THẤU CẢM – MỞ MANG NHẬN THỨC

PIERO FERRUCCI

Trích: Giá Trị Của Sự Tử Tế; Nguyên tác: The Power of Kindness; Việt dịch: Phạm Quốc Anh; NXB. Hồng Đức; Công ty Sách SaiGonBooks, 2020

Cách đây không lâu, tôi phanh gấp khi đang lái xe để tránh va phải một đứa trẻ lao ra đường đột ngột. Chiếc xe đi sau va chạm với xe tôi. Khi tôi và người lái xe kia bước ra ngoài và đi về phía nhau, tôi nhận thấy anh ta có ý muốn gây hấn. Dù không thốt ra lời nào nhưng trông anh ấy vô cùng giận dữ. Vì hai chiếc xe không hề hấn gì nên tôi mở lời trước. Lúc ấy tôi có thể nói, “Tôi đã làm đúng”. Điều đó không sai nhưng chẳng có ích gì, có khi còn đổ thêm dầu vào lửa. Thay vì vậy, tôi nói, “Tôi chạy nhanh quá rồi lại còn phanh gấp làm anh không kịp phản ứng. Tôi xin lỗi. Anh không sao chứ?”. Ngay lập tức thái độ anh ấy thay đổi. Từng nét trên gương mặt giãn ra trông thấy. Chỉ chưa đầy một giây anh đã bỏ thái độ đề phòng. “Không sao”, anh đáp lại. Tôi thấy sự ngạc nhiên trong mắt anh: Người đối diện anh ân cần hỏi anh có ổn không. Rồi tôi thấy trong đó sự nhẹ nhõm: Không cần phải tranh cãi gì nữa. Cuối cùng, anh bắt tay tôi rồi đi tiếp. Chuyện đáng lẽ đã châm ngòi cho một cuộc cãi vã đầy giận dữ lại được giải quyết chỉ trong vài giây.

Vậy thấu cảm là một khả năng sẵn có giúp mang lại sự nhẹ nhõm và mãn nguyện cho người khác. Không lấy gì làm lạ khi rất nhiều nhà điều trị tâm lý cho rằng thấu cảm là nguyên liệu thiết yếu để xây dựng mối quan hệ bền chặt với bệnh nhân, Những người đang đau khổ không cần được chẩn bệnh, cho lời khuyên, nghe diễn giải, hay bị điều khiển. Họ cần được cảm thông một cách chân thành. Khi cuối cùng họ nhìn ra có ai đó đồng cảm với nỗi đau của họ, thì khi ấy họ mới vượt qua và được chữa lành.

Điều tương tự cũng xảy ra trong y học. Có bằng chứng cho thấy bác sĩ càng cảm thông, người bệnh càng cảm thấy hài lòng. Đáng buổn là nó cũng cho thấy các sinh viên y khoa có khả năng cảm thông nhiều hơn vào đầu kỳ thực tập hơn là cuối kỳ. Ta có quyền đặt kỳ vọng nhiều hơn vào quá trình đào tạo của những cá nhân hành nghề cứu người chứ:

Tuy nhiên cái gì nhiều quá cũng không tốt. Ta rất dễ bị bội thực thấu cảm. Ta nghe ai đó kể về những rắc rối và đau khổ của họ, ta cảm thông với họ hết mình, để rồi cuối cùng ta thấy mình bị dằn vặt và mệt mỏi, có khi còn nổi khùng lên. Ta có thể đánh mất chính mình.

Dù còn khỏe mạnh nhưng mẹ tôi thi thoảng bị chứng suy sụp tinh thần vào những năm cuối đời. Một ngày nọ, bà kể tôi nghe khi bà đang lái xe, có những lúc bà quá mải mê đặt mình vào hoàn cảnh của người khác tới nỗi khi đèn đỏ, bà lại nghĩ, “Với họ là đèn xanh rồi”, bà đạp chân ga và vượt đèn đỏ luôn. Chỉ khi đã vượt qua vài cột đèn và nhìn phản ứng giận dữ từ những tài xế khác bà mới nhận ra việc mình đã làm. Cảm thông một cách mù quáng rất có hại. Trước hết ta cần chắc chắn rằng mình tự nhận thức và biết được mình cần gi, làm chủ được không gian và thời gian cá nhân. Cuộc sống của ta có ổn định thì ta mới đi giúp đỡ người khác được. Bằng không ta chắc chắn sẽ gặp nguy hiểm.

Thấu cảm là nguyên liệu không thể thiếu trong trí thông minh cảm xúc giúp ta hành xử chuyên nghiệp và hiệu quả trong xã hội ngày nay. Người giàu lòng thấu cảm hơn thì học hành tấn tới hơn, dễ tìm việc hơn, thành công hơn trong quan hệ xã hội và giao tiếp tốt hơn với con cái của mình. Thử tưởng tượng một nhân viên quảng cáo không hình dung được phản ứng của người xem ra sao, một nhạc công không kết nối được với thính giả của mình, một giáo viên không hiểu học trò của mình muốn gì, hay một người cha không hiểu được những gì con mình đang phải trải qua. Rồi họ sẽ sống ra sao?

Khía cạnh dễ nhận ra nhất ở thấu cảm và là một thử thách thực sự, chính là niềm hân hoan với thành công của người khác – một đức tính mà các Phật tử gọi là mudita (tạm dịch: tâm hỷ). Giả dụ một người bạn đột nhiên trở nên thành công, hay con của anh ta bộc lộ những tài năng mà con bạn có mơ cũng không đạt được, hoặc anh ta xây dựng được một mối quan hệ mới khăng khít tốt đẹp, thứ mà bạn cũng thầm mong ước có được. Bạn sẽ phản ứng ra sao? Liệu có hạnh phúc cho anh ta không? Hay bạn ngấm ngầm cảm thấy phiền lòng vì bạn không được như vậy? Liệu bạn có so sánh, hay tự hỏi vì sao bạn không được may mắn như vậy, hoặc cảm thấy ganh tị? Hân hoan trong thấu cảm cho thành công của người khác là rất hiếm thấy, trừ khi đó là thành công của con cái chúng ta, bởi ta cảm thấy chúng cũng là một phần của chúng ta vậy. Không dễ gì để ta hân hoan vô điều kiện khi người khác được hạnh phúc còn ta thì không. Nếu làm được điều này, chứng tỏ ta đã phải cố gắng rất nhiều.

Nhưng thấu cảm không mang màu sắc vui tươi hay vô tư. Ngược lại, người ta cần tới thấu cảm trong thất bại nhiều hơn thành công, trong khổ đau nhiều hơn vui sướng. Chính những lúc khốn khó, thấu cảm mới thể hiện rõ giá trị của nó. Đúng là ta thấy vui khi có ai đó san sẻ những giây phút hạnh phúc với mình. Nhưng chính những lúc trong lòng rối bời ta cần ai đó hiểu được ta.

Để thấu cảm được đủ đầy và chân thành, người mang cảm xúc ấy phải biết coi trọng bản thân và khổ đau mà người khác gặp phải. Nỗi đau được định nghĩa là thứ mà ta chán ghét nhất. Ta chạy trốn khỏi nó bất cứ khi nào có thể. Né tránh nỗi đau là căn bản để sống khỏe mạnh, và hạn chế nó tới mức tối thiểu là việc nên làm. Nhưng trong cuộc sống nào có thể tránh khỏi đau đớn. Chúng ta đều mong manh cả. Sớm hay muộn gì ta cũng lâm bệnh, mắc sai lầm, vấp ngã, cảm thấy thất vọng về những gì cuộc đời mang đến, hay mất đi một người thân yêu. Chúng ta đều trải qua khổ đau. Và đều phải học cách sống chung với nó.

Bạn đối mặt với nỗi đau như thế nào? Thật chẳng dễ dàng gì. Có người vờ như không cảm thấy nó, gượng cười cho qua: “Cũng chẳng có gì ghê gớm”. Có người lấy đó làm tự hào: “Cơn đau đầu của tôi còn khủng khiếp hơn anh”. Có người còn đem nó kể hết cho người khác, tường tận từng chi tiết một: “Để tôi kể anh nghe vụ mấy cái răng của tôi bị sâu”. Có người đổ lỗi cho Chúa hay cho số phận và cho rằng họ là nạn nhân của cơn thịnh nộ từ đấng bề trên khi lúc nào cũng gặp xui xẻo: “Lần nào tôi cũng bị vậy!”. Lại có kẻ luôn miệng ca thán về cả nỗi đau có thực và những đau đớn còn chưa xảy đến, kể cả khi nỗi đau ban đầu đã nguôi ngoai, như thể họ không muốn bị bất ngờ vậy. Rồi có người liên tục đấu tranh mà chẳng cần biết nguyên nhân là gì. Có người chỉ đơn thuần cảm thấy hụt hẫng, trầm cảm, và rồi phó mặc cuộc đời mình: “Tôi bỏ cuộc”.

Những cách kể trên đều không mang lại kết quả gì khi đối mặt với nỗi đau. Có chăng, chúng chỉ mang lại niềm an ủi hão huyền, làm nỗi đau thêm dai dẳng và sâu đậm chứ không phải loại bỏ nó. Cách tốt nhất là đương đầu trực diện, bằng sự chân thành và lòng dũng cảm. Hãy vượt qua nỗi đau như hành trình đi vào đường hầm tối và thoát ra ở phía bên kia.

Thần thoại về Chiron dạy chúng ta nhiều điều về thái độ này. Chiron ra đời do kết quả của sự cưỡng hiếp: Cha của ông, Cronos, là chúa tể của những vị thần, đã hóa mình thành một con ngựa để đuổi theo một người phụ nữ, rồi bắt giữ và cưỡng hiếp nàng. Đứa con trai sinh ra có hình hài quái thú – nửa người, nửa ngựa – và bị người mẹ thẳng thừng bỏ rơi. Vậy là Chiron được sinh ra trong sự nhục nhã và đau khổ. Ban đầu ông chối bỏ sự thật khủng khiếp ấy. Nhờ sự giúp đỡ từ Apollo, ông thu nhận được những giá trị cao đẹp và tài năng nhất – chính là phần người trong mình. Ông trở thành tài kiệt trên phương diện y học, thảo dược, thiên văn, và thuật bắn cung. Tiếng tăm ông lan xa tới mức các vị vua ai cũng muốn mời ông về làm thầy cho con trai và con gái của họ, Nhưng một ngày nọ Chiron vô tình bị mũi tên độc bắn vào đầu gối. Là người thường hẳn đã không qua khỏi, nhưng ông là con của một vị thần, vì thế ông không thể chết. Ông chỉ phải chịu đựng đau đớn.

Nỗi đau ông gánh chịu không lời nào tả xiết. Ông không còn vận động theo ý muốn, và phải phụ thuộc vào con gái. Mũi tên găm trúng phần thân dưới, vào phần con, cũng là phần gợi lại sự nhục nhã mà ông cố quên bao lâu nay khi bị bỏ rơi. Với thân xác ấy, Chiron không thể làm thầy cho những vị vua, mà chỉ có thể giúp đỡ những kẻ nghèo hay bệnh tật. Ông hoàn thành sứ mệnh ấy bằng những kỹ năng tuyệt đỉnh. Dù có cố gắng thế nào để chữa lành vết thương cho mình, ông đều thất bại. Nhưng bằng tri thức, sự nhạy bén, và lòng cảm thông nhờ nỗi đau trong mình mà ông chữa lành cho biết bao kẻ khác. Ông trở thành người chữa lành mang trên mình thương tật.

Rồi Chiron biết được nỗi đau của ông sẽ chấm dứt nếu ông từ bỏ sự bất tử. Ông phải từ bỏ đặc ân cuối cùng của mình. Ông quyết định sẽ làm vậy, và trải qua hành trình chín ngày dưới Địa Ngục. Cuối cùng, Zeus mang ông lên thiên đàng, biến ông thành chòm sao Nhân Mã, hay còn gọi là Cung Thủ, mà ta vẫn nhìn thấy trên trời vào những buổi tối mùa hè quang mây. Cuối cùng, ông đã tìm thấy sự thanh thản và hợp nhất với vũ trụ mà ông luôn hướng tới.

Chiron không phải là anh hùng về sức vóc như Achilles hay Hercules. Ông là hình tượng phản-anh hùng. Ông chiến thắng chính nhờ sự mong manh của mình. Ông trở nên cảm thông và chữa lành kẻ khác chỉ khi thôi cố gắng chứng tỏ trí thông minh và tài năng của mình bằng mọi giá. Ông đạt được sự tỉnh thức phi thường, hợp nhất với Đấng Toàn Năng chỉ khi chấp nhận nỗi đau thay vì tìm cách chống trả.

Nếu ta chối bỏ khổ đau của mình, sẽ khó để ta đồng cảm với nỗi niềm của người khác. Còn nếu đem điều đó ra khoe khoang thì ta đang coi người khác như kình địch và sẽ chẳng thể cảm thông với những khó khăn mà họ đang gặp phải. Khổ đau trong ta chính là nền tảng cho lòng thấu cảm.

Ta dành sự cảm thông sâu sắc nhất cho những ai chung cảnh ngộ với mình, đó là lẽ đương nhiên. Người nào bị bạo hành khi còn nhỏ lớn lên sẽ thấu hiểu những người có cùng nỗi đau. Nạn nhân của những vụ tai nạn xe hơi, hay lạm dụng tình dục, hoặc lâm vào cảnh phá sản, hay mất đi một đứa con, họ dễ cảm thông khi gặp những bi kịch tương tự. Và từ đó hiểu rõ hơn mình cần giúp đỡ như thế nào. Thật chẳng bất ngờ khi từ nghịch cảnh lại nảy sinh ra sự hỗ trợ tương ứng.

Đó là con đường chông gai và đau đớn nhất để phát triển lòng thấu cảm. Tôi thực sự không mong có ai phải đi qua con đường ấy, thế nhưng đó lại là định mệnh của tất cả chúng ta. Nỗi đau, dù nhiều hay ít, đều theo ta đi suốt cuộc đời. Nhưng nó không chỉ mang lại tác động tiêu cực. Khi được đối mặt một cách thành thực, nỗi đau có thể cho ta trái ngọt. Nó len lỏi sâu trong con người ta; mở rộng tâm hồn ta, đôi khi theo những phương thức dữ dội; khiến ta trưởng thành hơn, giúp ta khám phá những cảm xúc và nguồn lực mà ta không hề hay mình có; làm ta thêm phần nhạy cảm – và có lẽ cả khiêm nhường và thông thái hơn nữa. Đó như một lời nhắc nhở đầy khắc nghiệt rằng thứ gì là quan trọng. Nỗi đau kết nối ta với mọi người. Đúng là nó có thể khiến ta chai sạn hay hoài nghi hơn, nhưng nó cũng có thể biến ta thành con người tốt hơn.

May thay, vẫn còn những con đường khác ngoài nỗi đau để làm giàu lòng thấu cảm. Qua tri thức và luyện tập các bộ môn nghệ thuật như: văn học, hội họa, hay hơn hết là khiêu vũ, đều mang lại nhiều lợi ích trong đó có làm giàu khả năng thấu cảm. Nhưng phương pháp trực diện và dễ thực hiện nhất là dùng trí tưởng tượng và đặt mình vào hoàn cảnh của người khác. Người đầu tiên đề cập tới phương pháp này là Laura Huxley, trong cuốn sách của bà có tựa You Are Not the Target (tạm dịch: Ta nào phải nạn nhân). Đây là cách mà bà áp dụng: Sau khi có xích mích với một người thân quan trọng, chẳng hạn như ta có nặng lời với chồng hay vợ của mình, hãy mường tượng lại tình huống ấy và nhìn vấn đề từ con mắt của người kia. Nếu thành công, ta có thể nhìn thế giới, và chính bản thân mình, từ một góc nhìn tươi mới và thường có phần bất ngờ. Tôi đã chứng kiến những người áp dụng bài tập này và đạt được kết quả ngoài mong đợi. Họ nhận ra họ chưa từng hiểu tường tận về một người thân nào đó của mình.

Có lần tôi tới thăm căn hộ của Laura Huxley và nghe thấy những nốt nhạc bay bổng vang lên, là một bản giao hưởng dương cầm của Mozart. Ở phòng kế bên, Laura đang nói chuyện với một cô gái Thái vừa chân ướt chân ráo tới Hoa Kỳ và đang mang bầu. Tôi nghe thấy tiếng Laura và mặc dù không nghe được hết từng từ, tôi biết bà đang nói gì. Trong giọng nói của bà hàm chứa sự lo lắng và mong muốn giúp đỡ cô gái kia. Thường tôi muốn nghe nhạc mà xung quanh không có tiếng ồn. Nhưng lúc ấy giọng của Laura vang lên từ căn phòng kế bên hòa nhịp đầy mê hoặc với âm nhạc của Mozart. Tôi có thể cảm nhận được Laura đang đặt mình vào hoàn cảnh của cô gái, hiểu được cô đang lạc lõng, cô đơn, và tuyệt vọng nơi đất khách quê người ra sao, chưa kể đến việc mang thai. Giọng nói của Laura trở thành một phần trong bản giao hưởng của Mozart; cứ như thể chính thứ âm nhạc ấy đang giúp tôi nhận ra vẻ đẹp của sự tương trợ, và giọng nói kiếm tìm sự giúp đỡ cho phép tôi cảm thụ nét phong phú kỳ diệu trong âm nhạc của Mozart. Trong giây phút ấy, tôi ngộ ra ý nghĩa của lòng trắc ẩn: giang tay với những con người đang gánh chịu khổ đau bằng sự chân thành và cảm thông sâu sắc.

Con trẻ thường biểu lộ lòng trắc ẩn ngay tức khác và rất sâu sắc, có khi còn hơn người lớn. Người lớn chúng ta đã trải qua nhiều biến cố và bởi vậy có lớp vỏ bọc dày hơn. Ta có thể đi ngang qua một kẻ say xỉn rách rưới hay một người đàn bà ăn xin trên phố mà thậm chí không hề để ý. Nhưng con trẻ thì không được bảo bọc khỏi những điều xấu xa và đau khổ trên thế giới này. Tôi còn nhớ khi cậu con trai Jonathan lúc ấy mới lên bốn hay năm tuổi, và là lần đầu tiên nhìn thấy một người vô gia cư: một phận người xác xơ, như ta hay bắt gặp trong những thành phố lớn. Với ta đó là điều bình thường, ta đã quen rồi. Với một đứa trẻ lại khác. Jonathan nhìn người đàn ông trong bộ đồ rách rưới, tóc dài bết lại, gương mặt khắc khổ, miệng lẩm bẩm thứ âm thanh vô nghĩa và đang cuộn mình trong rác rưởi. Gương mặt cậu bé ánh lên vẻ ngạc nhiên tột độ, tiếp đó là thương hại sâu sắc pha lẫn với giận dữ: Cớ sao lại tồn tại một sự hạ thấp phẩm giá đến như vậy?

Một lần khác, Jonathan nhìn thấy một bà cụ già yếu, lưng còng, đang bước lên cầu thang từng bước khó nhọc. Ngay lập tức, Jonathan nhận ra rằng, trong cuộc sống ta phải trải qua đau đớn khi bước vào tuổi cao niên. Tôi không biết khi ấy cậu bé nghĩ gì, nhưng tôi biết trái tim cậu bé đã nhói lên, và cậu bé động lòng trắc ẩn. Đôi khi chính con trẻ giúp ta tìm lại những cảm xúc đã mất trong mình.

Lòng trắc ẩn chính là kết quả cuối cùng và cao đẹp nhất của thấu cảm. Nó là một giá trị tâm linh bởi nó kéo ta ra khỏi lòng tham và sự vị kỷ. Nó hàm chứa tất cả mọi người, kể cả những người kém cỏi nhất, khó chịu nhất, và kém thông minh nhất. Nó giúp ta mở lòng và đoàn kết với những người khác. Nó lấp đầy trái tim ta.

Nhưng ta cũng có thể định nghĩa lòng trắc ẩn theo cách khác: một mối quan hệ ở thể thuần khiết nhất. Sự xét nét thường xuất hiện trong những mối quan hệ của ta. Ta thích phán xét bởi điều đó khiến ta cảm thấy mình giỏi giang hơn, hoặc ta có một món nợ cũ, hay một ham muốn trả thù (là món ta thèm khát nhưng không tiêu hóa được). Có chăng ta thấy chút đố ky, hay thấy mình cần phải cho ai đó lời khuyên, hoặc ta cứ luôn so sánh mình với họ. Hay có khi ta coi người kia là phương tiện để đạt được điều gì đó. Tất cả những nhiễu động ấy gây tổn hại và bóp méo mối quan hệ của ta.

Giờ hãy tưởng tượng một mối quan hệ bất kỳ ở thể thuần khiết nhất. Hãy tưởng tượng nó đã được lột bỏ hết những phán xét, thù ghét, so sánh, hay những thứ tương tự. Ta đứng đối mặt với nhau mà không có lớp màng che hay lá chắn nào. Ngay lập tức ta có thể cộng hưởng với nhau. Thoát khỏi tâm lý nặng nề, ta thấy mình nhẹ nhõm hơn. Ta quên đi sự vội vã. Ta được tự do. Chỉ khi ấy ta mới có thể cảm thông với nhau. Và cũng chỉ khi ấy ta mới hiểu được nhau. Nếu tôi và bạn cởi mở với nhau, giữa chúng ta không có bất cứ rào cản nào, thì tôi biết bạn đang cảm thấy gì và ngược lại. Tôi thấy mình được thấu hiểu và bạn cũng vậy. Nếu bạn đang khổ đau, tôi muốn nỗi khổ đau ấy biến mất, và nếu tôi đang khổ đau, tôi biết bạn sẽ chìa tay ra giúp đỡ. Nếu bạn hạnh phúc thì tôi hạnh phúc, và nếu mọi chuyện diễn ra suôn sẻ với tôi, tôi biết rằng bạn cũng thấy vui lòng.

Và có lẽ hai ta chẳng cần gì hơn thế.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. NHƯ TẠO HÌNH CHO ĐẤT SÉT
  2. TỐT HƠN, TỪ BI HƠN, NHÂN ĐỨC HƠN VÀ HẠNH PHÚC HƠN
  3. LÒNG TỪ BI HƠN TẤT CẢ MỌI THỨ

Bài viết khác của tác giả

  1. KHÔNG LÀM HẠI
  2. SỰ LINH ĐỘNG – THÍCH NGHI HAY LÀ CHẾT
  3. TÔN TRỌNG – GIÁ TRỊ CỦA SỰ TỬ TẾ

Bài viết mới

  1. CHINH PHỤC MỤC TIÊU
  2. CHÁNH NIỆM
  3. BỚT SỢ HÃI