SỐNG NHƯ PHẬT – THIỀN SƯ BANKEI

THIỀN SƯ BANKEI

Trích Tâm Bất Sanh
Việt dịch: Thích Nữ Trí Hải
NXB: Thanh Văn, 1983

THIỀN SƯ BANKEI

Thiền sư Bankei (1622 – 1693), cũng được gọi là Bàn Khuê Quốc sư, là một vị Thiền sư Nhật Bản, thuộc tông Lâm Tế, hệ phái Diệu Tâm tự. Sư là một trong những Thiền sư danh tiếng nhất trong lịch sử Phật giáo Nhật Bản với tư cách là người đã phổ biến thiền học đến lớp quần chúng.

?????

Cái tâm Phật bất sinh đó là thứ gì vậy? Có lẽ quý vị tự hỏi. Trong khi tất cả quý vị đều tập trung thính giác nghe tôi giảng như thế, mà bên ngoài có tiếng chó sủa, tiếng người hàng rong rao hàng, mặc dù không cố ý nghe, quý vị vẫn nghe được tất cả những thứ tiếng ấy: đó là nghe với cái Bất sinh, diệu dụng của Phật tâm. Tôi xin lấy một ví dụ: Tâm Phật, vốn chưa từng sinh ra và đang chiếu sáng kỳ diệu, tâm ấy giống như một tấm gương sáng. Gương thì phản chiếu bất cứ gì xuất hiện trước nó. Nó không cố ý phản chiếu sự vật, nhưng bất cứ vật gì đến trước gương, thì màu sắc dáng hình của nó đều chắc chắn hiện ra. Cũng vậy, khi vật được dời đi, thì tấm gương cũng không cố ý không phản chiếu, nhưng khi vật đã bỏ đi thì bóng nó cũng không còn hiện trong gương. Cái tâm Phật Bất sinh cũng hệt như thế. Khi bạn cố ý nhìn và nghe điều gì, thì bạn sẽ nghe và thấy, đó là lẽ tự nhiên. Nhưng khi bạn thấy và nghe được những gì mà trước đấy bạn không dự định để thấy nghe, thì đó chính là nhờ cái diệu dụng linh hoạt của Tâm Phật mà mọi người ai cũng có. Đấy là ý nghĩa cái Tâm Phật Bất sinh. Khi tôi đã tìm cách giảng giải về cái Bất sinh sao cho tất cả quý vị đều hiểu được như thế, mà nếu có người vẫn chưa hiểu, thì dù vị ấy có nghe ngàn vạn bài giảng cũng không ăn thua gì. Người nào dù chỉ nghe một bài giảng, đã nhận ra được Tâm Phật bẩm sinh nơi tất cả mọi người, thì người ấy từ đó trở đi trở thành Phật sống.

Lấy một ví dụ khác. Giả sử có người đi từ Takamatsu đến Marugame mà không biết đường, gặp một người biết rành đường lối chỉ bày cho. Sau khi nhớ kỹ những lời chỉ dẫn, người ấy theo đó mà đi và đến đích không khó khăn gì. Cũng thế, khi tất cả quý vị đã nắm được chính xác những gì tôi nói, thì từ đấy trở đi quý vị sẽ an trú trong tâm Phật bản nhiên. Ngược lại nếu không an trú được như thế, thì cũng như quý vị đã được người ta chỉ cho đường đến Marugame mà không theo, lại theo con đường dẫn tới nơi nào khác. Đó là lý do quý vị nên lắng nghe kỹ những gì tôi nói. Tôi không chắc có thể trở lại đây nói chuyện cùng quý vị nữa không. Cho dù quý vị đi nghe giảng nơi nào khác, cũng không chắc có người nào giải thích cho quý vị về cái Tâm Phật bất sinh mà chiếu sáng kỳ diệu này. Bởi vậy nếu chư vị thấy lời tôi nói có lý, thì hãy nên coi chừng ngăn chặn sự nổi lên đủ loại ý tưởng, để chấm dứt vòng luân hồi. Nếu không thành Phật ngay bây giờ thì trong mười ngàn kiếp quý vị cũng sẽ khỏi tái sinh lại trong cõi này, bởi thế hãy nỗ lực thực chứng một cách rốt ráo cái Tâm Phật Bất sinh, và chớ để bị mê lầm. Được như vậy thì ngay từ hôm nay, quý ông sẽ là những người nam an trú Tâm Phật, quý bà sẽ là những người nữ an trú Tâm Phật, tất cả đều hết si mê lầm lạc. Đó không gì khác hơn là Phật quả, là giác ngộ.

Tôi có thể nói cho quý vị vài điều về Tâm Phật nơi phụ nữ. Theo tôi hiểu, phụ nữ thường rất buồn khi nghe nói họ không thể thành Phật. Nhưng sự thực không phải vậy. Có gì khác nhau giữa nam và nữ? Thân nam là thân Phật, thân nữ cũng là thân Phật. (ý nói nam hay nữ đều thể hiện được tâm giác ngộ. ND) Quý vị không nên nghi ngờ gì về điểm này. Khi quý vị đã hoàn toàn nắm được lý Bất sinh, thì trong Bất sinh, không có gì khác nhau giữa nam hay nữ. Mọi người đều là thân Phật.

Tôi xin chứng minh với quý vị điều này. Trong giảng đường hôm nay có rất đông người tụ tập, nhưng khi nghe tiếng trống hay tiếng chuông ngoài kia, quý vị có nghĩ là phụ nữ lầm tiếng chuông là tiếng trống, tiếng trống là tiếng chuông chăng? Quý vị có thực nghĩ rằng có gì khác nhau trong cách đàn ông nghe với cách phụ nữ nghe những tiếng ấy? Tuyệt đối không khác chút nào. Lại nữa, thưa tất cả quý vị, đâu phải việc này chỉ đúng cho “nam giới và nữ giới” mà thôi. Trong giảng đường này, chúng ta có những người trẻ và người già, tăng và tục, đàn ông và đàn bà, đủ tất cả hạng người; nhưng nói đến sự nghe chuông trống, quý vị có thể nói được hay chăng, rằng người già nghe cách này, người trẻ nghe cách khác? Quý vị có thể nói có sự khác nhau trong cách tu sĩ nghe, cách cư sĩ nghe, cách đàn ông nghe, cách đàn bà nghe chăng? Sự thật là hoàn toàn không có gì khác nhau trong sự nghe cả, và điều ấy chứng tỏ tất cả mọi người đều sẵn có bẩm sinh Một Tâm Phật đồng nhất. Vậy thì nói về nam và nữ chẳng qua chỉ là những danh từ, những cái bóng của tâm quý vị sản xuất ra. Trước khi những cái bóng ấy phát sinh, ở trong cảnh giới Bất sinh không có gì là nam hay nữ. Và vì sự tình là vậy, thì không có gì khác nhau giữa Tâm Phật nơi người nam và Tâm Phật nơi người nữ, quý vị không nên nghi ngờ.

Giả sử trong lúc bạn đang an trú liên tục trong Bất sinh, trong Tâm Phật, quên hết những phân biệt nam nữ, nhưng đột nhiên bạn trông thấy hay nghe một việc gì rối rắm, chẳng hạn có người nào nói xấu bạn, hay những ý niệm tham dục bám víu khởi lên trong bạn mà bạn ràng buộc vào đó, thế là bạn đang chuyển tâm Phật thành ra ý nghĩ, chẳng hạn nghĩ “chỉ vì mình là một phụ nữ khốn nạn” hay đại loại như thế. Nếu không bị đánh lừa bởi hình tướng bên ngoài, hoàn toàn nắm lấy Con đường duy nhất, cái Bất sinh, thì bạn sẽ thấy rằng không những nam hay nữ, mà chư Phật trong quá khứ hay vị lai cũng đều là một Tâm Phật đồng nhất ấy. Không lý do gì phụ nữ lại là một trường hợp đặc biệt, không thể chứng thành Phật quả.

Dù cho những thói tật thâm căn cố đế nơi quý vị sẽ khiến quý vị bám lấy những gì gặp phải, vọng tưởng chốc lát khởi lên, thì người có đức tin bền chắc sẽ không bám víu cũng không xua đuổi chúng – trong nháy mắt, người ấy sẽ dễ dàng quay trở về với Phật tính Bất sinh. Ngay cả đối với chư Phật chư tổ, cũng không phải rằng các ngài hoàn toàn không có tư tưởng nào từ khởi thủy. Nhưng vì các ngài không bị vướng vào tư tưởng, và cũng như trẻ con, không có tưởng tương tục, nên cũng như thể là tư tưởng chưa từng sinh khởi. Chính vì vậy mà Phật, tổ giải thoát khỏi tư tưởng.

Khi tư tưởng (hay tơ tưởng, hay vọng tưởng. ND) không khởi lên, thì cái diệu dụng chiếu sáng linh hoạt của tâm Phật không hiện rõ, bởi thế sự sinh khởi những ý tưởng kỳ thực là diệu dụng của Phật tâm chiếu sáng. Nội cái việc tôi giải thích điều này và quý vị đang tiếp nhận đó cũng là do mọi người đều có được cái công năng chiếu sáng kỳ diệu của Tâm Phật bẩm sinh. Có phải điều ấy thật quý báu không? Đem một vật vô cùng quý giá như thế để dấy lên đủ thứ vọng tưởng rồi tạo ra ba đường ác địa ngục súc sinh quỷ đói ngay trong đời này, bị ác nghiệp lôi kéo – phải chăng thực là đáng tiếc? Thật tội nghiệp cho những con người phải chịu khổ như thế từ sáng tới tối. Vậy hãy nhớ kỹ điều này, nhận thức rõ rằng, gặp cảnh gì cũng dấy động tư tưởng thì chỉ chuốc lấy khổ đau. Bởi thế đừng chuyển cái Tâm Phật thành ra những tơ tưởng vốn không phải bẩm sinh nơi bạn, và hãy sống trọn ngày an trú trong Tâm Phật Bất sinh.

?????

Nguồn: Tâm Bất Sanh
Tác giả: Thiền sư Bankei
Người dịch: Thích Nữ Trí Hải
NXB: Thanh Văn, 1983

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. AI CŨNG CÓ TÂM PHẬT
  2. BỆNH VÀ TÂM PHẬT – THIỀN SƯ BANKEI
  3. ĐỂ CHO MỌI SỰ TỰ XẾP ĐẶT

Bài viết mới

  1. CHỮA LÀNH TINH THẦN
  2. XA RỜI THỊ PHI PHIỀN NÃO
  3. BA LOẠI HÀNH ĐỘNG