SỰ VẬT HIỆN TƯỢNG ĐÚNG NHƯ TRONG TÂM ĐÃ NGHĨ

INAMORI KAZUO

Trích: Thách Thức Từ Con Số 0; Đào Thị Hồ Phương dịch; NXB Lao Động.

Khơi dậy tiềm thức

Những vấn đề nan giải, đường lối, chiến lược và cách thức kinh doanh… là điều mà bất cứ nhà kinh doanh nào cũng sẽ phải đối diện. Những lúc như vậy, bạn có thể đắm mình trong các vấn đề bất kể ăn cũng như ngủ, liên tục suy nghĩ về nó, đây cũng là một điểm mốc để đạt được thành công.

Nếu trong đầu luôn không ngừng suy nghĩ về điều muốn làm thì trong não chúng ta sẽ hình thành một nguồn năng lượng ở dạng tiềm ẩn trong bán cầu não. Nguồn năng lượng này dần dần ngấm sâu và lan rộng tới các tế bào, các nơ-ron thần kinh và lưu trữ trong đầu chúng ta dưới dạng ý thức tiềm ẩn, gọi là tiềm thức. Chính vì vậy, ngay cả lúc rảnh rỗi, nhàn hạ nhất, chúng ta cũng nên tiếp tục suy nghĩ, suy nghĩ không ngừng về điều chúng ta muốn, dự định làm và cả những khó khăn đang cần tìm cách giải quyết. Nếu làm như vậy, đến thời điểm nào đó, nguồn năng lượng được tích trữ ấy bùng nổ thì chắc chắn sẽ đạt hiệu quả, có sức “công phá” lớn, nghĩa là đạt được thành công lớn.

Theo các nhà tâm lý học, nguồn năng lượng của tiềm thức lớn hơn rất nhiều lần so với nguồn năng lượng do chúng ta ý thức. Điều này được rút ra từ những cuộc thí nghiệm tâm lý học qua việc thực hiện thôi miên một người nào đó. Kết quả cho thấy có nhiều trường hợp cho dù nhận biết rõ mình bị thôi miên nhưng họ vẫn nói chuyện như mình không biết. Đó là do tiềm thức đã điều khiển hành vi của họ. Ngay trong thực tế cuộc sống của chúng ta thì đa số các hoạt động đều chịu sự điều khiển của tiềm thức chứ không phải là ý thức.

Ví dụ như khi chúng ta lái xe hơi. Lúc đầu, chúng ta sẽ lái một cách rất cẩn thận trong từng thao tác một “đạp thắng bằng chân trái đồng thời dùng tay trái để điều khiển vô lăng…”(người Nhật lái xe bên trái nên vô lăng bên trái và đạp thắng ở bên trái là bên thuận), tiếp theo chúng ta sẽ đạp thắng lùi từ từ về phía sau… Đây là do ý thức điều khiển khiến chúng ta cố gắng tập trung và làm như thế. Nhưng nếu quen với việc đó rồi thì sẽ không có sự tập trung đến mức căng thẳng như vậy nữa. Khi đó chúng ta có thể vừa lái xe một cách thong dong, nhẹ nhàng, vừa có thể suy nghĩ việc khác. Hoạt động như thế là do tiềm thức điều khiển. Tuy nhiên, để có thể đạt được sự “thong dong” như thế này thì cần một quá trình rèn luyện một cách có ý thức. Nói cách khác, để khiến cho tiềm thức hoạt động thì phải làm sao để những suy nghĩ hoặc cảm xúc mãnh liệt thâm nhập vào vùng tiềm thức. Nói cho dễ hiểu thì trong những tình huống đòi hỏi sự xử lý mà nếu chúng ta không cố gắng động não với một quyết tâm cao mà chỉ suy nghĩ một cách hời hợt thì chắc chắn không thể nào giải quyết. Do chính chúng ta hời hợt, vô tâm gì chúng ta đã và đang nghĩ sẽ dễ dàng như theo gió bay đi, khó mà lưu trữ được trong bộ nhớ. Đó là lý do nhiều khi chính chúng ta cũng quên mất việc chúng ta luôn và định làm gì. Do vậy, cần tập rèn luyện củng cố thói quen “tự kỷ ám thị” này, nghĩa là luôn suy nghĩ về điều mình cần và muốn làm một cách thường xuyên.

Việc có thể nhìn thấy

Tôi thường nói với nhân viên rằng: “Nếu muốn thành công, tôi hi vọng các bạn phải luôn giữ trong mình “ngọn lửa” của niềm đam mê. Bằng cách làm như vậy, điều mình mong muốn sẽ thâm nhập một cách tự nhiên vào tiềm thức, và đến một lúc nào đó nó sẽ “bừng tỉnh”, thôi thúc chúng ta hành động và thành công”.

Để đạt được thành công, đặc biệt trong lĩnh vực mới thì chắc chắn gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy chúng ta phải có tâm thế chuẩn bị trước bằng cách dự đoán xem có thể xảy ra những khó khăn gì nếu tiến hành việc đó. Những tình huống gặp phải chắc chắn sẽ rất đa dạng, do vậy chúng ta cũng cần vạch ra những kế hoạch và phương án linh hoạt có tính dự phòng (Kế hoạch A sẽ có phương án A1, A2, A3). Dĩ nhiên trong quá trình triển khai thực tế có thể xảy ra những tình huống mà chúng ta không dự liệu trước được. Nhưng dựa trên những hiểu biết nền tảng, ta sẽ ít nhiều có thể thay đổi cho phù hợp. Trong những tình huống bất ngờ ngoài dự tính như vậy, chúng ta cần nhìn lại toàn bộ quá trình từ lúc khởi đầu và cố gắng tìm xem đâu là mấu chốt của vấn đề. Để có thể thông suốt thì cần sự nhẫn nại, nghĩa là phải làm sao “nhìn cho ra”, nhìn cho thấy được bản chất của vấn đề. Mọi sự vật hiện tượng có vẻ đa dạng, phức tạp nhưng đều có chung một đặc điểm cơ bản hoặc nét tương đồng nào đó. Trong lĩnh vực kinh doanh cũng vậy. Tôi nghĩ rằng dựa trên một công thức chung chuẩn, nó vẫn có thể có hiệu quả nếu chúng ta biết vận dụng một cách linh hoạt. (Chẳng hạn như trường hợp kinh doanh của công ty Kyocera sau đó đổi sang hình thức Amoeba mà tôi đã đề cập đến). Thành công như viên ngọc được ẩn giấu sâu ở một nơi nào đó, nếu chúng ta có công tìm thì chắc chắn sẽ thấy. Để có thể nhìn thấy tận mắt thành công thì không còn cách nào khác là nỗ lực, nỗ lực và nỗ lực không ngừng.

Tâm lương thiện sẽ mang đến may mắn

Cũng có nhiều người có năng lực, cũng chịu khó làm việc nhưng thành tích không được bao nhiêu. Quan sát thử những người đó thì tôi thấy rằng đó là do đa số họ chỉ cho bản thân hoặc có suy nghĩ sai lầm, nói cách khác đó là tâm họ bị vẩn đục, không trong sáng, lương thiện.

Như tôi đã đề cập ở phần trước, một trong những yếu tố dẫn đến thành công đó là phải có ý chí nỗ lực không ngừng. Nhưng chỉ điều này thôi thì chưa đủ, cũng cần có một tâm hồn đẹp, lương thiện, không bị vẩn đục, nói cách khác đó phải là người không tư lợi cá nhân, biết vì người khác.

Một số người khi làm kinh doanh sẽ đặt mục tiêu lợi nhuận lên hàng đầu. Họ luôn tự nhủ “mình phải làm mọi cách để đạt mục tiêu tăng lợi nhuận”, “cho dù khó khăn đến đâu nhưng bằng cách nào đó mình cũng sẽ làm được”… Nhìn thoáng qua, họ có quyết tâm có vẻ là tốt nhưng như tôi đã phân tích ở trên, cái gì quá mức cũng đều không tốt. Sự quyết tâm, nhiệt tình quá mức trong trường hợp này nhiều khi có tác dụng ngược, nghĩa là nếu không đạt được mục tiêu (do khó khăn a, b,c…) thì người đó có thể rơi vào tình trạng buồn chán, thậm chí trầm uất. Chưa kể, cũng có người vì để đạt được mục tiêu là lợi nhuận nên có những hành động (làm hàng kém chất lượng…), hoặc là có suy nghĩ (nếu kiếm được nhiều lợi nhuận thì mình cũng có nhiều tiền chơi bời, tiếu xài) không tốt… Đây là lối suy nghĩ cực đoan, chỉ biết nghĩ đến lợi ích cá nhân.

Không chỉ trong kinh doanh mà ngay cả trong cuộc sống hằng ngày, mỗi cá nhân chúng ta cần phải tự hỏi bản thân về điều mình muốn làm và nên làm. Sau đó, trong quá trình thực hiện, phải tự xem xét lại coi điều đó là đúng hay sai, là phù hợp hay không với tiêu chuẩn đạo đức chung và “đạo đức” lương tâm của mình. Nếu để tâm bị vẩn đục, háo danh, hám lợi thì chắc chắn không thể đạt được thành công.

Cách sống thuận theo quy luật của vũ trụ

Vũ trụ này chi phối và điều khiển sự vận hành của mọi vật nên tôi nghĩ rằng nếu cách nghĩ và cách sống của chúng ta thuận theo đó thì nhất định mọi việc đều thuận lợi. Cách suy nghĩ này của tôi liên quan đến một học thuyết trong vật lý, Học thuyết về sáng tạo vũ trụ và thế giới, đó chính là Thuyết Big Bang. Học thuyết này cho rằng cách đây khoảng 140 tỷ năm, vũ trụ đã được hình thành sau một cú va chạm mạnh của các nguyên tử, và vũ trụ hiện tại tiếp tục lớn dần lên.

Theo Thuyết Big Bang, sau cú va chạm cực mạnh đó, các hạt nguyên tử đã được hình thành và kết dính lại với nhau, sau đó các hạt proton, neutron, meson được sinh ra và hình thành nguyên tử hạt nhân, bao vây xung quanh các nguyên tử hạt nhân là các electron và hình thành nên nguyên tử. Hơn nữa, các nguyên tử kết hợp với nhau tạo ra phân tử, phân tử kết hợp với nhau tạo ra cao phân tử, từ các cao phân tử sinh ra các hình thức của sự sống. Các hình thức của sự sống này tiến hóa không ngừng và lặp đi lặp lại theo một chu trình và chính điều tuyệt vời này đã tạo nên vũ trụ.

Cũng theo Thuyết Big Bang, vũ trụ cũng không ngừng vận động và biến đổi và sau khi hình thành thì đã sinh ra mọi vật như cỏ, cây, sông, núi… Những hạt cơ bản (proton, neutron, meson) thì vẫn tồn tại nhưng chúng cũng chịu sự chi phối của vũ trụ nên hạt cơ bản biến đổi thành nguyên tử, nguyên tử biến đổi thành phân tử, phân tử biến thành cao phân tử, cao phân tử biến chuyển thành các hình thức của sự sống… Ngày nay, quy luật biến hóa tuần hoàn này vẫn tiếp tục thay đổi như vậy. Như vậy, có thể thấy mọi sự vật hiện tượng đều sinh ra, phát triển và bị chi phối bởi quy luật của vũ trụ. Vũ trụ như bà mẹ của muôn loài. Do vậy, “bà mẹ” này có quyền “cai trị”, tôi gọi đó là “nhiếp chính” của vũ trụ, của tạo hóa, hoặc có thể nói vũ trụ dùng “ý chí” của mình để vận hành mọi sự vật hiện tượng. Với vai trò là “bà mẹ” có quyền năng “tối cao” như thế, cho nên mọi sự vật hiện tượng phải tuân theo, thuận theo “ý chí” của “bà mẹ” này. Tức là sự thay đổi, biến hóa, phát triển của tất cả đều là tự nhiên. Do vậy, để đạt được thành công thì cách suy nghĩ và công việc của chúng ta cũng không thể nằm ngoài quy luật “thuận theo tự nhiên”, theo luật của vũ trụ được. Người ta nói “Hợp Thuận theo ý trời” là như thế, nghĩa là nếu làm điều tốt, điều thiện thì sẽ được báo đáp, ngược lại, nếu làm điều không tốt, điều xấu thì chắc chắn sẽ gánh chịu những điều tương ứng.

Vậy để có thể hòa chung vào dòng chảy vận động, biến đổi và phát triển của vũ trụ thì điều chúng ta phải làm là gì? Đạo Kitô thì dạy đó là chữ “Ái”, có nghĩa là yêu thương, đạo Phật thì dạy đó là “Từ bi, bác ái”, nói ngắn gọn đó là một tâm hồn đẹp, trong sáng, lương thiện.

Bài viết này đã đóng bình luận.


Bài viết khác của tác giả

  1. PHẢI THÀNH THẬT: THEO ĐUỔI NHỮNG GÌ ĐÚNG ĐẮN MỘT CÁCH ĐÚNG ĐẮN
  2. QUY LUẬT CUỘC ĐỜI – CHỈ CÓ TRONG ĐỜI NHỮNG THỨ MÌNH MUỐN CÓ
  3. NỀN VĂN MINH VỊ THA SẼ NỞ HOA KHI LOÀI NGƯỜI TỈNH NGỘ

Bài viết mới

  1. LÀM THẾ NÀO ĐỂ PHÁT KHỞI LÒNG SÙNG MỘ
  2. QUẢN LÝ NĂNG LƯỢNG THAY VÌ THỜI GIAN CỦA BẠN
  3. KIÊN TRÌ ĐẾN LÚC THÀNH CÔNG