GYALWANG DRUKPA XII
Trích: Hạnh Phúc Tại Tâm; Biên dịch: Drukpa Việt Nam; NXB Tôn Giáo
Mỗi niệm sân giận đốt cháy cả rừng công đức của bạn
_Đức Phật
——
Những xúc tình tiêu cực như sân giận, tham muốn, kiêu mạn hủy hoại sự cân bằng và hạnh phúc của bạn. Tuy nhiên, chúng ta không nên đè nén, phớt lờ mà tốt nhất hãy nhận biết mỗi khi chúng khởi sinh để có thể dễ dàng xả bỏ.
Sân giận ngày càng trở thành một trong những rào cản lớn nhất của hạnh phúc. Điều này thật đáng buồn! Lòng hận thù cực đoan vô cùng nguy hiểm và có thể biến một người bình thường thành một tên tội phạm hay kẻ khủng bố làm hại người khác. Ở mức độ thấp hơn là những thái độ giận dữ mà chúng ta có thể thường xuyên thấy trên đường phố. Ngày nay, người ta có thể nổi khùng vì bất cứ lý do gì, dễ dàng như bật một que diêm.
Đôi khi chính những điều được xem như chuẩn mực ứng xử lại là chất xúc tác nuôi dưỡng kiểu sân giận như thế. Một phụ nữ người Anh cho tôi biết, tàu hỏa tại Anh Quốc có những toa treo biển “Giữ yên lặng”. Về cơ bản, đây là một ý tưởng tốt, nhưng nếu chẳng may có người không nhìn thấy biển báo và vô tư nói chuyện điện thoại, thì những người xung quanh bắt đầu tức tối ném ánh mắt bất bình vào kẻ tội đồ. Tất nhiên, chúng ta chỉ đang cố gắng tuân thủ những quy chuẩn đạo đức, nhưng lại quá dễ bức xúc nếu có ai đó chưa biết đến những nguyên tắc này. Thú thật, tôi là một người nói nhiều và vì vậy, nếu ở trên những chuyến tàu đó chắc tôi sẽ bị mời ra ngoài – nhưng điều làm tôi lo ngại chính là thói quen sân giận của con người. Sân giận cũng như cầm một hòn than, nó sẽ làm bỏng người cầm hay nói khác đi, sẽ trước hết mang tới phiền não khổ đau cho chính người tạo ra nó.
Hạnh phúc không thể thiếu “sự thân thiện và hòa hợp”. Không thân thiện, gần gũi với thiên nhiên, với mọi người, hoặc với chính mình là tự tước đi cơ hội hạnh phúc. Vì thế, ngay cả khi không thích hình ảnh mình trong gương thì trước tiên, bạn hãy tự mỉm cười và giữ tâm nhẹ nhàng thư thái. Nếu không thể yêu thương chính mình, làm sao bạn có thể góp phần làm cho thế giới tốt đẹp hơn? Bạn đang lãng phí cơ hội hạnh phúc khi suốt ngày phiền não với những khiếm khuyết của bản thân và mọi người.
Đừng Mang Theo Nỗi Tức Giận Bên Mình
Carrie là một cô gái đầy nhiệt huyết đam mê, nhưng đôi lúc chúng ta cần tỉnh táo nhận biết khi cảm xúc đang đi quá xa và trói buộc mình. Mặc dù cảm xúc rất quan trọng, nhưng chúng ta cần phát triển sự tự tin để có thể nhận biết và đồng thời buông xả được chúng.
Tôi vẫn còn nhớ trong một chuyến bộ hành Pad Yatra, chúng tôi đã bắt gặp một người đàn ông đang mua gom những cổ vật từ người dân địa phương với giá rẻ mạt, với ý định mang về nước để bán lại kiếm lời. Trước mánh khóe đấy tôi rất bức xúc, tự thấy mình có trách nhiệm bảo vệ người dân và di sản nơi đây nên đã vạch mặt gã này. Chúng tôi đã cải cọ nhau và cuộc tranh cãi diễn ra kịch liệt tới mức suýt nữa chúng tôi lao vào choảng nhau, mà nếu như vậy thì thật điên rồ vì ông ta có thể đẩy tôi xuống vực.
Rất may là không ai bị thương nhưng tôi vẫn còn hậm hực. Cuối ngày hôm đó, khi trò chuyện với Đức Pháp Vương, tôi đã bạch lại cho Ngài toàn bộ câu chuyện và khăng khăng là phải bắt giữ và khởi kiện người đàn ông này. Đức Pháp Vương nói với tôi: đúng, đúng, chắc chắn chúng ta sẽ báo cáo với chính quyền để họ quyết định việc cần làm, rồi Ngài nhìn thẳng vào mắt tôi và cười vang, vẫn nụ cười đặc biệt và hiền hậu ấy. Vì vẫn còn ấm ức, tôi không hiểu tại sao Ngài lại có thể cười mình nhưng rồi tôi chợt hình dung ra cái cảnh hai người hùng hổ quát tháo nhau bên sườn núi trên dãy Himalaya mà mình vừa tạo ra mới thật khôi hài. Sau đó Đức Pháp Vượng hỏi tôi: “Giờ Con sẽ để nỗi bực dọc của mình ở sau lưng hay mang nó theo hàng ngày nào? Chúng ta vẫn còn một chặng đường dài phải đi đấy!”
Điều kỳ diệu là khi chúng ta nhìn thẳng vào cơn giận hoặc nỗi thèm khát của mình thì thông thường chúng sẽ tan biến ngay lập tức. Và mặc dù rất khó để làm được điều này vào đỉnh điểm của cơn giận, nhưng khi bình tĩnh lại và chịu khó tìm hiểu thì bản thân việc này cũng là phương cách hữu hiệu giúp ta tránh những suy nghĩ tiêu cực và nhìn nhận sự việc khác đi.
Dừng Lại Để Suy Ngẫm
Tới đây, bạn hãy cởi mở và sẵn sàng học hỏi từ những cuộc giao tiếp hàng ngày, từ bạn bè, nỗi thất vọng hay thậm chí từ cơn giận của mình. Bằng cách quan sát tâm, nhận thức rõ hơn mọi phản ứng hiện khởi, bạn trở nên cởi mở và tâm cũng bớt căng thẳng. Nếu cứ khép chặt lòng mình, bạn sẽ chẳng học hỏi được gì mà chỉ thấy mọi việc ngày càng trở nên bi đát. Bạn cảm thấy mệt mỏi rã rời như đang có một tảng đá đè nặng tâm hồn và đây có thể là nguyên nhân của hàng loạt phiền não khổ đau. Bạn không thể tận hưởng hương vị tuyệt vời của ngày mới mà lại bị mắc kẹt trong ngục tù của chán chường bị quan.
Cảm xúc chính là người thầy và thường đưa ra những tín hiệu giúp ta nhận biết khi nào nên cởi mở thay vì cố kìm nén, ghen tức hoặc lo sợ trước những gì có thể xảy ra. Vì thế, khi bạn cảm thấy khó chịu với ai đó, đừng tìm cách chạy trốn và cũng đừng để những cảm xúc như sân giận hay thất vọng cuốn ta đi. Hãy dừng lại một giây, tạo ra khoảng trống giữa bản thân mình và cơn giận. Hãy nhận biết rằng cơn giận dữ đang sôi sục trong lòng thật ra cũng chỉ là một cảm giác lướt qua, tựa như đám mây che khuất ánh mặt trời trong chốc lát. Hãy để nó trôi qua đừng bám víu và hiểu rằng bạn không phải là cơn giận mà chỉ đang trải nghiệm cơn giận mà thôi. Làm được như vậy bạn đã nhận được một bài pháp vĩ đại nhất của cuộc sống.
Đối với nhiều người, dường như không có bất cứ khoảng trống nào giữa bản thân mình và cảm xúc. Cơn giận dữ nóng vội có thể bùng phát tức thì và vượt khỏi tầm kiểm soát của chúng ta. Điều này đòi hỏi chúng ta phải chú tâm và nỗ lực rất nhiều, nhưng nếu có thể tạo ra dù chỉ là một khe hở nhỏ bé giữa hai ý niệm cảm xúc, bạn đã bắt đầu khơi thông để dòng tâm có thể vượt qua đá ghềnh một cách êm ái. Bạn đang trở thành vị thuyền trưởng tài ba, có tuệ giác nhận thức được những gì diễn ra xung quanh mà không để sóng gió của các xúc tình cuốn trôi và vùi dập.
Bạn sẽ thấy rằng mình bắt đầu sẵn sàng đón nhận và thân thiện hơn với cảm xúc của bản thân cũng như có nhiều thời gian hơn để đối diện và nhẹ nhàng vượt qua khó khăn trở ngại. Khi ấy, bạn biết cách tận hưởng hành trình đầy thú vị của mình, có thời gian quan sát xung quanh để nhận ra vẻ đẹp của cuộc sống. Bạn có cơ hội để lắng nghe, từ tiếng chim hót cho tới giọng nói của những người thân yêu thay vì nhấn chìm hết thảy thanh âm trong dòng thác lũ của xúc tình loạn tưởng.
Lẽ dĩ nhiên, bạn sẽ vẫn còn tất cả những cảm xúc này, nhưng bằng cách an trú trong khoảng trống giữa các xúc tình, bạn có thể nhận biết chúng một cách rõ ràng và hiểu được chúng từ đầu tới. Thời điểm tốt nhất để thực hành điều này là khi một xúc tình như tức giận hoặc bực bội bắt đầu hiện khởi: bạn không cần coi chúng như kẻ thù, điều đó chỉ khiến bạn càng thêm bức xúc bởi cảm giác mình là người cáu kỉnh, giận dữ. Trái lại, hãy biết cái cảm xúc này như một người bạn và tìm cách chuyển hóa thay vì chối bỏ chúng. Điều này giống như khi phải đối đầu với ai đó mạnh hơn mình rất nhiều thì cách tốt nhất là ta hãy nói chuyện, đàm phán với họ. Đối với cảm xúc cũng thế, bạn hãy tìm hiểu, tự hỏi mục đích của chúng là gì và ghi nhớ rằng chúng ta có thể buông xả và không cần phải bám chấp vào phản ứng của mình.
Nếu cứ ôm mãi ngọn lửa sân giận trong tâm, chính bạn sẽ là người bị thiêu cháy. Khi một mực khẳng định đúng hay sai theo ý kiến chủ quan, bạn đang để tư duy bảo thủ chấp ngã xua đuổi hạnh phúc của mình. Đầu óc bạn giống như một cái máy chiếu cứ tua đi tua lại những tranh cãi và hình ảnh cũ rích và thay vì cố gắng hòa giải, bạn chỉ tự chuốc thêm sự bực mình và đau khổ vì cứ phải sống đi sống lại những tình huống tệ hại này. Sân giận và các xúc tình tiêu cực bịt kín tâm bạn, khiến mọi thứ trở nên tù túng ngột ngạt. Một tâm hồn đầy thù hận sẽ hủy hoại mọi điều tốt đẹp bao gồm cả lòng từ bi và tình yêu thương nhân ái vốn có nơi bạn. Bạn không thể vui sống nếu để cho cơn giận xâm chiếm tâm hồn.
Tôi vẫn thường nói với mọi người: “Hãy ngồi tĩnh lặng và quán chiếu cảm xúc của mình”. Khi đã gạt bỏ tất cả những phiền nhiễu bên ngoài và tập trung vào tâm, bạn có thể thực hành đức tính nhẫn nhịn, lòng từ bi, tình yêu thương bằng cách quán chiếu những gì đang diễn ra trong mình, và khi đó, những cảm xúc như sân giận, đố kỵ sẽ tan biến vào hư không. Tôi thích câu nói “vạn pháp thế gian vốn bình đẳng” bởi suy cho cùng, vạn pháp đều bình đẳng, chẳng có gì là vĩnh cửu, tất cả rồi sẽ phai nhạt. Tại sao chúng ta cứ mải mê bám chấp vào những thứ đang tan biến đi, không còn thường hằng nữa?
Bạn sẽ cần nhiều năm thực hành rèn luyện để tự hoàn thiện mình, nhưng cũng cần nhớ rằng chỉ một chút hiểu biết cũng có thể góp phần cải thiện cuộc sống và giúp bạn thêm hạnh phúc.
HẠNH PHÚC LÀ LÒNG KIÊN NHẪN
Lòng kiên nhẫn bao dung mang tới cho chúng ta nhiều điều tích cực. Bằng việc thực hành nhẫn nhịn, bạn đang nới dần khoảng trống trong tâm để có thời gian suy nghĩ và thỏa hiệp với những xúc tình phiền não. Chỉ khi biết lùi về phía sau chúng ta mới thấy được toàn cảnh bức tranh.
Bạn không chấp nhận cách người khác cư xử vì nó không phù hợp với những mong đợi, ước muốn hoặc niềm tin của mình. Bạn muốn được mọi người hiểu và cảm thông, nhưng lại không thể chấp nhận người khác được là chính họ. Nếu không cởi mở đón nhận sự khác biệt để mọi người được sống theo cách riêng, bạn có thể đang tạo ra chướng ngại ngăn cản hạnh phúc của chính mình.
Khi bạn rơi vào một tình huống khó xử với ai đó, cách tốt nhất để thực hành nhẫn nhục là đặt mình vào hoàn cảnh của họ. Hãy hít thở sâu và nghĩ họ cũng chỉ đang cố gắng mưu cầu hạnh phúc và cũng có những sai lầm, định kiến, cố chấp giống như mình.
Nếu không rèn luyện tính kiên nhẫn, bạn sẽ không thể kiểm soát được cơn giận khi nó khởi phát, và khi ấy, hạnh phúc sẽ nhanh chóng bị che lấp bởi những xúc tình tiêu cực hướng đến mọi đối tượng, từ người khác, cuộc sống, thế giới vũ trụ và đôi khi cả chính bản thân mình. Bạn bị sập bẫy trò chơi của than vãn phàn nàn.
- Hãy Suy Ngẫm Về Cuộc Sống Mỗi Ngày
– Tôi thường xử lý tình huống trong cuộc sống như thế nào?
– Đâu là những tác nhân châm ngòi cho các xúc tình tiêu cực trong tôi?
– Tôi sẽ cố gắng làm gì nếu những tình huống ấy lại xảy đến?
Quán chiếu như vậy giúp bạn có cơ hội soi xét lại cảm xúc của mình và tìm hiểu xem bằng cách nào chúng ta có thể hành xử khác đi nếu gặp lại những phiền não tương tự
- Sống Hoà Hợp Với Cảm Xúc Của Bạn. Điều Tâm Niệm
– Đừng cố dồn nén, chối bỏ những xúc tình tiêu cực. Để có thể giải tỏa được cảm xúc, bạn cần nhận biết sự có mặt của chúng.
– Hãy nhớ rằng mọi cảm xúc đều quan trọng, nhưng bạn không phải là cảm xúc – bạn không phải là cơn giận, cũng không phải là sự đố kỵ.
– Nếu cứ ôm mãi sân giận, bạn sẽ là người bị thiêu cháy.
– Hãy thực hành nhẫn nhịn mỗi ngày.
- Hạnh Phúc Không Ngờ
Khi đang xếp hàng, trong xe hơi, hay đi bộ đến văn phòng – dù là bất cứ nơi đâu – hãy dành vài giây trải từ bi quán, nguyện cầu hạnh phúc cho những người xung quanh. Hãy làm điều này mỗi ngày, rồi nó sẽ trở thành một thói quen, và cũng giống như việc chú tâm vào hơi thở, thói quen này giúp bạn rộng mở lòng mình để tự do lựa chọn cách phản ứng trước mỗi tình huống cuộc sống.