BỜ BÊN KIA

JIDDU KRISHNAMURTI

Trích: Bút Hoa; Việt dịch: Ẩn Hạc dựa theo bản Pháp ngữ: Carnets de Krisnamurti của Marie Bertrande Maroger

Jiddu Krishnamurti hay J. Krishnamurti (1895–1986) là một tác giả và nhà diễn thuyết nổi tiếng về các vấn đề triết học và tinh thần. Ông khẳng định rằng mình không thuộc bất cứ quốc tịch, tầng lớp, tôn giáo hay trường phái triết học nào, và ông giành suốt quãng đời còn lại của mình đi khắp thế giới như một nhà diễn thuyết độc lập, nói chuyện với các nhóm lớn và các nhóm nhỏ, cũng như với những cá nhân quan tâm.  Cuộc sống và những lời dạy của ông trải dài trong phần lớn thế kỷ hai mươi, được nhiều người tôn vinh là một con người có ảnh hưởng sâu sắc nhất vào ý thức nhân loại trong thời đại hiện nay. Ông soi sáng cuộc sống của hàng triệu người khắp thế giới: những người trí thức và những người bình thường, cả người già lẫn người trẻ. Ông tạo ra ý nghĩa căn bản và mới mẻ cho tôn giáo bằng cách chỉ rõ một cách sống vượt khỏi tất cả những tôn giáo có tổ chức. Ông can đảm đối diện những vấn đề của xã hội hiện nay và phân tích bằng sự rõ ràng có khoa học những hoạt động của cái trí con người. Tuyên bố rằng sự quan tâm duy nhất của ông là làm cho con người được tự do một cách tuyệt đối và không điều kiện, ông tìm kiếm sự giải thoát con người khỏi tình trạng bị điều kiện sâu thẳm của tánh ích kỷ và đau khổ.

Từ đầu những năm 1920 đến năm 1986, Krishnamurti đi khắp thế giới cho đến cuối đời lúc 91 tuổi, tổ chức những buổi nói chuyện, những cuộc thảo luận, viết sách hay là ngồi yên lặng cùng những người đàn ông và phụ nữ đang tìm kiếm sự hiện diện đầy nhân ái và an ủi của ông. Những lời dạy của ông không dựa vào những hiểu biết thuộc sách vở và kinh điển nhưng dựa vào sự thấu triệt về tình trạng bị điều kiện của con người và quan điểm của ông về sự thiêng liêng. Ông không trình bày bất kỳ “triết thuyết” nào, trái lại nói về những sự việc liên hệ với tất cả chúng ta trong cuộc sống hàng ngày: những vấn đề khi đang sống trong xã hội hiện đại với sự phân hoá và bạo lực của nó, sự tìm kiếm của cá nhân để có an toàn và hạnh phúc, và sự đòi hỏi của con người để được tự do khỏi những gánh nặng tâm lý của tham lam, bạo lực, sợ hãi và đau khổ.

Krishnamurti không lệ thuộc vào bất kỳ tôn giáo, giáo phái, hay là quốc gia nào. Ông cũng không tán thành bất kỳ trường phái tư tưởng thuộc học thuyết hay chính trị nào. Trái lại ông quả quyết rằng những trường phái này chính là những yếu tố phân chia con người với con người và tạo ra xung đột lẫn chiến tranh. Ông nhấn mạnh vào thời gian và lặp lại liên tục rằng chúng ta là những con người cao quý và quan trọng nhất, rằng mỗi người trong chúng ta là phần còn lại của nhân loại và không khác biệt gì cả. Ông vạch ra sự quan trọng để tạo ra cuộc sống hàng ngày của chúng ta một chất lượng thiền định và tôn giáo sâu sắc. Ông nói chỉ có một sự thay đổi triệt để mới có thể tạo ra một cái trí mới mẻ, một nền văn minh mới mẻ. Vẫn vậy lời dạy của ông vượt khỏi tất cả những biên giới do con người tạo ra của những niềm tin tôn giáo, những cảm tình quốc gia và những quan điểm thuộc giáo phái. Cùng lúc, chúng cho một ý nghĩa và một phương hướng mới đến việc tìm hiểu của con người hiện đại về chân lý, về thiêng liêng. Những lời dạy của ông, không chỉ liên quan đến thời đại hiện nay, mà còn có tính tổng thể và không thời gian.

Krishnamurti là tác giả của rất nhiều cuốn sách, ngoài ra, một khối lượng đồ sộ các bài nói và thảo luận của ông cũng được xuất bản. Ở tuổi 90, Krishnamurti đã diễn thuyết tại Liên Hợp Quốc về chủ đề hòa bình và nhận thức, và ông đã được trao tặng Huân chương Hòa Bình của Liên Hợp Quốc năm 1984. Buổi nói chuyện trước công chúng cuối cùng của ông diễn ra tại Madras, Ấn Độ, tháng 1 năm 1986, một tháng trước khi ông qua đời tại nhà riêng tại Ojai, California.

—– ???—–

Bài viết dưới đây được trích từ tác phẩm Bút Hoa (nguyên tác The Krishnamurti’s Notebook).

Quyển sách này là bản tường thuật hàng ngày về nhận thức và tâm thái của Krishnamurti, được ông viết ra trong khoảng thời gian 1961–1962. Tác phẩm được xuất bản lần đầu dưới dạng sách năm 1976; sau đó một ấn bản mở rộng được xuất bản vào năm 2003. Tác phẩm này, bao gồm các trang viết tay của Krishnamurti về những trải nghiệm vật lý bất thường, liên tục và trạng thái của ý thức, được gọi là “một tài liệu thần bí đáng chú ý” trong các báo cáo; một nhà viết tiểu sử Krishnamurti được ủy quyền đã mô tả nó chứa đựng “toàn bộ bản chất” về triết học của ông.

 

? Ngày 21 ?

Những cây cỏ đong đưa một cách uy nghiêm, hình như uốn mình một cách thoải mái, dưới cơn gió nhẹ phía tây thổi từ biển; chúng có vẻ như thật cách xa với con đường ngợp người và ồn náo. Một màu sẫm tối dán vào nền trời, thân cây to lớn của chúng nổi bật lên, qua bao năm bền bỉ tinh luyện; chúng ngự trị bầu trời lấp lánh sao, mặt biển nóng bức. Chúng ngả nghiêng đến đỗi cành lá có thể với tới các bạn, kéo các bạn ra khỏi con đường nhớp nhúa, nhưng cơn gió nhẹ ban chiều mang chúng trở về, cử động của chúng chiếm hết bầu trời. Đường phố chật ních người; không bao giờ giữ được sạch sẽ, quá nhiều đờm dãi khạc nhổ, quá nhiều vách tường bẩn thiểu, những tấm áp phích quảng cáo phim chiếu mới nhất, những tấm biển tranh cử đầy dấu hiệu các đảng phái; con đường gớm ghiếc này tuy vậy lại là huyết mạch chính của thành phố, một con đường ồn ào, dọc ngang những chiếc xe buýt nhơ bẩn, những chiếc taxi bóp kèn inh ỏi, và lòng đường làm chứng nhân cho vô số lũ chó chạy qua. Hơi xa một chút, biển và mặt trời lặn, một cục lửa tròn nung nóng mặt nước và vài cụm mây, sau một ngày nóng bức. Biển ở đây thật láng bóng, nhưng lại mơ mộng, không yên nghỉ. Ban chiều quá nóng nên không dễ chịu, và cơn gió nhẹ hình như quên đi nỗi vui mừng. Dọc theo con đường nhớp nhúa, trong cảnh chen lấn của đám đông, thiền định chính là bản thể sự sống. Trí óc rất bén nhạy, chú tâm, hoàn toàn bất động, nhìn những ngôi sao, ý thức những gương mặt, mùi vị, tiếng chó sủa. Một chiếc lá vàng đơn độc rơi xuống đường liền đó bị bánh xe cán nát; chiếc lá đầy màu sắc, đẹp đẽ, rất dễ bị hủy hoại.

Khi chúng tôi bước đi trên con đường có những cây cọ viền quanh, “bờ bên kia” đột ngột hiện đến giống như một ngọn sóng cưu mang sức mạnh và sự tinh khiết; một làn hương, một cơn gió của cái bao la vô lượng vô biên. Không có cảm thức, ảo tưởng, lãng mạn, tư tưởng mong manh; “bờ bên kia” ở đó, trong sáng và bén nhọn, không một dợn sóng bất trắc, chính xác và khẳng định. Hiện tại linh thiêng, không gì có thể đụng chạm đến nó cũng như bẻ gãy cứu cánh của nó. Trí óc nhận thấy những chiếc xe buýt lướt qua, lòng đường ướt nhẹp và tiếng thắng xe rít lên; nhận biết hết mọi vật này và biển cả ở phía xa, trí óc không dính líu đến chúng mà hoàn toàn rỗng rang, không dây mơ rễ má, quan sát từ cái rỗng rang này, “Bờ bên kia” đè nặng với sự nhấn mạnh bén nhọn. Đây không phải là cảm thức, cũng chẳng phải là cảm giác, nhưng là một sự kiện thực tế, thực như là tiếng gọi của người bộ hành này. Đây không phải là một sự xúc động, xúc động thì có thể biến đổi, tiếp nối, tư tưởng không có lối vào ở đây. Sự hiện diện của “bờ bên kia” có cái tối hậu của sự chết mà không một lý lẽ nào có thể ngăn cản. Vì không dây mơ rễ má, không gì có thể làm ô nhiễm, nên nó bất hoại.

? Ngày 23 ?

Sự im lìm bất động triệt để của trí óc là một điều kì dị; lúc đó trí óc rất ư mẫn tiệp, đầy sức sống mạnh mẽ, nhận biết hết mọi chuyển động bên ngoài, nhưng hoàn toàn yên lặng. Bởi vì trí óc hoàn toàn mở ngõ, thoát khỏi gông cùm xiềng xích, khỏi sự săn đuổi và dục vọng thầm lén; vì được tự do, không bị xung đột, xung đột chủ yếu là một trạng thái đối kháng, nên trí óc tuyệt đối bất động, ở trong trạng thái rỗng rang; cái rỗng rang này không phải là một trạng thái ngoan không, trống trải, đó là năng lượng không có trung tâm, không có biên giới. Bước xuống con đường đầy nghẹt người, nhớp nhúa và bốc mùi khó chịu, trong tiếng xe buýt ồn ào, trí óc nhận thấy sự vật chung quanh và thân thể di động, bén nhạy, nhận biết mùi hôi, sự dơ bẩn, sự có mặt của thợ thuyền nhễ nhại mồ hôi, nhưng nhận biết này không bắt nguồn từ bất cứ một trung tâm quan sát, định hướng hay lý luận nào. Trong suốt cuộc hành trình, trí óc không một chuyển động của tư tưởng hay của cảm thức; không quen với cơn nóng và không khí ẩm, thân thể bắt đầu mỏi mệt, tuy nhiên mặt trời đã lặn một lúc rồi. Đây là một hiện tượng lạ lùng, mặc dù đã xảy ra nhiều lần. Người ta không quen với loại sự thể này, vì chúng không phát xuất từ thói quen, cũng không từ dục vọng. Dù thế nào đi nữa chúng ta cũng vẫn ngạc nhiên.

Phi cơ (đi Madras) đầy khách, ngột ngạt, ngay cả ở độ cao ba ngàn thước trên không, có vẻ như không tươi mát. Và, trong chuyến bay ban sáng này, bỗng nhiên và hoàn toàn bất ngờ, “bờ bên kia” hiện đến. Không bao giờ giống cái cũ, luôn luôn mới mẻ, bất ngờ. Thật lạ lùng, tư tưởng không thể bàn cãi về nó được, xem xét nó, quan sát nó tùy thích. Thiền định không can dự vào, bởi vì mỗi lần nó hiện đến, nó hoàn toàn mới mẻ, và bất chợt đến đỗi nó không để lại một kỉ niệm nào. Đây là một biến cố toàn vẹn và đầy đủ, một biến cố không lưu lại dấu vết trong kí ức, vì thế nó luôn luôn mới mẻ, trẻ trung, làm sửng sốt. Nó hiện đến, trong một vẻ đẹp kì dị, không phải vì hình thể ảo dị của đám mây rực sáng, cũng không phải vì bầu trời vô cùng xanh biếc và êm đềm; không nguyên nhân, không lý lẽ đối với vẻ đẹp khó tả của nó, và đó chính là điều giải thích vẻ đẹp này. Nó là bản chất, không phải của toàn bộ các sự vật được nhìn thấy và cảm nhận, mà là của mọi đời sống đã qua, hiện tại và sắp đến, đời sống vượt thời gian. Nó ở đó và sự có mặt của nó là sức mạnh cực kì của chơn mỹ.

Chiếc xe nhỏ trở về thung lũng, xa rời phố thị và văn minh; xe leo lên những con đường nhỏ dằn xóc đầy ổ gà rải rác, quẹo nhiều khúc quanh gắt, rên rỉ và đay nghiến, nhưng vẫn chạy trên đường; xe không cũ lắm, nhưng đã được ráp không kĩ lưỡng, xe bốc mùi xăng dầu và gấp rút phóng nhanh hết sức mình về phía chuồng ngựa, dù đường có rải nhựa hay không. Đồng quê thật là tuyệt đẹp; trời đã mưa đêm qua. Những cây me, cây đa, vô số những cây khác đều tràn đầy sức sống, cành lá của chúng quá xanh và mướt, dù một số chắc đã già cỗi. Các ngọn đồi đất đỏ không có gì là cực kì, chúng dịu dàng và xưa cũ, có lẽ già nhất trên quả đất này, êm ả trong ánh nắng chiều, và vì thế chúng có sắc xanh lam, cũ kĩ thấy rõ ở một vài ngọn đồi. Một số ngọn đồi nổi đá, khô cằn, và những đồi khác đầy bụi rậm hoặc mọc lên vài cội cây, nhưng tất cả đều thân thiện, chúng như là chứng nhân của mọi đau khổ. Và mặt đất dưới chân đồi màu đỏ, mưa làm đất đỏ thêm; không phải là màu đỏ của máu, của mặt trời hoặc màu nhân tạo, nhưng là màu đỏ của tất cả màu đỏ, tươi sáng và tinh túy đến đỗi làm cho màu xanh chiếu sáng hơn. Một buổi chiều tuyệt vời, không khí tươi mát vì chúng tôi ở độ cao.

Trong ánh sáng ban chiều, khi màu xanh lam của những ngọn đồi trở nên xanh lam hơn, màu đỏ của đất trở nên đậm đà hơn, “bờ bên kia” xuất hiện trong lặng lẽ với phép lành. Mỗi lần đều mới mẻ một cách tuyệt diệu, tuy nhiên vẫn luôn luôn là một. Hằn dấu một sức mạnh vô song, sức mạnh của hủy diệt, của tổn thương. Đến trong sự toàn vẹn và đi nhanh như tia chớp; khoảnh khắc vượt ngoài thời gian. Một ngày thật mệt nhọc, nhưng trí óc mẫn tiệp một cách lạ lùng và tự quán chiếu, không có người quan sát can dự; quán chiếu không xuất xứ từ kinh nghiệm mà từ cái không.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. SỐNG LÀ QUAN SÁT LẮNG NGHE
  2. ĐÁNH CHUÔNG ĐỂ THỂ NGHIỆM TÍNH THƯỜNG TRỤ
  3. NƠI TƯ TƯỞNG CHẤM DỨT

Bài viết khác của tác giả

  1. TÔI KHÔNG BIẾT
  2. BÀI CA VỀ CÁI THÂN YÊU
  3. TÌNH YÊU LÀ THỰC TẠI

Bài viết mới

  1. KIÊN TRÌ ĐẾN LÚC THÀNH CÔNG
  2. BẢN TÁNH TỐI HẬU CỦA TÂM
  3. BA CON ĐƯỜNG