số phận và định mệnh.

Tin vào ngoại lực

Khi những vấn đề xảy ra, hầu như mọi người đi tìm giải pháp ở nơi nào đó ngoài chính họ, thay vì nhìn vào trong. Họ dựa vào bác sĩ và bệnh viện đối với những vấn đề thuộc thân thể, và họ cố giải quyết cảnh nghèo cùng nhờ vào sự giúp đỡ của người khác. Họ hỏi thầy bói về vận mệnh của mình, và họ dựa vào trường học về phương diện giáo dục. Đây có thể là những giải pháp tạm thời, nhưng chúng không thể là giải pháp vĩnh cửu. Dù người ta nói rằng y phục là bộ cánh (có nghĩa là khi xuất hiện đẹp đẽ có thể tạo mọi cơ hội), nếu bạn có mặc y phục rất đẹp đi nữa, y phục không thể trở thành thân của bạn. Cũng thế, dù việc gì có vẻ như có ích, nếu bạn tìm nó ở đâu khác hơn bên trong bạn, nó không phải giải pháp thực sự. Như thế trên tất cả, bạn phải tìm chính bạn. Trí tuệ và năng lượng chăm lo mọi chướng ngại vật của bạn, đã sẵn có trong bạn. Nếu bạn lang thang tìm gì ở ngoài, bạn không có được lợi thế của những giải pháp vô hạn ở bên trong. Hạnh phúc không đến từ bên ngoài, nó ở bên trong.

Nếu bạn cầu xin cứu giúp từ ngoại lực, thì bạn đã rơi vào nhị nguyên. Không nhằm nhò gì dù bạn tốn bao nhiêu nỗ lực để cầu xin như thế, nó không đạt được chút công đức nào. Đây là vì mọi chướng ngại đã khởi lên từ bản thể của bạn, vì thế chỉ bản thể của bạn mới có thể chăm sóc nó.

Bạn trồng trọt, thu hoạch, nấu và ăn gạo của mình. Không ai có thể cho bạn, và không ai có thể làm thay bạn. Do đó bạn phải tập trung trong việc khai mở tâm mình. Nếu thay vào đó, bạn lang thang mang một bát rỗng đi xin giúp đỡ, bạn sẽ không bao giờ toại nguyện. Đừng cô phụ Chủ nhân Không của bạn, đã cưu mang bạn nơi này qua hằng trăm triệu kiếp.
Nếu bạn tin một cách mù quáng vào ngoại lực, có thể nói bạn đã quay lưng với tiềm năng vĩ đại và vô hạn của một con người, khả năng thành Phật. Nếu bạn là một con người, thì như loài vật thượng đẳng, bạn phải biết phản quan tự kỷ.

Xung đột tôn giáo

Tôn giáo là một cái tên. Người ta gọi tên theo hoàn cảnh hay địa thế, nhưng cơ bản chúng vẫn là một gia đình. Tôn giáo không phải là cái để tranh giành. Người ta đấu tranh vì người ta muốn đấu tranh. Thượng đế không bảo họ phải đấu tranh, và chúa Jesus không nói họ đấu tranh. Đức Phật không ra lệnh chiến đấu, và đấng Allah không hạ lệnh họ đấu tranh. Người ta chỉ tìm cách biện hộ việc đấu tranh, họ bảo rằng họ đang chiến đấu nhân danh đấng tối cao của họ.

Tư tưởng của mỗi người khác nhau, nhưng làm sao chân lý có thể khác nhau? Ngay trong đạo Phật, nhiều người khác nhau tin theo những đường khác nhau. Từ vài cách nhìn, có thể nói rằng họ tin những tôn giáo khác nhau. Nếu người ta biết rằng chân lý là một, thì dù tôn giáo có những tên khác nhau, tất cả họ vẫn như cùng tin một tôn giáo. Đừng cho rằng một tôn giáo đặc biệt là lối duy nhất. Thay vì thế, nếu bạn hiểu đúng những giáo lý của bạn và thực hành, bạn sẽ trở nên khiêm tốn. Bạn sẽ nhận ra rằng bạn và tôi, bạn và thế giới, bạn và vũ trụ, bạn và mỗi một vật, là một. Khi chúng ta đứng trước chân lý, sự tranh luận về tôn giáo của bạn và của tôi vô giá trị như những hạt bụi. 

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. TIẾN HÓA VÀ SÁNG TẠO
  2. CÂU CHUYỆN CỦA PHẬT BẢO LIÊN HOA (HOA SEN QUÝ GIÁ)
  3. THỰC HÀNH TRONG ĐỜI SỐNG THƯỜNG NHẬT

Bài viết mới

  1. HÀO PHÓNG – VẼ LẠI NHỮNG LẰN RANH
  2. NHỮNG KẺ ĐỊCH THÂN CẬN
  3. KHẢ NĂNG TRUYỀN CẢM HỨNG