SỰ TĨNH LẶNG CỦA TÂM

SHUNRYU SUZUKI

Nguồn: “Không Hẳn Luôn Như Thế”, Viên Chiếu dịch

[Shunryu Suzuki (1904 – 1971)]

Shunryu Suzuki thường được gọi là Suzuki Roshi (1904 – 1971) là một thiền sư Sōtō và giáo viên đã giúp phổ biến Phật giáo Thiền ở Hoa Kỳ, và nổi tiếng với việc thành lập tu viện Phật giáo đầu tiên bên ngoài châu Á (Trung tâm Thiền Tassajara Zen). Suzuki thành lập Trung tâm Thiền San Francisco, cùng với các đền thờ liên kết, bao gồm một trong những tổ chức Thiền có ảnh hưởng nhất tại Hoa Kỳ.

?????

 

 

 

Sự tĩnh lặng của tâm vượt trên sự chấm dứt hơi thở ra, vậy nếu bạn thở ra một cách đều nhẹ, không cố gắng, bạn bước vào sự tĩnh lặng của tâm hoàn toàn.

Chỉ quản đả tọa, lối tọa thiền của chúng ta, là trở thành chính mình. Khi không mong cầu bất cứ gì, chúng ta có thể là chính mình. Đó là cách chúng ta sống tròn đầy trong từng khoảnh khắc. Việc tu tập này tiếp tục mãi mãi.

Chúng ta nói, ‘mỗi khoảnh khắc’, nhưng khi thực sự tu tập, mỗi khoảnh khắc cũng rất dài vì trong khoảnh khắc đó, tâm của bạn đã chú theo hơi thở. Ngay trong một búng tay, có hằng triệu niệm. Như thế chúng ta có thể nhấn mạnh sự hiện diện trong mỗi niệm. Rồi tâm của bạn sẽ rất yên lặng.

Vậy trong thời khóa hằng ngày, cố gắng ngồi chỉ quản đả tọa, không cử động, không mong cầu bất cứ gì, như thể chúng ta đang sống trong niệm cuối cùng. Từng niệm từng niệm, đều là niệm cuối cùng. Trong một hơi thở ra vào, có vô số niệm.

Mục đích của bạn là sống trong mỗi niệm.

Trước hết tập thở ra một cách đều nhẹ, rồi thở vào. Sự tĩnh lặng của tâm vượt khỏi sự chấm dứt hơi thở ra, vậy nếu thở ra một cách đều nhẹ, không cố gắng, bạn bước vào sự tĩnh lặng của tâm hoàn toàn. Bạn không còn tồn tại nữa. Khi bạn thở ra theo cách này, thì hơi thở vào tự nhiên sẽ bắt đầu từ đó. Tất cả nhựa sống tươi mát của mọi vật từ bên ngoài thâm nhập khắp thân bạn. Bạn sẽ hoàn toàn khỏe khoắn. Rồi bạn bắt đầu thở ra, mở rộng cảm giác tươi mát đến (hư) không. Cứ từng khoảnh khắc, không cố gắng làm bất cứ gì, bạn tiếp tục chỉ quản đả tọa.

Mục đích của bạn là sống trong mỗi niệm.

Chỉ quản đả tọa hoàn toàn thì có lẽ khó, vì khi ngồi kiết già bạn sẽ đau chân, nhưng cả khi đau chân, bạn vẫn có thể tu tập. Dù tu tập không đủ tốt, bạn vẫn có thể làm được. Hơi thở của bạn sẽ dần dần biến mất, tan dần đến không. Hơi thở vào không cố gắng, sẽ trở lại chính bạn một cách tự nhiên với chút hình thể và màu sắc. Hơi thở ra, bạn biến dần đến không – tờ giấy trắng, trống không. Đó là chỉ quản đả tọa. Điểm quan trọng là hơi thở ra. Thay vì cố nhận ra mình như trong khi thở vào, bạn tan dần đến không khi thở ra. Nếu chúng ta thực tập như thế trong giây phút cuối cùng của mình, ta sẽ không còn sợ hãi nữa. Bạn thật sự hướng vào không. Bạn trở nên một với mọi vật sau khi thở ra hoàn toàn với ý nghĩa này. Nếu vẫn còn sống, tự nhiên bạn sẽ thở vào lại. ‘Ồ! Tôi vẫn còn sống! May mắn hay bất hạnh!’ Rồi bạn bắt đầu thở ra và nhạt dần đến không. Có thể tất cả chúng ta chưa biết được cảm giác này. Nhưng một vài người trong chúng ta đã từng cảm nhận nó. Và sẽ có dịp tất cả chúng ta sẽ chứng nghiệm được cảm giác này.

Khi tu tập như thế, bạn không thể dễ giận dữ. Khi bạn quan tâm hơi thở vào hơn hơi thở ra, bạn hoàn toàn dễ nổi giận. Bạn luôn luôn cố gắng để được sống. Ngày nọ, bạn tôi bị đau tim, và ông ta chỉ có thể thở ra, không thể thở vào. Ông ta nói, ‘Đó là một cảm giác kinh khủng’. Vào lúc đó, nếu tu tập thở ra hướng về không như chúng ta, thì tôi nghĩ ông ta không có cảm giác xấu thế.

Niềm vui lớn đối với chúng ta là thở ra quan trọng hơn thở vào. Khi bạn tôi ráng giữ hơi thở vào, ông ta nghĩ mình không thể thở vào nữa. Nếu ông ta có thể thở ra một cách nhẹ nhàng và hoàn toàn, thì tôi nghĩ hơi thở vào sẽ đến dễ hơn.

Chăm sóc hơi thở ra rất quan trọng. Chết thì quan trọng hơn cố để sống. Khi chúng ta cố sống, chúng ta gặp phiền phức. Nếu chúng ta có thể yên lặng và chết, hay mờ dần đến không, thì tốt hơn cố sống và hoạt động, rồi thì tự nhiên chúng ta sẽ được ổn thỏa. Đức Phật sẽ chăm sóc chúng ta. Vì mất sự bảo bọc của cha/mẹ mình, chúng ta không cảm thấy như con của ông/bà nữa. Mờ dần đến không, như thể đang sống trong lòng cha/mẹ và chúng ta cảm thấy ông/bà sẽ săn sóc mình. Từng khoảnh khắc, đừng bỏ mất sự tu tập chỉ quản đả tọa này.

Nhiều pháp môn tu tập đều bao gồm trong điểm này. Khi người ta nói, ‘Nam mô A-di-đà Phật, nam mô A-di-đà Phật’, họ muốn là con của Phật. Đó là lý do họ niệm danh hiệu Phật A-di-đà. Lối hành thiền của chúng ta cũng thế. Nếu chúng ta biết cách tu chỉ quản đả tọa, và nếu họ biết cách niệm danh hiệu Phật A-di-đà, thì không thể khác nhau.

Thế rồi chúng ta có niềm vui, chúng ta tự do. Chúng ta tự do thể hiện chính mình, vì chúng ta mờ dần đến không. Khi chúng ta đang cố để hoạt động và đặc biệt để hoàn thành việc gì, chúng ta không thể biểu hiện chính mình. Cái ngã nhỏ bé sẽ được thể hiện, nhưng đại ngã từ không sẽ không xuất hiện. Từ cái không, chỉ có ngã vĩ đại xuất hiện. Đó là chỉ quản đả tọa, đồng ý chứ? Điều đó không khó lắm nếu bạn thực sự cố gắng.

Cám ơn các bạn rất nhiều.

 

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. MỞ RỘNG TÂM ĐỂ THẤY MỌI VIỆC NHƯ-NÓ-ĐANG-LÀ
  2. KHÔNG CÓ GÌ LÀ ĐẶC BIỆT
  3. CHUYỂN NGHIỆP

Bài viết mới

  1. HÌNH ẢNH CỦA CHÍNH MÌNH – ĐỜI THAY ĐỔI KHI TA THAY ĐỔI
  2. TÂM TA TẠO NÊN TOÀN BỘ THẾ GIỚI
  3. DANH NGÔN VỀ SỰ THÔNG MINH