SỰ LINH ĐỘNG – THÍCH NGHI HAY LÀ CHẾT

PIERO FERRUCCI

Trích: Giá Trị Của Sự Tử Tế; Nguyên tác: The Power Of Kindness; NXB. Hồng Đức; Công ty CP Văn hóa Sách Sài Gòn, 2020

Thích ứng là một dạng tri thức thực dụng, một loại trí thông minh hiện diện trong thì hiện tại có khả năng nhận ra dù chỉ một dấu hiệu rất nhỏ của sự thay đổi và đủ khả năng cũng như sự mềm dẻo cần thiết để thích nghi với các điều kiện mới. Thứ tri thức ấy bắt nguồn từ việc thấu hiểu rằng ta không thể kiểm soát mọi yếu tố ảnh hưởng đến sự tồn tại của ta. Ý muốn làm chủ thực tại của ta là có thể hiểu được, đặc biệt nếu ta là bác sĩ phẫu thuật, phi công, hay một nghệ sĩ đi trên dây. Nhưng để hoàn toàn kiểm soát cuộc sống là điều không tưởng, bởi có quá nhiều nhân tố bí ẩn cần được xét đến. Nếu ta cố gắng kiểm soát mọi mặt trong cuộc sống, ta sẽ phát khùng và không may thì còn nhận được điều ngược lại với mong muốn. Sẽ là khôn ngoan hơn nếu biết chấp nhận những điều ta không lường trước được. Ta sẽ gặp rắc rối nếu không làm được như vậy. Điều này đã từng xảy đến với tôi một lân.

Khi ấy tôi chuẩn bị được phỏng vấn trên một chương trình phát thanh trực tiếp rất quan trọng. Những lời tôi nói ra sẽ không có cơ hội được sửa chữa hay xóa đi. Cuộc phỏng vấn được thực hiện qua điện thoại, và chỉ cần nghĩ đến việc bị gián đoạn bởi tiếng ca hát hay la hét của mấy đứa nhóc nhà tôi thôi đã đủ để khiến tôi thấy bất an rồi. Thế nên tôi sắp xếp để thực hiện phỏng vấn tại văn phòng làm việc, một căn phòng yên tĩnh nằm trên tầng cao nhất, tách biệt với ngôi nhà và tiếng xe cộ. Khi tới nơi, tôi được biết thợ sửa ống nước đang sửa chữa đường ống trong tòa nhà, nhưng tôi không để tâm tới chuyện đó. Một lúc sau, tiếng chuông điện thoại vang lên và cuộc phỏng vấn bắt đầu. Tại đúng hồi cao trào nhất của cuộc thảo luận, khi mà các khía cạnh cao quý nhất của phần tâm hồn đang được đề cập đến, thì điều mà tôi không ngờ tới đã xảy ra. Mặc dù tôi tưởng rằng sẽ không ai ghé qua văn phòng, nhưng chuông cửa mới reo lên. Tôi lờ cái chuông đi và tiếp tục cuộc phỏng vấn, nhưng nó cứ vang lên liên hồi. Chính là anh thợ nước. Anh ta biết tôi có trong văn phòng, và bởi tôi không đáp lời, anh hét lớn để cảnh báo cho tôi biết, “Giáo sư Ferrucci, đừng sử dụng nhà vệ sinh trong hai giờ tới nhé, bằng không mọi thứ sẽ rối tung lên đấy!”. Sự gián đoạn tưởng chừng rất đỗi bình thường của anh thợ nước được phát thanh đúng lúc hàng ngàn thính giả đang lắng tai nghe những lời tôi phân tích. Tôi không tài nào biết được họ sẽ nghĩ gì. Liệu họ có tin rằng đó là một phần của chương trình? Khi ấy tôi không cảm thấy thích thú chút nào về sự cố đã xảy ra, và chỉ sau đấy tôi mới rút ra được bài học đầy tính hài hước từ chuyện đó.

Ngay tại thời điểm ấy, tôi bị buộc phải nhận ra rằng dù có cố gắng ra sao, tôi cũng không thể kiểm soát hết mọi việc. Thế giới bên ngoài không chuyển mình theo cách tôi muốn. Nói theo cách đơn giản và trực quan hơn thì chính tôi là người phải thích nghi với những gì đang liên tục diễn ra.

Trị liệu tâm lý có thể được định nghĩa là sự hồi phục hay luyện tập sự linh hoạt. Chúng tôi giúp đỡ những người đang đối mặt với vấn đề của ngày hôm nay bằng phương pháp tiếp cận của ngày hôm qua. Những phương thức ấy có thể đã có hiệu quả trong ngày hôm qua, hoặc chí ít nhờ chúng ta đã sống sót, thì với ngày hôm nay chúng lại là thảm họa thực sự, Ví dụ, có người bị bạo hành khi còn nhỏ, lớn lên luôn sống trong sự căng thẳng, thậm chí tự khép mình lại như một đứa trẻ đang sợ hãi. Hoặc có khi họ trở nên lệ thuộc hay bị rù quến tới mức họ cố hết sức để lấy lòng kẻ mà họ có hiềm khích. Những thái độ ấy, dù cho có hiệu quả ra sao trong quá khứ, cũng đã không còn giá trị gì trong hiện tại. Giờ mối hiểm nguy đã qua đi, và tới lúc ta cần dừng việc giả bộ lại và bắt đầu sống thực sự. Một ví dụ khác: Một người mẹ có lẽ đã dành ra rất nhiều năm trong cuộc đời để chăm sóc những đứa con, trông cho chúng mạnh khỏe, đưa đón chúng đi học, lắng nghe những ước mơ và nỗi phiền muộn của chúng, dốc hết tấm lòng để chúng luôn sống vui. Những đứa trẻ ấy lớn lên, rời khỏi tổ ấm, và tất cả những hành động cùng nỗ lực ấy phải chấm dứt – như một cỗ máy lỗi thời chẳng còn hữu ích cho bất cứ ai và người ta cứ để mặc nó gỉ sét trong một góc nào đấy. Viễn cảnh bề ngoài đã thay đổi hoàn toàn. Liệu thái độ bên trong có thay đổi theo?

Việc này nhằm mục đích giúp tất cả chúng ta thừa nhận thực tại. Bởi dù thực tại có khó khăn, khiến chúng ta không thoải mái tới nhường nào, nó vẫn là một người thầy tuyệt vời. Thực tại diễn ra theo cách của riêng nó mà chẳng màng tới những ước mơ hay kỳ vọng của ai. Những ảo vọng ta mang sẽ chẳng ích gì nếu chúng không giúp ta đối mặt với cuộc sống ngay tại giây phút này đây.

Đó là lý do vì sao sự linh hoạt không chỉ đơn thuần là một chiến lược mang lại thành công. Đó còn là một giá trị về mặt tâm linh. Nó ngụ ý về tự do khỏi mọi ràng buộc, tỉnh thức trong hiện tại, chấp nhận mọi việc đúng như bản chất của nó. Những thay đổi trong cuộc sống có thể khiến ta thấy không thoải mái, thậm chí là sợ hãi: những người ta yêu quý có thể sẽ không yêu quý ta như trước đây; trình độ chuyên môn của ta đang xuống cấp; cơ thể ta ngày một rệu rạc; những sản phẩm của ta không còn bán chạy như xưa; những người bạn từng giúp đỡ và an ủi giờ đã quên ta; những gì ta thấy hứng thú giờ đây thật tẻ nhạt và trống rỗng.

Đối mặt với sự thay đổi không ngừng, Đạo giáo khuyên ta nên mềm dẻo như nước, chảy lên phía trên và rẽ qua những tảng đá, uốn mình để tiến về phía trước. Nếu ta có thể buông bỏ những gì ta hằng tin nhất, thì ta có thể mở lòng để đón nhận cái mới, kể cả sự nghịch lý hay vô lý. Đó chính là óc sáng tạo. Chính thái độ ấy đã trở thành một phong cách sống, thậm chí là một con đường tâm linh. Ta có thể gạt bỏ đi những hình mẫu xưa cũ, và đủ khiêm nhường để bắt đầu lại từ đầu.

Thích nghi với thực tại cũng đồng nghĩa với chấp nhận những điều đáng thất vọng. Các nhà tâm lý học đã đo lường khả năng chấp nhận của đứa trẻ trước một thất vọng nhỏ – ví dụ như khả năng giữ một viên kẹo M&M trong miệng mà không nhai nó trong vòng mười tới ba mươi giây; không được nhìn khi mà người làm thí nghiệm gây tiếng động sột soạt với một tờ giấy, bóc một gói có chứa một món quà cho đứa trẻ ấy; nhìn và lựa một món đồ chơi mà không được chạm vào bất cứ thứ gì; xây một tòa tháp từ các miếng gỗ với một đứa trẻ khác, chơi theo lượt và không được đánh đổ tòa tháp. Kết quả nghiên cứu cho thấy, đứa trẻ nào dễ dàng chấp nhận những điều nêu trên là những trẻ có tính cách mạnh mẽ và hòa đồng khi ở bên người khác, biết quan tâm, cởi mở với những trải nghiệm mới.

Nhiều năm về sau, những đứa trẻ ấy sẽ lớn lên thành những người dễ chấp nhận những điều gây khó chịu thường gặp trong cuộc sống như: không tìm được một chỗ đậu xe; người hẹn gặp tới trễ; máy tính không hoạt động; thời tiết xấu và chuyến đi bị hủy; phải giải quyết các thủ tục hành chính chán ngắt; và còn nhiều ví dụ nữa. Thực tại chẳng mảy may nghĩ đến các kế hoạch của bạn, và nó sẽ liên tục tìm ra những cách mới để chọc tức bạn. Theo một nghiên cứu gần đây, trong một ngày bạn sẽ gặp phải hai mươi ba điều phiền toái (so với con số mười ba cách đây một thập kỷ). Bạn sẽ thuận theo hay chống lại!

Khả năng hành xử một cách linh hoạt cũng có tác động lớn đến các mối quan hệ của chúng ta. Bản chất của con người luôn nồng hậu và bác ái, nhưng nếu không thích nghi được với những môi trường mới, ta sẽ thấy căng thẳng, không vui, buồn bực, nóng nảy, hay khi bị ngợp trong một tình thế không lường trước được, ta chẳng còn tâm trí và sức lực nào để thể hiện cái tôi đẹp đẽ nhất với người khác được nữa. Khi ấy chỉ còn phần thân xác ta ở lại với thực tại. Phần hồn ta thì cứ phản kháng, gầm gừ, chống đối.

Bởi những người linh hoạt luôn chấp nhận bản chất sự việc, họ dễ gần hơn. Liệu bạn muốn dùng bữa tối với ai hơn – một người sẽ mở miệng phàn nàn nếu không được dùng bữa với món tôm sốt rượu và một chai Riesling, hay một người thấy hạnh phúc dù chỉ ăn mì ống và đậu? Ai sẽ là vị khách dễ chịu hơn – một người bạn biết trân trọng một đêm ngủ ngon giấc và chẳng đòi hỏi gì, luôn tự mình chăm sóc cho bản thân, hay một người bà con luôn cần bạn ở bên, càm ràm rằng tấm nệm cứng quá, và yêu cầu bạn phải tìm giúp họ một chuyên gia về những con tem của Nhật Bản? Thật chẳng có gì phải phân vân cả: Người dễ tính quả là món quà trời ban.

Những mong ước và nhu cầu là một đấu trường mà ở đó mối quan hệ được đặt trong những phép thử. Nếu các nhu cầu là bình thường và chính đáng, và nếu chúng luôn được đáp ứng lẫn thỏa mãn thì mọi sự đều suôn sẻ. Mối quan hệ ấy là thuận lợi. Nhưng thử hình dung nếu các nhu cầu ấy trở thành những yêu cầu cấp bách, thất thường, mối quan hệ ngay lập tức gặp trở ngại. Khi đó nó sẽ giống như chèo một chiếc xuồng xuống thác nước dốc đứng hơn là tản bộ nhẹ nhàng ở vùng đồng quê.

Nhưng ngạc nhiên thay, những đòi hỏi quá đáng và lố bịch ấy có thể mang một ngụ ý khác đấy. Thật ra, chúng thường được dùng để đánh lạc hướng chúng ta khỏi những gì là quan trọng nhất trong một mối quan hệ – là nhìn nhận con người thật của nhau, là giao tiếp, là sống bên nhau hòa thuận. Có nhiều người không để lộ sự sợ hãi khi gần gũi với người khác, họ dựng nên một rào chắn giữa họ và người kia, một rào chắn được tạo nên bởi những đòi hỏi quá đáng không ngừng nghỉ. Có một bộ phim hoạt hình kể về một người phụ nữ khi được trao chiếc nhẫn cầu hôn có đính một viên đá quý đã lấy kính lúp ra để soi nó. Trong giây phút ấy, cô ta chẳng mảy may nghĩ đến vị hôn phu của mình. Tất cả những gì cô trông thấy chỉ là viên kim cương. Ở đầu bên kia của sự cực đoan này, hãy tưởng tượng một người ít màng tới vật chất: “Em chẳng cần gì cả, chỉ cần bên anh là em hạnh phúc rồi”. Thật là nhẹ nhõm làm sao.

Ngoài những đòi hỏi mang tính chủ động mà ta bày tỏ thành lời, những đòi hỏi thụ động cũng luôn chờ chực để gây cho ta rắc rối. Chúng là những đòi hỏi mà ta cho rằng nghiễm nhiên là đúng và không bao giờ ta nói ra. Một trong số những đòi hỏi rất thường gặp ấy là, “Tôi hy vọng rằng bạn sẽ luôn giống như xưa”. Thường thì ngay cả khi ta thể hiện niềm hy vọng rằng mọi người xung quanh ta sẽ thay đổi, ta dễ mắc phải tính ì tâm lý: Ta luôn nhìn nhận mọi người theo cùng một cách, và muốn họ không thay đổi một cách vô thức. Bất cứ điều gì đi ngược lại với hình tượng về một ai đó trong ta sẽ khiến ta cảm thấy khó chịu.

Ta kỳ vọng rằng mọi người xung quanh sẽ luôn là những con người như vậy. Ta dán mác cho họ, và bỏ họ vào trong chiếc hộp của tâm trí. Là một bác sĩ tâm lý, thi thoảng tôi nhận được những cuộc điện thoại từ người thân của một nữ khách hàng bày tỏ sự giận dữ vì tính tình cô ấy đang thay đổi – có lẽ do cô ấy trở nên quyết đoán hơn, hay đang dần bộc lộ một nét tính cách mới; cuộc sống của cô ấy đang trở nên khó khăn hơn. Tất cả những gì họ muốn là để cô ấy không phải khổ sở nữa, và rằng cô ấy sẽ thôi khiến người khác phải phiền lòng, nhưng họ không nhận ra rằng để làm được điều đó, cô ấy phải thay đổi. Và khi cô ấy không còn hành xử đúng như những gì họ nghĩ về cô, họ sẽ thấy bực bội. Tôi vẫn còn nhớ một người cha đã cảm thấy mình bị coi thường và ngạc nhiên nhường nào khi cô con gái trước đó còn trầm cảm, sống nội tâm, luôn nghe lời, lại quyết định nghỉ việc và đi vòng quanh thế giới. Cô con gái đã thay đổi và dần nắm lấy tự do cho bản thân mình. Nhưng người cha lại đang níu kéo quá khứ và cố chống trả lại sự thay đổi ấy bằng tất cả sức lực.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. KHÔNG LÀM HẠI
  2. THẤU CẢM – MỞ MANG NHẬN THỨC
  3. TÔN TRỌNG – GIÁ TRỊ CỦA SỰ TỬ TẾ

Bài viết mới

  1. CHINH PHỤC MỤC TIÊU
  2. CHÁNH NIỆM
  3. BỚT SỢ HÃI