EDGAR MORIN
Nguồn: Quả Đất Quê Hương; Việt dịch: Nguyễn Hồi Thủ; NXB Lao Động – 2007
Tác giả chính Edgar Morin là một nhà tư tưởng, nhà nghiên cứu liên ngành lịch sử – xã hội học – nhân chủng học nổi tiếng trong giới trí thức Pháp và thế giới bởi phương pháp luận và cách tiếp cận những vấn đề đương đại độc đáo, mới mẻ của ông. Những công trình của ông đã có một ảnh hưởng sâu rộng từ châu Âu, châu Mỹ tới Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Ông từng đảm trách chức vụ chủ tịch bộ phận Complex Thought của UNESCO và được Tổng giám đốc UNESSCO Koichiro Matsuura tôn vinh là “Người cha đẻ của tư duy phức hợp, nhà cải cách lý trí con người và người công dân xuất sắc của Trái đất – Tổ quốc chung”. Ông hiện làm giám đốc nghiên cứu ở Trung tâm nghiên cứu Quốc gia Pháp (CNRS) và là giáo sư danh dự của nhiều trường Đại học trên thế giới.
——- ??? ——-
Sự Phát Triển Của Tình Trạng Chậm Tiến Trong Những Nước Phát Triển Và Những Nước Chậm Phát Triển
Sự phát triển theo nghĩa chúng ta hiểu ám chỉ một sự phát triển toàn vẹn những tự chủ cá nhân cùng một lúc với sự gia tăng các tham dự có tính cộng đồng, bắt đầu bằng sự tham dự lân cận rồi mở ra đến các tham dự toàn cầu. Càng nhiều cái tôi mà càng ít đi lòng vị kỷ.
Cái quan niệm phát triển này làm chúng ta ý thức được một hiện tượng chủ chốt của kỷ nguyên toàn cầu: tình trạng chậm tiến của những xã hội phát triển đúng là càng tăng lên song song với sự phát triển kỷ thuật – kinh tế của họ.
Sự chậm tiến của xã hội phát triển là một sự chậm tiến tinh thần, tâm lý và trí thức.
Đúng là có một sự đói kém tình cảm và tâm lý tương đối lớn trong tất cả những văn minh và khắp nơi đều có những chậm tiến về tinh thần con người, nhưng phải nhìn thấy sự nghèo nàn tinh thần của những xã hội giàu có, sự đói khát tình yêu của những xã hội no đủ, sự ác độc và hung hăng khốn nạn của giới trí thức, sự lan tràn những ý tưởng chung chung rỗng tuyếch và những quan niệm què quặt, sự mất đi cái nhìn tổng thể, bản chất và trách nhiệm.
Có một cái nghèo không hề giảm khi cái nghèo sinh lý, vật chất giảm, ngược lại nó còn tăng thêm với sự sung túc, nhàn hạ. Có một sự phát triển đặc thù của cái chậm tiến đầu óc dưới sự chủ trì của hợp lý hóa, chuyên nghiệp hóa, số học hóa, trừu tượng hóa, phi trách nhiệm hóa và tất cả những thứ này dẫn đến sự phát triển của tình trạng chậm tiến đạo đức.
Dĩ nhiên không chỉ toàn có những khía cạnh này trong thế giới phát triển của chúng ta và cái tư duy phức tạp có khuynh hướng mang tính mâu thuẫn hai mặt cũng cho phép chúng ta thừa nhận sự phát triển của xã hội hiện đại về những tự chủ cá nhân, những tự do và phương tiện truyền thông, về sự khai phóng con người do du lịch và truyền hình mang lại, về bảo hiểm và tương trợ xã hội, tuy cách làm vẫn còn đầy tính quan liêu, nhưng xét cho cùng cũng đã bù đắp được phần nào những bất bình đẳng và làm dịu đi một ít đau khổ.
Chúng ta không nên quên rằng những tư tưởng táo bạo, phản đạo, lệch lạc đã bị tiêu diệt từ trong trứng nước ở những xã hội truyền thống lại tìm được khả năng diễn đạt trong thế giới của chúng ta. Chúng ta cần xem xét tất cả mọi khía cạnh của thực tại để tránh rơi vào hai thái cực: hoặc quá hồ hởi hoặc than vãn.
Suy nghĩ lại về phát triển cũng bắt chúng ta phải xem xét với tinh thần phê phán cái khái niệm cũng chậm tiến của sự chậm tiến. Như chúng ta đã thấy, khái niệm chậm tiến không biết đến những điều hay và phong phú có thể có nơi những văn hóa xưa hàng nghìn năm của những dân tộc đã bị hay đang bị gọi là chậm tiến.
Khái niệm này mang trách nhiệm rất lớn trong việc đẩy những nền văn hóa bị gọi là chậm tiến đến chỗ diệt vong vì xem chúng chỉ là một thứ mê tín lăng nhăng. Phong trào xóa nạn mù chữ có cái ngạo mạn là không thừa nhận những dân tộc có văn hóa truyền khẩu vì chỉ thấy nơi họ những kẻ mù chữ, và điều này đã làm trầm trọng thêm sự chậm tiến tinh thần và tâm lý trong những khu nhà ổ chuột.
Dĩ nhiên, chúng ta cũng không thể cứ lý tưởng hóa những văn hóa khác văn hóa của chúng ta được. Ngược lại, với ý nghĩ cho rằng mỗi một nền văn hóa tự bản thân nó là đầy đủ. Maruyama đã nói rất đúng rằng mỗi văn hóa đều có cái gì đó bị rối loạn chức năng (không chạy đúng chiều), thiếu chức năng (công dụng ở mức độ rất thấp) và công dụng độc hại (gây độc hại trong lúc vận hành).
Phải tôn trọng các nền văn hóa, mặc dù tự bản thân chúng không hoàn hảo, cũng như bản thân chúng ta có bao giờ hoàn hảo đâu! Mọi nền văn hóa, ngay cả văn hóa của chúng ta đều pha lẫn ít nhiều mê tín, hư cấu, tự kỷ ám thị, tri thức tích lũy mà chưa được phê phán, sai lầm dị hợm, sự thực sâu sắc. Cả cái đống hỗn độn này thoạt nhìn không thể nào phân biệt được gì, nhưng cần phải chú tâm để đừng xem các tri thức hàng nghìn năm như những thứ mê tín. Ví dụ như cách chế biến những thức ăn từ ngô (bắp) ở Mêhicô trong một thời gian rất lâu đã bị những nhà nhân loại học xem làm một thứ tín ngưỡng ma thuật, cho đến khi người ta khám phá ra rằng đó chính là cách cho phép cơ thể hấp thụ được chất lizin, một chất dinh dưỡng hầu như từ bao đời đã là thức ăn duy nhất của họ. Vì thế mà đôi khi có vẻ “bất hợp lý” lại chính là một tính hợp lý sống còn.
Ngoài ra, khái niệm chậm tiến, dù có man rợ thế nào đi nữa cũng thiết lập một liên hệ nhân loại học giữa những khu vực phát triển và khu vực kém phát triển, nó thúc đẩy một sự giúp đỡ kỹ thuật, y tế cần thiết – như đào giếng, khai thác các nguồn năng lượng, chống những bệnh địa phương và nạn suy dinh dưỡng – mặc dù quan niệm này được thực hiện trong những điều kiện bóc lột kinh tế, tàn phá thiên nhiên và đô thị hóa một cách tồi tàn kéo theo đủ thứ tệ đoan mới (1).
Trong quá trình khắc phục nghèo khổ, con người cũng đã gây ra biết bao nghèo khổ! Cho dù chỉ với mục đích để xóa bỏ nền kinh tế sinh tồn mà người ta đã đem tiền tệ đến nơi từng có sự trao đổi và tương trợ! Và làm như thế vô tình con người đã chậm tiến hóa trong khi vẫn tưởng mình thúc đẩy phát triển …
Cho đến khi nào mà đầu óc chúng ta còn ở trạng thái chậm tiến thì chúng ta sẽ vẫn tiếp tục làm tăng sự chậm tiến của những khu vực kém mở mang. Nếu sự nghèo nàn đầu óc của những khu vực phát triển bớt đi trong thời đại khoa học chúng ta thì vấn đề nghèo khó vật chất ở những nơi kém mở mang cũng có cơ được giải quyết nhanh chóng. Nhưng chính vì chưa thoát khỏi được sự chậm tiến đầu óc mà chúng ta đối với vấn đề này vẫn không có chút nào ý thức cả.
Từ đó chúng ta rút ra một kết luận như sau: Sự chậm tiến đầu óc, tâm lý, tình cảm, tính nhân bản – kể cả của những kẻ ở khu vực phát triển – từ đây trở đi sẽ là một vấn đề có tính then chốt của sự tiến hóa nhân loại.
Phát Triển Siêu Việt
Sự phát triển là một mục tiêu, nhưng nó không thể là một mục tiêu thiển cận hay một mục tiêu cuối cùng. Chính mục tiêu của phát triển còn tùy thuộc vào một số mục tiêu khác. Những mục tiêu này là gì? Đó là làm sao để sống thật sự và sống tốt hơn.
Thật sự và tốt hơn nghĩa là thế nào?
Là sống trong sự thông cảm, đoàn kết, có tình. Sống mà không bị bóc lột, nhục mạ, khinh bỉ.
Nói như thế có nghĩa là mục tiêu của phát triển thuộc phạm vi những đòi hỏi thiết yếu của đạo đức. Yếu tố kinh tế phải được cân nhắc và phải lấy luân lý nhân loại làm tiêu chuẩn. Vì thế, trên con đường tiến hóa nhân loại chúng ta cần có một hứa hẹn hoặc một chắc chắn tuyệt đối nào về một quy luật tiến bộ nữa.
Ngoài ra, như chúng ta đã đề cập, tất cả những gì xem như của cải nhân loại gặt hái được, kể cả mức phát triển ngừng tự đổi mới tất sẽ bị thoái hóa. Chúng ta hãy nhìn lại những lần thoái hóa lịch sử và những thảm họa văn minh mà các nhà tư tưởng vì quá tin vào thuyết tiến bộ đã chủ ý muốn quên. Chúng ta phải nhận thức rằng sự phát triển của tiến hóa nhân loại nằm trong một vận mệnh có tính ngẫu nhiên, cái vận mệnh phiêu bạt bất định của loài người.
Nhận thức về sự phiêu bạt bất định là nguồn gốc của những lo lắng và bất trắc, bởi vì nó phá vỡ những xác tín, sự ổn định và cái tuyệt đối, bởi vì trong cuộc phiêu lưu này, không có cái kết cuộc hạnh phúc (có hậu). Và trong cuộc phiêu lưu này, sự phát triển của tiến trình cá thể hóa là nguồn gốc của những bất trắc và lo lắng ngày càng gia tăng. Tiêu thụ như điên cuồng, rồ dại đang lan tràn cũng như trăm nghìn thứ ăn chơi giải trí hiện đại đều là một phản ứng đối với tâm trạng lo lắng của sự cá thể hóa. Và mỗi lo lắng này một khi bị đè nén, càng trở nên sâu đậm hoặc hung hãn hơn.
Điều này liên quan đến việc cải cách tư tưởng và cuộc sống.
Có nên gói ghém tất cả vận mệnh của tiến hóa nhân loại trong quan niệm phát triển không?
Trong những mục tiêu mà chúng ta đã dẫn: sống thực sự, sống tốt hơn còn có sự tìm tòi một cái gì đó cao xa hơn sự phát triển. Nghĩa phát triển ở đây vượt khỏi sự phát triển: ví dụ phát triển tình yêu âm nhạc không có nghĩa lịch sử âm nhạc là một sự phát triển tiệm tiến theo đó Beethoven thì hay hơn Bach hoặc Richard Strauss hay hơn Beethoven.
Ngay cả khi nó chứa đựng khía cạnh tiến hóa nhân loại, quan niệm phát triển, đúng như nghĩa của danh từ này muốn nói: bày ra, trải ra, căng ra, cũng chưa đầy đủ. Cần phải làm sáng tỏ quan hệ biện chứng của sự bất túc này với ý niệm bao bọc (enveloppement) và thoái bộ (involution). Lúc ấy nó sẽ đưa ta quay ngược về nguồn gốc, về thời mông muội, rơi vào chiều sâu của bản thể, ngụp lặn vào cái cũ xưa, tái hồi, quên mất bản thân, quay vào cõi nhiệm mầu của bụng mẹ, chìm vào trong thiên nhiên, tái nhập vào thần thoại, tìm về vô độ và hòa bình không lời.
Ôi, đương nhiên! Shelley, Novalis, Holderling, Pouchkine, Rimbaud, Bach, Mozard, Schubert, Beethoven, Moussorgski, Berg là kết tinh lịch sử của một quá trình phát triển văn minh. Nhưng những tác phẩm của họ lại vượt lên trên sự phát triển này, nó nói lên sự tồn tại của chúng ta trên thế giới, nó kể cho chúng ta nghe về cái khó diễn đạt bằng ngôn từ, nó đưa chúng ta đến chỗ xuất thần, nơi mà gông cùm của thời gian và không gian không còn nữa.
Tất cả những gì đến từ bản chất cơ bản của tu duy đều xuyên suốt lịch sử, tác động ngược lại quá khứ cho đến căn nguyên, lặn vào những vực thẳm trong tâm hồn chúng ta và phóng về phía trước tương lai.
Thế thì chúng ta có thể đề xuất ý niệm phát triển siêu việt hay không? Có nghĩa là một cái gì đó còn xa hơn phát triển mà sự phát triển (có lẽ?) sẽ cho phép đạt được và nói đúng ra đáng lẽ nó phải cho phép.
Tìm Lại Liên Hệ Quá Khứ – Hiện Tại – Tương Lai
Tất cả mọi xã hội, cá nhân đều sống trong mối liên hệ quá khứ/ hiện tại/ tương lai với một tương quan biện chứng, ở đó ba từ này đều phối hợp chặt chẽ với nhau.
Những xã hội truyền thống thì sống trong hiện tại và tương lai mình dưới sự chỉ huy của quá khứ. Những xã hội gọi là đang trên đường phát triển gần đây còn sống dưới sự đòi hỏi của tương lai trong khi tìm cách giữ gìn bản sắc quá khứ và an bài cho được sao hay vậy cái hiện tại của mình. Những xã hội giàu có sống dưới sự chi phối đồng thời của hiện tại lẫn tương lai và nhìn thấy cái quá khứ của mình ra đi một cách vui vẻ rồi buồn bã.
Mối liên hệ quá khứ/ hiện tại/ tương lai, được sống rất khác nhau bởi mỗi người, tùy mỗi lúc và như vậy đã hơi bị xuống cấp ở khắp nơi so với một tương lai được tô hồng. Sự khủng hoảng của tương lai gây ra một sự phình trướng của hiện tại và đẩy con người tìm về quá khứ trong xã hội Tây phương. Nó khởi động ở nhiều nơi những co cụm về với chủng tộc và/ hoặc tôn giáo. Cho nên, các chủ nghĩa nguyên giáo (trong số đó có nguyên giáo Ixlam) là phản ứng cùng một lúc đối với khủng hoảng tương lai và sự nghèo nàn của hiện tại.
Ở nhiều nơi, mối liên hệ sống động giữa quá khứ/ hiện tại/ tương lai bị khô héo, thui chột và bế tắc. Chúng ta cần phải làm cho tái sinh mối liên hệ này mà vẫn giữ được sự cân bằng giữa ba yếu tố nghĩa là không thổi phồng cái nào lên cả.
Sự đổi mới và phức tạp hóa cái liên hệ quá khứ/ hiện tại/ tương lai phải được xem như một trong những mục tiêu của chính sách tiến hóa nhân loại.
Tìm về với nguồn gốc trong quá khứ có thể được thực hiện trong và bởi hai nguyên tắc đã nói trên. Cái đầu tiên xác nhận quyền sống của tất cả các văn hóa, mà không quên rằng chúng không phải đều là những thực thể đã đạt được mức độ hoàn hảo: mỗi cái đều có những kém cỏi, mù quáng, thiếu sót riêng và những phẩm chất của chúng cho phép cuộc sống của các thành viên được khởi sắc thì lại rất không đồng đều.
Thêm vào đó chúng ta không được quên rằng tất cả những văn hóa đặc thù đều thu lượm được nét đặc thù của chúng qua gặp gỡ, hấp thụ những yếu tố ngoại lai, thường thuộc về văn hóa của kẻ chinh phục hay kẻ bị chinh phục; cũng giống như những loài sinh vật, tất cả những văn hóa đều trải qua những thay đổi, đột biến, và nhiều cái đã tự phức tạp hóa bằng cách tiếp nhận những gì mà khởi thủy đã đe dọa hoặc nhiễu loạn nó.
Dù thế nào đi nữa, phong trào trở về nguồn mang tính chủng tộc, quốc gia, tôn giáo sẽ trở thành thoái hóa một khi chỉ chú mục vào quá khứ, vì như vậy nó sẽ làm thui chột cái quan hệ với hiện tại và tương lai.
Nguyên tắc thứ hai của sự tìm về nguồn là nguyên tắc đầu tư cần thiết vào quan hệ mật thiết giữa ba đặc tính: nhân loại, sinh vật, địa cầu. Ba thứ này, vì cùng tồn tại nơi mọi con người, sẽ không hề ngăn cản những sự tìm về nguồn mang tính đặc thù. Quá khứ không chỉ là quá khứ riêng biệt của một sắc tộc hoặc một quốc gia nào, nhưng nó là cái quá khứ của quả đất, của tiến hóa và của bản thân nhân loại mà con người phải chiếm hữu và tiếp thu.
Mối liên hệ với hiện tại, tức là sống và hưởng thụ không thể nào bị hy sinh cho một quá khứ độc đoán và một tương lai hư ảo. Hôm nay, nó còn chứa đựng cả sự tham dự từ xa vào sinh hoạt toàn cầu và khả năng nối mạng vào nhiều nền văn hóa trên thế giới cũng như vào chính nền văn hóa và phônklo toàn cầu.
Ngoài ra và quan trọng hơn nữa là chính trong hiện tại mà sự khởi sắc của cuộc sống mới có thể thể hiện và vượt qua được sự phát triển. Vòng tuần hoàn, qua lại giữa quá khứ/ hiện tại/ tương lai sẽ khôi phục cường độ cụ thể của cuộc sống, một trọng điểm của hiện tại. Như thánh Augustin đã nói: “Có ba loại thời gian trên đời: hiện tại của quá khứ, hiện tại của hiện tại và hiện tại của tương lai”.
Cuối cùng, mối liên hệ với tương lai phải được tiếp lại cho thêm sức sống, nhất là khi bản thân tiến trình tiến hóa nhân loại là một sự vươn về tương lai. Không phải về một tương lai hư ảo với tiến bộ được bảo đảm vĩnh viễn, mà là một tương lai có tính ngẫu nhiên, không chắc chắn, nhưng mở ra trên vô vàn khả năng mà khát vọng và mục tiêu con người có thể hướng đến tuy chưa chắc gì đã đạt được.
Trong ý tưởng mới này thì sự khôi phục lại tương lai có một tầm quan trọng hàng đầu và một tính khẩn cấp cao độ đối với nhân loại.
Mối Quan Hệ Trong – Ngoài
Con người luôn luôn bị đẩy về hai hướng đối nghịch. Một mặt là hướng ngoại, một sự hiếu kỳ đối với thế giới bên ngoài như du lịch, thám hiểm, nghiên cứu khoa học và ngày nay nó được nối dài ra về hướng thăm dò vũ trụ. Mặt khác, hướng nội, là quay vào cuộc sống nội tâm, suy nghĩ và trầm tư mặc tưởng.
Từ thuở đầu của những nền văn minh, đã có những nhà thiên văn nhìn lên trời và những người trầm tư quay vào với đầu óc của riêng mình. Thời nào cũng có những kỹ thuật gia, những triết gia thần bí, lại có cả khả năng thay đổi cái thiên tư này.
Hiện nay, cái thiên tư hướng về vũ trụ càng ngày càng mạnh: ra đi, rời quê hương đến những hành tinh khác, xa hơn nữa. Tuy nhiên, lập nên nhưng cơ sở không gian sẽ đòi hỏi sự hợp tác, đoàn kết ở địa cầu phải được giải quyết xong. Và ngay cả trong một giả thuyết khoa học viễn tưởng về một cơ sở liên bang đồ sộ thoát thai từ địa cầu thì cái cơ sở này sẽ càng trở thành tổ quốc đầu tiên khi nó là nơi mà con người không cần dùng những hệ thống nhân tạo, những vòm oxy, những nhà kính khổng lồ cho cây cối, súc vật …
Thiên tư hướng nội, từ lâu nay bị đẩy lùi và đẩy ra bên lề của cái hiện đại Tây phương đã bắt đầu có tiếng nói của mình. Nơi này, nơi nọ, vì muốn thoát khỏi chủ nghĩa tích cực, khỏi những bồn chồn, náo động, những trò tiêu khiển, con người đã hướng về sự ổn định nội tâm, một sự thanh thản không đến từ ma dược mà từ một sự trù dưỡng tinh thần.
Quy hoạch quả đất không có nghĩa là từ bỏ sự thăm dò thế giới vật chất và cái viễn tưởng của chuyến du hành ngoài vũ trụ, cũng không phải từ bỏ sự tìm tòi nội tâm. Cả hai thiên chức này vẫn phải được tiếp tục, cả hai cái cùng từ quả đất, cùng giao lưu với một cõi bên kia.
Văn Minh Hóa Văn Minh
Tiến trình tiến hóa nhân loại, cái mà có thể đưa chúng ta thoát ra khỏi thời đại đồ sắt toàn cầu đang thôi thúc chúng ta cải cách nền văn minh Tây phương, nền văn minh đã lan tràn trên toàn cầu với của cải giàu có cũng như những khốn khổ của nó. Chỉ có làm như thế chúng ta mới có thể hoàn tất kỷ nguyên văn minh toàn cầu mà thôi.
Không có gì khó thực hiện cho bằng niềm mơ ước có được một nền văn minh tốt đẹp hơn.
Giấc mơ làm cho con người được phát huy toàn diện, xóa bỏ được tất cả những hình thức bóc lột và thống trị, tìm được sự phân chia của cải công bằng, sự đoàn kết hữu hiệu của mọi người, đạt được hạnh phúc toàn diện. Cái giấc mơ này đã từng lôi cuốn bao kẻ muốn áp đặt nó vào con đường sử dụng những phương tiện man rợ làm cho sự nghiệp văn minh của họ cuối cùng đã thành đống gạch vụn. Tất cả những quyết định bãi bỏ xung đột và hỗn loạn, thiết lập hài hòa và tính công thường đưa đến kết quả ngược lại và những hậu quả tai hại của chúng đã quá rõ ràng. (2)
Lịch sử của thế kỷ này cho chúng ta thấy ý chí muốn thiết lập sự cứu rỗi trên mặt đất lại đưa đến nơi này một địa ngục. Chúng ta không nên một lần nữa lại rơi vào giấc mơ tạo nên thiên đường trên trái đất. Mục tiêu chính của chúng ta là muốn có một thế giới tốt đẹp hơn không có nghĩa là muốn một thế giới tốt đẹp nhất.
——-???——-
Chú thích:
(1): Nó có thể đưa đến sự phát minh ra các kỹ thuật trung gian, như Jean Gimpel đã đề nghị và tưởng tượng, dùng làm trạm chuyển tiếp giữa những kỹ thuật cổ sơ và những kỹ thuật tiên tiến nhất
(2): Điều mà khuyến khích chủ nghĩa hoài nghi, chủ nghĩa hư vô, sự chấp nhận trật tự và hỗn loạn đã được thiết lập, tin rằng những bất công và sự xấu xa là tất yếu cũng sẽ bắt chúng ta chấp nhận một cách bình thản tất cả những xấu xa xảy đến. Và sự tỉnh ngộ này dĩ nhiên càng làm khó thêm dự định và tiến hành của tất cả cải cách văn minh