SỰ TOẠI NGUYỆN, NIỀM VUI VÀ SỐNG ĐẸP

HH. DALAI LAMA XIV

Trích: Trí Huệ Ngời Sáng Trong Cuộc Sống; NXB Lao Động

Sự thật cơ bản là hết thảy các loài có tri giác, nhất là con người, đều muốn có hạnh phúc và không muốn có đau đớn cũng như thống khổ. Chính trên những cái nền như vậy, chúng ta có quyền để được hạnh phúc cũng như sử dụng những phương pháp hoặc phương tiện khác nhau để vượt qua khổ não và đạt được cuộc sống hạnh phúc. Việc suy nghĩ thấu đáo về các hệ quả tiêu cực lẫn tích cực của phương pháp này quả là một chuyện đáng làm. Bạn nên hiểu rằng có những khác biệt giữa lợi ích cũng như hệ quả trước mắt và lâu dài – và lợi ích lâu dài thì quan trọng hơn. Đạo Phật thường nói rằng, chẳng có gì là tuyệt đối, và vạn sự vạn vật đều là tương đối cả. Do đó, chúng ta phải phán xét theo những hoàn cảnh như vậy.

Các kinh nghiệm và cảm xúc của chúng ta chủ yếu đều liên quan đến tâm hồn và thể xác. Chúng ta biết từ kinh nghiệm thường nhật rằng hạnh phúc tinh thần là hữu ích. Chẳng hạn, hai người cùng đứng trước một bi kịch như nhau, nhưng một người có thể đối diện với nó một cách dễ dàng hơn so với người kia chính là bởi thái độ tinh thần của người đó.

Tôi tin rằng nếu ai đó thật sự mong muốn có một cuộc sống hạnh phúc, thì điều hết sức quan trọng chính là phải theo đuổi 2 phương diện ngoại vi lẫn nội tại. Nói một cách khác, là phải phát triển cả tinh thần lẫn vật chất. Người ta cũng có thể nói “phát triển tâm linh”, nhưng khi nói hai chữ “tâm linh”, tôi không nhất thiết có ý muốn chỉ bất kỳ đức tin, tôn giáo nào mà muốn nói đến những phẩm chất tốt đẹp của con người. Đó là: lòng nhân ái, sự đồng cảm, sự chân chất, sự trì giới và trí thông minh của con người dưới sự dẫn dắt đúng đắn của động cơ tốt. Hết thảy chúng ta sinh ra đều đã có những phẩm chất ấy chứ không phải về sau này trong cuộc sống mới có.

Là con người, hết thảy chúng ta đều có khả năng như nhau, trừ phi có một chức năng nào đó của não bị trì trệ. Bộ não tuyệt vời của con người là nguồn cội của sức mạnh, nguồn cội của tương lai nếu chúng ta biết dùng nó đúng hướng. Nhưng nếu sử dụng trí não xuất chúng của con người một cách không đúng chỗ, thì điều đó quả thật là một tai họa.

Tôi nghĩ con người là loài hữu cảm siêu việt nhất trên hành tinh này. Con người không những có khả năng tạo nên cuộc sống hạnh phúc cho chính mình, mà còn có thể giúp đỡ cho cả chúng sinh. Chúng ta có khả năng sáng tạo một cách tự nhiên, và quả thật để nhận chân ra điều này là rất quan trọng.

Với sự nhận rõ ra khả năng cũng như sự tự tin ở khả năng của mình, người ta có thể xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn. Theo kinh nghiệm riêng của tôi, tự tin là điều hết sức quan trọng. Tự tin không có nghĩa là tin vào khả năng của mình một cách mù quáng, mà là hiểu rõ về khả năng của chính mình. Trên cơ sở đó, con người có thể tự biến đổi mình bằng cách làm tăng thêm phẩm chất tốt đẹp và giảm bớt các mặt xấu kém đi.

Lời dạy cơ bản của Đức Phật chính là lời dạy của Ngài về Bốn chân lý cao cả (Tứ diệu đế). Nguyên lý nền tảng của lời dạy này chính là nguyên lý phổ quát nhân quả. Điều quan trọng để hiểu được lời dạy này chính là sự hiểu rõ chính thực về các khả năng của mình và nhu cầu sử dụng triệt để chúng. Nếu nhìn dưới sự sáng suốt như vậy, mọi hành động của con người đều trở nên có ý nghĩa cả.

Tôi tin rằng, trí não và lòng từ bi của con người, trong tự tính của chúng ta đã có một sự cân bằng nào đó. Đôi lúc, khi lớn lên, chúng ta có thể quên đi lòng từ bi và đơn thuần chỉ tập trung vào trí não mà thôi. Vì ta đã đánh mất đi sự công bằng này, chính từ đó mà tai họa và những điều không may xảy đến.

Nụ cười là một đặc trưng hết sức quan trọng trên gương mặt con người. Thế nhưng, do trí năng, mà ngay cả cái phần tốt đẹp ấy trong tự tính của con người cũng có thể bị sử dụng một cách không đúng. Chẳng hạn những nụ cười kiểu mỉa mai, khinh khi hay những nụ cười có tính chất xã giao, vốn chỉ có tác dụng tạo nên sự nghi ngờ mà thôi. Tôi cảm thấy rằng một nụ cười chân thật, dễ mến là rất quan trọng trong cuộc sống thường nhật của chúng ta. Chuyện làm thế nào để có được nụ cười như thế phần lớn tùy thuộc vào thái độ của chính người đó. Chuyện chờ đợi người khác cười trong khi chính bản thân mình lại không cười thì thật là phi lý hết sức. Do đó, chúng ta có thể thấy rằng có rất nhiều điều tùy thuộc vào cách xử sự của chính chúng ta.

Điều quan trọng nhất là hãy sử dụng trí thông minh và óc suy xét của con người, biết nghĩ đến các lợi ích, vì hạnh phúc trước mắt và lâu dài. Đến một mức nào đó, chính bản thân chúng ta sẽ trở thành người hướng dẫn tuyệt vời nhất. Chẳng hạn, nếu có thức ăn nào khiến bạn khó chịu cả ngày trời, sau đó bạn sẽ không còn muốn ăn món đó nữa. Dường như, đến một giai đoạn nào đó, chính bản thân chúng ta cũng có thể nói cho chúng ta biết điều gì là thích hợp cho hạnh phúc cũng như sự an lạc, còn điều gì thì không.

Đôi lúc trí lực của bạn có thể chống đối lại sự ái dục trước mắt bạn, bởi nó có thể nhận biết trước các hệ quả về lâu về dài. Do đó, vai trò của trí lực chính là xác định khả năng tiêu cực lẫn tích cực của một biến cố hay yếu tố, những điều vốn có thể mang lại những kết quả tích cực lẫn tiêu cực. Vai trò của trí lực, trong sự ý thức đầy đủ rằng trí lực có được là từ giáo dục, chính là phán đoán và qua đó tận dụng khả năng cho lợi ích hay sự an lạc của chính người đó.

Nếu khảo sát tâm giới, chúng ta sẽ thấy rằng có đủ loại tâm tố mang những khía cạnh tích cực và tiêu cực. Chẳng hạn, chúng ta có thể nhìn thấy hai loại hoàn toàn giống nhau: một là sự tự tin và cái kia là sự ngạo mạn, tự cao tự đại. Cả hai đều giống nhau ở chỗ chúng đều nâng cao trạng thái tinh thần của con người lên, một điều vốn mang lại cho bạn lòng tin và sự quả quyết. Thế nhưng, sự ngạo mạn và lòng tự cao tự đại có khuynh hướng dẫn đến những hệ quả tiêu cực hơn, trong khi sự tự tin lại có khuynh hướng đưa người ta đến những hệ quả tích cực.

Tôi thường hay phân biệt giữa các dạng tự ngã (cái tôi) khác nhau. Có một loại tự ngã là sự ái kỷ, luôn kiếm lợi ích nào đó cho chính mình, bất kể đến quyền lợi của người khác. Đây là một tự ngã tiêu cực. Còn một loại tự ngã khác thì nói rằng, “Tôi phải là một con người tốt. Tôi phải phục vụ. Tôi phải có trách nhiệm đầy đủ.” Cảm giác mạnh mẽ về “cái tôi” đó khác hẳn với một số cảm xúc tiêu cực của sự ái kỷ.

Chính vì thế mà hai loại “cái tôi”, và trí tuệ cũng có sự phân biệt. Tương tự như vậy, chúng ta phải phân biệt được giữa sự khiêm tốn chân thật và sự thiếu tự tin. Người ta có thể ngộ nhận, bởi cả hai đều thuộc vào những sự hành tâm mang tính hơi nhún nhường, nhưng một mang tính chất tích cực, còn một mang tính chất tiêu cực.

Có lòng dục ái tích cực lẫn lòng dục ái tiêu cực. Chẳng hạn, kinh tạng Phật giáo Đại thừa đều nói đến hai sự dục ái. Một là lòng mong muốn được giúp ích cho hết thảy chúng sinh và hai là lòng mong muốn thấu triệt, chứng ngộ được Phật tính vì mục đích trên. Nếu không có hai lòng dục ái này, chuyện thấu triệt được Phật tính là điều không thể có được. Thế nhưng, cũng có những điều tiêu cực phát sinh từ lòng dục ái. Liều thuốc chữa trị cho lòng ham muốn tiêu cực này chính là biết toại ý. Luôn luôn có những cực đoan, nhưng con đường trung đạo là con đường thích hợp.

Sự biết toại ý là yếu tố then chốt để đạt được hạnh phúc. Sức khỏe, tiền tài và bằng hữu là ba yếu tố của hạnh phúc. Sự biết toại ý là chìa khóa xác định kết quả các mối quan hệ của bạn đối với ba yếu tố kia.

Khi thái độ của bạn đối với tiền tài và sự giàu có không đúng đắn, nó có thể dẫn đến một sự ái thủ cực đoan hướng về tài sản, nhà cửa cùng những thứ thuộc về bạn. Điều này có thể dẫn đến việc bạn không còn khả năng biết thế nào là đủ nữa. Nếu điều đó xảy ra, người ta sẽ luôn rơi vào tâm trạng bất mãn, luôn muốn có thêm nữa. Về mặt nào đó, khi ấy, người ta thật sự trở nên nghèo, bởi nỗi khổ của cái nghèo chính là nỗi khổ muốn cái gì đó mà cảm thấy mình không có.

Bây giờ, khi chúng ta nói về sự thụ hưởng hay lòng dục ái và hạnh phúc vật chất, kinh Phật thường đề cập đến năm giềng mối gây nên lòng dục ái: hình thể (sắc), âm thanh (thanh), mùi (hương), vị (vị) và cảm giác (xúc). Những giềng mối thụ hưởng này có làm nảy sinh hạnh phúc, sự toại ý và mãn nguyện hay không, hay lại dẫn đến sự phiền não và bất mãn. Tất cả đều phụ thuộc phần lớn vào việc bạn áp dụng trí năng của bạn ra sao. Cách xử sự của chúng ta trong cuộc sống hàng ngày chính là chìa khóa trong việc xác định xem những điều này có thật sự mang lại sự hài lòng đích thực, lâu bền hay không. Đa phần tùy thuộc vào thái độ của chính chúng ta. Và về phần này, động lực chính là điểm then chốt.

Trong kinh Phật, cuộc sống của con người được xem như một dạng thuận lợi của sự hiện hữu hay tái sinh. Có những yếu tố khác nhau có thể bổ túc cho sự hiện hữu thuận lợi với tư cách một con người, như việc có một cuộc sống thọ, khỏe mạnh, của cải vật chất và tài hùng biện, sao cho người ta có thể tương liên với người khác một cách có lợi hơn. Thế nhưng, việc những điều kiện này dẫn đến một sự hiện hữu có ích hay có hại hơn tùy thuộc rất nhiều vào việc bạn sử dụng chúng ra sao, và việc bạn có biết sử dụng đến tuệ căn của mình hay không.

Giáo lý Phật giáo có nói đến sự thực hành Sáu Hạnh (Lục độ). Chẳng hạn, trong trường hợp người ta có được tiền tài, thì theo Phật giáo, sự hỉ xả và hành động bố thí được xem như cái nhân của sự giàu có. Thế nhưng, để thực hành được các hạnh hỉ xả và bố thí thành công, người ta trước tiên phải có sự giới hạnh khang kiện. Và sự giới hạnh đó chỉ có thể nảy sinh nếu như người ta có khả năng để chịu đựng được những gian khó khi phải đối mặt với chúng. Vì lẽ đó, bạn cũng cần phải có một mức độ nỗ lực vui vẻ nào đó.

Để thực hành thành công sự nỗ lực vui vẻ, người ta phải có khả năng tập trung, chuyên quán vào các biến cố, hành động hay mục tiêu. Điều này, đến phiên nó, tùy thuộc vào việc bạn có khả năng thực hành năng lực suy xét của mình hay không, để xét đoán xem cái gì là đáng mong muốn và cái gì là không đáng mong muốn, cái gì là tiêu cực và cái gì là tích cực.

Trong cuộc sống thường nhật của mình, chúng ta sẽ thực hiện ra sao những nguyên lý làm nền cho sự thực hành Sáu Hạnh? Phật giáo khuyên người ta hãy sống một cuộc đời theo nề nếp đạo đức là quán sát những gì được mệnh danh là Thập giới, tức sự tránh xa mười hành động tiêu cực. Phần lớn những điều trong Thập giới đều là những giới hết sức phổ biến trong tất cả các truyền thống tôn giáo. Chúng được xem như tiêu cực hay những điều không cần thiết cho xã hội, bất kể chúng được nhìn dưới góc độ tôn giáo nào.

Hành vi tốt là một cách thức qua đó cuộc sống trở nên có ý nghĩa hơn, có tính chất xây dựng hơn và an bình hơn. Điều này có được đa phần tùy thuộc vào cách xử sự cũng như thái độ tinh thần của chính chúng ta.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. TÌNH YÊU THƯƠNG GIỐNG NHƯ MỘT VIÊN NGỌC QUÝ
  2. MỘT ĐẦU ÓC UYỂN CHUYỂN
  3. KHÁM PHÁ NHỮNG GÓC NHÌN MỚI

Bài viết mới

  1. KIÊN TRÌ ĐẾN LÚC THÀNH CÔNG
  2. BẢN TÁNH TỐI HẬU CỦA TÂM
  3. BA CON ĐƯỜNG